Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Điều đó đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của nhiều thế hệ và là nền tảng lịch sử, văn hóa của đất nước. Vì vậy, tuy là một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu nhưng Việt Nam lại là một trong những quốc gia có có chế độ khoa cử và có trường Đại học sớm nhất trên thế giới. Câu: Nhân bất học bất tri lí lưu truyền rộng rãi trong dân gian nhiều thế kỉ qua. Nhiều gia đình hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, chạy ăn từng bữa nhưng vẫn quyết tâm cho cọn cái học hành tới nơi tới chốn trước là để nắm vững đạo lí và sau là để mở mặt với đời.
Vào những ngày gần kì thi, thí sinh từ khắp các địa phương trong cả nước đổ về các thành phố lớn. Người vùng biển lên, người trên núi xuống…, khung cảnh tại các bến tàu, bến xe thật đông đúc, náo nhiệt. Hàng trăm ngàn thí sinh tay xách nách mang nào là sách vở, nào là tư trang với nét mặt lo lắng, ngơ ngác nhưng cũng không kém phần háo hức, phấn chấn. Cùng với thí sinh là các ông bố, bà mẹ hoặc anh chị em đi theo để đỡ đần, phục vụ và cũng là chỗ dựa tinh thần nơi đất khách quê người. Lần đầu tiên ra thành phố nên các thí sinh đều có chung tâm trạng ngỡ ngàng vì cái gì cũng mới lạ.
Trong lúc chân ướt chân ráo, các thí sinh đã may mắn gặp được đội quân tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” giúp đỡ, chỉ dẫn chu đáo, tận tình. Họ là sinh viên năm thứ hai, thứ ba của các trường Cao đẳng và Đại học mà mới năm ngoái, năm kia thôi cũng “ngơ ngác nai vàng” như các thí sinh bây giờ. Điểm dễ nhận thấy là các “tiếp sức viên” mặc đồng phục mùa hè xanh, trên môi luôn nở nụ cười thân thiện. Thái độ của các “tiếp sức viên” rất nhiệt tình, tác phong làm việc năng động và khoa học. Họ dùng máy vi tính để tư vấn từ giờ giấc của các tuyến xe buýt đến các địa điểm tổ chức thi, chỉ dẫn những điều cơ bản cần biết cho thí sinh về trường đăng kí dự thi, giới thiệu các nhà trọ rẻ tiền hoặc miễn phí… Có nhiều “tiếp sức viên” đã kiêm luôn nhiệm vụ làm “bác tài honđa ôm” đưa thí sinh về nhà trọ hoặc kí túc xá của các trường Đại học. Với các thí sinh đang bỡ ngỡ “lạ nước lạ cái” thì điều đó quan trọng vô cùng bởi nỗi lo về chỗ ăn, chỗ ở đã nhẹ bớt. Được sự hỗ trợ nhiệt tình, tận tụy của các anh chị sinh viên “tiếp sức mùa thi”, thí sinh an tâm và phấn khởi bước vào kì thi với quyết tâm cao nhất.
Điểu đáng quý là không chỉ đội ngũ sinh viên tình nguyện tham gia phong trào “Tiếp sức mùa thi” mà rất nhiều người dân ở các thành phố lớn cũng nhiệt tình giúp đỡ thí sinh, không tiếc công, tiếc của. Họ coi các thí sinh như con em mình nên lo chu đáo từ bữa cơm, chỗ ngủ. Một bà cụ bán vé số ở Đà Nẵng bao năm nay âm thầm lo cho các thí sinh nghèo ăn ở miễn phí tại căn phòng trọ nhỏ bé nhưng đầy ắp tình thương của mình. Nhiều cán bộ, giáo viên về hưu sống tại thành phố Hồ Chí Minh với đồng lương ít ỏi nhưng mỗi mùa thi lại mở rộng cửa đón các thí sinh về nhà cho ăn, cho ở, cho cả tiền tàu xe về quê. Cứ như thế, phong trào “Tiếp sức mùa thi” nay đã trở thành một phong trào có tính xã hội rộng lớn.