Phân tích bài Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại của Nguyễn Khắc Viện
Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn
Đề bài: Phân tích bài Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại Nguyễn Khắc Viện.
Bài làm
Trong số những gương mật trí thức tiêu biểu của Viột Nam thế kỉ XX, Nguyễn Khắc Viện là một nhân cách khá đặc biệt. Ông được dư luận rộng rãi đánh giá là một nhà văn hoá, có những đóng góp lớn trong việc làm cho thế giới, trước hết là thế giới phương Tây hiểu thêm, hiểu đúng về đất nước, con người và cách mạng Việt Nam thời kì nhân dân ta tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng là thời kì diễn ra “chiến tranh lạnh” giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Trong cuộc đời mình, ông đã gặp những thuận lợi (thuộc phạm trù cơ duyên) không phải ai cũng có được. Nhưng cũng không phải với ông, mọi điều đều diễn ra suôn sẻ, may mắn. Mắc bệnh lao từ năm 1942, chỉ sống với hơn nửa lá phổi trong mấy chục năm, lại phải chịu khá nhiều sự nghi kị, hiểu nhầm đến từ nhiều phía, trong đó có cả phía “người mình”, Nguyễn Khắc Viện vẫn vượt lên, trụ vững, trở thành con người giản dị, lão thực, bền bỉ cống hiến, làm việc, vì thế hệ trẻ và vì một xã hội Việt Nam dân chủ, văn minh. Có lẽ, ông là người có đủ thẩm quyền để luận bàn về sự tu dưỡng, sự hoàn thiện minh trong bối cảnh phức tạp, đầy biến động cua xã hội và thời đại mà chúng ta đang sống.
Con đường trở thành “kẻ sĩ hiện đại” là một đoạn trích của bài Noi theo đạo nhà, in trong cuốn Bàn về đạo Nho xuất bản năm 1993. Đây không phải là một hồi kí vãn học mà là một áng văn nghị luận có kèm theo những mẫu hồi ức. Nó được viết với mục đích chính luận khá rõ ràng. Ngoài việc (đúng hơn là thông qua việc) kể về quá trình tu dưỡng của bản thân, tác giả muốn gợi ý cho thế hệ sau về con đường phấn đấu để trở thành một “kẻ sĩ hiện đại”, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, dân tộc. Nguyễn Khắc Viện là thế. Ông không có nhu cầu tự ngắm nghía mình. Ý chí hành đạo luôn thôi thúc ông, chi phối việc làm của ông trong mọi nơi, mọi lúc.
Đọc đoạn trích, độc giả có thể thấy khá rõ con đường tu dưỡng của chính tác giả Nguyễn Khắc Viện. Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, trước hết ông tiếp nhận và thấm nhuần một cách tự nhiên tinh thần duy lí cùng phép xử thế của đạo Nho, nhất là phép ứng xử với thần quyền, thế quyền, với cộng đồng xã hội, gia đình và đặc biệt là với bản thân. Lớn lên, được đào tạo thành một trí thức Tây học, sống ở Pháp tới hai mươi sáu năm ròng, dĩ nhiên ông đã tích cực thu hút dưỡng chất từ khoa học và các hệ tư tưởng triết học – chính trị phương Tây.
Nhiều yếu tố nền tảng mà Nho giáo tạo nên trong cấu trúc nhân cách con người ông được bồi đắp dày thêm nhờ những sự “gặp gỡ” tư tưởng giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại. Ông khẳng định : “Cái gốc duy lí của đạo Nho không đối lập với khoa học, với học thuyết Mác”. Chính bởi thế, ông đã sống một đời : “Không nhìn lên trời, không nghĩ đến những gì xảy ra khi chết, không thấy cần thiết biết có thần linh hay không có, không tìm tuyệt đối, không mong trở về với Chúa, thoát khỏi vòng luân hồi, chỉ mong làm con người cho ra người”. Có thể nói thế nào về loại hình nhân cách được mô tả trong đoạn văn trên ? Đó là con người Nho giáo không ưa bàn chuyện ma quỷ quái dị chăng? Là con người cá nhân chỉ tin vào mình chăng? Là con người khoa học không nhìn đời và hành xử theo kiểu cảm tính mà theo sự chỉ đạo của trí tuệ sáng suốt chăng ? Là con người cộng sản vô thần, không tin có cuộc sống siêu nhiên chăng ?,… Trong trường hợp này, mỗi “phương án” trả lời đều có cái lí riêng của nó !
Trên hành trình khẳng định nhân cách, Nguyễn Khắc Viện đã tự thu nạp nhiều yếu tố mới mà giáo dục gia đình thuở nhỏ chưa thể đưa lại. Đó là tinh thần tôn trọng tự do cá nhân, tinh thần phân tích, cải tạo xã hội nhằm xác định con đường đi lên cho lịch sử, thái độ coi trọng dưỡng sinh,… Tuy nhiên, điều đáng nói nhất không phải là chuyện “bồi thêm”, “cộng vào” mà là chuyện “tổng hợp” trên cơ sở một nguyên tắc sống đã được xác lập. Những cụm từ như “tôi thích”, “tôi thích thú” cho thấy sự chủ động rất cao của ông trong viộc lựa chọn những yếu tố cần thiết phục vụ cho sự tu thiện bản thân.
Nguyên tắc sống của Nguyễn Khắc Viện được hình thành trong cả một quá trình. Không khí gia đình, “phong cách và thân phận” của ông bố là những điều kiện thuận lợi đầu tiên giúp nguyên tắc ấy nảy mầm. Tiếp đó, viộc so sánh, đối chiếu các “gương sống”, các “cách xử thế của bao chế độ” diễn ra trong suốt cuộc đời phong phú của tác giả đã tạo nên độ chín cho nó. Đạo lí – đó là từ thâu tóm toàn bộ nguyên tắc sống mà Nguyễn Khắc Viện cuối cùng đã đúc rút được cho mình và cho nhiều người khác nữa. Theo tác giả, con người sống có đạo lí thì sẽ không “đứt chân” với truyền thống, với gốc gác cha ông, với đất nước, dân tộc, mà đã thế, sẽ không bị rơi vào tình cảnh cô đơn thường thấy ở “con người phương Tây”. Tất nhiên, việc trung thành với đạo lí không ngăn cản người ta thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt trong lựa chọn chính trị. Tác giả cho rằng, chính kiến (hiểu là quan điểm chính trị, thái độ chính trị) là cái có thể thay đổi tuỳ hoàn cảnh xã hội, bởi chính trị là cái chỉ có tính nhất thời, gắn với từng giai đoạn lịch sử cụ thổ. Khi làm chính trị, người ta phải biết “tuỳ cơ ứng biến” làm sao đạt được mục đích cuối cùng. Việc hoạch định đường lối cho sự phát triển của đất nước không phải chỉ làm một lần là xong. Nó luôn phải được nhận thức lại, bổ sung thêm, điều chỉnh, sửa đổi, trên cơ sở thâu nạp thêm nhiều dữ kiện mới nảy sinh trong cuộc sống. Không thể trách ai đó có lúc thay đổi chính kiến, nếu cái gốc đạo lí vẫn được anh ta giữ vững. Đạo lí là yếu tố cơ bản tạo nên nhân cách, làm cho con người sống ra con người, biết “khép mình vào lễ nghĩa”, “thấu hiểu bản thân, tri thiên mệnh”, “không vì giàu sang mà sa đoạ, không vì nghèo khó mà xa rời, không khuất phục trước uy quyền”,”gắn bó với người khác”. Nói cách khác, chính đạo lí giúp con người biết xử thế, tu thân (xử thế, tu thân là hai trong ba hướng tu dưỡng mà tác giả muốn nêu lên như một kinh nghiệm sống ; hướng còn lại là dưỡng sinh).
Do có nguyên tắc sống rõ ràng, Nguyễn Khắc Viện giữ được thái độ độc lập với thế quyền (tác giả thích cách ứng xử truyền thống của nhà nho đối với vua chúa) và không ngại bộc lộ chủ kiến về các vấn đề gai góc. Ông đã đưa ra một so sánh rất gọn và rất sáng : “Phân tích xã hội, để hiểu rõ lịch sử, xác định đường lối thì chủ nghĩa Mác hơn hẳn, nhưng Mác trong đạo lí không được cụ thể và nổi bật như trong Nho giáo”. Ở một chỗ khác, ông có mấy lưu ý (để trong ngoặc đơn) thật đáng suy nghĩ : “Nhân văn là tìm hiểu con người về cả ba mặt sinh học – xã hội – tâm lí để cố luyện mình theo ba hướng : dưỡng sinh (thầy Khổng bỏ qua mặt này), xử thế, tu thân (Mác xem nhẹ mặt này)”. Trong một thời, không phải ai cũng dám nói ra những điều như Nguyễn Khắc Viện đã nói, dù nói có sở cứ. Cũng vậy, cần phải nhìn nhận là tác giả đã can đảm và thẳng thắn khi nêu những ưu điểm của Nho giáo – một học thuyết có lúc bị giới học thuật chính thống đánh giá hết sức tiêu cực. Ưu điểm của Nho giáo, theo ông là : đặt vấn để “xử thế” một cách rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều học thuyết khác ; rất quan tâm đến vấn đề “tu thân” và luôn đề cao trách nhiệm của con người đối với xã hội ; trong hệ thống ứng xử của Nho giáo, tinh thần “có mức độ” (không cực đoan, thái quá) luôn hiện diện. Những ưu điểm nói trên của Nho giáo đã được trình bày xoay quanh vấn đề đạo lí và mục đích là để làm sáng tỏ khái niệm đạo lí Nhìn chung, tác giá đã có một cái nhìn duy lí, thấu suốt về vấn đề, có tinh thần tự chủ cao độ, hiểu rất rõ việc mình cần làm, đang làm. Ông không hề né tránh đối thoại với những người “chê trách mình”, thẳng thắn thừa nhận mình “có thay đổi chính kiến”, không ngại ngần tuyên bố quan điểm “có thể liên minh chính trị với quỷ” và “liên minh chỉ nhất thời”. Qua cách lí giải vấn đề của ông, ta thấy ở ông nổi bật cốt cách của một kẻ sĩ thấm nhuần đạo lí nho gia, tiếp thu được tinh thần duy lí cúa phương Tây và có những nét dường như là “gàn” (theo một góc nhìn nào đó) của ông đồ xứ Nghệ.
Như đã nói ở trên, khi viết Noi theo đạo nhà, tác giả không hể thể hiện nhu cầu tự ngắm. Điều ông quan tâm hơn hết là thảo luận về việc xây dựng một mẫu hình nhân cách cho thời đại, của thời đại, phù hợp với thời đại (dĩ nhiên là nhân cách con người Việt Nam, trên nền tảng văn hoá Việt Nam). Đó là lí do vì sao trong bài, sau từng mẩu hồi ức ngắn ngủi là những đoạn dài “phân tích”, trong đó, tác giả lật qua lật lại vấn để để mọi người cùng suy ngẫm. Không có gì lạ khi đọc bài viết, độc giả dễ có cảm tưởng mình đang được tham gia trao đổi cùng tác giả về một vấn đề có liên quan mật thiết đến cuộc sống của tất cả chúng ta.
Văn phong của tác giả được thể hiện trong bài viết rất trong sáng, giản dị và cứng cỏi. Đúng là văn phong của một cây bút báo chí lão luyện. Có khá nhiều câu không có chủ ngữ : “Không nhìn lên trời, không nghĩ đến những gì xảy ra khi chết, không thấy cần thiết biết có thần linh hay không có, không tìm tuyệt dối, không mong trở vể với Chúa, thoát khỏi vòng luân hồi, chỉ mong làm con người cho ra người” ; “Phải thông qua phong cách và thân phận của một ông bố mới hiểu thâu sách của Khổng – Mạnh” ; “Khi học về các nhà văn Pháp, như Ra-xin, Huy-gô chí chú ý đến tác phẩm và lời văn” ; “Nhưng khi học về Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Nguyên Công Trứ, Ngô Thì Nhậm, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu,… chủ yếu là nhớ đến những con người, những thân phận, những con người mà xã hội xưa gọi là nho sĩ…”, v.v. Chọn cách diễn đạt như vậy, phải chăng tác giả muốn tránh việc phô bày cái tôi, tránh việc tô vẽ cho bản thân ? Kể chuyện riêng của mình không có ý gì khác ngoài việc thấy cần thiết phải nêu một ví dụ về con đường phấn đấu. Tước bỏ đại từ “tôi”, trong trường hợp này, tác giả muốn hướng thẳng đến đối tượng, phá bỏ khoảng cách giữa người viết với người tiếp nhận để độc giả có thể nhập ngay vào phần cốt lõi của vấn đề.
Từ những gì được trình bày trong bài viết của Nguyễn Khắc Viện, có thể nói việc phấn đấu trở thành “kẻ sĩ hiện đại” có ý nghĩa rất quan trọng đối với tầng lớp trí thức trong bối cánh Việt Nam đang mở rộng quan hệ giao lưu và tích cực hội nhập với thế giới hiện nay. Thứ nhất, nó giúp họ đứng vững được trước nhiều cám dỗ, đặc biệt là cám dỗ vật chất, giữ được cái gốc đạo lí, không “đứt hết gốc rễ” với truyền thống. Thứ hai, nó giúp họ khôi phục được vị trí đáng trọng của mình trong xã hội với tư cách là một tầng lớp tinh hoa, có nhiều cống hiến xứng đáng cho công cuộc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trên thực tế, trí thức và “kẻ sĩ hiện đại” không phải là một. Đây là hai phạm trù có sự khác biệt về chất ; từ trí thức đến “kẻ sĩ hiện đại” có một quãng dài cần vượt qua bằng sự tu dưỡng bản thân không ngừng, kết hợp với sự mài sắc ý thức cống hiến cho đất nước, cho dân tộc, theo tinh thần của những nho sĩ chân chính xưa. Xét trong bối cảnh rộng, việc người trí thức phấn đấu trở thành “kẻ sĩ hiện đại” hoàn toàn thuận với con đường phát triển của xã hội Việt Nam hiện nay : phát huy sức mạnh truyền thống, thâu thái những kinh nghiệm quý của thế giới để tạo nên một cuộc bứt phá tốt đẹp hướng về phía tương lai.