Đề luyện tập văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lý
Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:
Bài 15: Kỹ năng làm bài nghị luận về một hiện tượng đời sống
Đề 1.
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về lời tâm sự của Helen Killer: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày”.
Hướng dẫn: Bài làm cần nêu được các ý chính sau:
Giải thích ý nghĩa của lời nhận định
– Tôi đã khóc khi không có giày để đi: Trạng thái tâm lí buồn tủi, đau khổ, xấu hổ… khi thiếu thốn về vật chất.
– Khi nhìn thấy một người không có chân để đi giày: Nhìn thấy sự khiếm khuyết, thiệt thòi của người khác. So sánh với mình chợt nhận thấy mình còn may mắn, hạnh phúc hơn họ.
– Ý nghĩa câu nói: Câu nói là lời nhắc nhở mỗi người hãy bằng lòng với hoàn cảnh, tự tin lạc quan vươn lên trong cuộc sống, đừng buồn tủi vì những thiếu thốn, khiếm khuyết của bản thân.
Bàn luận, mở rộng vấn đề
– Trong cuộc sống có rất nhiều người đã từng khóc khi gặp những thiếu thốn (về vật chất hoặc tinh thần); những chông gai, khó khăn trắc trở. Và từ đó họ buông xuôi, sống bi quan, chán nản, thiếu ý chí, nghị lực vươn lên, cuộc sống của họ trở thành vô nghĩa.
– Nhưng rất nhiều người dù hoàn cảnh đầy bi đát, đen tối nhưng họ vẫn cố gắng nỗ lực phấn đấu bằng thái độ lạc quan, bằng niềm tin vào chính mình. Bởi những người đó đã biết nhìn rộng ra xung quanh để nhận thức được rằng những thiếu thốn của mình chẳng đáng gì so với người khác (Dẫn chứng).
– Cuộc sống không phải lúc nào cũng là thảm đỏ rải đầy hoa hồng mà luôn có nhiều chông gai thử thách. Con người không thể quyết định được hoàn cảnh của mình nhưng cần có nghị lực để vượt qua hoàn cảnh đó.
Bài học nhận thức và hành động
– Lời tâm sự của Helen Killer là thông điệp muốn nhắn gửi cho mọi người: đừng bao giờ được cúi đầu tuyệt vọng trước những bất hạnh, những trắc trở, những khó khăn trong cuộc sống.
– Tương lai của mỗi người phụ thuộc vào sự nỗ lực của bản thân, cố gắng rèn luyện đạo đức và học tập, biết đồng cảm, chia sẻ hình thành chí tiến thủ, có nghị lực vượt qua những bất hạnh trong cuộc sống.
Đề 2.
Anh (chị) hãy giải thích và bình luận câu nói của Tuân Tử: Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.
Hướng dẫn: Bài làm cần nêu được các ý chính sau:
+ Giải thích câu nói của Tuân Tử.
– Người chê ta là người chỉ ra những sai sót, những điểm hạn chế của ta. Chê phải là nói đúng những điểm hạn chế của ta, không thêm bớt, không miệt thị. Là thầy ta, là người dạy ta khôn lớn trưởng thành hơn. Là người ta phải biết ơn, biết lắng nghe, biết chân trọng.
– Người khen ta là người nói lên những điểm tốt của ta, biểu dương những thành tích của ta. Khen phải là nói đúng, biểu dương đúng, không phóng đại.
Là bạn ta: là người hiểu ta, yêu quý ta và luôn ở bên cạnh ta.
– Những kẻ vuốt ve nịnh bợ ta: luôn nói những điều làm ta hài lòng, ca ngợi ta… không nói thật lòng và nói không đúng đó chính là kẻ thù của ta. Chính vì thế là kẻ không yêu quý ta, không muốn tốt cho ta, săn sàng hại ta.
+ Bình luận câu nói.
– Câu nói trên chính là một chân lí mà chúng ta phải suy ngẫm. Mỗi người đều có những điểm hạn chế, những sai sót mà bản thân không thể tự nhận thấy, nếu được chê phải, ta sẽ hiểu điểm yếu của mình và có cơ hội sửa chữa để tiến bộ hơn. Nếu ta được động viên khuyến khích, đươc khen đúng và kịp thời ta càng có thêm động cơ để phấn đấu để vươn lên trong cuộc sống. Nếu ta quen với sự nịnh bợ, ta dễ thành tự phụ, không hiểu bản thân, không cố gắng hoàn thiện bản thân… dần dần ta sẽ trở thành kém cỏi.
+ Bàn luận mở rộng vấn đề.
– Câu nói trên giúp ta có cách đánh giá nhìn nhận đúng đắn về thái độ của những người xung quanh đối với ta. Biết đâu là đúng, đâu là sai, đâu là bạn, đâu là thù, biết trân trọng những cách đánh giá đúng để giúp mình tiến bộ.
– Trong cuộc sống cũng có người thích được nịnh bợ, không thích bị chê trách. Điều này dẫn đến những cách ứng xử sai lầm, những người như vậy không có cơ hội để tiến bộ, không có bạn.
+ Bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
– Luôn nghiêm khắc với bản thân, tiếp thu ý kiến và trân trọng ý kiến của những người xung quanh với mình, luôn có ý thức học hỏi để vươn lên trong cuộc sống.
– Tránh thói xu nịnh và cần có thái độ dứt khoát, rõ ràng với những kẻ xu nịnh.
Đề 3
Thầy Nguyễn Ngọc Ký từng tâm sự: Con người ta chỉ sợ khiếm khuyết tâm hồn, đó là mầm tai họa, còn bất cứ khiếm khuyết nào trên cơ thể cũng không đáng sợ nếu ta dũng cảm đối diện và vượt qua để trở thành người không khiếm khuyết. (Theo báoVăn nghệ trẻ ngày 16-11-2008)
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời tâm sự trên.
Hướng dẫn: Bài làm cần nêu được các ý chính sau:
+ Giải thích câu nói.
– Khiếm khuyết là sự thiếu hụt, là sự không hoàn hảo, không hoàn thiện
– Khiếm khuyết trên cơ thể: là những người dị tật, tàn tật, khuyết tật… Khiếm khuyết trên cơ thể dễ nhìn thấy và có thể sửa chữa được bằng sự can thiệp của y học hoặc vượt qua bằng ý chí, nghị lực… Nó không đáng sợ.
– Những người tình cảm lệch lạc, hẹp hòi, hời hợt, tâm hồn đen tối, tù túng, yếu đuối…là người khiếm khuyết tâm hồn. Khiếm khuyết tâm hồn vô hình nên khó sửa chữa và dễ dẫn con người đến hành vi xấu xa, tàn bạo, độc ác. Nó là mầm tai họa nên thật đáng sợ.
– Câu nói đề cao vai trò của đời sống tâm hồn đối với mọi người.
+ Bình luận câu nói.
Vai trò, ý nghĩa của đời sống tâm hồn.
– Tâm hồn làm nên nét đẹp nhân văn trong mỗi con người và ý nghĩa cuộc đời. Tâm hồn cao đẹp, trong sáng, lành mạnh có tác động tích cực đến việc hình thành và khẳng định nhân cách của mỗi con người, góp phần xây dựng xã hội thân thiện, nhân ái…(nêu dẫn chứng)
– Khiếm khuyết trong tâm hồn sẽ làm đời sống tinh thần của mỗi con người trở nên nghèo nàn, lệch lạc, dễ dẫn đến sự đố kị, thói đa nghi, cố chấp, ích kỉ, vô cảm, các hành vi bất nhân và tội ác dễ dàng hình thành. Mất tâm hồn sẽ mất nhân cách (nêu dẫn chứng).
+ Bàn luận mở rộng vấn đề.
– Cần phải nuôi dưỡng, bồi dưỡng ngọn lửa tâm hồn cho con người, nhất là cho thế hệ trẻ
– Thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa dễ làm thanh niên thờ ơ, sao nhãng việc bồi dưỡng tâm hồn. Hậu quả là làm xuất hiện trong xã hội nhiều lối sống lệch lạc, nhiều tội ác, nhiều con người thiếu nhân cách…
– Bồi dưỡng tâm hồn là việc làm cần thiết đối với mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
+ Bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
– Câu nói thể hiện một quan niệm đúng đắn, tích cực, giúp con người biết cách phấn đấu để hoàn thiện nhân cách, nâng cao phẩm giá.
– Hướng tới sự phát triển hoàn thiện: khỏe mạnh về thể chất, phong phú, cao đẹp về tâm hồn là cần thiết cho mỗi người, nhất là giới trẻ…
Đề 4. Tham khảo đề thi THPT Quốc gia 2013, Khối D
Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu cội nguồn bằng trải nghiệm của chính mình, chàng trai Việt kiều Trần Hùng John có nhận xét:
” Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn”.
(John đi tìm Hùng, NXB Kim Đồng 2013, Tr 113)
Anh/ chị có đồng tình với ý kiến trên không ? Hãy trao đổi với Trần Hùng John và bày tỏ quan điểm sống của chính mình.
Hướng dẫn: Đề cần triển khai các ý sau:
- Trao đổi với Trần Hùng John
- Giải thích
– Thụ động là chịu sự chi phối, chỉ biết làm theo, nghe theo người khác mà thiếu chủ động sáng tạo.
– Ý kiến này muốn đề cập đến tính cách thụ động, được xem là tính cách của phần nhiều người Việt Nam. Trước hết là thụ động trong việc lựa chọn, dấn thân, mở lối cho cuộc sống của mình, đồng thời nêu ra một vài biểu hiện cũng như nguyên nhân dẫn tới tính cách này.
1. Trao đổi với Trần Hùng John
– Thí sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình phần nào với ý kiến của Trần Hùng John. Dù theo khuynh hướng nào thì khi trao đổi cũng phải có lý lẽ, có căn cứ xác đáng và có thái độ bàn luận nghiêm túc, thiện chí.
2. Quan điểm sống của bản thân
– Từ việc trao đổi với ý kiến của Trần Hùng John, thí sinh tự đề ra quan điểm sống cho bản thân mình, đề ra được phương hướng, hành động để thực hiện quan điểm sống ấy.
– Thí sinh được tự do bày tỏ quan điểm sống của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, cầu tiến.
Đề 5. Tham khảo đề thi THPT Quốc gia 2015
Có ý kiến cho rằng: “Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức”.
Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề trên.
Hướng dẫn: Đề cần triển khai các ý sau:
Giải thích: khái niệm kỹ năng sống, kiến thức
=>Tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết tình huống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức.
– Bàn luận:
+ Khẳng định ý kiến nêu ra là đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý.
+ Bày tỏ thái độ, suy nghĩ về ý kiến bằng những lý lẽ, dẫn chứng phù hợp, có sức thuyết phục.
– Bài học nhận thức và hành động, rút ra bài học phù hợp cho bản thân