Soạn bài: Đấu tranh cho một thế giới Hòa Bình

Đấu tranh cho một thế giới Hòa Bình

Mác-két đã có một lối nói, lối viết rất độc đáo. Những số liệu của ông nêu ra có một sức thuyết phục to lớn, làm cho mọi người, mọi dân tộc nhận thức một cách sâu sắc về sự nghiệp đấu tranh bảo vệ hòa bình là sự sống còn của nhân loại.

Mời các bạn học sinh tham khảo thêm bài:

Soạn bài: Phong cách Hồ Chí Minh-Lê Anh Trà

1. Tác giả:

Nhà văn Cô-lôm-bi-a G.G. Mác-két (Gabriel Garcia Marquez) sinh năm 1928. Năm 1936, tốt nghiệp tú tài, ông vào học ngành Luật tại trường đại học Tổng hợp Bô-gô-ta và viết những truyện ngắn đầu tay.

Ga-bri-en Gác-xi-a Mác-két là tác giả của nhiều tiểu thuyết theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo nổi tiếng. Ông từng được nhận giải thưởng Nô-ben văn học năm 1982.

  1. G. Mác-két có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ, nhưng nổi tiếng nhất là cuốn Trăm năm cô đơn (1967) – tiểu thuyết được tặng Giải Chianchianô của I-ta-li-a, được Pháp công nhận là cuốn sách nước ngoài hay nhất trong năm, được giới phê bình văn học ở Mĩ xếp là một trong 12 cuốn sách hay nhất trong những năm sáu mươi của thế kỉ XX.

Toàn bộ sáng tác của G. G. Mác-két xoay quanh trục chủ đề chính: sự cô đơn – mặt trái của tình đoàn kết, lòng thương yêu giữa con người.

  1. Tác phẩm:

Văn bản Đấu tranh cho một thế giới hòa bình trình bày những ý kiến của tác giả xung quanh hiểm họa hạt nhân, đồng thời kêu gọi thế giới nỗ lực hành động để ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ về một thảm họa có thể hủy diệt toàn bộ sự sống trên trái đất.

  1. Tóm tắt:

Đây là một bài văn nghị luận xã hội. Tác giả nêu ra hai luận điểm cơ bản có liên quan mật thiết với nhau:

– Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đe dọa cuộc sống trên trái đất.

– Nhiệm vụ cấp bách của nhân loại là phải ngăn chặn nguy cơ đó, đồng thời đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

Để làm sáng tỏ hai luận điểm trên, tác giả đã đưa ra một hệ thống lập luận chặt chẽ, đặc biệt là những dẫn chứng rất cụ thể, xác thực, giàu sức thuyết phục.

Đấu tranh cho một thế giới Hòa Bình

Đấu tranh cho một thế giới Hòa Bình

II- Giá trị tác phẩm

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà trình độ khoa học kỹ thuật đang phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc: những thành tựu của ngày hôm nay, rất có thể chỉ ngày mai đã thành lạc hậu. Đã từng có những ý kiến bi quan cho rằng: trong khi của cải xã hội tăng theo cấp số cộng thì dân số trái đất lại tăng theo cấp số nhân, con người sẽ ngày càng đói khổ. Tuy nhiên, nhờ có sự phát triển như vũ bão của khoa học kĩ thuật, của cải xã hội ngày càng dồi dào hơn, số người đói nghèo ngày càng giảm đi…

Đó là những yếu tố tích cực trong sự phát triển của khoa học mà phần lớn chúng ta đều nhận thấy. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển đó thì hầu như rất ít người có thể nhận thức được. Bài viết của nhà văn Gác-xi-a Mác-két đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại trước nguy cơ đang hiện hữu của một cuộc chiến tranh hạt nhân thảm khốc có khả năng hủy diệt toàn bộ sự sống trên hành tinh xanh mà phương tiện của cuộc chiến tranh ấy – mỉa mai thay – lại là hệ quả của sự phát triển khoa học như vũ bão kia.

Vấn đề được khơi gợi hết sức ấn tượng: “Chúng ta đang ở đâu? Hôm nay ngày 8 -8 – 1986, hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân đã được bố trí khắp hành tinh. Nói nôm na ra, điều đó có nghĩa là mỗi người không trừ trẻ con, đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ: tất cả chỗ đó nổ tung lên sẽ làm biến hết thảy, không phải một lần mà là mười hai lần, mọi dấu vết của sự sống trên trái Đất”.

Sức tác động của đoạn văn này chủ yếu bởi những con số thống kê cụ thể: 50.000 đầu đạn hạt nhân; 4 tấn thuốc nổ; không phải một lần mà là mười hai lần… Thông điệp về nguy cơ huỷ diệt sự sống được truyền tải với một khả năng tác động mạnh mẽ vào tư duy bạn đọc. Không chỉ có thế, trong những câu văn tiếp theo, tác giả còn mở rộng phạm vi ra toàn hệ Mặt Trời, dẫn cả điển tích trong thần thoại Hi Lạp nhằm làm tăng sức thuyết phục.

Trong phần tiếp theo, tác giả đưa ra hàng loạt so sánh nhằm thể hiện sự bất hợp lí trong xu hướng phát triển của khoa học hiện đại: tỉ lệ phục vụ cho việc nâng cao đời sống nhân loại quá thấp trong khi tỉ lệ phục vụ cho chiến tranh lại quá cao. Vẫn là những con số thống kê đầy sức nặng:

– 100 tỉ đô la cho trẻ em nghèo khổ tương đương với 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B hoặc dưới 7.000 tên lửa vượt đại châu;

– Giá 10 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân đủ để thực hiện chương trình phòng bệnh trong cùng 14 năm, bảo vệ cho hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét;

– Hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là đủ tiền xóa nạn mù chữ cho toàn thế giới…

Đó là những con số vượt lên trên cả những giá trị thống kê bởi nó còn có giá trị tố cáo bởi điều nghịch lí là trong khi các chương trình phục vụ chiến tranh đều đã hoặc chắc chắn trở thành hiện thực thì các chương trình cứu trợ trẻ em nghèo hay xoá nạn mù chữ chỉ là sự tính toán giả thiết và không biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực. Trong khía cạnh này thì rõ ràng là khoa học đang phát triển ngược lại những giá trị nhân văn mà từ bao đời nay con người vẫn hằng xây dựng.

 

Vẫn bằng phép suy luận lô gích và những con số thống kê nóng bỏng, tác giả đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm: sự phát triển vũ khí hạt nhân không chỉ đi ngược lại lí trí của con người mà còn đi ngược lại lí trí tự nhiên. Sự đối lập khủng khiếp giữa 380 triệu năm, 180 triệu năm, bốn kỷ địa chất (hàng chục triệu năm) với khoảng thời gian đủ để “bấm nút một cái” đã phơi bày toàn bộ tính chất phi lí cũng như sự nguy hiểm của chương trình vũ khí hạt nhân mà các nước giàu có đang theo đuổi. Bằng cách ấy, rất có thể con người đang phủ nhận, thậm chí xóa bỏ toàn bộ quá trình tiến hóa của tự nhiên và xã hội từ hàng trăm triệu năm qua. Đó không chỉ là sự phê phán mà còn là sự kết tội.

Đó là toàn bộ luận điểm thứ nhất, chiếm đến hơn ba phần tư dung lượng của bài viết này. ở luận điểm thứ hai, thủ pháp tương phản đã được vận dụng triệt để. Ngay sau lời kết tội trên đây, tác giả kêu gọi:

“Chúng ta đến đây để cố gắng chống lại việc đó, đem lại tiếng nói của chúng ta tham gia vào bản đồng ca của những người đòi hỏi một thế giới không có vũ khí và một cuộc sống hòa bình, công bằng. Nhưng dù cho tai họa xảy ra thì sự có mặt của chúng ta ở đây cũng không phải là vô ích”.

Đó
không hẳn là một lời kêu gọi thống thiết và mạnh mẽ, tuy nhiên không vì thế mà
nó kém sức thuyết phục. Chính dư âm của luận điểm thứ nhất đã tạo nên hiệu quả
cho luận điểm thứ hai này. Những lời kêu gọi của tác giả gần như những lời tâm
sự nhưng thấm thía tận đáy lòng. Chưa hết, tác giả còn tưởng tượng ra tấn thảm
kịch hạt nhân và đề nghị mở “một ngân hàng lưu trữ trí nhớ”. Lời đề
nghị tưởng như rất không thực ấy lại trở nên rất thực trong hoàn cảnh cuộc
chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong luận điểm thứ hai này, tác giả hầu như không sử dụng một dẫn chứng hay một con
số thống kê nào. Nhưng cách dẫn dắt vấn đề, lời tâm sự tha thiết mang âm điệu
xót xa của tác giả đã tác động mạnh đến lương tri nhân loại tiến bộ. Tác giả
không chỉ ra thế lực nào đã vận dụng những phát minh khoa học vào mục đích xấu
xa bởi đó dường như không phải là mục đích chính của bài viết này nhưng ông đã
giúp nhân loại nhận thức được nguy cơ chiến tranh hạt nhân là hoàn toàn có thực
và ngăn chặn nguy cơ đó, đồng thời đấu tranh cho một thế giới hòa bình sẽ là
nhiệm vụ quan trọng nhất của nhân loại trong thế kỉ XXI.

Thảo luận cho bài: Soạn bài: Đấu tranh cho một thế giới Hòa Bình