Đề thi Ngữ văn trường Vĩnh Phúc (học sinh giỏi tham khảo)

Đề thi Ngữ văn trường Vĩnh Phúc

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

Dành cho học sinh các trường THPT

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề

Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn 10 trường Vĩnh Phúc năm 2011-2012

Câu 1 (4,0 điểm).

NƠI DỰA

Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?

Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào…

Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.

Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.

Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.

Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?

Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.

Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.

Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu vết nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cơ nhọc gắng gỏi một đời.

Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.

(Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, Hà Nội – 1983)

Từ ý nghĩa văn bản trên, em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi)trình bày suy nghĩ của em về Nơi dựa của mỗi người trong cuộc sống.

 

Câu 2 (6,0 điểm).

Hai tác phẩm Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm đều viết về cuộc sống ẩn dật.

Bằng những hiểu biết về thời đại và cuộc đời nhà thơ, anh, chị hãy phân tích làm rõ quan niệm sống trong hai tác phẩm.

Đề thi Ngữ văn trường Vĩnh Phúc

Đề thi Ngữ văn trường Vĩnh Phúc

-Hết-

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN

Câu 1 (4,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng:

– Thí sinh nắm vững được phương pháp làm bài nghị luận xã hội.

– Bố cục và hệ thống ý sáng rõ.

– Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, bình luận…)

– Văn viết trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết phục, trình bày rõ ràng. Không mắc lỗi diễn đạt; không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Yêu cầu kiến thức:

* Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận

* Giải quyết vấn đề nghị luận

– Ý nghĩa văn bản

+ Để sinh tồn, người đàn bà là nơi dựa của cậu bé còn người chiến sĩ là nơi dựa cho bà cụ; nhưng về mặt tinh thần, cậu bé đang lẫm chẫm kia lại là nơi dựa tinh thần cho người đàn bà sống, bà cụ là nơi dựa cho người chiến sĩ đi qua những thử thách.

+ Nơi dựa là nơi để mỗi người nương tựa, là nơi trực tiếp cho họ sức mạnh, niềm tin, kinh nghiệm, động lực sống, nơi mang lại cảm giác ấm áp, bình yên, hạnh phúc…

– Bàn luận

+ Có những nơi dựa khác nhau: những người thân yêu, những kỉ niệm, những giá trị thiêng liêng; những không gian, vật chất cụ thể; những ưu điểm, mặt mạnh của bản thân…

+  Nơi dựa giúp con người cảm thấy bình yên, thanh thản, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, có động lực phấn đấu vươn lên…

+ Ai cũng cần có nơi dựa và mỗi người đều có thể là nơi dựa cho người khác.

+ Phê phán những người chỉ biết dựa dẫm, lệ thuộc vào người khác hoặc những người không biết tìm nơi dựa, chọn nhầm nơi dựa.

* Kết thúc vấn đề.

Cần trân trọng những nơi dựa tốt đẹp mà mình có được, đồng thời cũng là nơi dựa ý nghĩa cho người khác.

  1. Thang điểm:

– Điểm 4: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, còn một vài lỗi nhỏ.

– Điểm 3: Đáp ứng được khoảng 2/3 các yêu cầu trên, còn một vài lỗi nhỏ.

– Điểm 1: Viết sơ sài, mắc nhiều lỗi.

– Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

 

Câu 2: ( 6,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

Hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài nghị luận văn học, bố cục chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, dẫn chứng chọn lọc; không mắc lỗi dùng từ, diễn đạt và ngữ pháp.

Biết vận dụng các thao tác nghị luận: giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh thuần thục.

  1. Yêu cầu về nội dung

Trên cơ sở cảm thụ tác phẩm cùng những hiểu biết về thời đại và cuộc đời tác giả, thí sinh cần làm rõ các ý sau :

  1. Nét chung

– Cả hai nhà thơ đều có lòng vì nước, vì dân.

– Cả hai đều rũ bỏ danh lợi, về ở ẩn, hoà đồng với thiên nhiên để di dưỡng tinh thần.

  1. Vẻ đẹp riêng

– Giới thuyết hoàn cảnh ra đời của hai bài thơ.

– Trong bài thơ  Cảnh ngày hè, trong cái nhìn của Nguyễn Trãi, cảnh sắc thiên nhiên rạo rực, căng tràn, ngồn ngộn sức sống, thể hiện tình cảm mãnh liệt của nhà thơ với đời, với người. Đặc biệt, câu mở đầu bài thơ cho thấy, ở Nguyễn Trãi, cảnh nhàn nhưng tâm không nhàn. Cái nhàn của Nguyễn Trãi trong Cảnh ngày hè là cái nhàn bất dắc dĩ. Tấm lòng của Nguyễn Trãi là tấm lòng ưu quốc, ái dân sâu sắc, thường trực, cuồn cuộn. Làm sao để dân giàu, nước mạnh là ước mơ, là nỗi trăn trở suốt đời của Nguyễn Trãi.

– Trong bài Nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm vui trọn với thiên nhiên. Cảnh vật trong thơ ông hiện lên yên bình, thanh thản. Hình tượng nhân vật trữ tình hiện lên trong tâm thế nhàn tản, ung dung, sống với những điều bình dị, sẵn có nơi thôn dã. Thái độ của Nguyễn Bỉnh Khiêm là không vướng bận việc đời, coi thường công danh. Cái nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là cái nhàn của người đã thoát vòng tục luỵ, đã giác ngộ được quy luật thời thế “công thành thân thoái”.

  1. Lí giải sự khác nhau

– Không phải Nguyễn Trãi không thấu hiểu quy luật “công thành thân thoái”, nhưng thời Nguyễn Trãi là thời khởi đầu nhà Lê, đất nước ta vừa độc lập sau hơn hai mươi năm đô hộ của giặc Minh, tình hình còn nhiều khó khăn nhưng mang tiềm lực phát triển, rất cần có bàn tay hiền tài kiến thiết. Tấm lòng của Nguyễn Trãi là tấm lòng nhân nghĩa dạt dào, ưu quốc ái dân nhưng không được tin dùng nên ông phải trở về. Dù sống giữa quê hương trong cảnh nhàn rỗi, vui với cảnh đẹp và cuộc sống thôn quê nhưng tấm lòng ông vẫn luôn hướng về đất nước, nhân dân. Ông không cam tâm nhàn tản để an hưởng riêng mình mà chấp nhận xả thân cống hiến cho đất nước.

– Không phải Nguyễn Bỉnh Khiêm không quan tâm đến thế sự so với Nguyễn Trãi, mà thời đại của ông là thời trước Lê Trung Hưng, là giai đoạn chế độ phong kiến đã suy tàn, nhiều thối nát, rối ren. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có nhều cố gắng giúp nước, giúp dân nhưng vẫn không thay đổi được cục diện. Lời thơ “ta dại – người khôn” thể hiện thái độ mỉa mai của Nguyễn Bỉnh Khiêm dành cho xã hội. Tuy về ở ẩn, không làm quan những ông vẫn giúp nước bằng những lời khuyên sáng suốt cho các thế lực phong kiến đương thời.

III. Biểu điểm

–  Điểm 6,0:  Đáp ứng được yêu cầu nêu trên; văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng; bài viết thể hiện được sự sáng tạo, cảm thụ riêng biệt. Có thể còn có một vài sai sót nhỏ.

– Điểm 5,0:  Cơ bản hiểu yêu cầu của đề, chọn và phân tích được một số chi tiết để làm sáng tỏ vấn đề. Diễn đạt rõ ý. Còn có thể mắc một vài sai sót nhỏ.

– Điểm 4,0:  Chưa hiểu đúng đề bài, nội dung bàn luận dàn trải; diễn đạt còn hạn chế; còn mắc nhiều lỗi ngữ pháp, dùng từ…

– Điểm 2,0:  Chưa hiểu đề, nội dung sơ sài hoặc không nêu được ý; diễn đạt non yếu; mắc nhiều lỗi ngữ pháp, dùng từ…

– Điểm 1,0:  Cơ bản không hiểu đề, hoặc sai lạc về nội dung và quá sơ sài, cẩu thả trong việc trình bày.

– Điểm 0: Không hiểu đề hoặc sai lạc cả nội dung và phương pháp.

* Trên đây là một số gợi ý về thang điểm. Các giám khảo cần cân nhắc và chú ý việc hiểu đề, khả năng cảm thụ riêng và diễn đạt sáng tạo của học sinh. Điểm của bài thi là điểm của từng câu cộng lại, tính lẻ đến 0,5.

Thảo luận cho bài: Đề thi Ngữ văn trường Vĩnh Phúc (học sinh giỏi tham khảo)