Bài 17: Thành công và thất bại ( NLXH )

Thành công và thất bại ( NLXH )

Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:

Bài học về thành công

PHẦN III: MỘT SỐ CHỦ ĐỀ VÀ BÀI VIẾT THAM KHẢO

CHỦ ĐỀ 1 : THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI

I. Lý thuyết

  ♦ Thành công

– Thành công : đạt được kết quả, mục đích như dự định. Gần nghĩa với thành đạt – đạt kết quả tốt đẹp, đạt mục đích về sự nghiệp. Trái nghĩa với thành công là thất bại (Từ điển Tiếng Việt)

– Khát vọng, mong ước thành công là khát vọng chính đáng, đáng được trân trọng của con người. Chỉ có điều không nên bất chấp mọi thủ đoạn xấu xa để đạt được thành công. Thành công chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người đạt được nó một cách chân chính, bằng những nỗ lực lao động, cố gắng, trí tuệ… của bản thân.

– Thành công là đích đến tốt đẹp nhưng đường đi đến thành công đôi khi không đơn giản, thậm chí, trái lại còn có nhiều chông  gai, thử thách. Vì thế, thành công cũng là một thách thức về bản lĩnh, ý chí, sức mạnh thể chất, tinh thần của con người.

– Thành công là sự hội tụ của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Vì thể để thành công, con người không chỉ cần phát huy sức mạnh nội tại mà còn phải biết tận dụng các nguồn lực bên ngoài.

– Thành công cần được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Có khi mục đích đề ra không đạt được nhưng lại thành công ở phương diện khác.

♦ Thất bại

– Đối lập với thành công là thất bại. Thất bại là không đạt được kết quả như dự định, mong muốn.

– Thất bại là một phần của đời sống. Không ai là không từng thất bại, dù nhỏ hay lớn. Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan mà con người không lường trước được nên thất bại là điều khó tránh khỏi.

– Con người phải biết chấp nhận thất bại và phải dũng cảm nhìn thẳng vào thất bại để rút ra bài học cho bản thân. Điều quan trọng không phải là thất bại bao lần mà là đối diện với nó, rút ra từ nó những kinh nghiệm xương máu cho bản thân để không lặp lại.

– Thất bại đôi khi là mẹ của thành công.

II. Thực hành, luyện tập

1. Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 chữ) trình bày ý kiến của anh (chị) về nhận định sau :

“Thành công là tích số của: làm việc, may mắn và tài năng”

(Trích : Những vòng tay âu yếm, NXB Trẻ, Tp.HCM, 2003)

[1] Mở bài

– Dẫn dắt : chủ đề thành công

– Nêu câu nói

[2] Thân bài

* Giải thích

+ Thành công : kết quả tốt đẹp, thành tích, thành tựu mà con người đạt được sau những nỗ lực, cố gắng.

+ Tích số : phép nhân của các số, ở đây được hiểu là sự phối kết, nhân lên của các yếu tố tạo nên thành công.

+ Làm việc : hành động suy nghĩ, thể chất tiến hành một công việc nào đó.

+ May mắn : yếu tố thuận lợi do khách quan đem lại, nhờ đó mà con người có được thành công.

+ Tài năng : khả năng đặc biệt, sự khéo léo hơn người, trí sáng tạo vượt trội.

+ Ý cả câu : khẳng định thành công không tự nhiên mà có, nó là sự phối kết, nhân lên của nhiều yếu tố mà ở đây là làm việc, may mắn và tài năng.

* Phân tích :

– Vì sao “thành công lại là tích số của làm việc, may mắn và tài năng” ? Vì :

+ Muốn có thành công, điều đầu tiên là con người phải biết làm việc (trí óc, chân tay), không thể lười biếng. Làm việc chính là sự hiện thực hóa những suy nghĩ, những ý tưởng, những hoài bão, dự định tốt đẹp mà con người muốn đạt được. Làm việc là hành động thực tiễn để biến những mục tiêu sống của mỗi người thành hiện thực. VD : Ngô Bảo Châu làm việc cật lực 15 năm để giải bài toán về Bổ đề; thành công của nghệ sĩ Phùng khi anh mai phục nhiều ngày trời mới chụp được bức ảnh trời cho.

+ Muốn có thành công, con người cũng cần có yếu tố may mắn, bởi may mắn sẽ giúp ta dễ dàng hoàn thành mục tiêu hoặc hoàn thành một cách thuận lợi, tốt đẹp những ý tưởng đặt ra. May mắn có khi chỉ là thứ “gia vị” cho bữa ăn nhưng cũng có khi nó là “cơm”, là “thịt” hay các “món chính” trên “mâm cỗ”. VD : Cũng vẫn là Ngô Bảo Châu may mắn khi gặp được Giáo sư Gérard Laumon.

+ Song muốn có thành công, con người còn phải cần có tài năng nữa vì làm việc một cách thiếu suy nghĩ, thiếu các năng lực thực hiện thì thành công cũng khó mà đạt được, như lãnh tụ Lênin đã có lần nói : “Nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại”. Và may mắn thì không phải lúc nào cũng đến và đến với mọi người.  VD : Ngô Bảo Châu thể hiện tài năng toán học từ nhỏ.

Thành công và thất bại ( NLXH )

Thành công và thất bại ( NLXH )

+ Từ những phân tích trên có thể khẳng định : thành công của con người thường đòi hỏi nhiều yếu tố hợp lại. Mỗi yếu tố, bằng sức mạnh riêng của nó, sẽ góp phần tạo nên thành công.

– Vì sao trong câu nói trên thứ tự của các yếu tố tạo nên thành công lại là “làm việc, may mắn và tài năng” ? Vì : người viết muốn nhấn mạnh yếu tố chủ quan; yếu tố khách quan chỉ là thứ yếu. Thêm nữa, có làm việc thì may mắn mới đến. May mắn chỉ đến với ai chịu khó làm việc. Còn tài năng chỉ là tiền đề, như Ê-đi-sơn đã nói : “Trong thành công của tôi, chỉ có một % là thiên tài, còn 99% là mồ hôi và nước mắt”.

* Bình luận :

+ Câu trên là rất đúng đắn, dễ tìm được sự đồng tình của nhiều người.

+ Tuy nhiên, để thành công con người còn phải có nhiều yếu tố khác nữa : sức khỏe, ý chí, nghị lực, phương pháp làm việc, thậm chí kể cả những thất bại trước đó…

+ Thành công thường đi liền với thất bại. Đôi khi “thất bại là mẹ của thành công”. Nên con người cần biết rút kinh ngiệm sau những thất bại để có được những thành công.

+ Sự sắp xếp thứ tự trên… còn tùy thuộc vào quan niệm, nhận thức, góc độ tiếp cận vấn đề của mỗi người, mỗi lĩnh vực công việc. Chẳng hạn : lĩnh vực văn học nghệ thuật, muốn có thành công trước hết người nghệ sĩ phải có năng khiếu : “Riêng tôi giời bắt làm thi sĩ” (Nguyễn Bính); “Có lột da tôi tôi cũng chịu, đến hai câu thơ cũng không làm nổi” – (Lênin). Thậm chí, như nhà văn Thạch Lam có lần phát biểu: “Người ta sinh ra là nghệ sĩ hay không chứ không thể học tập mà thành được” (Theo dòng).

[3] Kết bài

– Bài học nhận thức

– Hành động của bản thân

2. Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 chữ) trình bày ý kiến của anh (chị) về hai câu thơ sau :

Ai chiến thắng mà không hề chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần

(Tố Hữu)

[1] Mở bài

– Dẫn dắt : chủ đề chiến thắng và thất bại trong cuộc sống

– Nêu câu thơ

[2] Thân bài

* Giải thích :

+ Thắng, khôn, bại, dại : thắng là vượt qua một đối thủ, một cản trở… nào đó trong cuộc sống để khẳng định được sức mạnh, bản lĩnh, khả năng của bản thân. Khôn : sự hiểu biết, khéo léo, tài tình trong hành động, cách ứng xử (khôn ngoan, khôn khéo). Bại, dại :  ngược với thắng và khôn.

+ Ai chiến thắng mà không hề chiến bại : Chiến thắng và thất bại thường tồn tại cạnh nhau như một thực tế khách quan. Không ai là không từng có lần thất bại trong cuộc sống. Những người thành công thường là những người đã từng trải qua những thất bại trong cuộc đời.

+ Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần : cũng như thắng và bại, khôn và dại thường tồn tại khách quan bên nhau trong cuộc sống. Con người trở nên khôn hơn sau khi trải qua những lần dại dột.

+ Hai câu thơ có ý nghĩa như một bài học về thành công, thắng lợi của con người trong cuộc đời, đồng thời là lời động viên, khích lệ con người sau những thất bại trong cuộc sống.

* Phân tích

– Vì sao Ai chiến thắng mà không hề chiến bại ?

+ Vì thất bại sẽ giúp con người nhận ra lỗi lầm, khiếm khuyết, tránh được những sai sót, từ đó có thể thắng lợi.

+ Vì thất bại cũng là một động lực để con người sửa chữa, tạo nên chiến thắng bù đắp cho những thất bại đã qua.

– Vì sao Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần ?

+ Không ai sinh ra đã khôn ngay mà phải trải qua những va vấp mới đúc rút kinh nghiệm cho bản thân để trở nên khôn ngoan hơn.

+ Không ai có thể biết hết mọi việc, lường trước mọi chuyện sẽ xảy ra, cho nên chỉ sau khi có những trải nghiệm mới thấu hiểu thực tế, từ đó mà khôn khéo hơn.

* Bình luận

+ Câu nói thể hiện một quan điểm đúng.

+ Nhưng thắng lợi cần thiết nhưng không thể bằng mọi giá; khôn ngoan thì tốt nhưng khôn lỏi hay lọc lõi đến mức lạnh lùng, tàn nhẫn thì không được. Mặt khác, ngủ quên trong chiến thắng đã hàm chưa yếu tố thất bại; chủ quan với sự khôn ngoan của mình sẽ tiềm ẩn yếu tố dại dột tiếp theo.

[3] Kết bài

– Cho nên, vấn đề đặt ra là con người phải không ngừng tu dưỡng rèn luyện về bản lĩnh, ý chí, sự hiểu biết để có sự cần bằng trong cuộc sống, để ngày càng khôn ngoan hơn và bớt những dại dột có thể nảy sinh thất bại.

– Điều này càng trở nên cần thiết đối với thế hệ trẻ – những người đang chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống. Những hành động tu dưỡng bản thân chưa bao giờ là muộn và thừa đối với mỗi HS, SV.

Thảo luận cho bài: Bài 17: Thành công và thất bại ( NLXH )