Đề bài: Bình luận ý kiến của nhà văn Nga Sê-khốp: Con người càng phát triển cao về trí tuệ và đạo đức thì càng tự do và cuộc sống càng đem lại cho anh ta nhiều thích thú hơn.
Sê-khốp (1860 – 1904) là nhà văn hiện thực vĩ đại của nước Nga nửa cuối thế kỉ XIX. Nội dung các sáng tác của ông đều xoay quanh những vấn đề có tính chất xã hội. Đặc biệt là ông luôn luôn trăn trở về số phận của con người. Trên các trang viết sắc sảo của ông thường xuất hiện nhiều mảnh đời đau khổ nhưng vẫn chói ngời những phẩm chất cao đẹp; đó chính là nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Sê-khốp. Ông cũng luôn quan tâm đến những vấn đề lớn lao trong cuộc sống. Sê-khốp đã nói: Con người càng phát triển cao về trí tuệ và đạo đức thì càng tự do và cuộc sống càng đem lại cho anh ta nhiều thích thú hơn. Câu nói trên là một nhận định khái quát về nhân sinh quan, đặt ra vấn đề con người sống như thế nào cho có ích, cho đúng với ý nghĩa của hai từ: tự do.
Trước hết, Sê-khốp khẳng định : Con người càng phát triển cao về trí tuệ và đạo đức thì càng tự do… Như chúng ta đã biết, con người là trung tâm của cuộc sống. Con người có trách nhiệm to lớn và vinh quang là góp phần cải biến thế giới và xây dựng nên xã hội tươi đẹp, văn minh. Muốn vậy thì con người phải phát triển cao về trí tuệ và đạo đức, hai tư chất đặc trưng mà Tạo hóa đã ưu ái ban tặng riêng cho loài người, ở các loài vật khác hoàn toàn không có.
Trí tuệ là khả năng nhận thức lí tính đạt đến một trình độ nhất định (Từ điển Tiếng Việt). Nói cách khác thì trí tuệ là khả năng suy nghĩ, khám phá, phân tích, tổng hợp của con người trước những sự vật, sự việc và hiện tượng xung quanh. Người có trí tuệ là người dễ dàng tiếp cận, tiếp thu sự vận động và thay đổi của sự vật, nắm được quy luật phát triển của nó, để từ đó vận dụng vào cuộc sống học tập và làm việc của mình. Chẳng hạn trong lĩnh vực khoa học, người có trí tuệ là người có trình độ hiểu biết sâu rộng, có uy tín về chuyên môn, là tác giả của những công trình nghiên cứu, phát minh có giá trị thực tiễn cao. Trong lĩnh vực kinh tế, người có trí tuệ là người nắm vững quy luật cung cầu của thị trường, biến động giá cả của hàng hóa, các tiến bộ về khoa học kĩ thuật… để từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn, chính xác, nhờ đó mà quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả tốt, đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp và góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Bên cạnh việc phát triển trí tuệ, con người cần phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện nhân cách để có được đạo đức trong sáng. Đạo đức là phẩm chất để phân biệt con người với các loài vật. Đạo đức là thước đo trình độ văn minh, văn hóa của con người. Đạo đức thể hiện ở lòng nhân ái, sự hi sinh, chia sẻ, đoàn kết giữa người với người. Đạo đức càng tốt đẹp thì trí tuệ càng tỏa sáng và con người càng có thêm sức mạnh. Trong phẩm chất của con người thì đạo đức được đặt lên hàng đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Ý Bác muốn nói là một người dù có tài giỏi đến đâu chăng nữa mà không có đạo đức thì cũng không làm được điều gì hữu ích cho nhân dân, đất nước. Muốn làm bất cứ việc gì cũng phải xuất phát từ cái tâm nhân ái, biết thương người và biết hi sinh. Ví dụ như người thầy thuốc phải đặt y đức lên hàng đẩu, đúng như sự tôn vinh của xã hội: Thầy thuốc như mẹ hiền. Các thầy cô giáo dạy học sinh bằng tình thương yêu, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ đối với con cái. Cán bộ phải là đầy tớ, công bộc trung thành của nhân dân. Bộ đội là con em nhân dân, từ nhân dân mà ra nên phải sống sao cho đi dân nhớ ở dân thương…
Khi con người đã phát triển cao về trí tuệ và đạo đức thì sẽ có một tố chất đặc biệt là sự tự tin. Khi đã tự tin vào bản thân mình, xác định được mục đích sống đúng đắn, con người càng tự do quyết định những kế hoạch của cuộc đời mình. Nếu công việc có hiệu quả, dẫn đến sự thành đạt thì cuộc sống càng đem lại cho anh ta nhiều thích thú hơn.