Đề bài:
Trong di chúc Bác Hồ Viết: Tôi để lại muôn vàn tình yêu cho toàn Đảng, toàn dân, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng. Em hãy chứng minh Bác Hồ đã dành cho toàn dân ta, đặc biệt là cho thiếu niên, nhi đồng một tình thương bao la sâu nặng.
Bài làm:
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ cách mạng muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước thương dân của Bác thật là sâu nặng. Bác đã cống hiến cả cuộc đời để giải phóng nhân dân ra khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến để ai cũng có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Trước khi vĩnh biệt cuộc đời Bác đã bày tỏ tình cảm thiết tha: Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng toàn dân, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng. (Di chúc). Trong suốt cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân trong sáng, Bác Hồ đã dành cho nhân dân tình cảm yêu thương rộng lớn và sâu sắc.
Suốt mấy chục năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Bác đã làm rất nhiều nghề, chịu đựng mọi vất vả khó khăn để tìm đường cứu nước, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Trên con đường đấu tranh gian nan vì mục đích cao cả ấy, Bác luôn bày tỏ sự thông cảm và tình thương yêu chân thành đối với quần chúng đau khổ lầm than đang hướng theo ngọn cờ giải phóng của Người.
Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ nhiều lần trực tiếp tham gia chiến dịch cùng bộ đội và dân công hỏa tuyến. Đêm trước chiến dịch Biên giới, các chiến sĩ đã được Bác chăm lo, săn sóc tận tình:
Rồi Bác đi dém chăn
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thốt
Bác nhón chân nhẹ nhàng
Còn chính Bác lại không sao chợp mắt được, bởi:
Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn
Trời thì mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi ướt ?
(Đêm nay Bác không ngủ – Minh Huệ)
Đối với những người cao tuổi, Bác hết sức quý mến, quan tâm. Mỗi năm khi xuân về, Tết đến, Bác không quên biếu áo lụa cho các cụ già, các mẹ chiến sĩ có công với đất nước. Bác thường thăm hỏi và chúc Tết, tặng quà cho các gia đình lao động nghèo khổ. Những việc làm ấy của Người đã gây xúc động sâu sắc trong lòng đồng bào cả nước.
Một đối tượng khác cũng được Bác luôn luôn quan tâm động viên, khen ngợi là chị em phụ nữ. Bác tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của đất nước, phụ nữ ta thật xứng đáng với dòng dõi Bà Trưng, Bà Triệu mà tôn tuổi rạng rỡ trong lịch sử nước nhà.
Trong những năm chống Mĩ cứu nước, Bác Hồ ngày đêm mong ngóng từng tin chiến thắng từ chiến trường miền Nam. Bác dành cho nhân dân miền Nam một tình thương vô bờ: Miền Nam ở trong trái tim tồi. Khi Quốc hội quyết định tặng Bác huân chương cao quý nhất, Bác đã từ chối và đề nghị sau này sẽ được nhận từ tay đồng bào miền Nam trong ngày thống nhất đất nước. Bác không nguôi nhớ đến miền Nam và thiết tha ao ước:
Đến ngày thống nhất nước nhà
Bắc Nam sum họp thì ta vui lòng.
Tình cảm của Bác đối với mọi tầng lớp nhận dân quả là sâu nặng. Tình thương của Bác Hồ dành cho thiếu niên nhi đồng lại càng đặc biệt. Trong những ngày bị chính quyền Tưởng giới Thạch cầm tù nơi đất khách quê người, trái tim nhân ái của Bác xót xa thương cảm trước tình cảnh của một cháu bé bị bắt giam cùng mẹ:
Oa! Oa! Oa!
Cha trốn không đi lính nước nhà
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi
Phải theo mẹ đến ở nhà pha.
(Cháu bé trong nhà lao Tân Dương)
Bác Hồ thương nhất các cháu nhi đồng. Vì nước mất, dân nô lệ, mẹ cha khổ sở, đói nghèo nên trẻ thơ cũng phải lầm than, cực khổ:
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.
Nay vì vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng.
Bác Hồ luôn quan tâm động viên, khen thưởng kịp thời các cháu có thành tích tốt. Trong kháng chiến chống Pháp, tuy phải gánh vác bao nhiệm vụ lớn lao nhưng Bác vẫn không quên cổ vũ, khuyến khích thiếu niên học giỏi:
Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai sau cháu giúp nước non nhà.
(Tặng cháu Nông Thị Trưng)
Cũng vì thương yêu thiếu niên nhi đồng nên ngay trong những ngày đầu tiên nước nhà được độc lập, ở cương vị một nguyên thủ quốc gia, tuy bận trăm công ngàn việc, Bác vẫn ân cần dặn dò, khuyên nhủ: Các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn… Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
(Thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9 năm 1945).
Hằng năm, hầu như Tết Trung thu nào Bác cũng viết thư, làm thơ, gửi quà tặng các cháu. Trong Thư Trung thu năm 1951, Bác viết:
Trung thu trăng sáng như gương,
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng.
Tình thương của Bác đã truyền đến tất cả các cháu thiếu nhi theo câu hát: Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh.
Đáp lại tấm lòng nhân ái mênh mông của Bác, bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam đã bày tỏ lòng kính yêu Bác Hồ qua lời ca, điệu múa; qua thành tích học tập và lao động làm theo Năm điều Bác Hồ dạy.
Tuy Bác đã đi xa nhưng tình thương yêu của Bác mãi mãi vẫn bao trùm khắp non sông đất nước. Trong những ngày chiến đấu ác liệt chống quân xâm lược Mĩ, anh bộ đội vẫn như thấy: Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân. Giữa ngày vui toàn thắng, nhân dân cả nước hân hoan hát vang bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Mỗi người dân như được tiếp thêm sức mạnh từ lòng yêu thương vô bờ của vị Cha già dân tộc:
Hỡi những ai chưa được một lần
Trong đời gặp Bác, hãy nhanh chân
Tiến lên phía trước, trên cao ấy
Bác vẫn đưa tay vẫy lại gần.
(Theo chân Bác – Tố Hữu)