Phát biểu cảm nghĩ của em về bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen

Đề bài:

Em rút ra điều gì sâu sắc nhất khi đọc bài ca dao:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Hãy phân tích bài ca dao trên để làm sáng tỏ ý kiến của em.

I. DÀN Ý
1.    Mở bài:

–    Đây là bài ca dao hay và đẹp, thể hiện triết lí, quan điểm sống trong sạch, thanh cao của nhân dân lao động.
2.    Thân bài:
*    Nội dung và nghệ thuật của bài ca dao:
+ Câu 1: Trong đầm gì đẹp bằng sen là câu hỏi tu từ, khẳng định họa sen đẹp nhất trong các loài hoa mọc trên đầm lầy.
+ Câu 2: Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng là hình ảnh đẹp đẽ của cây sen được miêu tả tỉ mỉ, chi tiết…
+ Câu 3: Nhị vàng, bông trắng, lá xanh có vai trò đặc biệt làm nhiệm vụ chuyển từ nghĩa hiển ngôn sang nghĩa hàm ẩn. Đảo thứ tự miêu tả của câu 2 để nhấn mạnh Sự hài hòa tuyệt đối về màu sắc và vẻ đẹp toàn bích của hoa sen.
–    Người xưa ca ngợi vẻ dẹp của hoa sen, mượn hoa sen để phản ánh lẽ sống cao quý và niềm tự hào, tự tin vào bản chất, phẩm giá trong sạch của mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
–    Bút pháp tả thực kết hợp hài hòa với bút pháp ước lệ, tượng trưng làm nổi bật vẻ đẹp khác thường của hoa sen.
–    Nhịp thơ chậm rãi 2/2/2… khiến câu thơ như một sự chiêm nghiệm, suy ngẫm để đi đến khẳng định chắc chắn, không gì thay đổi được.
–    Nghệ thuật miêu tả tưởng chừng tự nhiên, giản dị nhưng thực chất đã đạt tới độ tinh tế, điêu luyện.
3.    Kết bài:
–    Bài ca dao tôn vinh vẻ đẹp toàn bích của hoa sen, xứng đáng tượng trưng cho vẻ đẹp của con người chân chính.
–    Sức sống của bài ca dao lâu bền cùng sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
II.    BÀI LÀM

Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Không hiểu bài ca dao này xuất hiện từ đâu, từ bao giờ nhưng có nhiều ý kiến cho rằng đây là bài ca dao mà nghệ thuật tuyệt vời và ý nghĩa triết lí nhân sinh gắn liền với nhau tạo nên giá trị muôn đời.

Hình ảnh cây sen được miêu tả vừa cụ thể, chân thực vừa mang tính tượng trưng và khái quát rất cao. Ca ngợi vẻ đẹp của hoa sen, các nhà thơ bình dân xưa đã phản ánh lẽ sống cao quý của con người Việt Nam từ ngàn đời nay: tự hào, tự tin về bản thân mình luôn giữ được tâm hồn trong sáng, phẩm chất thanh cao, dù hoàn cảnh sống có nghiệt ngã, xấu xa đến mức nào.

Câu 1 khẳng định vẻ đẹp không gì sánh nổi của hoa sen. Câu 2 và câu 3 tả thực cây sen. Câu 4 nói đến hương thơm của hoa sen. Bốn câu trong bài đều rất hay, nhưng mỗi câu hay một cách.

Câu mở đầu: Trong đầm gì đẹp bằng sen.

Tác giả đã khẳng định hoa sen đẹp nhất so với tất cả các loài hoa nở trong đầm bằng một câu hỏi tu từ khéo léo lôi cuốn người nghe, đặt họ vào vị trí và tâm thế thưởng thức cùng với mình, để rồi sau khi so sánh, cân nhắc, họ sẽ rút ra kết luận không thể khác.

Câu thứ 2: Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.

Để chứng minh cho lời khẳng định ở trên là đúng, tác giả tuần tự miêu tả vẻ đẹp của cây sen, từ lá xanh qua bông trắng đến nhị vàng. Trên nền xanh của lá, nổi bật là màu trắng thanh khiết của hoa; giữa màu trắng của hoa lại chen chút sắc vàng của nhị. Từ lại được dùng rất tài tình, có tác dụng nhấn mạnh sự đa dạng về màu sắc của hoa sen. Từ chen nói lên sự kết hợp hài hòa giữa hoa và nhị. Tất cả như cùng đua đẹp, đua tươi. Cảnh đầm sen giống như một bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ với những nét chấm phá diệu kì.

Câu thứ 3: Nhị vàng, bông trắng, lá xanh.

Câu này có vị trí đặc biệt trong toàn bài. Đó là câu chuyển (chuyển vần, chuyển nhịp, chuyển ý) để chuẩn bị cho câu kết.

Từ câu thứ hai sang câu thứ ba có sự khác thường trong cách gieo vần (ang, anh) nhưng nhiều người không để ý. Sở dĩ như vậy là do sự chuyển vần và thay đổi trật tự các từ ngữ, hình ảnh đã được thực hiện một cách khéo léo, tự nhiên, hợp lí về cả nội dung và hình thức.

cam nghi bai ca dao trong dam gi dep bang sen

Hai chữ nhị vàng ở cuối câu thứ hai được lặp lại ở đầu câu thứ ba tạo nên tính liên tục trong tư duy, cảm xúc và sự liến kết chặt chẽ giữa nội dung với hình thức trong toàn bài.

Câu đầu và câu cuối là lời nhận định, đánh giá về vẻ đẹp và phẩm chất cao quý của cây sen. Hai câu giữa tả thực đến từng chi tiết: lá xanh, bông trắng, nhị vàng (tả đi); rồi tả lại: Nhị vàng, bông trắng, lá xanh. Tả từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, thật đầy đủ, tỉ mỉ. Dường như người tả đang cố chứng minh bằng được vẻ đẹp của sen: đẹp từ sắc lá đến màu hoa, màu nhị. Sau đó lại nhấn mạnh thêm bằng cách đảo ngược: đẹp từ màu nhị đến màu hoa, sắc lá. Nghệ thuật miêu tả ở đây mới đọc qua tưởng chừng đơn giản, song thực sự đã đạt tới trình độ điêu luyện, tinh vi. Nghệ thuật ấy đã tôn vinh hoa sen lên hàng hoa quý {cúc, mai, liên…) xứng đáng tượng trưng cho vẻ đẹp của con người chân chính.

Đọc những câu ca dao trên, chúng ta liên tưởng tới hình dáng thanh tao, kiêu hãnh của hoa sen và trong tâm tưởng cũng nở bừng một đoá hoa sen thật đẹp!

Câu thứ 4: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Dù mang tính chất ẩn dụ tượng trưng nhưng trước hết vẫn là sự tả thực về cây sen trong môi trường sống của nó. Sen thường sống ở trong ao hoặc trong đầm; ấy vậy mà hoa sen lại tỏa ra một mùi thơm thanh khiết lạ lùng. Có thể coi đây là đỉnh điểm của nội dung bài ca dao. Thiếu câu này, hình tượng hoa sen vẫn tồn tại nhưng không có linh hồn và ý nghĩa nhân sinh.

Nếu ta cho câu ca dao mở đầu là luận đề mang ý nghĩa khái quát về hình tượng hoa sen thì đến câu kết thúc của bài thơ, bông sen trong tự nhiên đã hóa thành bông sen trong cuộc đời một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng, không có một sự gượng ép nào, do đó mà ý nghĩa tượng trưng của hoa sen cũng mở rộng không giới hạn.

Đọc đến câu này, hầu như không ai dừng lâu để suy nghĩ tới nghĩa đen, nghĩa trực tiếp của nó mà chuyển sang hiểu theo nghĩa bóng (hàm ngôn) với triết lí sâu xa ẩn chứa trong đó. Chính vì vậy mà tính chất ẩn dụ tượng trưng của hình tượng thơ nổi lên lấn át hình ảnh thực. Nó tựa hồ như một cánh cửa đặc biệt kì diệu, khép lại nghĩa đen và mở ra nghĩa bóng một cách thần tình.

Thế là trong phút chốc, sen đã hóa thành người, bùn trong đầm (nghĩa đen) biến thành bùn trong cuộc đời (nghĩa bóng). Rồi cả hình ảnh cái đầm cùng mùi hôi tanh của bùn cũng là ẩn dụ tượng trưng vì nó được hiểu theo nghĩa bóng với những mức độ rộng hẹp, xa gần khác nhau tùy theo trình độ mỗi người.
Bài ca dao gợi lên một cái gì đó rất gần gũi, thân quen giữa hoa sen với bản chất tốt đẹp của người lao động. Mùi bùn gợi liên tưởng đến những cái xấu xa, thấp hèn của mặt trái xã hội phong kiến thời suy tàn cùng với lũ tham quan ô lại vô liêm sỉ của nó.
Nhân dân lao động, đặc biệt là nông dân sống gần sen, hiểu sen và yêu quý sen nhất. Họ đã đưa hoa sen vào ca dao, mượn vẻ đẹp thanh khiết của hoa sen để bầy tỏ, gửi gắm tâm sự của mình. Với bức tranh tuyệt mỹ được vẽ bằng ngôn ngữ, hoa sen sẽ lưu lại mãi mãi vẻ đẹp và hương thơm cao quý trong văn chương và trong lòng người dân đất Việt.

Thảo luận cho bài: Phát biểu cảm nghĩ của em về bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen