Soạn bài Dế Chọi ( Bồ Tùng Linh )

 Soạn bài Dế Chọi ( Bồ Tùng Linh )

Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:

Soạn bài: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ

Hướng dẫn Soạn bài Dế Chọi ( Bồ Tùng Linh )

I – GỢI DẪN

  1. Tác giả

Bồ Tùng Linh (1640 – 1715) tự Lưu Tiên, còn có tự là Kiếm Thần, hiệu Liễu Tuyền, người tỉnh Sơn Đông. Ngoài tập truyện Liêu Trai chí dị, ông còn để lại 4 quyển Văn tập, 6 quyển Thi tập. Năm 1980, ông được thế giới kỉ niệm như một Danh nhân văn hoá.

  1. Tác phẩm

Liêu Trai chí dị (Những chuyện quái dị chép ở Liêu Trai) là tập truyện ngắn gồm hơn 400 thiên. Đề tài của truyện do tác giả sưu tầm trong dân gian hoặc rút từ truyện Chí quái lục triều hay Truyền kì Đường rồi gia công sáng tạo thêm. Tác giả đã mượn truyện thần tiên ma quái để chỉ trích nền chính trị tàn bạo của người Mãn Thanh, phê phán những thói hư tật xấu của bọn nho sĩ, thể hiện khát vọng tự do trong tình yêu và hôn nhân.

Liêu Trai chí dị là tác phẩm đạt tới đỉnh cao nghệ thuật viết truyện ngắn cổ điển Trung Quốc. Với nghệ thuật tả chân sâu sắc, tác giả đã phản ánh diện mạo xã hội thời đầu Mãn Thanh. Lúc đó xã hội còn thịnh hành tư tưởng mê tín dị đoan, chịu ảnh hưởng của tư tưởng định mệnh, của thuyết luân hồi báo ứng. Điều đó thể hiện rất rõ trong tác phẩm và đem lại màu sắc riêng cho tác phẩm. “Riêng nói về bộ Liêu Trai này, chuyện hồ quỷ chiếm quá nửa, minh bạch là câu chuyện bịa đặt, mà cái hay cứ hay. Cái hay của Liêu Trai, như nghìn vạn cảnh tượng ở nhân gian đều thu vào phiến ảnh rất nhỏ bé, mà cảnh nào tình ấy, nhận cho kĩ, sẽ thấy được rõ ràng” (Tản Đà, Tuyển tập “Liêu Trai chí dị” của Bồ Tùng Linh, NXB Văn học, 2003).

 Soạn bài Dế Chọi ( Bồ Tùng Linh )

Dế chọi thuộc loại truyện đả kích chế độ chính trị tàn bạo, vạch mặt bọn quan lại tham nhũng, cường hào ác bá, đồng thời bày tỏ sự cảm thông đối với những con người “bé nhỏ” bị chà đạp, hãm hại. Đó là một truyện tiêu biểu cho tinh thần phê phán chế độ chính trị tàn bạo đương thời.

  1. Tóm tắt

Câu chuyện xoay quanh s­ự việc Thành Danh – một chức dịch hiền lành  không dám bổ bán dân chúng tìm dế chọi dâng vua nên phải tự đi tìm dế chọi. Bi kịch của gia đình anh bắt nguồn từ đó.

Bọn quan lại muốn lấy lòng vua nên đem dâng vua con dế chọi. “Vua thấy chọi hay quá đòi phải cung tiến th­ường xuyên”. Vì phải tìm mua dế dâng vua mà bao gia đình lâm vào thảm cảnh. Nhiều gia đình khuynh gia bại sản khi đến lượt nộp dế. Một trong những thảm cảnh do lệ nộp dế chọi gây ra chính là thảm kịch của gia đình Thành Danh.  Thành Danh hiền lành nên không dám sách nhiễu dân chúng, lo lắng quá nên phải tự đi tìm dế. Tìm mãi không được, hạn nộp dế đã hết, Thành Danh bị quan phạt, bị đánh đập, lo lắng muốn tự vẫn. Vợ Thành đi xem bói, biết nơi có dế tốt. Thành đã bắt được một con dế chọi như ý. Nhưng không may con Thành làm dế bị chết. Bị mẹ mắng, nó sợ hãi nhảy xuống giếng và bị chết đuối. Thành mất con, mất dế. Con Thành sống lại nhưng vô hồn. Hồn con Thành hoá thân vào con dế chọi. Dế nhỏ nhưng nhanh nhẹn và chọi rất giỏi. Dế mang dâng vua, chọi giỏi lại biết nhảy múa, vua rất vừa lòng và ban thưởng cho quan tỉnh. Gia đình Thành Danh được giàu sang phú quý, “Ruộng đồng trăm khoảnh… ngựa xe vượt cả các bậc quyền thế.

  1. Cách đọc

Chú ý nhấn giọng ở các từ ngữ và chi tiết lột tả sự thối nát của hệ thống chính trị của xã hội đương thời mà tác phẩm đề cập. Ví dụ :

– “Thời Tuyên Đức trong cung rất chuộng trò chơi chọi dế, hằng năm trưng thu dế trong dân“.

– “Mỗi lần phải nộp một con dế, đủ làm khuynh gia bại sản mấy nhà“,…

II – KIẾN THỨC CƠ BẢN

Dế chọi là câu chuyện mang nhiều yếu tố hoang đường, một đặc trưng nổi bật trong bút pháp nghệ thuật của  Liêu Trai chí dị. Câu chuyện đã tái hiện một mảng hiện thực đen tối của xã hội, vì thế truyện có giá trị hiện thực sâu sắc. Chỉ một câu chuyện dâng dế chọi lên vua mà phản ánh được cả bộ mặt của giai cấp thống trị tàn bạo, ăn chơi sa đoạ và những thảm cảnh mà nhân dân lao động phải chịu đựng. Một con dế chọi có thể mang đến thảm kịch cho một gia đình, một tỉnh nhưng cũng có thể mang vinh hoa phú quý đến cho cả một tỉnh,  một dòng họ.

Con dế chọi chỉ là một phương tiện vui chơi giải trí của vua quan nơi cung cấm nhưng lại là yếu tố quyết định sống chết của người dân. Gia đình Thành Danh là một minh chứng tiêu biểu. Dế chọi đã mang tai hoạ đến cho gia đình Thành Danh song cũng chính dế chọi (con dế do linh hồn con trai Thành Danh hoá thân vào) lại mang đến cho gia đình Thành Danh vinh hoa phú quý.

 Soạn bài Dế Chọi ( Bồ Tùng Linh )

 Soạn bài Dế Chọi ( Bồ Tùng Linh )

Lệ cung tiến dế chọi hàng năm là một cái cớ để quan lại sách nhiễu dân chúng, bọn tay chơi thì có cơ hội làm tiền. Vì thế, “mỗi lần phải nộp  một con dế, đủ làm khuynh gia bại sản mấy nhà”. Vì đến lượt làng nộp dế mà Thành Danh ngày đêm lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên. Trước đó, gia đình Thành Danh đã khốn đốn vì “Anh ta vốn người chất phác, ít nói, cho nên bị bọn hương chức quyền thế ép phải giữ chân chức dịch trong làng. Tuy muôn phương nghìn kế chối từ mà vẫn không thoát. Mới chưa đầy một năm mà cái gia sản nhỏ mọn của anh ta cơ hồ đã kiệt”. Thành Danh “lo buồn quá chỉ muốn chết đi cho rảnh”. Không dám sách nhiễu dân làng nộp dế, Thành phải tự đi tìm, không tìm được dế, anh đã bị quan phạt đòn : “đôi mông máu me bê bết mà chẳng có con dế nào để nộp… chỉ còn nghĩ đến chuyện tự tử mà thôi”.

 Soạn bài Dế Chọi ( Bồ Tùng Linh )

Thế nhưng số phận của Thành Danh cũng hé sáng khi vợ Thành Danh được cô đồng chỉ nơi có dế. Thành Danh tìm được dế tốt, nhưng con dế ấy lại gây ra thảm kịch thứ hai, bi thảm hơn của gia đình anh. Đó là cái chết của đứa con trai. Tai hoạ ập lên tai hoạ. Người cha không tìm được dế muốn “chết quách cho rảnh”, con trai vô tình làm dế chết, sợ hãi quá nhảy xuống giếng chết đuối. Khi thấy xác con dưới giếng, Thành Danh “chuyển giận thành thương”, “vật vã kêu trời muốn chết”. Sau đó nỗi lo lắng làm cho Thành Danh “nhìn cái lồng dế rỗng không lại như đứt hơi, tắc họng, không nghĩ gì đến con nữa, Thành nằm dài, lòng buồn rười rượi”. Hai nỗi đau, nỗi lo lắng dồn lên anh chức dịch hiền lành. Gia đình rơi vào bế tắc. Con thì chết đi sống lại, cha thì đau khổ tuyệt vọng, liên tục trải qua các trạng thái căng thẳng thần kinh, khi thì “lạnh toát xương sống”, khi thì “vật vã kêu trời muốn chết”, khi “như đứt hơi, tắc họng”, lúc lại “nằm dài, lòng buồn rười rượi”… Đó là cảnh ngộ riêng của Thành Danh và gia đình Thành Danh, nhưng cũng có thể hiểu đó là tình cảnh chung của những người dân lương thiện khác trong xã hội đương thời. Quả thật, lệ hiến dế chọi đã làm nhiều gia đình tiêu tán gia sản, nhân lực, sức khoẻ, thậm chí tính mạng nữa. Đúng là một “tấm ảnh nhỏ” mà đã thu vào “nghìn vạn cảnh trạng ở nhân gian” như  thi sĩ Tản Đà đã bình luận.

Nếu chỉ dừng lại ở đây thì sức tố cáo của tác phẩm chưa có gì đặc sắc và mới lạ. Tác phẩm hay hơn là ở cảnh hai. Đứa con vì sợ hãi, vì thương cha mẹ mà đã hoá thân vào chú dế nhỏ nhanh nhẹn, chọi giỏi lại còn biết nhảy múa. Con dế do chú bé hoá thân đã biết lấy lòng vua quan. Nó đã mang đến vinh hoa phú quý cho biết bao nhiêu người. Vua đẹp lòng vì có trò chơi thú vị nên quan tỉnh được thưởng. Quan tỉnh vừa lòng nên gia đình Thành Danh được thơm lây.

Vì có con dế  hay dâng vua mà Thành Danh được học tiếp và thi đỗ tú tài. Con dế đã giúp anh chức dịch hiền lành “thành danh”. Khi biết con dế chọi độc đáo ấy là hoá thân của con trai Thành Danh thì gia đình anh đã được vinh hiển, “vượt qua các bậc quyền quý”. Đó cũng là tính chất châm biếm của câu chuyện. Tính chất này còn được thể hiện ở lời bình luận ở cuối tác phẩm : “Còn ơn trời đền đáp sao mà dài lâu hậu hĩ vậy, khiến cho quan tỉnh, quan huyện đều được hưởng ân huệ và phúc ấm của dế. Ta từng nghe : “Một người thăng thiên, gà chó cũng thành tiên”. Đáng tin vậy thay”. Câu văn đầy tính chất mỉa mai, châm biếm dành cho bọn quan tỉnh, quan huyện. “Phúc ấm” nguyên văn chữ Hán để chỉ công danh, chức tước triều đình ban cho con cháu do cha ông lập được nhiều công tích. Như thế, nguyên văn của từ này nếu được dùng đúng nghĩa là nghĩa tốt, là sự ban thưởng xứng đáng cho người có công với dân với nước. Còn ở đây, chữ “phúc ấm” được dùng với nghĩa mai mỉa – “phúc ấm” lại do dế chọi đem lại.

Tác giả đã khéo léo tạo nên những tình huống may rủi, hoạ phúc đan cài nhau. Nó vừa thể hiện được sự bấp bênh của số phận những người dân lao động nghèo, vừa tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện. Số phận, sự sống chết, nghèo hèn hay giàu sang của người dân thấp cổ bé họng hoàn toàn phụ thuộc vào niềm vui hay sự phật ý thất thường của giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến Trung Quốc thời Tuyên Đức. Những tình huống may rủi mà Thành Danh từng gặp trong tác phẩm làm cho câu chuyện tăng phần hấp dẫn nhưng về nội dung lại khiến người đọc phải suy nghĩ về cuộc sống con người trong xã hội đương thời.

Thông qua câu chuyện ngắn gọn với một số chi tiết li kì, biến ảo về việc gia đình Thành Danh tìm bắt, nuôi nấng dế chọi để cống nạp cho nhà vua, tác giả đã phê phán chế độ chính trị tàn bạo đương thời đã đè nén, áp bức, gây ra bao đau thương cho những người dân hiền lành lương thiện. Truyện có kết cấu hết sức chặt chẽ. Chặt chẽ mà vẫn có những biến hoá khôn lường, hợp lí và lôgíc chứ không đơn điệu, cứng nhắc. Từ đầu đến cuối truyện mọi tình tiết đều xoay quanh câu chuyện dế chọi. Truyện chỉ viết về một gia đình cụ thể là gia đình Thành Danh với những tình huống may rủi xen kẽ, tất cả đều gắn với chuyện tìm dế chọi, luyện dế chọi để cống nạp nhưng đã để lại những ấn tượng khó quên vì những diễn biến bất ngờ và thú vị.

Dế chọi là câu chuyện tiêu biểu cho đặc điểm nghệ thuật của bộ Liêu Trai chí dị. Những câu chuyện li kì đầy chất quái dị hấp dẫn và giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo sâu sắc đã làm nên sức sống cho tác phẩm.

Thảo luận cho bài: Soạn bài Dế Chọi ( Bồ Tùng Linh )