Phân tích truyện Nhưng nó phải bằng hai mày.
Kho tàng truyện cười Việt Nam cực kì phong phú về đề tài, được chia làm hai loại là truyện khôi hài và truyện trào phúng. Truyện khôi hài chủ yếu nhằm mục đích giải trí là chính, tuy vậy nó vẫn có ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng. Truyện trào phúng có mục đích đả kích, phê phán, đối tượng phần lớn là các nhân vật thuộc tầng lớp trên trong xã hội phong kiến xưa kia. Cũng có khá nhiều truyện cười phê phán thói hư tật xấu thường thấy trong cuộc sống. Nhưng nó phải bằng hai mày và Tam đại con gà là truyện cười thuộc loại trào phúng, phê phán đám quan lại tham nhũng và những thầy đồ dốt nát.
Truyện Nhưng nó phải bằng hai mày.
Cốt truyện đơn giản : Hai người hàng xóm đánh nhau rồi mang nhau đi kiện. Tuy vậy, truyện được xây dựng thành một màn hài kịch hoàn hảo với hai yếu tố then chốt dẫn tới sự hình thành và phát triển mâu thuẫn. Đó là lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi và hai đương sự Ngô, Cải, ai cũng muốn giành phần thắng nên đều đút lót cho lí trưởng.
Mâu thuẫn bắt đẩu phát sinh khi lí trưởng đột ngột tuyên bố đánh phạt Cải mười roi. Buồn cười ở chỗ là hai nhân vật một bên thì chủ động, còn bên kia hoàn toàn bị động. Một bên cứ kết án, một bên xin xét lại. Động tác và lời nói của hai người hoàn toàn trái ngược nhau. Màn kịch khép lại bằng câu kết luận chắc nịch của lí trưởng: Tao biết mày phải… nhưng nó lại phải… bằng hai mày. Lời nói ấy đã vạch trần thủ đoạn của viên lí trưởng mà dân gian đã chỉ ra bằng câu thành ngữ : đòn xóc hai đầu.
Lí trưởng là người đứng đầu trông coi việc hành chính trong làng. Viên lí trưởng trong truyện nổi tiếng xử kiện giỏi. Song cái tiếng tăm ấy lại hoàn toàn đối lập với thực chất bên trong. Ngô và Cải đều phải lo đút lót trước cho lí trưởng. Sự công bằng, lẽ phải – trái, không có ý nghĩa gì ở chốn công đường Khi lí trưởng xử kiện..Lẽ phải ở đây thuộc về kẻ nhiều tiền, nhiều lễ vật lo lót. Đồng tiền đã ngự trị chốn công đường, bất chấp công lí. Đúng là: Nén bạc đâm toạc tờ giấy và Cải, Ngô là các nhân vật bi hài, vừa đáng trách, đáng cười, vừa đáng thương.
Phân tích truyện cười Nhưng nó phải bằng hai mày
Thủ pháp trào lộng của truyện được thể hiện bằng những cử chỉ, hành động, lời nói gây cười của các nhân vật.
Cử chỉ, hành động của các nhân vật trong truyện này giống như cử chỉ và hành động của các nhân vật trong kịch câm, chứa đựng nhiều ý nghĩa. Khi bị lí trưởng ra lệnh đánh đòn, Cải vội xòe năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thầy lí, khẽ bẩm. Cử chỉ ấy như muốn nhắc khéo lí trưởng về số tiền mà cải đã lo lót trước và anh ta trông đợi sự “nhớ ra” của lí trưởng về lời cam kết rằng lẽ phải sẽ thuộc về mình. Thầy lí cũng xòe nầm ngón tay trái úp lên trên năm ngón tay mặt, cử chỉ ấy ngầm thông báo với Cải rằng “lẽ phải” của thằng Ngô nhiều gấp đôi, nên đương nhiên phần thắng sẽ thuộc về hắn.
Lẽ phải (trừu tượng) được tính bằng năm ngón tay (cụ thể), hai lần lẽ phải được tính bằng mười ngón tay. Điều thú vị mà tác giả dân gian dành cho người đọc là: ngón tay của Cải trở thành ‘‘kí hiệu” của tiền tệ và hai bàn tay úp vào nhau của quân cũng là “kí hiệu” biểu thị cho lượng tiền đút lót của Ngô.
Truyện còn dùng hình thức chơi chữ để gây cười. Từ phải trong truyện này đa nghĩa. Nghĩa thứ nhất chỉ lẽ phải, chỉ cái đúng, người đúng, đối lập với cái sai, người sai. Nghĩa thứ hai chỉ điều bắt buộc, nhất thiết phải có, tức là mức tiền lo lót. Lời lí trưởng: Tao biết mày phải… nhưng nó lại phải… bằng hai mày lập lờ cả hai nghĩa ấy. Không phải ngẫu nhiên, vế thứ hai trong lời thầy lí lại được dùng để đặt tên cho truyện này.
Ở đây, ta thấy ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ động tác thống nhất với nhau, có giá trị ngang nhau. Ngồn ngữ bằng lời nói là ngôn ngữ công khai, nói cho tất cả những người có mặt cùng nghe. Ngôn ngữ bằng động tác là thứ ngôn ngữ “bí mật”, chỉ có người trong cuộc (thầy lí và Cải) mới hiểu được.
Hai thứ ngôn ngữ ấy làm rõ nghĩa cho nhau để chỉ ra thực chất của sự nổi tiếng xử kiện giỏi của viên lí trưởng nọ.
Truyện rất ngắn, kết thúc bất ngờ nhưng nó nói đủ những điều muốn nói và tiếng cười vừa giòn giã, thâm thúy cũng đồng loạt cất lên.