Mục tiêu
– Qua bức thư của một người cha gửi cho một đứa con mắc lỗi với mẹ, hiểu tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng đối với mỗi người.
– Cách giáo dục vừa nghiêm khắc tế nhị, có lí và có tình của người cha khi con mắc lỗi.
– Nghệ thuật biểu cảm trực tiếp qua hình thức một bức thư.
– Giáo dục tình cảm gia đình.
Giới thiệu
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, người mẹ có 1 vị trí và ý nghĩa hết sức lớn lao, thiêng liêng và cao cả, nhưng không phải khi nào ta cũng có ý thức hết được điều đó. Chỉ đến khi mắc những lỗi lầm ta mới nhận ra tất cả. Văn bản “Mẹ tôi” sẽ cho ta 1 bài học.
I. Tìm hiểu chung
*Tác giả: E. A-mi-xi ( 1846 – 1908), nhà văn Ý là tác giả của rất nhiều tác phẩm nổi tiếng cho thiếu nhi.
* Tác phẩm: Văn bản “ Mẹ tôi” trích trong tác phẩm “ Những tấm lòng cao cả” (1886).
Tóm tắt nội dung: En-ri-cô ăn nói thiếu lễ độ với mẹ. Bố biết chuyện, viết thư cho En-ri-cô với lời lẽ vửa yêu thương vừa tức giận. Trong thư, bố nói về tình yêu, về sự hi sinh to lớn mà mẹ đã dành cho En-ri-cô…Trước cách ứng xử khéo léo và tế nhị nhưng kiên quyệt, gay gắt của bố, En-ri-cô vô cùng hối hận.
Bố cục: 3 phần
– Mở đoạn: Nêu hoàn cảnh người bố viết thư cho con.
– Thân đoạn: Tâm trạng của người bố trước lỗi lầm của người con.
– Kết đoạn: Bố muốn con xin lỗi mẹ; thể hiện tình yêu của mình với con.
Thể loại: Thư từ – biểu cảm.
Tại sao văn bản là một bức thư người bố gửi cho con nhưng nhan đề lại lấy tên là “Mẹ Tôi”?
– Thứ 1, nhan đề ấy là của chính tác giả A-Mi-Xi đặt cho đoạn trích. Mỗi truyện nhỏ trong “Những tấm lòng cao cả” đều có một nhan đề do tác giả đặt.
– Thứ 2, khi đọc kỹ chúng ta sẽ thấy tuy người mẹ không xuất hiện trực tiếp trong câu chuyện nhưng đó lại là tiêu điểm mà các nhân vật và chi tiết đều hướng tới để làm sáng tỏ.
1. Thái độ của người cha trước lỗi lầm của con.
Những chi tiết nào miêu tả thái độ của người cha trước sự vô lễ của con? Nghệ thuật sử dụng?
– Sự hỗn láo của con như nhát dao đâm vào tim bố =>Nghệ thuật so sánh.
– Con mà lại xúc phạm đến mẹ ư? =>Nghệ thuật câu hỏi tu từ
– Thà bố không có con…. bội bạc =>Nghệ thuật câu cầu khiến
Qua các chi tiết đó ta thấy được thái độ của cha:
-> Người cha ngỡ ngàng, buồn bã , tức giận trước hành vi thiếu lễ độ của con đối với mẹ.
Trước sự vô lễ của En-ri-cô, người cha đã khuyên nhủ con thế nào?
– Không được thốt ra một lời nói nặng.
– Phải xin lỗi mẹ.
-> Lời nói cương quyết, nghiêm khắc nhưng chân thành, nhẹ nhàng.
Có ý kiến cho rằng bố En-ri-cô quá nghiêm khắc có lẽ ông không còn yêu thương con mình? Ý kiến của em?
Bố rất yêu con nhưng không nuông chiều, xem nhẹ, bỏ qua. Bố dạy con về lòng biết ơn kính trọng cha mẹ. Những suy nghĩ và tình cảm ấy của người Ý rất gần gũi với quan niệm xưa nay của chúng ta: “bất trung, bất hiếu là 1 tội lớn”. Phần hay nhất và cảm động nhất trong bức thư là người bố nói với con về người mẹ yêu dấu.
2. Hình ảnh người mẹ.
– Thức suốt đêm, quằn quại, nức nở vì sợ mất con .
– Người mẹ sẵn sàng bỏ hết hạnh phúc tránh đau đớn cho con .
– Có thể đi ăn xin để nuôi con, hi sinh tính mạng để cứu con.
– Dịu dàng, hiền hậu.
-> Là người hiền hậu, dịu dàng, giàu đức hi sinh, hết lòng yêu thương, chăm sóc con -> là người mẹ cao cả, đáng kính.
Thái độ của người bố đối với người mẹ như thế nào?
Trân trọng, yêu thương, đề cao người mẹ, nhấn mạnh ý nghĩa giáo dục và thái độ của của con cái đối với cha mẹ, đặc biệt là mẹ.
3. Thái độ của En – ri – cô.
– Xúc động vô cùng.
Điều gì đã khiến em xúc động khi đọc thư bố?
+ Bố gợi lại những kỉ niệm giữa mẹ và En-ri-cô
+ Lời nói của bố chân thành, sâu sắc
– Em nhận ra lỗi lẫm của mình và rất hối hận.
II. Tổng kết:
“Mẹ tôi” chứa chan tình phụ tử, mẫu tử, là bài ca tuyệt đẹp của những tấm lòng cao cả. A-mi-xi đã để lại trong lòng ta hình ảnh cao đẹp thân thương của người mẹ hiền, đã giáo dục bài học hiếu thảo về đạo làm con vô cùng sâu sắc, ý nghĩa.