Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Đề bài: Cảnh vườn quê hiện lên thật đẹp nhưng lại thấm đượm nỗi buồn da diết bâng khuâng trong Đây thôn Vĩ Giạ của Hàn Mặc Tử. Phân tích bài thơ để chứng tỏ điều đó.  

Yêu cầu

Phân tích bài thơ để làm nổi rõ vẻ đẹp và nét buồn của bức tranh thôn Vĩ đã được khúc xạ qua nỗi niềm tiếc nuối bâng khuâng của Hàn Mặc Tử về một mối tình dở dang bất hạnh.

Cảnh và tình quyện chặt, tình thắm vào cảnh, cảnh nói lên tình trong những hình ảnh thơ mới mẻ và sáng tạo, những ý thơ độc đáo và sâu sắc, và nhất là trong giọng thơ buồn da diết rất đặc trưng của Hàn Mặc Tử (có thể kết hợp lí giải thêm về nỗi buồn của thi nhân trong bài thơ).

Bài làm

Tôi đã trót yêu cái buồn của thơ Hàn Mặc Tử – người thi sĩ tài hoa bạc mệnh. Dường như cái khoảng thời gian ngắn ngủi Tử hiện hữu trên đời này là để yêu. Yêu điên cuồng thế giới… cho dù bị bệnh tật hành hạ. Nỗi buồn trong thơ Người có nhiều những cung bậc khác nhau, lúc thê thảm thiết tha, khi chở nặng một chút lòng man mác… nhưng tất cả đều dội lên một niềm khát khao sống tột độ. Có những câu thơ, bài thơ đọc lên, ta cảm thấy day dứt, diết da; nhưng có những bài nhà thơ truyền cho tôi cảm giác buồn vô cùng tinh tế – “Đây thôn Vĩ Giạ” là một bài thơ như thế với cảnh, với hồn người xứ Huế đẹp, thấm đượm một nỗi buồn da diết bâng khuâng:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa .
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Vườn Huế mộng và thơ, đẹp nhưng là vẻ đẹp của một bức tranh nhạy cảm. Cái nắng trinh nguyên của sớm mai nơi thôn Vĩ như rải những vệt sáng lấp lóa trên những cành lá còn ướt đẫm sương đêm. Buổi mai vàng, khi ùa lòng mình vào Vĩ Giạ, hòa vào cỏ cây, ngước mắt nhìn lên là thẳng tắp những hàng cau đang hứng đầy buồng nắng, “Nắng hàng cau” có lẽ chỉ có thôn Vĩ mới có cái nắng tinh khôi ấy, ta như cảm được cả hương thơm của nắng tỏa xuống không gian, cái hương rất nhẹ của hoa cau mới nở. “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”, câu thơ có bảy chữ nhưng có đến hai chữ “nắng” tạo trong ta cái cảm giác về cấp độ của ánh sáng; đầu tiên là ”nhìn nắng” đó là một thứ ánh sáng của sự chủ động, ta định hướng được rất tự nhiên và từ đó vươn lên một góc nhìn tập trung “nắng hàng cau” để rồi đón nhận một cảm giác tươi mới trinh nguyên “nắng mới lên”, sắc nắng, vị nắng trộn hòa vào cảnh vật vừa như vút lên trong cái tầm thanh thoát của hàng cau xứ Huế, lại vừa chợt như ùa xuống, tỏa rộng tràn lên tất cả “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Câu thơ cứ như là buột miệng, như không kìm nổi lòng mình phải reo lên khi bắt gặp cái sắc màu biếc xanh như ngọc ấy. Vườn ai đó chợt sáng bừng lên, làm rạng rỡ cả một khoảng không gian của trời đất, mượt mà tươi non. Cảnh nơi thôn Vĩ buổi sớm mai ta cứ tưởng như đêm qua cảnh vật được tắm táp bằng một trận mưa rào, cây cối như được rửa trôi, sạch sẽ và vô cùng tinh khôi, chỉ còn những giọt nước rất nhỏ bám vào cành lá đợi chờ từng tia nắng xuyên qua. Có lẽ chỉ cần từ “mướt” là đủ, song thêm từ “xanh” sau càng làm tôn thêm, nổi bật thêm cái tươi mát, xum xuê của Vĩ Giạ. Người dân Huế, thường đồng nghĩa hai từ “vườn” và từ “nhà”, bởi ở nơi đây mỗi ngôi nhà đều được bao quanh bởi vườn cây. Mỗi nhà là một khoảng khá rộng ngôi nhà nhỏ được đặt ở giữa, xung quanh là cây cối tạo nên một cấu trúc thẩm mĩ rất gắn kết, hài hòa. Đang cái mạch của sự ngỡ ngàng, câu thơ tiếp theo là một sự phát hiện mới, hòa vào trong cái không gian tinh khiết ấy là thấp thoáng một dáng nét của con người:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Câu thơ đã biểu hiện được thần thái tâm hồn thôn Vĩ. Có sự xuất hiện của con người, thiên nhiên như càng được thổi thêm một luồng sinh khí tạo nên nét đẹp hài hòa trong giá trị tạo hình, một vẻ đẹp kín đáo, dịu dàng, đôn hậu và thanh khiết của con người nơi miệt vườn xứ Huế, nó còn như một lời chào mời tha thiết, nửa như trách móc dỗi hờn:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ? .

Hình như ta cảm thấy có hai nhân vật trữ tình trong bài thơ một người đang trách móc xa xôi sự vô tình của người kia đối với một kỉ niệm đẹp. Còn nhân vật trữ tình thứ hai thì bàng hoàng tiếc nuối, anh bị lời trách cứ lôi kéo: “cảnh đẹp đến nhường ấy sao anh chẳng về chơi”. Câu mở đầu cho bài thơ, một lời mời chào và còn hàm chứa cả một nỗi niềm tiếc nuối, day dứt. Có thể thấy những cảnh đẹp của vườn Vĩ Giạ chỉ là một lớp vỏ ngoài của một nỗi lòng đang khắc khoải, rõ ràng bài thơ không chỉ đơn thuần để thể_hiện cái tình đối với Huế, mà đối với một bóng hình giai nhân nhà thơ đã từng nặng lòng thương nhớ. Bài thơ được làm ở Qui Nhơn, nên những cảnh Huế chỉ là trong tưởng tượng. Thi nhân là một người đa cảm, lại đang phải sống cách biệt với những người thân yêu của mình nên hơn bao giờ hết thèm được sống lại những ngày tháng cũ, những kỉ niệm êm đềm. “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” hay chăng đó chính là lời của thi nhân, người đã nhập vai một người khác để thể hiện lòng mình, nói một lời chào, lời mời gọi thiết tha, nhưng ngay sau đó như không trốn tránh nổi cái hiện hữu nơi hồn mình. Người đã bừng tỉnh, đã nhận ra rằng đó chỉ là sự tưởng tượng, một giấc mơ của chính mình. Bởi Vĩ, thôn Vĩ chỉ còn là hoài niệm, chỉ còn là sự đi về trong tâm tưởng nhớ thương của một con người đang cần lắm một tình yêu, một tâm hồn để sưởi ấm lòng mình. Cho nên cảnh hiện lên thật đẹp nhưng lại vẫn thấm đẫm một nỗi buồn sâu lắng. Và chính bởi cái buồn da diết ấy nên nguồn mạch của những kỉ niệm vẫn không bị phá vỡ, nhưng ở đây không còn là cái tươi trinh của một buổi sớm mai nơi thôn Vĩ mà chợt chuyển sang cảnh sông nước, của dòng sông Hương với mây và gió: “Gió theo lối gió mây đường mây”.

Thảo luận cho bài: Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử