Soạn bài nỗi oán của người phòng khuê của Vương Xương Linh
(Khuê oán)
I. Gợi ý trả lời câu hỏi
Câu 1. Anh / chị có nhận xét gì về nghệ thuật cấu tứ của bài thơ thể hiện qua quá trình chuyển biến tâm trạng của người khuê phụ?
Nghệ thuật cấu tứ của bài thơ này rất độc đáo. Chỉ trong 28 chữ nhưng đã vẽ nên hai bức tranh tâm trạng của người khuê phụ: một là ở câu đầu với tâm trạng “bất tri sầu” (chẳng biết sầu) và hai là ở câu cuối với tâm trạng “hối” (hối hận). Và bản lề của quá trình chuyển biến tâm trạng ấy chính là câu thứ ba “Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc” (Chợt thấy sắc [xuân] của cây dương liễu bên đường). Từ câu bản lề này mà tâm trạng của người khuê phụ chuyển biến. Hai bức tranh hoàn chỉnh và chuyển tải một cách trọn vẹn dụng ý của nhà thơ.
Câu 2. Vì sao khi thấy “màu dương liễu” nàng lại hối hận vì đã để chồng đi kiếm tước hầu?
Vì khi nhìn thấy màu xanh của cây dương liễu người khuê phụ bỗng thấy nuối tiếc cho một thời sắc xuân của mình đang phai nhạt đi (màu dương liễu là màu của mùa xuân, của tuổi trẻ và cũng là màu li biệt) trong khi đó hạnh phúc của nàng đang ở một nơi xa xôi nào đó: chồng nàng đang ở ngoài chiến trận, theo đuổi bóng dáng xa xăm của “phong hầu”. Bởi vậy nên sau khi nhìn thấy màu dương liễu nàng hối hận rồi nàng hờn oán chiến tranh phi nghĩa đã làm nên cảnh chia li của nàng và chồng.
Câu 3. Vì sao chỉ với 28 chữ, bài “Khuê oán” lại được coi là bài thơ tiêu biểu cho tinh thần phản đối chiến tranh phi nghĩa của con người thời Đường?
Chỉ trong 28 chữ nhưng bài thơ này đã vẽ nên được những hậu quả do chiến tranh phi nghĩa sinh ra, đó là gia đình bị chia lìa, chồng xa vợ, cha xa con và những người ở nhà chờ đợi người ra đi mà không biết đến ngày nào sẽ trở lại. Hạnh phúc của con người trở thành một bóng dáng xa xôi… và cái khát khao hạnh phúc của người khuê phụ trẻ tuổi kia làm mủi lòng người, bài thơ trở thành một bản cáo trạng tố cáo chiến tranh phi nghĩa của những con người thời đại bấy giờ.