Nêu quan niệm của em về thơ hay

Đề bài:

Nêu quan niệm của em về thơ hay

Bài làm:

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bày tỏ quan điểm của mình về thơ hay: Thơ hay là thơ ám ảnh.
Quả đúng như vậy! Nhưng thế nào là thơ ám ảnh? Có những bài thơ, câu thơ ta chỉ đọc một lần, hai lần mà đã in đậm dấu ấn trong trí nhớ, trong tâm hồn, không thể nào quên. Chúng ta hãy lấy Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du làm ví dụ.

Hai câu thợ tả cảnh ngày xuân xứng đáng là tuyệt bút:

Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Nguyễn Du tập trung miêu tả màu xanh mơn mởn của cỏ non bao phủ mặt đất, kéo dài đến tận chân trời để thông qua đó thể hiện sức sống bừng bừng của mùa xuân; Màu xanh không chỉ bao phủ vạn vật mả còn tràn ngập tâm hồn, đem lại cho con người cảm xúc dạt dào và tình yêu thiên nhiên tha thiết. Trên cái nền xanh mênh mông ấy, nổi bật lên vài đốm trắng tinh khiết của hoa lê. Hai màu sắc tương phản đặt cạnh nhau cùng tôn thêm vẻ đẹp cho nhau. Cỏ non càng xanh, hoa lê càng trắng. Tất cả đều đẹp đẽ, trong sáng, tinh khôi.

Người đọc nhớ mãi hai câu thơ dệt nên bức tranh mùa thu lộng lẫy có một không hai:

Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.

 

tho van viet nam

Có thể nói cái hồn của mùa thu đã hiện ra trong từng đường nét, sắc màu của cảnh vật. Đáy nước trong veo in bóng bầu trời xanh ngắt. Màn sương bảng lảng như khói biếc vầy phủ quanh thành cổ. Núi non phơi mình trong bóng vàng của hoàng hôn. Rõ ràng, nghệ thuật tả cảnh của Nguyễn Du đã đạt đến trình độ bậc thầy: có xa, có gần; có thấp, có cao; có điểm, có diện; có đường nét, hình khối, màu sắc hài hoà. Đơn giản mà hoàn mĩ, ngắn gọn mà hàm súc. Trong thơ có họa là vậy. Chỉ mười bốn chữ mà đủ cảnh, đủ tình, phản ánh sự mẫn cảm, tinh tế và ngòi bút tài hoa của thi nhân. Những câu thơ tả cảnh nêu trên được người đời đánh giá là hay vào bậc nhất trong văn chương nước ta.

Còn nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của Nguyễn Du cũng khó có nhà văn, nhà thơ nào sánh kịp. Đây là tâm trạng Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích sau khi nàng định quyên sinh để thoát khỏi kiếp sống ô nhục của một kĩ nữ chốn lầu xanh:
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày mong mai chờ.
Bên trời góc biển bơ vơ,
Tấm son gột rữa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ ?
Sân Lai biết mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ẩm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Thúy Kiều đang chìm ngập trong tâm trạng buồn tủi, thương nhớ người yêu, thương nhớ cha mẹ và xót xa cho thân phận trớ trêu, cay đắng của mình. Đoạn thơ là một dẫn chứng chứng minh cho quy luật tâm lí: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Thiên nhiên bị bao phủ trong một không khí ảm đạm, quạnh hiu bởi Thúy Kiều nhìn cảnh vật bằng đôi mắt u uất, buồn thương. Nỗi buồn từ lòng người thấm vào cảnh vật và cảnh vật hoang vắng, cô liêu càng gợi mối sầu không thể san sẻ trong lòng người con gái tài sắc vạn toàn mà bất hạnh.

 Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong đoạn thơ cũng đạt tới mức tinh tế, điêu luyện. Từ Buồn trông được nhắc lại bốn lần, mỗi lần mở đầu cho một cảnh. Kiểu kết cấu lặp này gây ấn tượng rất mạnh về nỗi buồn thấm thía, sâu sắc của Thúy Kiều. Tám câu thơ như bốn bức tranh phong cảnh nhỏ trong một bức tranh phong cảnh – tâm tình rộng lớn. Bức thứ nhất: cửa bể chiều hôm mênh mông màu xám bạc. Trên cái nền ấy nổi lên một cánh buồm đơn độc, thấp thoáng ẩn hiện, không biết về phương trời nào. Bức thứ hai: ngọn nước mới sa, cuốn theo những cánh hoa bị sóng gió dập vùi, đẩy đưa vào cõi vô định. Bức thứ ba: nội cỏ dầu dầu, héo úa, không còn sức sống. Bức thứ tư: gió cuốn mặt duềnh, ầm ầm tiếng sóng như đe dọa con người.

Chúng ta bắt gặp bút pháp quen thuộc của Nguyễn Du cảnh vật chỉ mang tính chất ước lệ nhưng phản ánh rất rõ tâm tình của con người, cụ thể là nỗi buồn không giới hạn của Thúy Kiều. Mỗi cảnh ngụ một ý, tăng dần lên theo suy nghĩ và mặc cảm về thân phận bị dập vùi, lẻ loi, cô độc và báo trước những ngày đen tối đầy bão tố đang ập đến.

Đọc những câu thơ tưởng chừng như có máu hòa nước mắt của đại thi hào Nguyễn Du, người đọc bao thế hệ cảm thấy tác già đã hóa thân vào nhân vật để thấu hiểu và rung động thực sự với nỗi đau đớn, thảm sầu khôn xiết đang vò xé tâm can Thúy Kiều. Xúc động chân thành của nhà thơ truyền sang người đọc, khiến người đọc suy ngẫm và thổn thức. Như vậy là những câu thơ lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu trong Truyện Kiều có sức ám ảnh vô cùng sâu sắc, xứng đáng là thơ hay, sống mãi với thời gian.

Thảo luận cho bài: Nêu quan niệm của em về thơ hay