Tình yêu đôi lứa trong thơ 1945 -1975 ( tiếp theo)

Tình yêu đôi lứa trong thơ 1945 -1975 ( tiếp theo)

Xem lại Phần 1 –  (Tiếp theo) Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt,  miền Nam trở thành tiền tuyến lớn, miền Bắc trở thành hậu phương lớn, cả nước một lòng chiến đấu vì hoà bình thống nhất, tình yêu đôi lứa trong thơ vẫn không ngừng “sinh sôi” và có phần “chín muồi”, “mạnh dạn” hơn trước rất nhiều.

Mời các em học sinh tham khảo thêm bài:

Soạn bài: Tự Tình lớp 11

Tình yêu đôi lứa trong thơ 1945 -1975 ( tiếp theo)

Tình yêu đôi lứa trong thơ 1945 -1975 ( tiếp theo)

Các nhà thơ, nhất là các nhà thơ trẻ vẫn không tách mình khỏi bầu không khí thời cuộc, nhưng họ đã dám để cho cái tôi tình yêu vẫy vùng thoả thích trong thơ. Bên cạnh những bài thơ cổ vũ đấu tranh, vẫn có những vần thơ tình đi sâu vào tim óc người đọc với một khát khao mãnh liệt vô bờ. Cũng là nỗi nhớ của những trái tim đầy yêu thương mà nhà thơ nữ Xuân Quỳnh gửi gắm:

Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Đất nước đang bị cắt chia, vĩ tuyến mười bảy ngày và đêm đau đáu nỗi nhớ thương, nhưng dẫu Bắc hay Nam thì trái tim vẫn hướng về nhau thật trọn vẹn một tình yêu chúng thuỷ. Xuân Quỳnh viết cho chị hay còn viết cho những đôi lứa yêu nhau trong những ngày chia cách mà tâm trạng đến thế:

Dẫu xuỗi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh-một phương

Tình yêu không chỉ giản đơn là nỗi nhớ mà còn là sự trăn trở, là khát vọng hoà hợp đến vô biên, tuyệt đích đến vĩnh hằng:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
(Sóng-Xuân Quỳnh)

Tình yêu lứa đôi sống trong không gian bao la của biển lớn và thời gian bất tận của muôn đời. Người ta yêu nhau, và bên cạnh nghĩa vụ công dân, người ta còn đòi hỏi một tình yêu tuyệt đối cho riêng mình:

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
….
Đã hôn rồi hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt
(Biển-Xuân Diệu)

Trong thời đại của Thơ Mới, Xuân Diệu đã là ông hoàng tình yêu, thời kháng chiến ông cũng là một cây bút máu lửa của cách mạng, và bây giờ thơ tình yêu của ông vẫn nồng nhiệt và chân thành như thế đó, như trái tim người đang yêu không chút đắn đo e dè, mà tại sao người ta phải e dè khi tình yêu đôi lứa là một tình cảm đẹp đến thế.

Tình yêu trong thơ giai đoạn chống Mỹ có đủ cả mọi cung bậc sắc, thái tình cảm đa dạng của trái tim con người. Có nồng nhiệt khát kháo và cũng có e ấp ngại ngùng:

Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Họ ngồi im không biết nói chi
…Họ chia tay
Vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.
(Hương thầm – Phan Thị Thanh Nhàn)

Chàng trai và cô gái với khung cửa sổ không bao giờ khép, với hương bưởi ngọt ngào và sự yên lặng đầy ý vị trong buổi tiễn đưa. Họ yêu nhau dù chưa một lời thổ lộ, và mai này dù họ cách xa thì hương hoa bưởi đêm chia tay vẫn theo họ không rời.

Tình yêu e ấp, không lời đành gác lại để chàng trai ra trận, nơi khung cửa sổ không khép kia chắc cô gái vẫn dõi theo người đi vì đất nước. Họ trẻ quá, họ chưa dám nói lời yêu nhau nhưng dám cầm súng lên đường giết giặc. Hương bưởi nói hộ tình yêu son trẻ ấy và là lời thể son sắt, niềm tin cho buổi trùng phùng.

Thời chống Mỹ, người ta dám “yêu nhau” trong thơ và cũng dám gác lại tình yêu ấy vì nghĩa vụ đỗi với Tổ quốc. Tình yêu đôi lứa của hai trái tim nhưng không mang màu sắc vị kỉ cá nhân mà thăng hoa rực rỡ vô cùng:

Cả vườn hoa ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”
(Cuộc chia ly màu đỏ-Nguyễn Mỹ)

Không chỉ những người đang yêu nhau mà ngay cả những đôi vợ chồng son trẻ cũng “dũng cảm” rời xa nhau để đi theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt. Tình yêu đôi lứa bấy giờ không đứng bên cạnh tình yêu đất nước nữa mà đã hoà quyện vào tình yêu đất nước vĩ đại. Tất cả vì miền Nam thân yêu, tất cả vì Tổ quốc thống nhất, những trái tim tha thiết yêu thương ấy dằn lòng để cất bước ra đi với lý tưởng rạng ngời.

Cách chia là huy hoàng sắc đỏ như thế, và khi gặp lại cũng lấp lánh lạ lùng:

Em đẹp lắm như mùa xuân bừng dậy
Súng trên vai em cũng đẹp như em
Em ơi! Sao tóc em thơm vậy
Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng
Ta yêu giọng cười em trong trẻo
Ngọt ngào như nước dừa xiêm
Yêu dáng em đi qua cầu tre lắc lẻo
Dịu dàng như những nàng tiên
Em là du kích, em là giao liên
Em chính là quê hương ta đó
Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương
(Trở về quê nội-Lê Anh Xuân)

Người con trai sau bao năm đi xa nay trở về không khỏi ngẩn ngơ vì vẻ đẹp của quê hương và cả vì người em hàng xóm năm cũ. “Em” đẹp không chỉ là vẻ đẹp hình thể, mà “em” còn đẹp vì lý tưởng chiến đấu và vì tình yêu quê của “em”. “Anh” yêu “em” vì em là một phần của quê hương và vì “anh” và “em” là đồng chí. Tình yêu mộc mạc, dịu dàng mà rất đối nên thơ.

Đến giai đoạn này, người ta đã mạnh dạn bộc bạch tâm sự tình yêu của mình trong thơ. Đó là những câu chuyện tình có mở đầu, có kết thúc, có những kỉ niệm và dạt dào cảm xúc yêu thương.

Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn, ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng

Giữa chặn đường hành quân gặp nhau chỉ kịp quay đầu nhìn lại mà vẫn thấy ấm mãi dù mưa đầy trời. Không phải vì người ta không nhớ thương nhau mà vì trên vai mỗi người còn mang nặng một trọng trách trong cuộc trường chinh của dân tộc.

Để rồi tình yêu đối lứa ấy hoà trộn trong tình yêu đất Mẹ muôn đời:

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi
(Quê hương-Giang Nam)

Dù phải vĩnh viễn cách xa nhau nhưng trái tim yêu không hề bi luỵ, người ta lại càng thêm yêu và càng cầm chắc tay súng hơn trước quân thù.

Tình yêu trong thơ thời chống Mỹ còn là những mối tình nơi “đầu sóng ngọn gió”, nơi đầy khắc nghiệt của núi rừng và đầy bom rơi đạn lạc:

Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn
(Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây-Phạm Tiến Duật)

Dù ở trong ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, tình yêu đôi lứa vẫn như một sợi chỉ xanh óng ánh kết nối trái tim con người. Bom đạn không làm người ta sợ hãi, gian khổ không làm người ta lùi bước, với tình yêu nóng hổi trong tim con người gửi tới nhau niềm tin chiến đấu để chiến thắng quân thù bằng tinh thần thời đại “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Tình yêu lứa đôi trong thơ giai đoạn 1945-1975 không huyễn hoặc đưa ru mà luôn thức tỉnh con người hướng tới chân trời tươi đẹp. Trong thời đại kinh tế thị trường ngày nay, khi mà có những người đặt tình yêu lên bàn cân mà cân đo đong đếm, thì mỗi khi đọc lại những vần thơ tình của một thời đã qua tôi lại thấy thêm yêu quý và tin tưởng vào tình yêu hơn bao giờ hết. Dường như những vần thơ ấy đã khiến người ta khao khát một tình yêu chân chính cho đời mình, khiến người ta muốn sống xứng đáng hơn vơi tình yêu đang có. Niềm tin và hoa hồng, nước mắt và nỗi đau sẽ giúp con người vững chãi hơn trong phong ba bão táp, đúng như một nhà thơ đã khẳng định:

Và yêu, tôi đã biết làm người”.

Tình yêu đôi lứa sẽ mãi là một đề tài bất tận của thi ca…

Thảo luận cho bài: Tình yêu đôi lứa trong thơ 1945 -1975 ( tiếp theo)