Ngọc Hoa đối mặt với bạo chúa

Ngọc Hoa đối mặt với bạo chúa

(Trích Phạm Tải – Ngọc Hoa)

Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:

Phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu

I – GỢI DẪN

1. Tóm tắt truyện

Phạm Tải – Ngọc Hoa là một truyện Nôm bình dân, xuất hiện trong khoảng thế kỉ XVIII. Truyện gồm 928 câu thơ, chủ yếu là những câu lục bát, thỉnh thoảng có xen những đoạn làm theo thể song thất lục bát. Truyện kể về tinh thần đấu tranh đến cùng của một phụ nữ chống tên vua tàn bạo để bảo vệ đạo vợ chồng.

Ngọc Hoa là con một viên quan họ Trần, gia đình giàu có ở Thanh Hà, đem lòng thương yêu rồi nên duyên vợ chồng với Phạm Tải, người Sơn Tây, mồ côi cha mẹ, phải đi ăn xin để tiếp tục việc học. Thấy nàng lấy chồng, Biện Điền – một người cùng làng trước đó đã ngỏ lời – sinh lòng thù ghét, nghĩ cách trả thù. Biết Trang Vương hiếu sắc, Biện Điền đã tạc tượng Ngọc Hoa đem dâng Trang Vương. Trang Vương cho quan quân bắt nàng. Mặc dù bị ép buộc phải lấy hắn nhưng nàng đã dũng cảm cự tuyệt. Trang Vương đòi Phạm Tải nhường vợ cho hắn nhưng Ngọc Hoa kiên quyết chối từ. Hèn hạ, hắn đã đầu độc Phạm Tải.

Ngọc Hoa đưa thi hài Phạm Tải về quê an táng, hết ba năm cư tang thì tự vẫn để khỏi bị TrangVương đòi bắt. Xuống âm phủ, gặp lại Phạm Tải, hai vợ chồng Ngọc Hoa làm đơn kiện Trang Vương. Diêm Vương cho ném Trang Vương vào vạc dầu. Phạm Tải, Ngọc Hoa thì được sống lại và trở về đoàn tụ ở cõi trần gian.

Ngọc Hoa đối mặt với bạo chúa

2. Cách đọc

Để thể hiện được kịch tính cao độ trong nội dung đoạn trích, cần đọc theo giọng đối thoại giữa hai tuyến nhân vật : một bên là Ngọc Hoa – Phạm Tải, và một bên là Trang Vương.

II – KIẾN THỨC CƠ BẢN

Ca ngợi lòng thuỷ chung của người phụ nữ là đề tài rất quen thuộc của văn học nhân loại. Lòng thuỷ chung là một trong những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ. Và Ngọc Hoa là một biểu tượng đẹp của lòng thuỷ chung ấy. Đề tài chính của truyện là lòng thuỷ chung, song chủ đề của truyện lại khá rộng và sâu sắc. Từ câu chuyện ngợi ca lòng thuỷ chung, tác giả thể hiện khát vọng về một xã hội công bằng, phê phán những kẻ làm vua như Trang Vương và mong muốn một người đứng đầu công bằng như Diêm Vương.

Câu chuyện có một kết thúc rất quen thuộc : nhân nghĩa, thuỷ chung đã chiến thắng. Phạm Tải – Ngọc Hoa nhờ tình yêu và lòng thuỷ chung cuối cùng đã được đoàn tụ. Đoạn trích Ngọc Hoa đối mặt với bạo chúa là đoạn trích cao trào của truyện. Tính cách của ba nhân vật chính phần nào được thể hiện ở đây. Đoạn trích mang nhiều yếu tố kịch, từ nhân vật (Ngọc Hoa, Phạm Tải, Trang Vương), đến địa điểm (tại triều đình) và lời thoại (vợ chồng Ngọc Hoa bảo vệ lẽ phải, đó là tình nghĩa vợ chồng, Trang Vương thuyết phục và ép buộc Ngọc Hoa nhưng không đạt được nguyện vọng).

 

Ngọc Hoa đối mặt với bạo chúa

Ngọc Hoa đối mặt với bạo chúa

Với cảm hứng chủ đạo là ca ngợi tình cảm vợ chồng thuỷ chung son sắt của Phạm Tải – Ngọc Hoa, tác giả đã tạo nên một cuộc đối thoại đầy gay cấn để bộc lộ trí thông minh và sự sắc sảo của cả hai vợ chồng. Trang Vương ép buộc vợ chồng Ngọc Hoa vào cung, dụ dỗ Ngọc Hoa không được, lại thương lượng với Phạm Tải, rồi lại dùng uy quyền ép buộc hai vợ chồng nàng, nhưng cũng không thắng nổi, cả hai vợ chồng Ngọc Hoa đều đối đáp rất khéo. Họ đã kiên quyết bảo vệ hạnh phúc của mình trước tên bạo chúa. Tính chất “đối mặt” thể hiện rõ ở ngôn ngữ và hành động của nhân vật. Ngọc Hoa đã kiên quyết bảo vệ hạnh phúc của mình, nàng đã dùng chính đạo lí “tam tòng, tứ đức” để đấu tranh với Trang Vương. Nàng nói mình là gái đã có chồng, vâng mệnh triều đình, ý vua là ý của thiên tử (con trời) nên phải đến triều đình :

“Tôi là con gái có chồng,

Tứ đức chưa trọn, tam tòng đã nên.

Nhân duyên mới được nửa niên,

Bỗng đâu có lệnh bề trên về đòi,

Tôi vâng uy pháp con trời,

Vậy nên tôi phải tới nơi đan đình.

Hiếm gì thiếu nữ trâm anh,

Mà vua lại phải ép tình tôi chi ?

Lí lẽ của nàng rất đanh thép và cách xử sự của nàng vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo. Những điều nàng nói đều rất đúng và rất thuyết phục, nhưng rất tiếc nàng lại đang đứng trước một tên bạo chúa không biết thế nào là đạo lí, là lẽ phải.

Ngọc Hoa đối mặt với bạo chúa

Nàng càng cương quyết hơn khi Phạm Tải bị Trang Vương ép chàng nhường vợ cho hắn. Lúc này, lí lẽ của nàng cũng không kém phần đanh thép. Nàng quỳ gối, tâu trình đúng phép tắc của một bề tôi trước nhà vua :

Nghe vua nói hết khúc nhôi,
Nàng liền quỳ xuống mọi nhời liền tâu :
“Chúng tôi duyên bén cùng nhau,
Đức vua phán thế lấy đâu công bằng ?
… Dù vua xử ức má hồng
Thời tôi tự vẫn, khỏi lòng bội phu”.

Nàng quyết tâm bảo vệ hạnh phúc của mình, khẳng định lại lễ giáo phong kiến, nữ nhi an phận chữ tòng, đã lấy chồng là chung thuỷ với chồng, không thể phản bội. Nàng còn khẳng định “Mặt trời lặn quả bóng trăng khôn vì” : Vua tuy rạng rỡ như mặt trời nhưng là mặt trời đã lặn, không thể sánh với Phạm Tải dù chàng chỉ sáng như bóng trăng nhưng là bóng trăng đang lên. Quả thật chỉ những người có đức hạnh và có lòng dũng cảm thì mới dám nói thẳng, nói thật, mới dám bảo vệ hạnh phúc của mình ngay tại triều đình, trước mặt vua như thế.

 Xứng đôi với Ngọc Hoa và cũng thật xứng đáng với tấm lòng của nàng, Phạm Tải cũng có phẩm cách sáng ngời và một lòng thuỷ chung son sắt. Trang Vương hứa chia cho Phạm Tải nửa số cung tần mĩ nữ, lại cho đủ tước quyền để Phạm Tải nhường Ngọc Hoa cho hắn, Phạm Tải đã từ chối lời mặc cả đó. Chàng nói :

Vả tôi tài thiển, trí ngu,
Lộc trời tước nước vua cho thẹn thùng.
Gà rừng dù muốn làm công,
Sợ khi nhảy múa rụng lông tức thì !

Phạm Tải là người có học nên cách nói của chàng thật thâm thuý. Khiêm tốn mà cũng đầy cao ngạo. Ai là “gà rừng” ? Ai là “công” ? . Chỉ lời từ chối ấy thôi cũng đủ để Phạm Tải toả sáng và cũng lí giải được tại sao nàng Ngọc Hoa xinh đẹp lại lựa chọn và một dạ thuỷ chung với chàng như thế. Cách nói của Phạm Tải rất khôn khéo, chàng dùng hình ảnh ẩn dụ để so sánh mình như con gà rừng, đã là gà không thể hoá thành công, do đó, không thể nhận những gì vua ban. Nhưng câu trả lời của chàng không dừng lại ở ý đó, mà còn gợi bao liên tưởng. Phạm Tải không ham danh lợi, không màng phú quý vinh hoa. Nói khác đi, vì hạnh phúc, vì tình vợ chồng, chàng sẵn sàng làm một thường dân chứ không vì lợi lộc mà phụ tình Ngọc Hoa. Đặt trong xã hội phong kiến, thái độ ấy, tình cảm ấy là rất đáng trân trọng.

Không chỉ đối lập về vị thế, Trang Vương còn đối lập với vợ chồng Ngọc Hoa về tính cách, phẩm chất con người. Từ ngôn ngữ đến hành động của hắn đều toát lên vẻ ti tiện, tầm thường. Lúc đầu, Trang Vương còn tỏ ra lịch sự, khéo léo rằng trước Ngọc Hoa còn ở xa, nay đã gần, muốn kết duyên với Ngọc Hoa, coi nàng như tiên vào đến chốn triều đình và hai người kết duyên sẽ hiển vinh đời đời :

Xưa còn đông liễu, tây đào,
Nay mừng tiên đã lọt vào Bồng Lai.
Đôi ta đã hợp duyên hài,
Trăm năm tơ tóc muôn đời hiển vinh.

Sau khi bị Ngọc Hoa từ chối, Trang Vương đã dùng quyền hành để đòi Phạm Tải vào và ép chàng thương lượng, cho của cải, chức tước, cho sự bình yên… Không thuyết phục được Ngọc Hoa – Phạm Tải bằng vinh hoa phú quý, hắn dùng uy quyền. Lời lẽ trịch thượng, thô lỗ, đối lập hoàn toàn với lời lẽ thanh tao, nho nhã, có học của Phạm Tải :

Ta là thánh đế nước này,
Lẽ đâu ta bắt vợ mày là dân.
với Ngọc Hoa thì :
Ta nay quyền cả, ngôi cao,
Vì nàng một chút, tổn hao muôn nhời.

Cách khắc hoạ nhân vật của tác giả thật tài tình, không dùng nhiều lời mà nhân vật đã lộ rõ chân tướng. Dành cho đôi vợ chồng thuỷ chung bao nhiêu tình cảm tốt đẹp thì lại dội cho Trang Vương bấy nhiêu sự bẩn thỉu, ti tiện.

Qua đoạn trích có thể thấy, tác giả đã mượn câu chuyện Ngọc Hoa để ngợi ca người lao động và châm biếm, phê phán lũ vua quan chuyên quyền bạo ngược. Vợ chồng Ngọc Hoa là những hình tượng nghệ thuật đẹp về người bình dân. Ngôn ngữ thơ Nôm biến đổi rất linh hoạt và được sử dụng rất phù hợp với từng nhân vật. Đoạn trích là cuộc đấu tranh bằng lí lẽ, nên ngôn ngữ nhân vật giữ vai trò rất quan trọng và làm nên giá trị đặc sắc cho đoạn trích.

Ngọc Hoa đối mặt với bạo chúa

III – LIÊN HỆ

Nhân vật trung tâm của truyện là Ngọc Hoa. Một Ngọc Hoa thông minh, dũng cảm, thương người, biết tự lựa chọn, bảo vệ tình yêu của mình ; một Ngọc Hoa chung thuỷ với người chồng nghèo, yếu đuối về chí khí theo tạng kẻ hàn nho, nhưng có tài, có đức ; một Ngọc Hoa mưu trí, quyết liệt, không chịu khuất phục trước uy vũ, phú quý, và một Ngọc Hoa vượt ra khỏi mọi ý thức hệ tư tưởng đương thời để vươn tới cái tất yếu : tự do, bình đẳng cho con người.

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh giá trị hiện thực của truyện, trong đó, thông qua các tuyến đối lập về quyền lực, địa vị xã hội, nhân từ, tàn bạo, đạo lí, phi đạo lí… mà các nhân vật đại diện, một phe là Ngọc Hoa, một phe là Trang Vương, Biện Điền cùng bọn quan lại trong triều. Khi đã xuống âm phủ, thế đối lập ấy chuyển sang một phe là Ngọc Hoa, Diêm Vương và một phe là Trang Vương. Việc nhấn mạnh tính quyết liệt hơn hẳn các truyện Nôm cùng loại khác, cuộc đấu tranh giữa Ngọc Hoa và Trang Vương cũng chỉ cho biết cái cách sắp đặt tình tiết của tác giả. Thực ra, mô típ kết cấu này là phổ biến trong truyện Nôm khuyết danh. Việc phân tích ở đây không đem lại nhiều giá trị văn chương. Cái văn chương cần thẩm nhận ở đây chính là cái biện chứng trong cảm hứng thẩm mĩ của người viết truyện đã cộng hưởng hay hoà điệu một cách diệu kì vào ước vọng huyền ảo, xa xôi của quần chúng nghe truyện, đọc truyện. Chính cái biện chứng trong cảm hứng thẩm mỹ ấy của truyện được lồng vào trong âm hưởng cổ tích pha chút thần kì cùng lối kể chuyện mộc mạc, giản dị đã khiến cho Phạm Tải – Ngọc Hoa dễ được lan truyền trong dân chúng.

(Theo Từ điển tác giả tác phẩm văn học Việt Nam dùng cho nhà trường, Sđd)

Thảo luận cho bài: Ngọc Hoa đối mặt với bạo chúa