Soạn bài: Giải đi sớm- Hồ Chí Minh

Soạn bài: Giải đi sớm- Hồ Chí Minh
Mời các em học sinh tham khảo thêm tài liệu:
Phiên âm: Tảo Giải
I
Nhất thứ kê đề dạ vị lan,
Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san;
Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,
Nghênh diện thu phong trận trận hàn.
II
Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng,
U ám tàn dư tảo nhất không;
Noãn khí bao la toàn vũ trụ,
Hành nhân thi hứng hốt gia nồng.
Dịch thơ:
I
Gà gáy một lần đêm chửa tan,
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn;
Người đi cất bước trên đường thẳm,
Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn.
II
Phương đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đêm tàn sớm sạch không;
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.
  • Soạn bài: Giải đi sớm- Hồ Chí Minh

    Soạn bài: Giải đi sớm- Hồ Chí Minh

Xuất xứ chùm thơ
  Lần đầu tiên, sau ba mươi năm đi khắp bốn bể năm châu tìm đường cứu nước, ngày 8/2/1941 cụ Nguyễn Ái Quốc về nước và ở hang Pắc Bó. Tháng 5/1941 Hội nghị Trung Ương Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập, rồi mặt trận Việt Minh được thành lập, thổi bùng lên ngọn lửa Cách Mạng giải phóng dân tộc. Từ đó phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập tự do ngày một dâng cao. Tháng 8/1942, lần đầu tiên với một tên mới là Hồ Chí Minh, Bác Hồ lên đường sang Trung Quốc “Nhân danh đại biểu dân Việt Nam tìm đến Trung Hoa để hội đàm “. Bọn Tưởng Giới Thạch vu cho người làm gián điệp, rồi bắt bỏ tù. Không đủ chứng cớ để buộc tội Người, chúng đày đọa bằng cách giải Người đi hết từ nhà tù này sang nhà tù khác.
Trần Dân tiên thuật lại rằng:
“ Tay bị trói giật cánh khỉ, cổ mang xiềng xích, có sáu người mang súng giải đi. Cụ Hồ Chí Minh đi mãi, đi mãi nhưng cũng không biết là đi đến đâu. Dầm mưa dãi nắng, trèo núi qua truông. Mỗi buổi sáng gà gáy đầu người ta lại giải Cụ Hồ đi. Mỗi buổi chiều khi chim về tổ, người ta lại dừng lại ở một địa phương nào đó, giam cụ vào xà lim trên một đống rạ bẩn, không cởi trói cho Cụ ngủ. Đau khổ như vậy nhưng Cụ vẫn vui vẻ. Cụ sung sướng được thấy phong cảnh thay đổi. Cụ Hồ vừa đi vừa ngâm nga. Thỉnh thoảng Cụ Hồ làm thơ…” ( trích những mẩu truyện về đời hoạt động của Hồ Chí Minh )
Không những Bác Hồ làm thơ, mà đúng hơn là người ghi nhật kí bằng thơ. Ngục trung nhật kí là một tập nhật kí viết bằng thơ, gồm 134 bài được sáng tác trên con đường lưu li gian khổ, chồng chéo từ tây nam lên đông bắc tỉnh Quảng tây, qua hơn ba mươi nhà tù xã và huyện, từ 29/8/1942 đến 10/9/1943, tất cả là 378 ngày.
Hai bài “Tảo giải” là bài thứ 41 và 42 của tập nhật kí trong tù, Bác Hồ đã viết hai bài thơ này trên đường chuyển từ nhà lao Long An ( nhà lao thứ 6) sang nhà lao Đồng Chính ( nhà lao thứ 7) sau khi đã đi bộ hơn 200 cây số ( kể từ Cao Bằng và bị giam hơn 60 ngày. Căn cứ vào việc người đến nhà lao Đồng Chính ngày 2/11/1942 thì “Tảo giải” có lẽ được viết vào những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11/1942.
Có thấu hiểu tất cả những nỗi gian khổ, cay đắng của những ngày trên đường chuyển lao ấy cũng hư ngày tháng cụ thể xuất hiện hai bài thơ trên, chúng ta mới có điều kiện để hiểu rõ hai bài thơ đó và điều quan trọng hơn là nội dung và chất thơ, hiểu rõ hơn tầm vóc bĩ đại của Bác Hồ kính yêu.
 
“Tảo giải ” có nghĩa là giải đi sớm. Đây là một chùm thơ làm trên đường chuyển lao, một chùm thơ đi đày, ghi lại rất thực cảnh chuyển lao khi đêm còn chưa tan cho tới khi ánh bình minh bắt đầu tràn ngập phương đông. Đứng riêng, mỗi bài thơ đều có ý nghĩa tương đối độc lập của nó. Đúng chung dưới một đầu đề, hai bài thơ bổ sung nghĩa cho nhau.
Hình tượng có ý nghĩa thẩm mỹ mà chùm thơ để lại cho người đọc là một chiến sĩ thi sĩ, một nhà thơ vượt lên trên mọi đau khổ mà vui với thiên nhiên và cùng hòa vào thiên nhiên tâm hồn rực lửa Cách mạng của mình.
Trong văn học cổ kim, đề tài ra đi vào buổi sáng sớm hay thơ làm trên đường đi đày không hiếm. Nhìn chung ra đi trong cảnh ngộ ấy không mấy khi vui nếu không phải là dễ cô đơn, hiu quạnh: cô đơn hiu quạnh trong lòng người và cô đơn hiu quạnh ở cảnh vật.
Ở đây, bị giải đi sớm, giữa gió lạnh. một mình nơi đất khách quê người, nỗi hiu quạnh cô đơn như đang được nhân lên. Nhưng không, dư âm của bài thơ để lại cho chúng ta là một niềm lạc quan tin tưởng, sảng khoái hào hùng. Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên được nói tới trong bài, ta còn cảm nhận ở đây vẻ đẹp của một hồn thơ vĩ đại.
Phân tích chi tiết
1.Bài thứ nhất
Nhất thứ kê đề dạ vị lan
( Gà gáy một lần đêm chửa tan )
– Câu thơ chỉ đơn thuần là một lời thông báo thời gian, địa điểm hiện tại, không có thái độ hay tình cảm nào đan xen. Nhưng nếu chú ý tới hiện thực bị bắt giam, tay mang gông và có người áp giải của nhà thơ lúc đó, ta lại thấy một hồn thơ, vượt qua tất cả mọi hoàn cảnh. Người tù như đang quên đi cảnh ngộ bi đát của mình.
– Người bị giải đi từ rất sớm, giữa từng đợt gió lạnh đêm thu với dây trói, xiềng xích, đói khát, áo quần không đủ ấm … và bao nhiêu đắng cay cực nhục khác. Phải có một bản lĩnh, một khí phách khác thường, người tù ấy mới có thể ung dung, tự tại, buông ra một câu thơ nhẹ nhàng đến thế.
– Ở đây, tiếng gà gáy rất có ý nghĩa: nó báo hiệu một ngày mới – một sự sống mới đang bắt đầu.
– Một tiếng gà như làm lay động cả không gian, xua tan cái tĩnh lặng khủng khiếp của đêm tối. Câu thơ nói bóng tối nhưng lại hé mở ra ánh sáng. Đêm chỉ “chửa tan” chứ không phải là “không tan”. Rồi chỉ một lúc nữa thôi, một ngày mới sẽ lại bắt đầu. Đó là sự vận động tất yếu của tự nhiên, vũ trụ. Người thi sĩ thật lạc quan, y êu đời:
Sự vật xoay đà đã định sẵn:
Hết mưa là nắng hửng lên thời.
( Trời hửng )
– Dù hiện thực đang rất đang buồn và đầy khổ nhục, thi sĩ vẫn luôn nhìn về phía trước, tin tưởng vào cuộc sống: mọi chuyện rồi sẽ qua, mặt trời lại mọc, ngày mai lại đến, cuộc sống lại bắt đầu.
Cảnh thiên nhiên được mở ra từ gần đến xa, sang câu hai, ý thơ bỗng vụt lên với trăng sao đang chuyển động giữa bầu trời cao rộng.
Quần tinh ủng nguyệt thướng thu san
( Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn)
– Đây trước hết là một câu thơ tả thực, nhiều trăng và sao trên trời nhấn mạnh thêm ý thời gian đang còn rất sớm. Trong nguyên tác, “quần” gợi cảm giác về số nhiều, với ấn tượng đông vui. Từ “ủng” cũng không hẳn là đưa mà là ôm lấy, họp lại, đi theo, nhưng những nghĩa này đã không được chuyển vào bản dịch. “Thướng” chỉ phương hướng, động tác đi lên. Cảnh sinh động mà không náo nhiệt, vui mà không ồn ào. Có được điều đó chủ yếu do từ ‘quần” và “ủng” với ý nghĩa sum vầy, quấn quýt tạo nên..Nhưng điều đáng nói ở đây là tư thế, tầm nhìn của tác giả: cái tầm nhìn cao cùng tư thế khoan thai ung dung, lòng tràn đầy chất thơ ấy trong cảnh ngộ tù đày là điều không dễ có ở con người. “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ”, nhưng vì tâm hồn thi sĩ luôn lạc quan nên cảnh cũng thật tươi vui và ấm áp chứ không quạnh hiu, buồn bã
Đã từng có nhiều cố gắng đi tìm ý nghĩa tượng trưng của câu thơ. Có người cho trăng ở đây tượng trưng cho Bác, còn sao là hình ảnh bọn lính giải tù. Lại có người cho trăng là lãnh tụ, còn sao là quần chúng. “Bao nhiêu vì sao nhỏ đang công kênh ánh nguyệt, phải chăng là quần chúng giác ngộ đang ủng hộ người dẫn đường?”
Cả hai ý trên đều tỏ ra không hợp lý.
– Về ý kiến thứ nhất: Sao, dẫu cho có quan niệm là nhỏ hơn trăng và bé li ti chăng nũa, thì vẫn là hình ảnh thơ đẹp đẽ và cao quý, không thể chỉ bọn lính giải tù.
– Về ý kiến thứ hai: cần chú ý rằng đây là thơ của Bác. Và như chúng ta đã biết, Bác không quan niệm như thế về quan hệ giữa quần chúng và lãnh tụ.
Vậy thì trăng sao và cả rặng núi mùa thu nữa, đều chỉ nên coi như là hình ảnh của thiên nhiên. Cach hiểu ấy cũng đem lại ấn tượng về một thiên nhiên đang lên đường cùng với sự lên đường của con người nơi mặt đất. Thiên nhiên và thi hứng trong lòng người, do đó, cũng tương ứng, cộng hưởng, hoà đồng với thi hứng trong lòng trời đất.
Hai câu thơ đầu chỉ tả cảnh nhưng tư thế con người lại hiện lên, dù chỉ mới thấp thoáng trong cảm nhận của người đọc.
Đến câu thơ sau, con người đã thật sự xuất hiện
Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng
( Người đi cất bước trên đường thẳm )
– “Chinh nhân” mang ý nghĩa người đi xa, còn “chinh đồ” là đường xa. Từ “chinh’’ được láy lại hai lần tăng thêm ý xa, gian khổ nhưng bản dịch lại mất đi sự lặp lại từ “chinh’’.
– “Dĩ tại” là đã ở, giữ được ý vất vả gian khổ của câu thơ tả thực nhưng cũng bao hàm ý chủ động. mạnh bạo của người lên đường. Câu thơ trong nguyên tác mang một phong thái tràn đầy sự ung dung, khoẻ khoắn.
– “Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng” mang âm điệu thung dung Đường thi, nghe rất thích. Ở trung tâm bức tranh là hình ảnh một chinh nhân, một người đi xa vì đại nghĩa. Tuyệt nhiên không có ở đây bóng dáng người tù nặng nề cất bước trên con đường đày ải. Chỉ có một người hòan toàn chủ động đặt chân trên đường đi của chính mình, luôn ở tư thế sẵn sàng, chấp nhận mọi khó khăn gian khổ. Hình ảnh chinh nhân như bao trùm cả câu thơ, che lấp con đường dài dằng dặc và đầy chông gai trước mắt.
Ngênh diện thu phong trận trận hàn
( Rát mặt, đêm thu, trận gió hàn)
– “Ngênh diện” diễn tả một tư thế đối mặt, đón nhận một cách chủ động mà bình tĩnh tự nhiên những khó khăn phía trước, không hề có ý thách thức, phô trương.Cụm từ “ngênh diện” làm “chất thép” của bài thơ hiện lên một cách rất tự nhiên nhưng kín đáo.
– “Trận trận hàn” đáng ra là phải lạnh lắm. Xét trên chữ nghĩa đã vậy, hiểu cụ thể lại càng lạnh hơn. Gió thu miền núi, trời chưa sáng, cái lạnh như được nhân lên. Vậy mà ở đây cái lạnh dường như chỉ ở mức độ vừa phải. Người đọc không có cảm giác lạnh buốt xương da. Trận hàn đặt trong văn cảnh trên khong phá nổi tư thế chủ động lên đường của “chinh nhân”, không át nổi cái khônh khí được tạo ra bởi tứ thơ đẹp, vui, sinh động của câu hai. Quần, ủng, thướng, chinh nhân, dĩ tại, chinh đồ đã họp nhau lại tạo nên một cảnh làm cho trận trận hàn mặc dù với nội dung vốn có và là những từ cuối cùng của bài tứ tuyệt cũng không phát huy được tác dụng ngược lên như thường gặp ở các bài thơ khác.
– “Trận trận” hai từ nối liền nhau, cả về âm điệu lẫn ngữ nghĩa đều gây cảm giác mạnh diễn tả từng trận gió mạnh nối tiếp nhau không ngớt. Đáng tiếc bản dịch chỉ dịch là “ Rát mặt đêm thu trận gió hàn ” đã bỏ mất một chữ trận, làm giảm bớt ý nghĩa tả thực của câu thơ, làm giảm nhẹ rất nhiều tính chất khốc liệt của thời tiết. và không diễn tả được hết sự cố gắng bên trong của người đi đường, đánh mất cái thế chủ động hiên ngang của người chiến sĩ: trận trận hàn làm cho hai từ chinh có ý nghĩa, làm cho người chiến sĩ ra đi hùng tráng, tô đậm thêm mặt xông pha của người chiến sĩ. Đi không gian khổ thì thành ra là hành nhân. Đã chinh nhân thì phải có trận trận hàn.
Ở câu thơ này cũng có nhiều cách hiểu trái ngược nhau. Có ý kiến nói rằng câu thơ cực tả cảm giác lạnh lẽo, gian khổ mà con người gặp trên những dặm đường ngược gió. Lại có ý kiến cho rằng câu thơ phát họa một tư thế đầy kiêu hãnh: ngẩng mặt đón gió thu. Không cách hiều nào trong hai cách hiểu trên hoàn toàn có lý.
Quá nhấn mạnh cảm giác cơ cực, khổ đau trước làn gió rét mùa thu sẽ mâu thuẫn với thái độ hoàn toàn chủ động, ung dung mà ta đã thấy ở câu trước.
Ngược lại, nếu khuyếch đại tư thế kiêu hãnh ngẩng mặt lên đón gió e không hợp với phong cách của bác Hồ, vốn là người không thích khoa trương.
Vì thế chỉ nen cản nhận ở đây những gí mà lời chữ và tinh thần của câu thơ cho phép: dòng thơ nói đến những gì mà chinh nhân đã phải chịu đựng trên những dặm đường xa đó: gió thu, hết trận này đến trận khác, quất ngược sự giá buốt vào mặt người đi. Thiên nhiên đem đếm những thử thách gian nan nhưng không làm nản chí, sờn lòng con người đang vững bước.
– Câu thơ giúp ta hình dung một con đường xa thăm thẳm, trên có một chinh nhân đang phải đối diện với thời tiết nghiệt ngã trong cuộc hành trình vì đại nghĩa nhưng luôn mang trong mình trái tim thi sĩ. Tư thế ngẩng đầu, con người ấy không chỉ cảm thấy gió thu quất mạnh vào mặt mình hết trận này sang trận khác, mà còn rung động trước chòm sao và ánh nguyệt trên dáng núi mùa thu.
– Hiện tại khắc nghịêt, nhưng:
“ Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao.
Người luôn phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng, không để cho buồn não quạnh hiu xâm chiếm. Mà buồn nản, quạnh hiu trong ảnh ngộ ây thì dễ có. Có điều là phải gạt nó đi, không để nó làm chủ mình.
– Bài thơ chỉ gồm bốn câu, với ngôn ngữ giản dị, súc tích, chủ yếu là một bức tranh tả thực về cảnh núi rừng vào lúc trời còn chưa sáng: một tiếng gà, một chòm sao, một vầng trăng, một đỉnh núi, bóng tối bao phủ, gió thu lạnh lẽo thổi từng cơn, con đường xa thẳm hay đúng hơn là con đường đày ải và một người tù giữa đất khách quê người. Vậy mà âm hưởng bài thơ lại là âm hưởng tươi sáng lạc quan, hào hùng phóng khoáng. Sự gian nan trong bài thơ không khiến người ta phải bật lên cảm giác đớn đau và bất lực. Đây là thứ gian nan thử sức, gian nan như là một điều kiện rèn luyện để con người đạt tới thành công. Tứ thơ như có khuynh hướng vượt lên cảnh ngộ tầm thường, vươn tới trăng sao và bầu trời cao rộng bằng sức sống của một hồn thơ, một bản lĩnh kiên cường, trầm tĩnh, kín đáo, mang đậm cốt cách Đường thi: tả ít, gợi nhiều, nói không gian mà gợi cả thời gian, nói cái tĩnh lặng mà gợi cái chuyển động, nói hiện tại mà gợi tương lai, nói bóng tối mà gợi ánh sáng.
– Cảm nhận biện chứng, nhân sinh quan cách mạng của người chiến sĩ hiện lên dưới hình thức diễn tả đậm nét và màu sắc cổ điển. Đó là một trong những nét nổi bật của thơ chữ Hán được Hồ chủ tịch biểu hiện trong bài thơ này.
2. Bài thứ hai
Ấn tượng nổi bật mở đầu bài thơ là vẻ bừng sáng của vũ trụ. Màu sắc biến chuyển, báo hiệu bình minh. Sức sống và niềm vui rạo rực ngự trị trong toàn bức tranh thơ.
Đông phương bạch sắc dĩ thành hồng
U ám tàn dư tảo nhất không
( Phương đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn sớm sạch không )
– Chân trời màu trắng nay đã ửng hồng. Bóng đêm còn sót lại bị quét sạch. Tảo nhất không có nghĩa là quét sạch trơn. Ý mạnh, triệt để, nhanh chóng. Câu thơ thứ hai tăng thêm sức mạnh cho tứ thơ vốn đã có ở câu thứ nhất. Niềm vui đã có ở câu thơ trên như được tăng thêm, màu hồng như hồng thêm.
– Dù rằng mặt trời lên sẽ xua tan bóng đêm, nhưng “ không thể nào có được nét bút hoành tráng nếu không có sẵn trong lòng một niềm tin sắt đá về một bình minh lớn lao trong lịch sử ” ( Hoài Thanh)
– Cảnh buổi sớm này ta còn được gặp nhiều lần nữa trong “ Ngục trung nhật ký’’ :
Đầu non sớm sớm vầng dương mọc,
Khắp núi nơi nơi rực ánh hồng.
( Cảnh buổi sớm)
Trong ngục giờ đây còn tối mịt,
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi.
(Buổi sớm)
Hoài Thanh cho rằng : “ Trong màu hồng ấy có màu hồng của Cách mạng tháng mười vĩ đại… có màu hồng của ngọn cờ đỏ sao vàng Việt Nam vừa mới xuất hiện.” Bốn câu thơ của bài thứ hai tràn ngập một cảm hứng lãng mạng Cách mạng, say sưa và tươi sáng về ngày chiến thắng, ngày con người tới đích sau khi đã vượt qua những gian nan trên con đường đầy đau khổ
Noãn khí bao la toàn vũ trụ
(Hơi ấm bao la trùm vũ trụ)
– Bình minh đến, xua đi cái tối tăm rét mướt. Có nếm trải bao gian nan, có trải qua cuộc hành trình dài trong “ trận trận hàn” thì mới thấy được giá trị của hơi ấm buổi sáng, mới cảm thấy niềm vui sướng của người tù khi được hoà mình trong nắng sớm
– Bao la trùm vũ trụ đều là những từ gợi lên cái rộng lớn, mênh mông. Khí ấm của trời đất đã có, nhưng chưa nhiều. Mới rạng đông thôi! Vậy mà sao ấm, tất cả đều ấm, một hơi ấm bao la tràn ngập trời đất. Chính là nhờ có sức ấm từ con người tỏa ra. Không có cái khí phách hào hùng của người chiến sĩ lên đường vì nghĩa lớn của bài thơ trên, đất trời chưa thể ấm đến thế. Có sức ấm của đất trời, nhưng nhiều hơn là sức ấm của một trái tim rực lửa cách mạng.
Hành nhân thi hứng hốt gia nồng
(Người đi thi hứng bỗng thêm nồng)
– Hành nhân là người đi đường, một người đi đường bình thường. Trên dùng “chinh nhân”, ở đây thi sĩ dùng “hành nhân”. Con người trong bài thơ này cũng không hoàn toàn giống với con người ở bài thơ trên. Ở bài thơ trên, thiên nhiên khắc nghiệt, không tự nâng mình lên cái tư thế của người chiến sĩ ra đi vì nghĩa lớn sẽ khó thích ứng nổi với thiên nhiên, dễ bị chìm mất trong thiên nhiên. Bây giờ trời đã rạng đông. Thiên nhiên từ khắc nghiệt chuyển sang vui tươi ấm áp. Cái còn lại sau chặng đường đày ải không phải là cảm giác mệt mỏi, chán chường, rệu rã mà là thi hứng nồng nàn hơn của người nghệ sĩ, quyện hoà với hơi ấm của vạn vật. Trước cảnh đẹp của bình minh, tâm hồn thi sĩ sảng khoái, dạt dào thi hứng.
– “Hành nhân” với “chinh nhân” tuy hai mà một. Chỉ có điều, ở bài một, đó là con người đang cất bước trên đường thẳm, còn bài hai là con người như đã đạt tới chặng cuối cuộc hành trình.
– Kết thúc bài thơ bằng chữ “nồng” biểu đạt một nội dung được hình thành trong cả một quá trình vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ đêm đen đến bình minh rạng rỡ. Bên cạng đó, sự kết hợp giữa “hốt” và “gia” gợi ý đột ngột, mà cũng không đột ngột, bởi thêm nồng nghĩa là vốn đã nồng. Hứng làm thơ đã có từ trước, nay chỉ thêm nồng. Khung cảnh bên ngoài chỉ tác động thêm vào mà thôi. Giữa con người và tạo vật ở đây có sự tác động tương hỗ. Nhưng ý nghĩa thẩm mỹ hiện ra trong bức tranh vẫn là sức tỏa sáng của một nhân cách, một hồn thơ và bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ – thi sĩ đang làm chủ cả thiên nhiên tạo vật. Cả không gian như mở rộng đến vô cùng. Tuyệt nhiên không có bóng dáng của một tù nhân. Trên bức tranh thiên nhiên của một buổi bình minh rạng rỡ, chỉ có một hành nhân dạt dào thi hứng, chan hoà và say đắm trước vẻ đẹp của tạo vật. Sức ấm ấy của tạo vật và trái tim rực lửa của con người như tôn nhau lên, bổ sung cho nhau, tạo nên vẻ đẹp hài hòa của thiên nhiên và cuộc sống, của chất thơ say nồng và chất thép vững chãi.
– Bốn câu thơ dựng lại bức tranh chuyển lao khi trời rạng đông. Không gian như rộng đến vô cùng. Người “hành nhân” đang dạt dào thi hứng.
– Một cảnh thực: một thiên nhiên sinh động, vui, ấm. Và đẹp hơn, ấm hơn là tâm hồn tràn đầy lạc quan, tin tưởng, sảng khóai hào hùng của nhà thơ. Bác đã đứng trên đau khổ mà đến với thiên nhiên, vui với cảnh đẹp của thiên nhiên, như cùng hòa vào thiên nhiên tâm hồn cao đẹp của mình, sưởi ấm thiên nhiên bằng nhiệt tình cách mạng rực lửa của mình.
Kết bài
– Tảo giải có cái súc tích, khóang đạt, hùng vĩ của Đường thi nhưng vẫn ánh lên chất thép của một tâm hồn cộng sản. Bài thơ đi sâu vào lòng chúng ta do cảm xúc hôm nay được thể hiện bằng chất thơ chất chứa từ ngàn xưa, lại do chất thép dồi dào mà cuộc sống ngày nay đòi hỏi ở thơ. Nói Tảo giải cổ điển mà hiện đại chính là như vậy.
– Tảo giải, một bài thơ trên đường bị giải đi, một bài thơ đi đày mà như hệt một hành khúc lên đường, trầm hùng ở giai đoạn đầu, và âm hưởng bài thơ càng về sau càng vui tươi ấm áp, sảng khóai và cuối cùng vút lên nốt nhạc chiến thắng hào hùng
Ta có thể muợn cách diễn đạt của nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng để nói rằng:
– Giải đi sớm toả ánh sáng của một trí tuệ lớn. Trí tuệ ấy lớn lao đến mức có thể vượt khỏi hiện tại để từ trong bóng tối dày đặc của hôm nay nhìn ra ánh sáng của ngày mai
– Giải đi sớm tỏa ánh sáng của một tâm hồn lớn. Tâm hồn ấy bao la như trời đất, chứa đầy vẻ đẹp vô tận của tạo vật, của trăn sao, hòa cảm với mọi rung động trong vũ trụ.
– Giải đ sớm toả ánhsáng của một dũng khí lớn. Dũng khí ấy đã có thể làm cho con người ung dung trước thử thách của thiên nhiên khắc nghiệt và của những gian khổ ở đường đời, cảm thấy tinh thần thực sự ở ngoài lao dẫu thân thể còn trong vòng xiềng xích.
Soạn bài: Giải đi sớm- Hồ Chí Minh

Thảo luận cho bài: Soạn bài: Giải đi sớm- Hồ Chí Minh