Tiếng gọi của trò chơi
Mời các em học sinh tham khảo thêm :
Cảm nhận về vẻ đẹp hình tượng nhân vật Xi – ta trong đoạn trích Ra-ma buộc tội
Đề: Phân tích một trong các tiểu thuyết văn học Việt Nam hiện đại để chứng minh ý kiến của Milan Kundera: Một trong những tiếng gọi hấp dẫn của tiểu thuyết hiện đại là tiếng gọi của trò chơi.
Bài làm:
Bàn về tiểu thuyết hiện đại, Milan Kundera đã đưa ra một ý kiến khá xác đáng: Một trong những tiếng gọi hấp dẫn của tiểu
thuyết hiện đại là tiếng gọi của trò chơi. Hầu hết các tác phẩm thời kỳ này đều ít nhiều mang tính trò chơi, nhưng được biểu hiện rõ nét nhất là ở các tiểu thuyết theo phong cách hậu hiện đại, mà tiêu biểu phải kể đến là Thiên sứ của Phạm Thị Hoài với quan niệm phi truyền thống về văn chương: Văn chương như một lối ứng xử với cuộc đời thông qua hình thức trò chơi.
Đọc Thiên sứ, không khó để nhận ra được tiếng gọi của trò chơi –một thứ sức mạnh bản thể tạo nên sức “hấp dẫn” cho tác phẩm, biến người đọc thành một người chơi ngang hàng với tác giả và cả với nhân vật tiểu thuyết, tạo nên tính dân chủ vốn là một đặc trưng của văn học hiện đại, kích thích sự hoài nghi và tính sáng tạo của độc giả.
Trò chơi luôn có tính lưỡng diện, vừa nghiêm túc vừa phi nghiêm túc, chính điều đó giúp văn học phản ánh sinh động hơn tính đa chiều của đời sống. Trò chơi trong Thiên sứ cũng vậy, Phạm Thị Hoài cho rằng: “Cuộc đời là nghiêm túc nhưng cũng là một trò chơi, cuộc thể nghiệm của những “cái tôi” nhỏ bé”.
Trước hết, ta nhận diện tính phi nghiêm túc của tác phẩm qua việc phân tích tính trò chơi. Tính trò chơi trong văn học hiện đại khá đa dạng: Trò chơi nhân vật, trò chơi cấu trúc, trò chơi thể loại… Thiên sứ đại diện cho trò chơi nhân vật, ở đó mỗi nhân vật lại đeo đuổi một cuộc chơi riêng, nhưng cơ bản có thể tách nhân vật chơi thành hai phe đối lập: Một bên là phe của Trẻ con, của Thiên sứ pha lê, một bên là phe của Người lớn– những cỗ máy xơ cứng vì “mái lở, chân ghế long”, vì “uy tín và danh dự”.
Trò chơi của phe Trẻ con- Thiên sứ là một cuộc chơi đơn độc, khước từ đám đông và lối sống phủ thảm của người lớn. Cô bé Hoài- Ốc nhỏ chơi trò quan tòa bên cửa sổ của căn phòng với 400 ô vuông nâu, ở đó nhân loại được chia làm hai loại: Homo-A và Homo-Z. Trò ủ giấc ngủ bào thai vĩnh hằng để mãi không thành người lớn, khiến ta liên tưởng đến chú bé trong Cái trống thiếc (Gunter Grass), nhưng nếu cậu chủ ý ngã vào cái trống để luôn là đứa trẻ lên 7 thì trò chơi của bé Hoài không hề có sự tính toán trước mà nó chỉ là một phản ứng, một sự nổi loạn để tự vệ, chấp nhận sự cô đơn để giữ cái tôi đầy khao khát cháy bỏng nhưng cũng đầy tự chủ. Bé Hon được gọi bằng cái tên đúng nghĩa: Thiên sứ pha lê, trò chơi của bé là ban phát nụ cười và những cái hôn ngọt ngào mùi sữa công bằng với tất cả mọi người. Trò chơi đó lúc đầu được phe Người lớn- những cỗ máy đón nhận để trở về với “gương mặt nhân chi sơ”, nhưng sau những cỗ máy đó bị “tuột xích”, “rệu rạo”, chỉ toàn “rủa” và “gắt”, cuộc đụng độ tất yếu xảy ra và Thiên sứ pha lê buộc phải từ bỏ cuộc chơi với giấc ngủ “không bao giờ dậy nữa”.
Trò chơi của phe Người lớn- những cỗ máy đơn điệu và rò rỉ với những trò chơi mang tính chất phưu lưu, thậm chí vô nghĩa lý: Đó là trò lựa chọn tình yêu của chị Hằng bằng sự ngẫu nhiên, may rủi: bói tên, trốn tìm, cuối cùng đặt số phận mình vào trò giải đố. Đó là trò Trí uẩn của chồng Hằng- anh cán bộ ngoại giao với sở thích sưu tập giấy toilette, thảm, khăn trải bàn, nghệ thuật pha cà phê, kỷ lục “tiêu thụ” âu phục và giầy da. Đó là trò chơi nhốt chặt sách “sau lần bìa cứng”- cũng là nhốt chặt tư tưởng của bố. Đó là trò đỏ đen đầy may rủi của Hoàng và Hạc, là cuộc tình dưới cửa sổ phù phiếm của Hùng và cô vũ nữ ngoại quốc. Đó là cuộc chơi với những con chữ của nhà thơ mang cái tên bí ẩn Ph… Những nhân vật này không hề có thế giới nội tâm và cá tính, họ hiện lên như những cỗ máy cứng nhắc trong hệ thống trò chơi tẻ nhạt do họ lựa chọn. Họ thuộc số đông và trò chơi của họ đã vô tình dẫm nát những “khát khao âu yếm” của phe Trẻ con- Thiên sứ và để lại “những vết thương không bao giờ lành”.
Tính trò chơi không chỉ thể hiện qua những nhân vật trong cuộc chơi của họ mà còn lộ diện qua những chi tiết hoang đương, kỳ lạ, khiến người đọc không thể không nghi ngờ: có hay không một cuộc gặp gỡ giữa Hằng và Ph.làm tắc nghẽn giao thông thành phố 3 giờ đồng hồ, rồi con số 299 người cầu hôn với những thử thách như trong cổ tích, sự ra đời của bé Hon có nét như chuyện Nàng công chúa ngủ trong rừng (12 nữ hộ sinh đỡ),chi tiết bốc mộ bé Hon chỉ toàn nước thơm tho…Với những chi tiết có phần phi thực đó, Phạm Thị Hoài đã tạo cho người đọc một sự hoài nghi đến độ hoang mang, nhưng cũng kích thích họ tìm tòi sáng tạo và tìm ra ý nghĩa của tác phẩm.
Lựa chọn cách trình bày tiểu thuyết Thiên sứ như một trò chơi, nhà văn đã tạo nên cái tôi rất cá tính, ghi dấu ấn tâm lý, tính cách và cả trình độ văn hóa của mình vào trong đó. Nhân vật bé Hoài- ốc nhỏ có khi nào lại chính là Phạm thị Hoài không? Chỉ riêng cái tên thôi cũng đủ để người đọc hoài nghi và tìm kiếm, nhưng chúng ta nên biết một điều, Phạm Thị Hoài là một tác giả ý thức rất rõ vị trí của mình trong sáng tác, cô đã từng phát biểu: “Tôi không giấu mình trong tác phẩm” và “truyện tôi kể là có tôi một trăm phần trăm”. Áp dụng lý thuyết trò chơi vào tiểu thuyết, Phạm Thị Hoài cũng như hầu hết các tác giả Văn học Việt Nam hiện đại đã tạo cho người đọc những tò mò, thích thú mong muốn khám phá và chinh phục, làm tăng thêm sức hấp dẫn cho tác phẩm.