Kỹ năng làm bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lý
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:
Đề luyện tập văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lý
1. Ví dụ
R.Ta-go, nhà thơ Ấn Độ cho rằng: Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy, còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông.
Suy nghĩ của anh (chị) về nhận định trên.
* Tìm hiểu đề:
– Xác định nội dung nghị luận của đề văn: Trong cuộc sống phải biết sống và cống hiến hết mình còn hơn sống nhút nhát, thụ động.
– Thao tác lập luận sử dụng trong bài văn: Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.
– Phạm vi kiến thức: Kiến thức thực tế trong cuộc sống xã hội mà người viết đã trải nghiệm, đã từng bắt gặp.
*Lập dàn ý
– Mở bài: Giới thiệu dẫn dắt vấn đề nghị luận
– Thân bài:
Giải thích ý nghĩa của lời nhận định
– Hoa sen: Là loài hoa ủ mầm trong bùn đất tối khuất, nhơ bẩn nhưng mạnh mẽ vươn lên. Hoa sen là biểu tượng cho phẩm cách thanh sạch, biết vươn lên trong cuộc sống của con người.
– Mặt trời: Đó là ánh sáng vĩnh cửu đem lại sự sống cho vạn vật. Mặt trời tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, sự huy hoàng.
– Nụ búp: Ẩn dụ cho cái non nớt, nhút nhát, e sợ của con người.
– Sương lạnh vĩnh cửu: là môi trường lạnh giá, khắc nghiệt, ở đó vạn vật phải ẩn mình, thu mình, không thể sinh sôi phát triển. Vì thế nó tượng trưng cho những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
=> Ý nghĩa câu nói: Ý kiến của Ta- go là một triết lí sống mạnh mẽ, tích cực và tiến bộ. Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng nếu biết sống và cống hiến hết mình ta sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Nếu sống nhút nhát, thụ động thì cuộc đời thật nhạt nhẽo, vô nghĩa.
Bàn luận, mở rộng vấn đề
a. Tại sao nên chọn cách sống như “bông hoa sen”?
– Cuộc sống rất quý giá nhưng lại ngắn ngủi, và chỉ đến duy nhất một lần. Ta phải sống thế nào cho xứng đáng, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những tháng năm đã sống hoài, sống phí. Ta cần có một trái tim đầy nhiệt huyết để sống hết mình, để cảm nhận từng hơi thở trong khoảnh khắc của đời mình.
– Đã là con người thì cần phải có ước mơ, lý tưởng và khát khao thực hiện những điều đó. Tuy nhiên, cuộc sống luôn ẩn chứa những khó khăn, thử thách và những điều tốt đẹp không bỗng dưng mà có. Thay vì để khó khăn đánh bại, ta hãy đón nhận chúng như một cơ hội để rèn luyện bản lĩnh của chính mình, để ta thêm trưởng thành.
– Khi ta chọn làm “bông hoa sen nở trong ánh mặt trời” đó là lúc ta sống hết mình và cống hiến hết mình. Ta sẽ có cơ hội được toả sáng, được khẳng định, lưu lại dấu chân trên con đường đã đi và tận hưởng những điều tuyệt diệu mà cuộc sống mang lại. Đó cũng chính là cách khiến cuộc sống của ta thêm ý nghĩa và trở nên có ích. Đó mới là cuộc sống đích thực của con người.
b. Tại sao không nên chọn cách sống như “nụ búp”?
– Nếu ta không dám đối mặt trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống vì ta sợ sai lầm, sợ sẽ thất bại, sợ bị cười chê… để rồi mãi mãi ta sống trong vỏ bọc hèn nhát của mình. Đó là lối sống mòn, sống thừa, sống vô ích mà không được ai biết đến. Một “cuộc sống đang mòn ra, đang rỉ đi, đang nổi váng.”
– Cuộc sống không mục tiêu, ước mơ, hoài bão thật vô vị. Sống như thế thực chất chỉ là tồn sự tại mà thôi, là chết ngay cả khi đang sống.
Nâng cao
– Liệu có phải lúc nào ta cũng sống hết mình? Nếu cứ hết mình như thế sẽ có lúc ta kiệt sức. Vậy ta cần phải biết lượng sức mình, không phải lúc nào cũng nên lao về phía trước. Để đối mặt với mọi thử thách trên đường đời trước tiên ta phải trân trọng chính bản thân ta. Đừng nôn nóng theo đuổi mục đích mà quên mất bản thân mình.
– Có những phút giây ta nên thu mình lại khi đã cảm thấy mỏi mệt. Khi ấy không phải ta đang hèn nhát, chỉ là ta đang tìm kiếm chút bình yên cho tâm hồn, tìm được lại ý chí, lòng quyết tâm để tiếp tục tiến lên phía trước.
Bài học nhận thức và hành động
– Phê phán lối sống yếu mềm, thụ động, chỉ biết ngồi chờ vận may và sự thuận lợi.
– Cuộc sống của mỗi người được quyết định bởi sự tự nhận thức, bản lĩnh và nghị lực vươn lên không ngừng. Cuộc sống quá ngắn ngủi, hãy cứ cháy hết mình đến tận cùng của khát vọng, ước mơ.
2. Đặc điểm nhận diện loại đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí.
– Tư tưởng đạo lý thường là quan điểm về đạo đức, thế giới quan, nhân sinh quan của con người về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phương pháp, tư tưởng.
– Đề tài nghị luận về một hiện tượng đời sống: phong phú, đa dạng, bao gồm các vấn đề:
+ Về mục đích (lý tưởng, mục đích sống).
+ Về tâm hồn, tính cách (lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung độ lượng, tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn, thói ích kỷ, ba hoa, vụ lợi…).
+ Về quan hệ gia đình(tình mẩu tử, tình anh em…), quan hệ xã hội (tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn…).
+ Về cách ứng xử, những hành động của mỗi người trong cuộc sống.
– Hình thức trình bày: đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí thường được trình bày dưới dạng một danh ngôn, một phương ngôn hoặc một câu nói nổi tiếng, cũng có khi vấn đề tư tưởng đạo lí đó được hỏi trực tiếp.
– Yêu cầu của đề thường được trình bày dưới dạng suy nghĩ về ý kiến trên, giải thích và bình luận ý kiến trên.
3. Cách làm bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý
* Kết cấu thông thường của một bài nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý gồm ba phần:
MỞ BÀI
-Dẫn dắt, giới thiệu tư tưởng, đạo lí cần bàn luận
– Mở ra hướng giải quyết vấn đề.
THÂN BÀI
a.Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận: 0,5 điểm
(Trả lời câu hỏi: là gì?)
Khi giải thích cần lưu ý:
– Bám sát tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu, tránh suy diễn chủ quan, tuỳ tiện.
– Chỉ giải thích những từ ngữ, hình ảnh còn ẩn ý hoặc chưa rõ nghĩa.
– Phải đi từ yếu tố nhỏ đến yếu tố lớn: giải thích từ ngữ, hình ảnh trước, rồi mới khái quát ý nghĩa của toàn bộ tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu.
b. Bàn luận tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu: 2,0 điểm
Lí giải vấn đề. (Trả lời câu hỏi: tại sao?)
+ Giải thích: người viết phải cắt nghĩa, làm sáng tỏ về ý nghĩa của đề, làm rõ chủ đề. Thường người viết sẽ cắt nghĩa theo từng vế câu, từng phần của câu nói, mỗi phần được giải thích sẽ tương đương với một luận điểm lớn của bài văn. Khái quát nội dung chính của tư tưởng đạo lí đó.
Đánh giá, luận bàn về vấn đề đặt ra trong nhận định của đề bài. (Trả lời một số câu hỏi nhằm lật ngược vấn đề, nhìn nhận vấn đề trong nhiều chiều, nhiều góc độ, thấu đáo hơn, tránh áp đặt khiên cưỡng, ví dụ: có ngoại lệ hay không?, vấn đề có thể đúng, sai trong những hoàn cảnh khác nhau như thế nào?.v.v…)
*Bàn luận về mức độ đúng đắn, chính xác, sâu sắc của tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu:
Khi bàn luận nội dung này, cần lưu ý:
– Phân tích, chia tách tư tưởng đạo lí thành các khía cạnh để xem xét, đánh giá.
– Dùng lí lẽ, lập luận và dẫn chứng để chứng minh tính đúng đắn, đồng thời bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề tư tưởng, đạo lí được bàn luận.
– Khi bàn luận, đánh giá cần thận trọng, khách quan, có căn cứ vững chắc.
Bày tỏ quan điểm để bàn luận về mức độ đầy đủ, toàn diện của tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu:
Khi bàn luận nội dung này, cần lưu ý:
– Người viết nên tự đặt ra và trả lời các câu hỏi: Tư tưởng đạo lí ấy đã đầy đủ, toàn diện chưa? Có thể bổ sung thêm điều gì?
– Người viết cần lật đi lật lại vấn đề, xem xét từ nhiều góc độ, nhiều quan hệ để đánh giá và bổ sung cho hợp lí, chính xác.
– Người viết cần có bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, cần có suy nghĩ riêng, dám đưa ra chính kiến riêng, miễn là có lí, có tinh thần xây dựng và phù hợp đạo lí.
Rút ra bài học nhận thức và hành động trong cuộc sống: 0,5 điểm
Khi đưa ra bài học nhận thức và hành động, cần lưu ý:
– Bài học phải được rút ra từ chính tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu, phải hướng tới tuổi trẻ, phù hợp và thiết thực với tuổi trẻ, tránh chung chung, trừu tượng.
– Nên rút ra 2 bài học, một về nhận thức, một về hành động.
– Bài học cần được nêu chân thành, giản dị, tránh hô khẩu hiệu, tránh hứa suông hứa hão.
KẾT BÀI
– Đánh giá ngắn gọn, khái quát về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận.
– Phát triển, liên tưởng, mở rộng, nâng cao vấn đề.