Đề bài:
Trong Bài ca vỡ đất, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã khẳng định: Bàn tay ta làm nên tất cả Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Em hãy bình luận chứng minh để làm sáng tỏ ý kiến trên.
Bài làm:
Trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để vừa chống giặc ngoại xâm, vừa đảm bảo đời sống vật chất. Để phục vụ kháng chiến, rất nhiều đoàn nông binh đã hăng hái lên rừng khai hoang vỡ đất, trồng lúa trồng ngô, lấy lương thực nuôi quân đánh giặc. Ca ngợi những chiến sĩ nông binh đó, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết:
Bàn tay ta làm nên tất cả,
Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm.
(Bài ca vỡ đất -1948)
Thực tế cuộc sống lao động xây dựng đất nước trong mấy chục năm qua cho thấy khẳng định của nhà thơ Hoàng Trung Thông là hoàn toàn có cơ sở.
Thông qua những,hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng: bàn tay tượng trưng cho sức lao động của con người, sỏi đá tượng trưng cho khó khăn, trở ngại, cơm tượng trưng cho thành quả lao động, nhà thơ đã ca ngợi con người có khả năng cải tạo thiên nhiên để tạo lập cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tất cả của cải vật chất và tinh thần của nhân loại từ trước tới nay đều do bàn tay, khối óc của con người sáng tạo ra. Con người biết trồng trọt, chăn nuôi, biết dựng nhà, dựng cửa, biết chế tạo ra công cụ lao động và những vật dụng cần thiết… để cuộc sống văn minh, tiến bộ hơn hẳn loài cầm thú. Con người còn biết vẽ tranh, nặn tượng, biết làm ra cây sáo, cây đàn, bộ trống… để làm cho cuộc đời thêm phong phú, đáng yêu.
Ở vùng ven biển Thái Bình, Nam Hà, những con đê quai ngày càng tiến dần về phía biển Đông để mở rộng diện tích đất trồng trọt. Đồi núi Lục Ngạn, Hà Bắc vốn khô cằn sỏi đá, nhờ bàn tay lao động cẩn cù và sáng tạo của con người, nay đã thành vùng chuyên canh cây ăn quả. Những vườn vải thiều chín đỏ, những vườn cam chín vàng… đã đem lại cuộc sống ấm no, giàu có cho người dân ở đây.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhân dân ở những vùng chiến trường cũ như Khe Sanh, Plâyku, Lộc Ninh… đã đổ biết bao mồ hôi, công sức để biến sắt thép, bom mìn, cỏ dại thành vườn cây trĩu quả, thành rừng cao su bạt ngàn và những nông trường cà phê xanh tốt.
Rõ ràng, sức lao động của con người đã làm thay đổi bộ mặt quê hương, đất nước. Con người xứng đáng là những tiểu hóa công sắp xếp lại thế giới tự nhiên, bắt thiên nhiên phải phục vụ đời sống con người. Nhân dân ta đã ngăn thác dữ bắt sông làm điện bằng công trình thủy điện Hòa Bình nổi tiếng, đã khai thác dầu khí từ dưới đáy đại dương sâu thẳm để làm giàu cho Tổ quốc, đã đào những con kênh để rửa phèn và đưa nước ngọt đến khắp đồng bằng Nam Bộ rộng lớn. Những công trình vĩ đại ấy đều là kết quả sức lao động to lớn của nhân dân ta. Giờ đây, con người không chỉ vắt đất ra nước mà đã chế tạo ra những phương tiện kĩ thuật hiện đại để thay trời làm mưa hoặc khai thác năng lượng vô tận của mặt trời… Có thể nói sức lao động và trí tuệ của con người đã thúc đẩy rất nhanh quá trình phát triển của khoa học kĩ thuật. Chắc chắn rằng trong tương lai, con người sẽ sáng tạo ra nhiều điều kì diệu hơn nữa.
Con người có khả năng rất tiềm tàng nhưng để biến khả năng ấy thành hiện thực, chúng ta phải cố gắng rất nhiều, cố gắng tiếp thu kiến thức của nhân loại, cố gắng sáng tạo ra những điều mới mẻ, hữu ích. Việc học tập của mỗi học sinh cũng chính là nhằm vào mục đích ấy. Hai câu thơ trên của nhà thơ Hoàng Trung Thông như lời động viên khích lệ chúng ta hãy tin tưởng vào đôi bàn tay Cần cù và khối óc năng động, sáng tạo của chính mình trên bước đường tạo dựng sự nghiệp.