Soạn bài cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi
(Bảo kính cảnh giới – bài 43)
Soạn bài lập dàn ý bài văn thuyết minh ( mẫu 2 )
Có thể bạn quan tâm:
Phân tích bài thơ Cảnh Ngày Hè (bài hay)
Phân tích bài thơ Cảnh Ngày Hè của Nguyễn Trãi
Cảm nhận bài thơ Cảnh Ngày Hè của Nguyễn Trãi
I. Gợi ý trả lời câu hỏi
Câu 1. Trong bài thơ có nhiều động từ diễn tả trạng thái của cảnh ngày hè. Đó là những động từ nào, trạng thái của cảnh được diễn tả ra sao?
Bài thơ là một bức tranh ngày hè rất sinh động. Tác giả đã sử dụng nhiều động từ mang sắc thái để diễn tả cảnh vật ngày hè như “đùn đùn”, “phun”, giương”. Cảnh vật được miêu tả với sức sống mãnh liệt. Như có một cái gì đó thôi thúc bên trong, sức sống như ứa căng, tràn đầy khiến cho màu xanh của lá hòe đùn đùn lên và tán giương lên che rợp, khiến cho cây lựu ở hiên nhà phun ra màu đỏ. Thiên nhiên hiện lên sống động vô cùng.
Câu 2. Cảnh ở đây có sự hài hòa giữa âm thanh và màu sắc, cảnh vật và con người. Hãy phân tích và làm sáng tỏ.
Bức tranh ngày hè có sự kết hợp giữa màu sắc và âm thanh, giữa cảnh vật với con người một cách hài hòa, sinh động. Màu xanh của tán cây hòe làm nổi bật màu đỏ của hoa thạch lựu, tiếng lao xao của chợ cá hòa lẫn với tiếng ve kêu, trong không gian đầy sức sống ấy, con người (ngư dân làng chài) cũng đang nhộn nhịp với cuộc sống của mình.
Câu 3. Nhà thơ đã cảm nhận cảnh vật bằng những giác quan nào? Qua sự cảm nhận ấy, anh (chị) thấy Nguyễn Trãi là người có tấm lòng như thế nào đối với thiên nhiên?
Cảnh ngày hè là một trong những bài thơ tiêu biểu thể hiện tấm lòng ưu ái của Nguyễn Trãi đối với thiên nhiên. Tác giả đã cảm nhận thiên nhiên không những bằng thị giác mà còn bằng thính giác, khứu giác. Không những nhìn thấy màu xanh của cây hòe, màu đỏ của hoa thạch lựu, tác giả còn nghe thấy âm thanh lao xao của chợ cá, tiếng dắng dỏi của ve kêu và ngửi thấy mùi thơm của hoa sen mùa hè. Thi nhân dường như mở rộng tất cả các giác gian để đón nhận thiên nhiên, để cảm nhận thiên nhiên và giao hòa cùng thiên nhiên, làm cho bức tranh thiên nhiên trong bài thơ trở nên tinh tế, sống động.
Câu 4.
Nguyễn Trãi ước mong có cây đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong ca ngợi sự no đủ, thái bình của người dân. Nguyễn Trãi là vậy, dẫu không dễ dàng gì có một ngày rãnh rỗi để “hóng mát thuở ngày trường”, nhưng khi nghỉ ngơi ông vẫn luôn canh cánh nghĩ về dân, về đất nước. Nhìn thấy dân làng chài đang trong cảnh yên vui mua bán, ông mong được gảy khúc đàn ngợi ca. Tình cảm của ông dành cho nhân dân dường như được dồn né để bộc lộ ở câu thơ cuối: “Dân giàu đủ khắp đòi phương”. Ước mơ cuộc sống no đủ cho nhân dân, nhưng không phải chỉ cho người dân quê ông hay người dân của một nước mà ước mong sự no đủ khắp mọi nơi. Đó là tấm lòng ưu ái rộng mở của Ức Trai.
Câu 5. Bằng tấm lòng yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha, Nguyễn Trãi đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên đẹp mắt. Qua đó, thể hiện tấm lòng yêu thiên nhiên và nêu lên khát vọng về cuộc sống thái bình, hạnh phúc cho nhân dân của nhà thơ. Bài thơ hé mở cho chúng ta thấy một tâm hồn rất đẹp và thanh cao của Nguyễn Trãi. Dẫu sinh trưởng trong một dòng họ nhiều đời đỗ đạt, song không vì vậy mà ông xa lạ với cảnh vật nông thôn, trái lại, tâm hồn ông chan hòa cùng thiên nhiên, cùng con người miền quê. Đó là nét đẹp của một tâm hồn giản dị.
II. Luyện tập
Câu 1. Vẻ đẹp của thiên nhiên và tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ.
Gợi ý:
- Vẻ đẹp thiên nhiên:
Thiên nhiên hài hòa, màu xanh của cây hòe làm nổi bật màu đỏ của hoa thạch lựu; thiên nhiên được miêu tả sinh động, đầy sức sống bằng các động từ mạnh như “phun”, “đùn đùn”, “giương”…
- Vẻ đẹp của tâm hồn Nguyễn Trãi:
Nguyễn Trãi là người có tấm lòng giao hòa cùng thiên nhiên, có sự cảm nhận hết sức tinh tế đối với cảnh vật. Tâm hồn ông giản dị, thanh cao, dù trong hoàn cảnh nào cũng canh cánh nỗi lo cho dân, cho nước.