Phân tích bài thơ đò lèn của Nguyễn Duy
Soạn bài thực hành một số phép tu từ ngữ âm
I. Tác giả
Nguyễn Duy sinh năm 1948, thuộc thế hệ những nhà thơ chống Mĩ, được độc giả biết đến năm 1973, khi ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ với chùm thơ : Hơi ấm ổ rơm Bầu trời vuông, Tre Việt Nam.
Thơ Nguyễn Duy có sự kết hợp tài hoa giữa cái duyên dáng, trữ tình với chất thế sự đậm đặc, giàu chiêm ghiệm và triết lí. Ông được đánh giá cao trong thể thơ lục bát, là một trong số không nhiều cây bút hiện nay đã góp phần làm mới thể thơ truyền thống này. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
II. Tác phẩm
Bài thơ Đò lèn được viết năm 1983, trong dịp nhà thơ về quê noại, khi được sống với hồi ức đan xen nhiều buồn vui thời thơ ấu. Mẹ mất sớm, Nguyễn Duy ở với bà ngoại từ bé. Trong tâm hồn nhà thơ, đó là tuổi thơ của đứa cháu mồ côi nghịch ngợm, vừa sóng đôi, vừa có gì tương phản với hình ảnh người bà âm thầm chịu đựng, vất vả để nuôi dạy đứa cháu mồ côi nghịch ngợm. Giữa đất trời quê ngoại dân dã, khi câu cá ở Cống Na, lúc “bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật, và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần’’, rồi “chân đất đi xem lễ đền Sòng để biết mùi huệ, hương trầm và điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng, Nguyễn Duy cứ thế mà lớn lên bên bà nhưng nào có biết đời bà ra sao. Mãi khi về thăm ngoại, người lính đã trưởng thành ấy mới thực hiểu và thấm thía một đời bà lam lũ vất vả :
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
Bà mò cua, xúc tép ở đồng Quan
Bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.
Tôi đâu biết đã nối liền tuổi thơ nghịch ngợm của đứa cháu với đời bà cơ cực tần tảo sớm khuya nuôi cháu. Chỉ một khổ thơ dành cho bà mà chất chứa trong đó bao thương cảm xót xa, bao ân tình sâu nặng của đứa cháu khi nhớ đến bà. Tưởng như những vùng đất quen thuộc của xứ Thanh : Đồng Quan, Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Giao vẫn in hình bóng bà với bước chân “thập thững những đêm hàn’’. Nhớ về bà, nhà thơ không chỉ thương tiếc, biết ơn mà còn kính trọng bà, một con người của đời thường, sống âm thầm chịu đựng trong cảnh đời thường nhưng lại đầy bản lĩnh, giàu nghị lực và lạc quan. Nghĩ về bà Nguyễn Duy có một chút so sánh mang ý nghĩa triết lí sâu xa :
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
Giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh thần.
Để đi đến một đáp số thật đơn giản và dễ hiểu khi “bom Mĩ giội – nhà bà tôi bay mất, đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền’’, lúc ấy đã xảy ra một sự đối lập sâu sắc :
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn.
Trong sự tương phản của câu thơ, hình ảnh người bà hiện lên sừng sững giữa đời thường, giản dị mà đẹp.Có phải đó là ý chí, nghị lực, sức sống mạnh mẽ của người phụ nữ Việt Nam kết tinh trong bà mà người cháu trưởng thành đã nhìn thấy và thấu hiểu, để càng thêm yêu kính và biết ơn bà. Nhưng tất cả đều đã muộn và khổ thơ cuối cùng không nén nổi mọt niềm ăn năn, hối hận của người cháu – lính khi nghĩ về bà của mình.
Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
Dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
Khi tôi biết thương bà thì quá muộn
Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.