Đề luyện tập: Nghị luận về một vấn đề xã hội
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:
Bài 17: Thành công và thất bại ( NLXH )
Đề 1:
Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.
Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
(Tôi yêu em của Pu-skin, Ngữ văn 11- T2, T160, Ban cơ bản)
Anh (chị) hãy viết một bài văn khoảng 600 từ nói lên cảm nhận của mình về tình yêu của nhân vật trữ tình trong bài thơ trên và quan điểm của mình về một tình yêu đẹp.
Hướng dẫn
Bài làm cần nêu được các ý chính sau:
Cảm nhận về tình yêu của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
– Tình yêu đơn phương, thầm lặng nhưng vô cùng mãnh liệt.
– Tình yêu chân thành, đằm thắm với đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc …
– Tình yêu của chàng trai dựa trên cơ sở đặt niềm vui, hạnh phúc của người mình yêu lên trên hạnh phúc của mình. Tình yêu đó chính là sự hi sinh trọn vẹn cho người mình yêu.
– Tình yêu của chàng trai trong bài thơ rất chân thành, say đắm và cao thượng nhưng quá tuyệt vọng.
Quan niệm của bản thân về một tình yêu đẹp.
– Tình yêu xuất phát từ cảm xúc chân thành, gắn với những rung động của con tim, không vụ lợi, không ích kỷ, không toan tính, phải biết trân trọng sự hi sinh cho người mình yêu, coi sự cho đi là hạnh phúc của mình.
– Phải phấn đấu để ở bên người mình yêu, cùng vun đắp hạnh phúc mãi mãi. Chỉ khi ở bên người mình yêu mới có thể cho đi những gì tốt đẹp, mới có thể hi sinh. Tình yêu đẹp phải có thành quả đẹp, như cái cây phải đơm hoa kết trái.
– Phải tránh những quan niệm tình yêu lệch lạc, sai lầm: Tình yêu dựa trên những tính toán vụ lợi, coi tiền tài, danh vọng là cơ sở để định giá tình yêu; tình yêu ích kỷ và mù quáng, dẫn đến những hành vi tàn nhẫn, phạm pháp; tình yêu viển vông phi thực tế: yêu thần tượng…
– Liên hệ thực tế: những tình yêu đẹp trong cuộc sống trước kia cũng như ngày nay.
Đề 2
Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề lý tưởng sống của thanh niên thời nay từ câu thơ:
“ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
(Tây Tiến– Quang Dũng)
Hướng dẫn
*Giải thích
– Lý tưởng sống: là mục đích sống cao đẹp của con người.
– Câu thơ “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đã nói lên một phương châm sống, một triết lý sống của tuổi trẻ. Vì độc lập, tự do của tổ quốc, những người lính Tây tiến sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình. Đó là lý tưởng sống cao đẹp “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
* Bàn luận
– Để trở thành những công dân tốt cho xã hội, mỗi thanh niên cần phải có một lý tưởng sống cho mình. Đó là sống luôn hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ, luôn hướng tới sự chan hòa, chia sẻ, nhân ái, sống vì mọi người, cống hiến tài năng, sức lực cho đất nước, cố gắng hết mình trong các lĩnh vực. Đặc biệt khi tổ quốc lâm nguy, thanh niên phải sẵn sàng hiến dâng cuộc đời mình cho tổ quốc.
– Thời nay, đa số thanh niên sống có lý tưởng tham gia tích cực vào các lĩnh vực của đời sống xã hội như: bảo vệ đất nước, xây dựng đất nước, nghiên cứu khoa học. Họ sẵn sàng đến những nơi “đầu sóng ngọn gió” của đất nước để cống hiến tài năng và sức lực của mình (D/c). Những việc làm của họ đã chứng minh được rằng: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Đây cũng chính là phương châm sống, lý tưởng sống của thế hệ trẻ ngày nay.
– Phê phán những biểu hiện sai trái của một bộ phận thanh niên ngày nay sống buông thả, không có lý tưởng, thích hưởng thụ, sống ỉ nại, dựa dẫm vào người khác, không quan tâm đến tình hình đất nước…
* Bài học nhận thức và hành động (liên hệ bản thân).
Đề 3. Tham khảo đề thi học sinh giỏi lớp 11 năm học 2011- 2012
Suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa của bài thơ sau:
Ví không có cảnh đông tàn
Thì không có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
(Tự khuyên mình – Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh)
Hướng dẫn
1. Giải thích ý nghĩa của bài thơ.
– Bài thơ đề cập đến hiện tượng tự nhiên: Nếu không có cảnh mùa đông tàn thì cũng không có được cảnh huy hoàng của mùa xuân. Đông qua rồi mới đến xuân, đó là qui luật tất yếu của tự nhiên.
– Từ qui luật tự nhiên, bài thơ liên tưởng đến con người: Trong khó khăn gian khổ, nếu con người chịu đựng được, vượt qua được những khó khăn thử thách thì sẽ đến được với cảnh huy hoàng của cuộc sống.
– Những bước gian truân, tai ương gặp phải là những thử thách, rèn luyện làm cho tinh thần thêm hăng. Bài thơ thể hiện tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề.
– Khẳng định quan niệm của Bác trong bài thơ là hoàn toàn đúng:
+ Trong cuộc sống, không mấy ai không gặp khó khăn, gian khổ. Trước những trở ngại không được bi quan, chán nản mà phải giữ vững niềm tin vào lí tưởng, mục đích cuộc sống của mình.
+ Những vất vả, khó khăn gặp phải như cơn gió lạnh mùa đông . Nếu chịu đựng và vượt qua được mùa đông lạnh lẽo thì sẽ được sống trong cảnh huy hoàng của ngày xuân. Điều đó có nghĩa vượt qua gian khổ sẽ đến được với thành công. Niềm tin đó sẽ giúp chúng ta vươn lên trong cuộc sống. Chính trong gian khổ con người sẽ vững vàng hơn. Tai ương gặp trong cuộc đời sẽ sẽ giúp tinh thần thêm hăng hái. HS có thể lấy dẫn chứng (cuộc đời Bác Hồ và các chiến sĩ cách mạng trong đấu tranh là dẫn chứng hùng hồn về sự kiên trì, nhẫn nại, về quyết tâm vượt qua những thử thách, về niềm tin và tinh thần lạc quan cách mạng).
– Phê phán những kẻ sợ khó khăn gian khổ, hay nản chí ngã lòng, bi quan trước những khó khăn thử thách trong cuộc sống.
3. Bài học nhận thức và hành động.
– Sống ở trên đời, khi đã xác định được mục đích đúng đắn, muốn đi đến thành công thì phải trải qua những gian nan thử thách. Nếu vượt qua được chắc chắn sẽ đạt được điều ta mong muốn.
– Chấp nhận đương đầu với khó khăn thử thách, đem hết khả năng của mình góp phần vào sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.
– Bài thơ giúp ta hiểu được qui luật tất yếu của cuộc sống, từ đó hăng hái học tập và rèn luyện.