Vai trò của cây cối
Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng
Vai trò của cây cối (hoặc của rừng, của các loài động vật hoang dã, của nhiên liệu sạch…) trong việc bảo vệ môi trường sống.
Bài làm:
Trong cuộc sống của mình, con người đã không ngừng đấu tranh với thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên. Nhưng mặt khác, con người phải luôn luôn nhớ rằng: Thiên nhiên là người bạn tốt của con người. Trong đó, rừng giữ vai trò quan trọng nhất giữa thiên nhiên.
Trước hết, chúng ta cần hiểu thiên nhiên là gì?
Nói một cách khái quát, thiên nhiên là tất cả những gì ở bên ngoài con người, xung quanh con người, không do bàn tay của con người làm nên. Nói một cách cụ thể, thiên nhiên là bầu trời, là rừng, là biển, là sông, là suối, là cây cỏ, chim muông… Tất cả những thứ đó luôn luôn ở bên cạnh con người, bảo vệ con người, giúp ích con người.
Từ xưa đến nay, thiên nhiên là nguồn sống vô tận của con người. Cơm gạo, thịt cá, nhà để ở, áo để mặc, nước để uống, khí trời để thở, đều do thiên nhiên cung cấp; con người càng tự mình tạo nên nhiều sản phẩm, lại càng cần có sự giúp đỡ của nhiên nhiên, lại càng thấy lợi ích của thiên nhiên. Mặt trời ngày xưa chỉ sưởi ấm và chiếu sáng thì nay lại trở thành một nguồn năng lượng quan trọng trong sản xuất và đời sống. Một ngọn thác, một con suối, một dòng sông giờ đây không chỉ là một bức tranh phong cảnh, một con đường giao lưu, một nguồn nước, một nguồn thuỷ sản mà còn là những nguồn cung cấp điện năng khổng lồ. Một rừng cây không chỉ là một nguồn lâm sản dồi dào với những cây gỗ quý, những cây thuốc chữa bệnh, mà còn là nguồn điều hoà lũ lụt, là lá phổi khổng lồ cho con người được hít thở không khí trong lành…
Thiên nhiên là nguồn sáng tạo của thơ ca nghệ thuật, nguồn nghiên cứu phát minh của khoa học kĩ thuật. Chính vẻ đẹp của thiên nhiên, của núi sông hùng vĩ, của hoa lá chim muông gây nên ở con người khát vọng nghĩ suy về cái đẹp và sáng tạo nên cái đẹp cho mình. Cái đẹp của một cảnh mặt trời mọc, một áng mây chiều, một đêm trăng sáng… làm xao xuyến bao nghệ sĩ tạo nên thơ, ca, nhạc, hoạ. Nhà khoa học từ thiên nhiên mà rút ra những quy luật của sự sống để từ đó mà sáng tạo nên những công trình phục vụ cho cuộc sống con người. Sự kì diệu trong cấu tạo của một ngọn lá, một chiếc rễ cây, trong dáng một cánh chim bay, một con cá lặn, trong hướng bay của một đàn chim đang di trú… cũng gợi lên bao suy nghĩ, tìm tòi cho bao nhiêu thế hệ nhà khoa học.
Thiên nhiên có ích là thế, tốt lành với con người là thế. Cho nên từ xưa con người đã yêu mến và bảo vệ thiên nhiên như người bạn quý.
Văn chương nghệ thuật đã coi thiên nhiên là người bạn không thể thiếu được của con người. Không thể đếm hết những bài thơ, bức hoạ ca ngợi vẻ đẹp muôn màu của thiên nhiên. Nhà hoạ sĩ phong cảnh nổi tiếng Lêvitan được hàng triệu người hâm mộ vì bức tranh Mùa thu vàng tuyệt diệu và những bức tranh về thiên nhiên nước Nga dịu dàng, trong sáng, tĩnh lặng.
Nguyễn Du làm say mê bao thế hệ vì những cảnh sắc thiên nhiên trong thơ:
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
Thiên nhiên trong thơ Bác Hồ thực sự là con người, là người bạn đồng tâm, đồng chí, từ ánh trăng sau cửa sổ phòng giam hay nơi núi rừng Việt Bắc đến bóng cây cổ thụ, nhành hoa, tiếng suối giữa rừng đêm:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Ngày nay, nền công nghiệp càng phát triển, con người càng sống nhiều trong các đô thị thì con người càng thấy thiên nhiên cần thiết và gần gũi. Một chậu hoa ngoài hiên, mấy giỏ lan trước thềm, đôi khi chỉ có một nhánh trầu bà leo tường cũng giúp cho người thành phố đỡ thiếu vắng thiên nhiên. Đối với một người dân thành thị được đến Thảo cầm viên trong ngày nghỉ việc, được đứng dưới những tán cây cổ thụ, ngắm một chú voi, chú khỉ, chú gấu, nghe tiếng hót của chim hoạ mi, thưởng thức sắc lông của chim sơn tước… là một niềm vui. Các thành phố càng mở rộng quy mô thì không gian dành cho những công viên càng phải lớn. Không có các thứ đó, con người thành phố không những sẽ trở nên khô cằn về tình cảm mà còn có nguy cơ thiếu cả không khí để thở nữa. Ở các nước công nghiệp phát triển, nhu cầu du lịch để được trở về với thiên nhiên rộng lớn và trong lành ngày càng là một nhu cầu bức bách.
Tuy nhiên, con người, do vô tình hay cố ý, đã có những hành động tàn phá thiên nhiên rất nặng nề. Người ta đã làm biến mất những khu rừng bạt ngàn, làm tuyệt diệt nhiều giống chim và thú quý. Những nhà máy đã gây ô nhiễm không khí, những dòng sông, những bờ biển. Chính con người đã phải gánh chịu hậu quả hết sức tai hại cho những hành động thô bạo đó. Nhân loại tỉnh táo đã từng lên tiếng nhắc nhở hành động bảo vệ thiên nhiên. Đã có những đạo luật nghiêm cấm việc săn bắt nhiều giống chim và thú quý. Nhiều quốc gia đã bảo vệ được những khu rừng nguyên sinh. Việc trồng rừng được đặt ra ở nhiều nơi với việc khai thác rừng một cách đúng mức. Con người đã có rất nhiều cố gắng nhằm ngăn chặn sự ô nhiễm môi trường tự nhiên. Những công việc đã làm được tuy rất to lớn nhưng chưa đủ trước tốc độ thiên nhiên bị phá hủy hiện nay. Thiên nhiên còn đòi hỏi được bảo vệ mạnh mẽ và có hiệu quả hơn nữa.
Thử tưởng tượng nếu có một buổi mai, tỉnh dậy, ta bỗng thấy thiên nhiên đã hoàn toàn biến khỏi cuộc sống, đâu đâu cũng chỉ có nhà cửa, chỉ có máy móc, ống khói… thì thật là khủng khiếp. Lúc ấy, Trái Đất sẽ là mặt trăng lạnh lẽo, dẫu vẫn được Mặt Trời chiếu sáng, nhưng không còn đâu bóng dáng của sự sống nữa.
Con người, hãy yêu mến và bảo vệ thiên nhiên bởi vì đó là người bạn tốt của con người.