Tác giả Nguyễn Công Trứ

Tác giả Nguyễn Công Trứ

Mời các bạn học sinh tham khảo thêm tài liệu:

Tác giả Nguyễn Gia Thiều

Cụ Nguyễn Công Trứ (1778-1858), tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu là Hi Văn, người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, tư chất thông minh, tính người hào phóng. Cụ xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Cụ thân sinh là Nguyễn Tần, đỗ Hương Cống đời nhà Lê .

Buổi thiếu thời, dù sống trong cảnh hàn vi, cụ luôn cố công trau dồi kinh sử để mong thi đỗ ra làm quan giúp dân, giúp nước. Sau nhiều lần thi hỏng, Cụ cuối cùng đậu Tú Tài năm 1813 và đậu Giải Nguyên năm Gia Long thứ 18 (1819) và đến năm Minh Mệnh nguyên niên 1820, bắt đầu ra làm quan, bấy giờ Cụ đã 42 tuổi . Cụ trải thờ ba triều: Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức.

Từ chức hành tẩu Sử quán, thăng lên đến Binh bộ thượng thư lãnh chức Tổng đốc (bởi vậy tục thường gọi là Cụ Thượng Trứ). Nhưng hoạn lộ của Cụ lên voi xuống chó, chìm nổi nhiều phen: mấy lần bị giáng chức, một lần bị cách tuột; kết cục lúc về hưu (Tự Đức nguyên niên, 1848) chỉ còn lại hàm Thừa Thiên phủ doãn. Bấy giờ Cụ đã 71 tuổi . Khi về hưu, lúc Cụ ở quê nhà , lúc Cụ ở chùa, lúc Cụ đến ở hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải là nơi Cụ đã có công khai thác, gác bỏ việc đời, ngao du sơn thủy, sinh hoạt trong cảnh an nhàn. Cụ mất ngày 7 tháng 12 năm 1858 tại chính quán, thọ 81 tuổi, được phong tước Dinh Bình Hầu .

Tác giả Nguyễn Công Trứ

Tác giả Nguyễn Công Trứ

Cụ tuy làm quan văn, nhưng có tài thao lược, nên Cụ từng đi đánh giặc nhiều phen, giúp triều đình nhà Nguyễn đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa lớn (Lê Duy Lương, Nông Văn Vân, Phan Bá Vành …). Nhưng cái công nghiệp to nhất của Cụ lúc làm Doanh Điền Sứ, giúp dân khai khẩn đất hoang (1828) ở vùng bãi biển tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình để lập ra hai huyện Tiền Hải (nay thuộc Thái Bình) và Kim Sơn (vẫn thuộc Ninh Bình).

Cụ có biệt tài về văn nôm. Văn Cụ làm đủ các lối, (chữ Hán (câu đối, sớ) cũng như chữ Nôm (thơ, hát nói, phú, câu đối, ca trù …), nhưng sở trường nhất là lối hát nói . Văn Cụ lỗi lạc khác thường; không thiên về tình buồn như phần nhiều các thơ ca của ta; trái lại, Cụ thường khuyên người ta phải gắng gổ làm tròn phận sự, lập nên công nghiệp và lúc nào cũng nên vui vẻ, dầu gặp cảnh nghèo khó cũng vậy . Lời văn lại hào hùng và ngạo nghễ, biểu lộ một bản lĩnh vững chắc, một chí khí mạnh mẽ, và thái độ cầu tiến, vươn lên, thật rõ là khẩu khí của một người suốt đời hăng hái làm việc cho đời, tận tụy với chức vụ .

Tham khảo từ:
+ Nguyễn Công Trứ, Con Người và Sự Nghiệp, Chu Trọng Huyến.
+ Đại Nam Liệt Truyện, Quốc Sử Quán nhà Nguyễn.
+ Thi Ca Cổ Điển, Bảo Vân.

Tác giả Nguyễn Công Trứ

Thảo luận cho bài: Tác giả Nguyễn Công Trứ