Bình giảng khổ thơ thứ 3 trong bài Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận

Đề bài: Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận:

“Mỗi người một vẻ, mặt con người.
…………
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”

YÊU CẦU

Đây là đoạn thơ khật quát, lại các khuôn mặt tượng sau khi đã miêu tả cụ thể một số khuôn mặt tượng tiêu biểu ở các khổ thơ trên. Cần bình giảng để lấm nổi bật hai ý cơ bản:
– Nỗi đau khổ tột cùng của các khuôn mặt tượng (khổ 1)
– Sự bế tắc hoàn toàn, không có con đường giải thoát (khổ 2)
Và hai điều trên của các pho tượng cũng là hai nỗi nhức nhối của chúng sinh trong kiếp sống trầm luân của cuộc đời cũ mà ông cha ta đã phải chịu đựng: đó là cảm hứng nhân đạo sâu sắc của Huy Cận.

BÀI LÀM

Viết về cối thoát tục mà đặt vấn đề trần thế, viết về thế giới vô vi mà đụng đến những biến đổi của xã hội, viết về xứ Phật, mà làm rung động lòng người, đó là đặc sắc của bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là những cảm nhận, những suy nghĩ về lịch sử, về quá khứ của cha ông. Miêu tả các pho tượng nhưng thực chất là để làm nổi bật một xã hội bế tắc, quằn quại đau thương. Xã hội đó hiện hình lên, sinh động và thấm thía, qua dáng vẻ và tư thế các pho tượng, được hội tụ và khát quát trong hai khổ thơ:

Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương chảy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.
Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lởn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Trước hai khổ thơ này, nhà thơ đã dành hai khổ thơ để tạc lại các pho tượng bằng nghệ thuật ngôn từ: có vị thì gầy guộc khô héo xương trần chân với tay, trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt. Có vị thì trăn trở suy nghĩ đến dữ dội, căng thẳng hiển hiện trên khuôn mặt: mắt giương, mày nhíu xệch, trán như nổi sóng biển luân hồi, môi còng chua chát, gân vặn bàn tay; có vị thì chân tay co xếp lại, tròn xoe tựa thể chiếc thai non. Nhà thơ đặc tả như chạm khắc để làm nổi rõ từng dáng vẻ, từng tâm tưởng khác nhau của từng pho tượng. Đúng là “mỗi người một vẻ, mặt con người”. Nhưng tất cả đều quằn quại, vật vã, trăn trở đau thương đến tột cùng. Tưởng không thế nào khổ đau hơn thế nữa!

Những chúng sinh đau khổ đó tụ hội lại đây, dưới mái chùa này, trong “một cuộc họp lạ lùng trăm vật vã”. Đây là cuộc họp lạ lùng của các vị La Hán hay chính là hình ảnh hội tụ nỗi đau trần thế của mọi loại chúng sinh? Và phải chăng, tất cả các giác quan của con người đều căng lên trong từng thớ gỗ khiến cho Huy Cận cảm thấy “tượng không khóc cũng đổ mồ hôi”? Phải có “trăm vật vã” mới có “đổ mồ hôi”! Dường như nỗi đau đã tích tụ bao đời, đã nén chặt bao kiếp, giờ đây chỉ có thể thoát ra qua làn da! Một nỗi đau triền miên, âm ỉ, day dứt qua năm tháng thời gian, suốt chiều dài lịch sử, để giờ đây “bấy nhiêu quằn quại run lần chót”! Chỉ bốn dòng thơ, Huy Cận đã khắc họa thành công cái nỗi đau trần thế của chúng sinh qua “cuộc họp lạ lùng” của các pho tượng. Không có nỗi đau đời sâu sắc, không có một sự thông cảm, trân trọng đối với những kiếp người trong xã hội cũ, không thể viết được những câu thơ gây ấn tượng mạnh mẽ như vậy. Và những pho tượng La Hán đã trở thành một khái quát nghệ thuật về nỗi đau của con người trong quá khứ.

Nhưng không chỉ có nỗi đau. Dường như ở những pho tượng ấy vẫn khắc khoải một khát vọng giải thoát, có điều khát vọng vẫn chỉ là khát vọng còn thực tế vẫn đành chấp nhận bế tắc:

Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

cac vi la han chua tay phuong cua huy can

Những câu thơ trên vừa có sức khái quát cao vừa chứa dựng những suy tưởng sâu sắc, những cảm thông của Huy Cận đối với thế hệ cha ông một thời đã qua. Tìm một lối thoát cho dân tộc, một lối thoát khỏi những đau thương – khát vọng giải thoát ấy thật lớn lao, niềm băn khoăn tìm hướng đi cho đời cũng thật cảm động (“quay theo tám hướng hỏi trời sâu”) nhưng tất cả đều bất lực, bế tắc. Đã tìm khắp mọi hướng và hỏi đến nơi thiêng liêng nhiệm mầu nhất là “trời sâu” nhưng bế tắc vần hoàn bế tắc: Một câu hỏi lớn. Không lời đáp. Dòng thơ ngắt thành hai câu dứt khoát, gây ấn tượng mạnh mẽ về sự bất lực, bế tắc đó. Câu hỏi lớn ấy kết tụ những nỗi đau đời trong quá khứ, những oan khốc trong cuộc đời cũ, và, một khi câu trả lời chưa tìm được thì khi đó nỗi băn khoăn day dứt vẫn ám ảnh không thôi: “Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”. Và câu hỏi lớn ấy đè nặng lên tâm hồn của các vị La Hán, bởi vì các vị không tìm sự giải thoát cho riêng mình mà tìm sự giải thoát cho cả chúng sinh. Nhưng công cuộc đi tìm này đã trở thành bi kịch, bởi “Đau đời có cứu được đời đâu”! Phải hiểu sâu sắc dân tộc, phải thông cảm tột độ với các thế hệ cha ông thì Huy Cận mới viết được những câu thơ vừa giàu chất trí tuệ lại vừa xúc động lòng người đến thế – những câu thơ như đúc lại, như chạm khắc thành hình hài, thành gương mặt dân tộc trong mỗi thời đã qua.

Đó chính là sự cảm động trân trọng của Huy Cận đối vói những thế hệ cha ông ôm ấp những khát vọng lớn lao nhưng lại bế tắc, rơi vào những bi kịch đau thương.

 

Thảo luận cho bài: Bình giảng khổ thơ thứ 3 trong bài Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận