Đề bài:
Đoạn trích Con có thương thầy u là đoạn trích để lại bao nước mắt trong lòng người đọc. Em hãy viết bài văn phân tích nhân vật cái Tí trong đoạn trích Con có thương thầy u trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố.
Bài làm:
Vì “tội” chậm nộp tiền sưu nên anh Dậu bị bọn cường hào đánh đập, cùm trói và giam giữ ở ngoài đình làng. Chị Dậu không chạy đâu ra tiền đành theo lời chồng dặn, sang nhà Nghị Quế dạm bán cái Tí. Vốn tham lam và tàn nhẫn, vợ chồng tên địa chủ này hùa nhau dồn chị Dậu vào bước đường cùng để mua rẻ gần như cướp không đứa con và đàn chó của chị. Chị Dậu cầm tờ văn tự đã điểm chỉ ra đình làng Động Xá cho anh Dậu đang bị cùm ở đó kí, rồi xin lí trưởng đóng triện nhận thực, với điều kiện chị sẽ cấy không công cho lão một mẫu ruộng.
Đoạn trích Con có thương thầy, thương u… thuộc chương X và chương XI, thuật lại cảnh chị Dậu về nhà nói cho cái Tí biết việc nó đã bị bán cho nhà “cụ Nghị”. Đây là đoạn văn miêu tả diễn biến tâm trạng của cái Tí trước và sau khi biết tin dữ đồng thời là những giây phút đau đớn vô hạn của người mẹ khốn khó.
Toàn bộ chương X được dành cho cái Tí – đứa con đầu lòng ngoan ngoãn, hiếu thảo của chị Dậu. Hình ảnh cái Tí hiện lên thật sinh động dưới ngòi bút miêu tả tài tình của nhà văn. Nhân vật bé bỏng này đã thực sự chiếm được cảm tình và để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc.
Mới lên bảy tuổi, cái Tí đã là chị của hai đứa em: thằng Dần và cái Tỉu. Con bé sớm nhận ra sự cùng quẫn của gia đình và lặng lẽ chia sẻ theo cách riêng của nó.
Cái Tí là đứa trẻ sớm biết làm, biết nghĩ, sớm biết lo toan. Dường như nó đã hiểu ra rằng gia đình đang gặp một tai họa rất lớn, khó mà thoát được. Trái tim non nớt nhưng nhạy cảm giúp nó nhận ra nỗi buồn đau ẩn chứa trong vẻ mặt dàu dàu, trong ánh mắt, dáng đi và thái độ im lặng của mẹ.
Thấy mẹ về, cái Tí rất mừng. Nó đon đả chào: – U đã về ạ ! Ông Lí cởi trói cho thầy con chưa hả u? Cái nón của u làm sao bị rách tan tành thế này ? Tay u làm sao lại phải buộc giẻ thế kia ? Cái Tí thực sự lo lắng cho bố và ân cần quan tâm đến những thay đổi của mẹ.
Mẹ đi vắng, cái Tí thay mẹ làm mọi việc trong nhà và chăm sóc các em. Chúng ta hãy nghe cái Tí kể với mẹ về sự vất vả và đảm đang của nó: Cô ả này hôm nay quấy lắm u ạ! u đi khỏi nhà, cô ta cứ ra rả khóc không dứt miệng. Dỗ thế nào cô ta cũng không nín cho. Đặt ngồi xuống phản, cô ta lại níu lấy con và cố đứng lên. Con vừa lẽo đẽo cắp cô ta ở sườn, lại vừa hì hục rửa khoai, tra nồi xin lửa dóm bếp. Cũi thì ướt chảy ướt chả, lì lụi mãi vẫn không cháy cho. Thế mà con cũng luộc được chín nồi khoai rồi đấy! u bảo con có ngoan không ?
Những lời lẽ, cử chỉ ngoan ngoãn, hiếu thảo của nó như những nhát dao vô tình cứa vào trái tim đang rớm máu của người mẹ. Thương biết mấy là cảnh cái tí cố chọn lấy những mẩu khoai to xếp đầy hai bát để phần thầy, phần u. Rồi nó ép mẹ ăn khoai bằng cái dáng bộ vui vẻ, nhẹ nhàng, nó đặt một bát lên chõng mời mẹ: u ăn khoai đi, để lấy sữa cho em nó bú. Từ sáng đến giờ, u chưa ăn gì, đói quá chịu làm sao được ?
Với tuổi lên bảy, cái Tí chưa thể hình dung ra được những gì đang chờ đợi nó và sẽ xảy ra với nó. Bởi thế, lúc thấy mẹ rơi nước mắt thì vẻ nghi ngại hiện ra sắc mặt con bé nhưng cũng chỉ đến mức băn khoăn: mẹ bị đánh đau hay là mẹ cố nhường phần cho các con khỏi đói. Khi nghe tin mình sẽ bị bán cho nhà Nghị Quế, cái Tí như cây non bật gốc trước cơn gió dữ. Nó giẫy nẩy giống như sét đánh bên tai, nó để củ khoai vào rổ rồi òa lên khóc: u bán con thật đấy ư ? Con van u, con còn bé bỏng, u đừng đem bán con đi, tội nghiệp! u để con ở nhà chơi với em con. Còn lời nào thống thiết hơn thế nữa ? Còn sự thật nào kinh hoàng hơn, ghê gớm hơn sự thật này? Cái Tí sẽ bị đem bán như bán con gà, con vịt, rổ khoai… Nó sẽ phải lìa bỏ cái tổ ấm dù là nghèo khó nhưng đầy tình thương yêu của gia đình để bước vào cuộc một sống xa lạ đáng sợ.
Thấy mẹ xích con chó cái và bắt đàn chó con vào rổ, cái Tí tưởng những con vật ấy sẽ thế mạng cho mình, cho nên nó đã vững dạ ngồi im. Bây giờ nghe mẹ giục nó phải đi, nó lại nhếch nhác mếu khóc: – u nhất định bán con đấy ư? u không cho con ở nhà nữa ư? Khốn nạn thân con thế này ! Trời ơi… Ngày mai con chơi với ai ? Con ngủ với ai ?
Sau khi được mẹ cho biết là nếu không bán nó thì không có tiền nộp sưu và thầy nó sẽ bị trói ở ngoài đình cho đến chết thì cái Tí chừng cũng hiểu những nỗi đau lòng của mẹ, nó không khóc nữa. Cái Tí quyết định ra đi. Lau sạch nước mất, nó chạy đến chỗ cái Tĩu cúi đầu tận mặt con này, nó hôn mỗi má mấy cái… Rồi nó ôm lấy thằng Dần và cũng hôn luôn hai má thằng ấy. Cái Tí ân cần dặn dò hai đứa em trong khi mắt vẫn giàn giụa nước. Nhưng đến khi thấy thằng Dần níu áo khóc rầm rĩ thì cái Tí lại khóc tu tu rồi năn nỉ mẹ: – Con nhớ em quá Ị Hay là u hãy cho con ở nhà một đêm nay nữa, để con ngủ thêm với em, để con nói chuyện với em. Sáng mai con xin đi sớm. Chị Dậu lại phải van lạy nó rồi năn nĩ dỗ ngọt thằng Dần để cho cái Tí đi. Cảnh chia tay thật não lòng! Cái Tí với hai hàng nước mắt ròng ròng hôn hít các em một lượt nữa, rồi lủi thủi đội mê nón lên đầu và cắp gói áo vào nách.
Trong suốt đoạn trích, nhà văn không hề nhắc đến hai chữ hi sinh, song người đọc đều cảm nhận được đức hi sinh cao quý ở một bé gái chỉ mớr lên bảy tuổi. Phải! Cái Tí đã chấp nhận phần thiệt thòi về mình để góp phần cứu gia đình qua cơn hoạn nạn.
Nghệ thuật miêu tả sự việc, con người một cách chân thực và sắc sảo thể hiện tài năng của Ngô Tất Tố trong quá trình xây dựng tính cách nhân vật và tình huống truyện đầy mâu thuẫn, tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với người đọc.
Ngòi bút đầy cảm thông và nhân ái của Ngô Tất Tố đã động đến chỗ sâu thẳm của hồn người, khiến chúng ta đau cùng nỗi đau vô hạn của nhân vật trong tác phẩm.