TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN NGHỊ LUẬN
I. NHU CẦU NGHỊ LUẬN VÀ VĂN BẢN NGHỊ LUẬN
1. a) Em rất thường gặp các vấn đề và những câu hỏi tương tự như trên trong cuộc sống.
Ví dụ:
- Ma túy là gì? Tại sao phải nói không với ma túy?
- Môi trường là gì? Làm cách nào để giữ gìn bảo vệ môi trường?
- Rừng mang đến lợi ích gì cho ta?Làm cách nào để bảo vệ rừng?
b) Những vấn đề và câu hỏi loại này không thể sử dụng kiểu văn bản miêu tả, tự sự hay biểu cảm, mà cần dùng kiểu văn nghị luận vì văn nghị luận là một phương thức biểu đạt chính với các lí lẽ chặt chẽ, thuyết phục và có thể giải quyết thoả đáng vấn đề đặt ra.
c) Qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình ta thấy thường sử dụng văn bản nghị luận như lời phát biểu, nêu ý kiến một bài xã hội, bình luận về một vấn đề của đời sống.
2. Thế nào là văn bản nghị luận? (SGK, Tr.7)
Trả lời:
a) Mục đích: Kêu gọi toàn dân đi học chống nạn thất học, mù chữ.
+ Bài viết nêu ra những ý kiến:
- Trong thời kì Pháp cai trị mọi người bị thất học để chúng dễ cai trị
- Chỉ cho mọi người biết ích lợi của việc học.
- Kêu gọi mọi người học chữ (chú ý các đối tượng).
+ Diễn đạt thành những luận điểm:
- Tình trạng thất học, lạc hậu trước Cách mạng tháng Tám.
- Những điều kiện cần phải có để người dân tham gia xây dựng nước nhà.
- Những khả năng thực tế trong việc chống nạn thất học.
+ Những câu văn nêu luận điểm:
- Khi xưa Pháp cai trị nước ta, chúng thi hành chính sách ngu dân. Chúng hạn chế mở trường học, chúng không muốn cho dân ta biết chữ để dễ lừa dối dân ta và bóc lột dân ta.
- Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí.
- Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.
- Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ.
- Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi.
- Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới.
* Các lí lẽ:
b) Trước Cách mạng tháng Tám, dưới ách đô hộ của thực dân, nhân dân ta phải chịu cảnh thất học, mù chữ;
- Nay đã dành được độc lập; để xây dựng đất nước thì không thể không học, mọi người phải biết đọc, biết viết;
- Biến việc học thành việc làm rộng khắp, với các hình thức cụ thể có thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi.
c) Để giải quyết vấn đề “Chống nạn thất học” như trên, không thể sử dụng kể chuyện, miêu tả hay biểu cảm. Sức thuyết phục chỉ có thể được tạo nên bằng hệ thống các luận điểm, trình bày với lí lẽ lôgic, chặt chẽ. Nhiệm vụ giải quyết vấn đề đặt ra đòi hỏi phải sử dụng nghị luận.
II. GỢI Ý TRẢ LỜI PHẦN LUYỆN TẬP
Câu 1: (SGK, Tr. 9)
Trả lời:
a. Văn bản trên là một văn bản nghị luận. Tác giả bàn đến vấn đề tập thói quen tốt, loại bỏ những thói quen xấu trong đời sống hàng ngày.
b.
+ Tác giả đề xuất ý kiến: “Cần tạo ra thói quen tốt trong đời sống xã hội”.
+ Những lí lẽ và dẫn chứng:
- Trong cuộc sống, có thói quen tốt (dẫn chứng: dậy sớm, luôn đúng hẹn, giữ lời hứa, luôn đọc sách… ) và có thói quen xấu;
- Cái gì đó mà thành thói quen thì rất khó sửa;
- Thói quen xấu sẽ gây hại đến cộng đồng, tác động tiêu cực đến môi trường sống;
(Dẫn chứng: Hút thuốc lá, hay cáu giận, mất trật tự; vứt rác bừa bãi, rác cứ ùn lên, khiến nhiều khu dân cư phải chịu hậu quả mất vệ sinh nặng nề, có người còn có cái cốc vỡ cũng tiện tay ném ra đường. Vì thế trẻ em, cụ già giẫm phải, chảy máu chân rất nguy hiểm, … )
– Hãy tự xem lại mình để loại bỏ thói quen xấu, tạo ra nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội.
c. Vấn đề rất có ý nghĩa đối với mọi người, đối với xã hội nhằm xây dựng một xã hội văn minh, lịch sự, có văn hoá.
Câu 2: Tìm bố cục của bài văn trên.
Trả lời: Bố cục của bài văn
- Mở bài: Đoạn 1 – Nêu vấn đề thói quen và thói quen tốt.
- Thân bài: Đoạn 2, 3, 4 – Tác hại của thói quen xấu và việc cần thiết phải loại bỏ thói quen xấu).
- Kết bài: Đoạn cuối – Kêu gọi mọi người loại bỏ thói quen xấu, tự điều chỉnh mình để tạo ra nếp sống đẹp, văn minh cho xã hội.
Câu 3: Sưu tầm thêm một số văn bản, đoạn văn nghị luận mà em biết.
Trả lời: Tham khảo một số đoạn văn
Từ một phẩm chất tốt trở thành bệnh
“Thành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả đó không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để đạt thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết sức mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.
Theo định nghĩa đó, nỗ lực đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương và nhân rộng. Hãy tưởng tượng một xã hội mà trong đó mọi thành viên đều nỗ lực để đạt những thành tích cao hơn trên các lĩnh vực hoạt động: thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, sản xuất, thương mại, công nghệ… vì lợi ích cho mình và cho cả cộng đồng. Xã hội đó chắc chắn tiến bộ, nền kinh tế nước đó chắc chắn phát triển, dân nước đó chắc chắn giàu có, quốc gia đó chắc chắn cường thịnh.
Nhưng đến khi nào thì những nỗ lực đạt thành tích, một phẩm chất tốt và cần thiết của mỗi thành viên trong xã hội lại trở thành một bệnh, mà ngày nay chúng ta gọi tên nó là bệnh thành tích? Suy cho cùng, nếu diễn dịch bằng thuật ngữ thông thường, sự khác nhau căn bản giữa thành tích và bệnh thành tích chỉ là sự khác nhau giữa hàng thật và hàng giả, hàng nhái. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là sự có mặt hay không của lòng trung thực. Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta. Không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội…”
Câu 4: (SGK, Tr 10)
Trả lời:Mặc dù có sử dụng tự sự nhưng văn bản trên vẫn là một văn bản nghị luận. Kể chuyện “Hai biển hồ” là để luận bàn về hai cách sống: cách sống chỉ biết giữ cho riêng mình và cách sống biết sẻ chia cùng mọi người. Đồng thời nêu lên tư tưởng, quan điểm: cuộc sống cần phải biết sẻ chia, rộng mở, không chỉ giữ riêng cho mình. Hình ảnh hai biển hồ mang ý nghĩa tượng trưng cho hai cách sống đối lập nhau ấy.