Giới thiệu về một số lễ hội và trò chơi ngày xuân

Đề bài:

Sau Tết Nguyên Đán, nhân dân các địa phương trong cả nước thường tổ chức lễ hội để tưởng nhớ cội nguồn. Trong lễ hội thường có những trò chơi để thêm phần tưng bừng, náo nhiệt.

Bài làm:

Trong những ngày đầu năm, khắp các làng bản Việt Nam rộn ràng tiếng trống hội xuân thúc giục lòng người. Vào dịp này, bên cạnh hoạt động lễ nghi mang ý nghĩa tín ngưỡng còn có nhiều hội vui, diễn xướng sân khấu và các trò chơi truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Sau đây là một số trò chơi tiêu biểu:

*    Hội cồng chiêng:

Hội cồng chiêng là hội xuân tưng bừng nhất của bà con dân tộc Mường ở Mai Châu, Hòa Bình và ở nhiều địa phượng vùng cao Tây Bắc. Mỗi bản có một đội văn nghệ chuyên biểu diễn cồng chiêng và những bài dân ca được lưu truyền đã bao đời. Các chị đánh cồng trông thật xinh xắn, trẻ trung trong bộ quần áo đẹp nhất của dân tộc mình. Tiếng cồng, tiếng chiêng nhịp nhàng vang lên, hòa cùng tiếng suối róc rách, tiếng chim hót líu lo tạo thành một bản nhạc làm say đắm lòng người.

*    Thi bơi thuyền:

Hoạt động đua thuyền thể hiện sinh hoạt văn hóa sông nước cổ truyền của người Việt Nam trải dài từ các tỉnh phía Bắc đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thi bơi thuyền vừa để vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe và kĩ năng chèo thuyền để phục vụ cho phong tục cúng thủy thần hoặc tưởng nhớ các anh hùng giỏi thủy chiến… Tùy theo từng nơi, mỗi thuyền đua có khoảng chừng hai đến ba chục tay chèo là nam giới, đại diện các phôn, sóc, xóm, làng. Sau hiệu lệnh, những con thuyền lao vun vút trong tiếng hò reo cổ vũ và chiêng trống rộn rã đôi bờ sông. Nhiều làng chài ven biển ở phía Nam còn có hội thi lắc thúng, mỗi chiếc thuyền thúng bằng nan chỉ có một người, ví dụ như ở Khánh Hòa, Phan Thiết…

le hoi dua thuyen ngay xuan
Trong lễ mừng năm mới của người Khơ-me Nam Bộ, trò đua ghe ngó được dân chúng yêu thích nhất.

Từ sáng sớm, hai bên bờ sông đã đông nghịt khán giả. Các đội đua sẵn sàng vào cuộc. Trên mỗi chiếc ghe dài từ sáu đến bảy mét là hai hàng vận động viên ngồi song song, mỗi người cầm một mái chèo. Đứng ở mũi thuyền là người chỉ đạo với lá cờ nhỏ trong tay. Hiệu lệnh xuất phát vừa dứt, hàng chục con thuyển đua nhau rẽ sóng, vun vút lao lên phía trước. Mặt sông dậy sóng trắng xóa. Tiếng reo hò động viên, cổ vũ vang lên không ngớt. Khí thế bừng bừng sôi nổi của cuộc đua đem lại niềm vui to lớn cho mọi người tham gia lễ hội.

*    Trò chơi thi thả chim:

Ở vùng Thuận Thành, Bắc Ninh, mùa xuân thường có rất nhiều lễ hội. Trong lễ hội có nhiều trò chơi. Trò thi thả chim được nhiều người ưa thích.
Trò chơi được tổ chức ở bãi cỏ rộng đầu làng hoặc trước sân đình. Các gia đình dự thi mang theo đàn chim bồ câu đã được huấn luyện kĩ càng. Lần lượt, từng đàn được thả ra. Đàn nào bay cao, bay xa và lượn đẹp nhất sẽ được Ban giám khảo trao giải. Hàng trăm cặp mắt háo hức ngước nhìn theo những cánh chim vun vút chao liệng giữa bầu trời mùa xuân trong sáng.

*    Trò chơi đánh đu:

Hàng năm, sau Tết Nguyên Đán, làng Phương Chiểu huyện Phúc Thọ nằm ven sông Hồng thường mở hội xuân với những trò chơi dân gian như kéo co, đấu vật, thổi cơm thi, cờ người, đánh đu,…

Trước sân đình, mấy cột đu bằng tre đã được trồng rất chắc chắn. Mỗi cột có một chiếc đu. Mặt đu là một tấm ván dày, đủ chỗ cho hai người đứng. Các anh chị thanh niên từng cặp lên đánh đu. Nhún chân càng mạnh, đu càng bay bổng giữa tiếng hò reo, cổ vũ của dân làng.

*    Hát quan họ:

Nói đến Bắc Ninh là nói đến xứ sở của những phong tục tập quán tốt đẹp có tự lâu đời, mà nổi tiếng nhất là hội thi hát quan họ trong dịp đầu năm mới.
Từ sông Hồng, sông Đuống, ngược lên phía Bắc là đến với vùng Kinh Bắc cổ kính, quê hương của các làn điệu quan họ mượt mà. Tục chơi quan họ ở các làng quê của Bắc Ninh, Bắc Giang thường gắn với hội làng, hội chùa. Liền anh, liền chị ở các làng đi lại thăm hỏi, tặng quà rồi hát với nhau đến tận nửa đêm. Bên cạnh những canh hát trong nhà còn có các canh hát ngoài trời mà hội Lim là một thí dụ. Hội mở vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch. Quan họ các nơi có thể đến hát tự do trên đồi Lim. Những nhóm quan họ nam và nữ trong trang phục dân tộc đi tìm nhau trong ngày hội, mời nhau xơi trầu và nhận lời hát kết nghĩa giữa các làng. Hát trên đồi và hát cả dưới sông. Những con thuyền nhỏ chở theo các làn điệu dân ca điểm thêm cho không khí ngày xuân nét thơ mộng, trữ tình.

Giữa khung cảnh tươi đẹp của mùa xuân, hội thi hát quan họ được tổ chức trong sân đình, sân chùa, trên đồi, hay dưới bến sông. Các liền anh đầu đội khăn xếp, mặc áo the, quần trắng. Các liền chị đội nón quai thao, chít khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân mớ ba mớ bảy, yếm đào, thắt lưng hoa lí trông thật xinh tươi: Bên nam, bên nữ hoặc từng cặp hát đối đáp với nhau những làn điệu dân ca ngọt ngào, say đắm như Trao duyên, Trúc xinh, Ngồi tựa mạn thuyền, Lên chùa,… để bày tỏ tình cảm. Kết thúc buổi hát, trước lúc chia tay, bài Người ơi người ở đừng về cất lên tha thiết như muốn níu bước chân du khách.

*    Trò chơi ném còn:

Ở vùng cao Tây Bắc, ném còn là một trò chơi phổ biến của các dân tộc Thái, Tày, Mường,… Mùa xuân, hoa ban nở trắng rừng. Các bản làng tưng bừng trong không khí lễ hội mừng năm mới.

Thanh niên nam nữ chia làm hai bên. Giữa khoảng đất rộng trồng một cây cột tre khá cao. Đỉnh cột là vòng tròn trang trí rất đẹp mắt. Quả còn bằng vải, tròn như trái bóng nhỏ, đuôi dài chừng bốn năm tấc bằng vải ngũ sắc. Người chơi lấy đà ném quả còn sao cho bay lọt qua khung tròn trên đỉnh cột là được. Trò chơi ném còn đòi hỏi sự tinh mắt, khéo tay; rất hợp với tuổi trẻ và mùa xuân tươi đẹp, đầy sức sống.

*    Trò chơi múa lân:

Múa lân có từ lâu đời và rất thịnh hành ở các tỉnh phía Nam, nhất là khu vực có nhiều người Hoa sinh sống. Múa lân diễn ra vào những ngày Tết để cầu chúc năm mới an khang thịnh vượng. Các đoàn lân cố khi đông tới trăm người, là thành viên của một câu lạc bộ hay một lò võ trong vùng. Lân được trang trí công phu, râu ngũ sắc, lông mày bạc, mắt lộ to, thân mình có các họa tiết đẹp. Múa lân rất sôi động với hàng loạt động tác khỏe khoắn, bài bản: lân chào ra mắt, lân chúc phúc, lân leo cột,… Bên cạnh lân có ông Địa bụng to cầm quạt vui nhộn chạy quanh. Thông thường múa lân còn kèm theo cả biểu diễn võ thuật.

*    Trò chơi kéo co:

Một trò chơi truyền thống được phổ biến trong các lễ hội là thi kéo co thường được tổ chức ở sân đình hay bãi cỏ rộng giữa làng. Những người tham gia chia làm hai phe, đứng thành một hàng đối mặt nhau, cùng nắm sợi dây thừng, dây chão hay một cây sào tre hoặc người sau ôm lưng người trước, còn hai người đứng đầu hàng của hai phe thì nắm tay nhau cho chắc, lấy dấu vạch vôi ở giữa làm mốc được, thua. Bên nào kéo được đối phương sang qua vạch mốc về phía mình là bên đó thắng. Kéo co thu hút nhiều người, tạo không khí hào hứng, sôi động, rèn luyện sức khỏe, tính kỉ luật, ý thức tập thể ở mỗi người. Chính vì vậy, kéo co được đông đảo thanh niên, thiếu niên ưa thích.

*    Trò chơi cờ người:

Cờ người là trò chơi độc đáo của dân tộc Việt Nam mang tính trí tuệ, thể hiện nét văn hóa truyền thống Á Đông. Bàn cờ là sân bãi rộng, mỗi phe có mười sáu người mặc đồng phục đỏ hoặc xanh, cầm trên tay hay đeo trước ngực biển kí hiệu quân cờ. Hai tướng (tướng ông, tướng bà) của từng bên đều mặc trang phục thời xưa lộng lẫy có cờ đuối nheo đeo cheo sau lưng và được che lọng. Khi muốn đi một nước cờ, người đấu gõ một tiếng trống báo hiệu cho người chạy cờ tới nghe lệnh. Người này sẽ truyền đạt lại lệnh để quân cờ di chuyển. Có thể người đấu cờ cầm lá cờ nhỏ, định đi quân nào thì trực tiếp phất cờ vào quân đó rồi dẫn đến vị trí mới.

*    Trò chơi thi nấu cơm:

Được tiến hành trong những kì hội làng ngày xuân, thi nấu cơm thể hiện sự khéo léo, tháo vát của các chàng trai, cô gái. Trò chơi này bắt nguồn từ quá trình chống chọi với thiên tai, địch họa, vừa lao động, hành quân đánh giặc, vừa bảo đảm cơm nước đầy đủ, gọn gàng, do đó đòi hỏi mỗi người phải có tính tự lực và óc sáng tạo. Có nhiều hình thức thi tài.: vừa thổi cơm vừa bồng con, thổi cơm trong lúc hành lễ, khênh kiệu chạy, thổi cơm trên thuyền… Với khoảng thời gian nhất định và trong điều kiện không bình thường, người thì phải vo gạo, nhóm bếp, giữ lửa cho đến khi cơm chín ngon mà không bị cháy, khê. Sau đó, nồi cơm của các thí sinh được Ban giám khảo gồm các bô lão có uy tín trong làng chấm điểm, ở một số vùng còn có hát đối đáp, giao duyên trong hội thỉ, tạo không khí náo nhiệt, vui vẻ.
Điểm qua một vài trò chơi ngày xuân, chúng ta có thể thấy khả năng sáng tạo, tính cách và bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện thật rõ nét. Chơi xuân, lễ hội vừa là dịp giao lưu, du lịch vừa là dịp học hỏi kinh nghiệm, đua sức, đua tài, làm cho cuộc sống ngày thêm tươi đẹp.

Thảo luận cho bài: Giới thiệu về một số lễ hội và trò chơi ngày xuân