Thúy Kiều, nỗi ám ảnh bất hạnh
Mời các em học sinh tham khảo thêm tài liệu:
Bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều
Nhắc đến Kiều, tôi thường nghĩ ngợi, suy tư về thân phận người đàn bà Việt Nam. Có lẽ vì tôi cũng là đàn bà Việt Nam chăng?
“Ðau đớn thay, phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Phũ phàng chi bấy hóa công
Ngày xuân mòn mỏi, má hồng phôi pha.”
Trong khi đọc lại những câu thơ này, tôi thắc mắc, không biết Nguyễn Du có nghĩ tới mẹ ông (cha ông có tám vợ) hoặc ba người vợ của ông không? Họ là những người đàn bà chia sẻ cuộc đời cùng ông, nhưng có số phận chồng chung. Hay ông chỉ nghĩ đến ả đào đàn hay trong quán rượu, hai mươi năm sau gặp lại, thân tàn ma dại, làm ông đứt ruột xót thương. Cô Cầm ở Thăng Long. Cô Nguyệt ở Triều Khẩu. Cô gái hầu ở nhà người em. Cô lái đò tình cờ gặp. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Hay Vương Thúy Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân ở xứ Trung Hoa?
Bởi dầu gì ông cũng biết rất rõ:
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi.”
Nghĩ ngợi, thắc mắc, ưu tư một chút thế thôi, chứ vào thời đó, đàn ông “năm thê bảy thiếp” là chuyện thường tình. Ông cố nội tôi có đến bốn bà vợ.
Dưới ảnh hưởng của văn chương Trung Hoa, nước ta sản xuất ra được nàng Kiều. Rồi Kiều truyền qua nhiều đời, qua bao thế hệ, bằng nhiều cách thức khác nhau. Từ lẩy Kiều, ngâm Kiều, dạy Kiều, giảng Kiều, phim Kiều, dịch Kiều, và cả bói Kiều.
Nàng Kiều ngày trước của Nguyễn Du, tài sắc vẹn toàn. Ðã đẹp lại còn đàn hay, bởi thế mà bạc mệnh. Nàng Kiều ngày nay kém may mắn hơn, không tài hoa, không hương sắc mà cũng bạc mệnh. Chinh phụ ngày trước cũng thế, chờ chồng trong tiếng khóc than, oán trách, nhớ thương. Cố giữ lòng trung trinh tiết nghĩa thờ chồng, mà hóa thành đá. Chinh phụ ngày nay, sáng sớm mắt chưa kịp mở đã sắn cao tay áo, nhảy ra lăn xả một hai với đời để nuôi con, thậm chí nuôi luôn cả chồng.
Nhắc tới Việt Nam, là không quên nhắc tới Kiều. Người ta cho Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, và truyện Kiều là kiệt tác bất hủ bằng chữ quốc âm. Một công trình vĩ đại, đến nay vẫn chưa có tác phẩm nào so sánh huống chi là thay thế. Là người Việt Nam, ai cũng phải biết đến Kiều, như một công ước, một điều bắt buộc. Truyện Kiều được xem như là thông điệp gửi gắm cho con cháu đời sau phải tìm đọc, học, và biết để mà hãnh diện. Truyện Kiều là cuốn kinh, thánh thư, phúc âm. Là quốc hoa, quốc túy, quốc hồn của dân tộc Việt.
Nhà báo Phạm Quỳnh ngày trước đã từng tuyên bố, chỉ cần một Truyện Kiều, ta đã hơn Tàu lẫn Tây! Kiều còn được xem là bản cáo trạng cuộc đời, như cuốn sách giáo huấn dạy cách làm người, như bản ngợi ca tình yêu, gầy dựng niềm tin, bắc cầu thông cảm. Thậm chí, được dùng như một phương tiện dự báo, linh nghiệm để đoán giải về tương lai số mệnh con người.
“Từ án sách đến bờ tre, xưởng máy
Ra chiến trường vẫn còn thấy Kiều ngâm.”
Vì cha nợ nần, Kiều phải tự bán mình để chuộc. Từ đó, cuộc đời ba chìm bẩy nổi, qua tay đủ hạng đàn ông. Bị thiên hạ lừa không biết bao nhiêu bận vẫn chưa học khôn. Cuối cùng, còn khuyên “bậy” chồng, làm chồng phải chết oan như bị trời trồng. Cuộc đời Kiều, từ đau khổ này tiếp nối đau khổ khác chỉ vì đạo làm con, giữ tròn chữ hiếu, bởi thế, hình ảnh Kiều luôn được ca ngợi, truyền tụng, trở thành một thứ role model, là tấm gương cho nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam soi. Ðể rồi, thời bà ngoại, bà nội nước ta có L’Indochine, mối tình chàng sĩ quan Pháp với cô gái Việt mồ côi nhưng xinh xắn, đẹp đẻ. Mối tình lãng mạn, lồng trong khung cảnh vịnh Hạ Long miền Bắc, trong giai đoạn lịch sử của những năm 30, khi đất nước đang còn bị thực dân Pháp đô hộ.
Qua thời Mỹ, tức thời của mẹ, dì, thím, bác, cô nước ta lại có Heaven and Earth. Nàng Kiều lọ lem Lê Thị Lý xuất thân từ làng Kỳ Là, miền Trung đất cày lên sỏi đá. Nàng như quả banh, ban đêm nằm trong vòng tay ôm của những chàng lính quốc gia. Ðêm về, lại nằm dưới xác của những chú bộ đội. Cuối cùng, được anh lính Mỹ mặt còn búng ra sửa, đến từ đế quốc tư bản đóng vai Từ Hải, ra tay nghĩa hiệp giải thoát, cứu độ.
Mùa hè 1995, tôi về lại Việt Nam. Ði dọc từ Bắc vô Nam, vòng ra Trung. Loáng thoáng trong những tiệm ăn trải khăn bàn trắng, trong khách sạn ba sao, trên vỉa hè trời chiều thoảng gió mát rượi, hay trong hộp đêm xông tỏa mùi mồ hôi, rượu mạnh, khói thuốc. Những nàng Kiều mặt trẻ măng, non choẹt, cửa mình bắt đầu có kinh, lông đang mọc, vú vừa nhú nhưng đã biết rõ, hiểu rõ, chữ trinh đáng giá ngàn vàng. Các nàng tự đi tìm khách bán trinh. Biết vá đi vá lai màng mỏng tựa sương mù vài ba bận, không cần qua tay Tú Bà như Kiều của cụ Tố Như ngày trước.
Các nàng làm Kiều cho những tay thương gia đến từ Ðài Loan, Singapore, Ðại Hàn… chuyên trị mua trinh để lấy hên làm ăn buôn bán. Cô bé làm nghề móng tay dạo trong khu Bàn Cờ tôi gặp trong những ngày đầu về lại Việt Nam. Những móng tay, móng chân của tôi được cô cắt dũa sơn phết cẩn thận, chỉ là cái cớ để cô tâm sự, và tôi thỏa tính tò mò, thích nghe chuyện. Cô kể cách đây hai năm, ở tuổi mười bẩy cô đã bị chính mẹ cô móc nối bán trinh cho một thương gia Ðài Loan với giá ba trăm dollars. Nhờ số “vốn” đó, mẹ cô đã tậu được chiếc xe bán bánh mì kê ngoài ngõ. C
ô bé kể với giọng lúc nhanh lúc chậm, lúc lên lúc xuống, lúc rõ lúc không, tôi có cảm tưởng như câu chuyện đã xẩy ra cho cô ở tiền kiếp. Chuyện đổi chác xẩy ra trong khách sạn đầu ngõ, ở tầng hai. Tiếng “ái” và hàm răng cắn mạnh vào bả vai “hắn” sau gần nửa tiếng cố đâm thủng vào bên trong cô. “Em sợ quá nên hai đùi cứ dính chặt mà ông khách thì biểu banh rộng ra.” Tôi ngồi lắng nghe, nhìn đôi mắt nhỏ màu nâu nhạt, gò má cao, trán đầy mụn lấm tấm, hàm răng màu đá vàng, vai mỏng rút lên như vai đứa bé mười hai tuổi.
Sau biến cố đó, cô oán thù mẹ nên bỏ nhà đi xuống Rạch Giá ở chung bà dì họ một thời gian. Cô sợ hãi tất cả đàn ông, con trai đến gần. Rồi cô vén áo lên chỉ cho tôi xem vết sẹo chạy dài từ nách xuống hông, phía bên trái, “Một hôm em phụ bà dì đi buôn hàng, đường xa, xe đò đang chạy bị hỏng máy, thay vì phải đợi cho máy nguội rồi mới mở ống nước, anh lơ xe mới vào nghề không biết, mở ra coi liền, nước nóng sôi phụt tràn vào người em, lúc đó em đang còn ngồi trong xe. Em phải nằm nhà thương một tuần. Bôi bao nhiêu thuốc mới đỡ được như vầy…” Tôi nhìn, vết sẹo đặc quánh như dòng đất sét xệt, bám chặt trên mảng da trắng xanh. Tôi đưa tay rờ, hỏi nhỏ, “Chắc em phải giỏi chịu đau lắm?” “Dạ, hồi mới bị đau ghê lắm!” Rồi cô kéo áo xuống.
Mấy tháng sau vụ phỏng, cô về lại với mẹ. Hiện nay cô làm nghề móng tay dạo trong xóm. Họ trả cô với giá rẻ nhất thành phố. Cô còn kể thêm ba cô có tật nghiện rượu, mỗi khi lên cơn say là cả bầy con khôn hồn phải chạy đi nơi khác, chứ đứng đó, sẵn trong tay có gì là ông liệng vào người cái đó. Mẹ cô có máu mê số đề, mấy lần cháy túi phải cầm quầy xe bánh mì, rồi được chị họ bên Canada gửi tiền về giúp chuộc lại.
Chuyện cô bán trinh, cả xóm ai cũng biết, vì mỗi lần ba cô về, lên cơn say, má cô đuổi ra khỏi nhà, là ba cô đứng đầu ngõ chửi đổng lên, kể hết ngọn ngành cho cả xóm nghe. “Chắc em không lấy chồng… mà chắc chẳng ai cưới em… thôi em ở vầy với má phụ coi mấy đứa em.” Cô nói, giọng nhỏ dần ở những chữ cuối. Khuôn mặt cố đậy che cảm xúc. Sự chịu đựng lâu ngay đã trở thành thói quen.
Việt Nam ngày nay chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhanh và không ngờ. Mảnh đất hope for the best, expect the worst. Tôi móc túi đưa cô xấp tiền không đếm, cô chụp đút nhanh vào áo lót, nhanh như chớp, nhanh như người tráo đổi mấy con bài. Suốt đêm đó, tôi nằm chập chờn với mọi thứ âm thanh diễn ra trong xóm lao động. Tiếng tụng kinh gõ mõ, tiếng rao hàng, tiếng dép, guốc kéo lê trên ngõ hẹp, tiếng chó tru, tiếng chửi thề, tiếng mèo rên rỉ trên mái nhà, tiếng trẻ con khóc, tiếng máy xe nổ như muốn xé toạc trời…
Rồi trời đổ mưa. Mưa đổ hột như đá ném, ầm ầm, rầm rầm. Người tôi vã mồ hôi như tắm, nhầy nhụa dưới gáy, dưới nách, ở háng, ở mỗi chân tóc. Mơ hay thực? Sao tôi lại nằm trong căn phòng xa lạ này? trên sàn xi măng. Người tôi rêm mỏi và đau nhức. Xi măng là đá tảng. Tôi nằm trên đá mà tưởng tảng đá nằm chồng lên tôi. Cô bé hàng xóm làm móng tay dạo chui tọt vào người tôi nằm trong những giấc mơ ngắn, hiện ra liên hồi, đứt quãng, suốt cả đêm. Mỗi lần tảng đá đè, lại hiện lên khuôn mặt người đàn ông trong đời chưa từng gặp.
Tảng đá trắng hếu, hùng hục, cửa mình không đau mà tim tôi nhói, như lưỡi dao cùn cố thọc sâu, khuấy mạnh. Tôi muốn hét mà không được. Trời tối, gió thổi mạnh, tiếng mưa đập, tiếng sét lẫn sấm chớp. Trong tận cùng tuyệt vọng, đầu tôi bỗng hiện ra một buổi sáng đầu đông ở thành phố Garmisk, miền Nam nước Ðức. Chín giờ sáng thức dậy, mở cửa, thấy tuyết ngập xóa trời đất. Tuyết đổ suốt đêm mà tôi nào hay? Trong khi nơi chốn này, quê hương tôi, cũng là nước từ trời đổ xuống nhưng sao xối xả như thác? Mảnh đất trời cố tình hành!
Nàng Kiều thời hậu chiến Cyclo của đạo diễn Trần Anh Hùng. Mất chiếc cyclo đồng nghĩa mất luôn sự ngây thơ và nhậy cảm của người con gái mới lớn. Thời kinh tế thị trường mở cửa. Thời tranh tối tranh sáng, người lạc quan cho là bình minh, người bi quan cho là chiều tà. Bao nhiêu năm khốn khổ nay mở bừng mắt nhìn ra thế giới bên ngoài, mở mắt học văn minh xứ người, bằng cách mở bar ruợu, beer ôm, cà phê karaoke không đèn, hotel mọc lên như nấm sau cơn mưa.
Thời mà làm bất cứ gì cũng phải xin phép nhà nước, ngoại trừ thi hoa hậu. Lại còn được ưu tiên, khuyến khích là bảo tồn văn hóa. Thời thân xác người đàn bà Việt Nam lại được đem ra khai thác một cách triệt để. Hãy lắng nghe những nàng Kiều thuộc lứa con, cháu chúng ta tâm sự với đầy dẫy lý do vì sao phải nối gót nàng Kiều của cụ Nguyễn Du: “Bà nội, bà ngoại cháu già yếu. Ông nội cháu đã hi sinh vì chống Mỹ cứu nước. Ông ngoại cháu chết trong trại cải tạo. Bố cháu nghiện rượu. Mẹ cháu bệnh nặng. Anh chị cháu vượt biên mất tích. Ðàn em cháu còn nhỏ dại…” Nghe sao không rách lòng nát dạ.
Càng hiện đại bao nhiêu, Kiều càng rẻ rúng bấy nhiêu. Càng “hiểu” Kiều bao nhiêu, càng chua chát bấy nhiêu.
Tại sao mỗi lần nhắc, nói, nghĩ, đề cập tới đàn bà con gái Việt Nam là đưa ngay hình ảnh Kiều ra làm tiêu chuẩn, như một định đề bất di bất dịch. Phải chăng oan hồn Kiều vẫn còn vây khốn thân phận phụ nữ Việt Nam?
Tôi quen chị bạn người Mỹ, chuyên nghiên cứu đề tài văn hóa Việt Nam. Chị hiểu ngôn ngữ Việt khá rành nên đi tới đâu cũng thường “bị” người Việt mình chận hỏi. Lúc dõng dạc, lúc từ tốn, lúc ngại ngần, “Tiếng Việt chị rất giỏi, vậy chắc đã đọc Truyện Kiều rồi chứ?” Giai đoạn đầu, chị bạn yêu tiếng mẹ đẻ của tôi lịch sự gật đầu, “Dạ rồi, dạ rồi.” Nhưng càng về sau, mỗi lần bị hỏi như thế, chị đâm cáu, “Dạ rồi, thì sao? Yes, so what?”
Mà so what… thật.
Vở kịch Miss Sài Gòn trình diễn liên tục trong nhiều năm nay. Chuyện tình lãng mạnh giữa anh lính Mỹ và cô gái điếm Việt Nam đã tạo nhiều đề tài sóng gió. Người bạn gái tôi chơi khá thân từ thời còn đi học, nhập theo đám Mỹ gốc Á xuống đường phản đối kịch bản này ở San Francisco.
Ðám đông biểu tình đeo trên người lý do khác nhau. Anh bạn Mỹ gốc Ðại Hàn đi chung với cô thì bực tức vì nhân vật chính đàn ông Á Ðông trong vở kịch là người da trắng chính hiệu. Thì ra anh ta đang tranh học phim ảnh, nên sốt sắng tranh đấu cho người Mỹ gốc Á Châu có được chỗ đứng trong địa hạt phim ảnh kịch nghệ Hoa Kỳ. Cô bạn của tôi thì tức giận vì nhân vật chính là Kim, một phụ nữ Việt Nam làm đĩ. Cô bạn bỏ ra một ngày trời đi biểu tình, về nhà bị những người trong nhà la mắng. Bố cô bảo chỉ là nghệ thuật.
Anh cô trách sao ưa làm chuyện tào lao. Mẹ cô cảnh cáo, đừng bày trò múa rối. Bà nội ngâm nga ca dao ca tụng đức tính phụ nữ Việt Nam, tận lực lo gia đình chồng, nuôi chồng, dạy con. Cô bạn tôi có quyền bực tức, hoặc như tôi cũng quá mỏi mệt cứ phải nhìn-xem-nghe-thấy người ngoại quốc tạo dựng những hình ảnh, vai trò như Kim, như Kiều, như Lệ Lý…
Những nạn nhân đĩ điếm đáng thương tội nghiệp để họ giơ tay nâng đỡ cứu vớt. Tôi ngồi nghe cô bạn thân thao thao bất tận vào tối khuya trong tiệm ăn Denny’s không bao giờ cần chìa khóa ở dưới phố Mountain View. Hai đứa tôi, hai phụ nữ Việt Nam đang vật lộn với bao cảm xúc, nhận thức đầy ứ trong lòng. Chua xót, bẽ bàng, tức giận, tủi hổ, xúc phạm, uất ức, tội lỗi, tuyệt vọng…
Tôi không chống vở kịch, nhưng tôi chống sự khai thác hình ảnh người đàn bà Việt Nam luôn bị đóng vai đĩ với mục đích quảng cáo kiếm tiền, thỏa mãn dục vọng lẫn quyền lực. Kinh nghiệm bản thân, cách đây mười năm, khi còn là sinh viên, ban ngày đi học, ban đêm đi làm thêm ở nhà hàng fast food Tàu. Nơi những món ăn nấu sẵn, khách hàng chỉ món nào tôi xúc món đó. Một ông khách thường xuyên của tiệm, thỉnh thoảng khi trả tiền, dúi vào tay tôi một đồng tiền tip, tôi nhận kèm theo nụ cười cám ơn.
Một buổi tối làm ra, ông khách đứng sẵn chờ tôi ở trạm xe bus, nói muốn chở tôi về. Tôi lắc đầu khăng khăng từ chối. Một lần khác, lúc trả tiền đĩa thức ăn, ông mở banh ví, cố tình để lộ tờ giấy trăm dollar mới toanh, đề nghị sau giờ làm việc, nếu đi chơi với ông, tôi sẽ được một trong hai tờ giấy màu xanh. Tôi nhớ lúc đó, giọng nói, khuôn mặt ông cực kì bình thản. Hai tay cũng chẳng run khi tỏ hành động đưa tiền ra dụ tôi. Còn tôi như có dòng điện mạnh chạy dọc sống lưng.
Tôi xin phép chủ về sớm, đi bộ về nhà. Ði như thế hơn một tiếng, băng qua những con đường mà nếu có chuyện gì xảy ra cho tôi lúc đó thì sẽ bị coi là “điếc không sợ súng.” Ðêm hôm đó, tôi loay hoay trăn trở mãi. Ở tuổi mười chín, “ăn chưa no, lo chưa tới.” Chưa ý thức lắm về thái độ mời gọi trắng trợn của gã cựu quân nhân Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Chỉ biết tức giận, xấu hổ vì cá nhân mình bị xúc phạm.
Nghĩ lỗi tại mình vì hay cười, thích trò chuyện, niềm nở quá đáng. Phải đợi vài năm sau, đọc, nghe, thấy và biết suy nghĩ, tôi mới thấm thía thân phận người đàn bà Việt Nam bị nhìn, đánh giá trong giai đoạn cuộc chiến dưới nhãn quan người đàn ông nước ngoài, những người có tiền đi đôi với sức mạnh, quyền lực.
Truyện Kiều, ngoài giá trị văn chương nghệ thuật vì ngôn ngữ đẹp, bóng bẩy, nhạc điệu thi vị, tình cảnh éo le, thì Kiều đã đóng góp gì khác cho Việt Nam?
Văn Học cũng có giới hạn như bất cứ lãnh vực nào khác. Nguyễn Du sau năm mươi năm sống trên đời, chứng kiến bao cảnh vật đổi sao dời, ngán ngẩm tình thế mà phỏng tác truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu.
Mục đích chỉ để mua vui cũng được một vài trống canh. Nguyễn Du có khiêm nhượng hay không, khi viết ra câu thơ này? Tôi nghĩ Truyện Kiều thực chất chẳng phải là cuốn kinh điển bàn về luân lý, chỉ dạy người đời sống thế nào cho phải đạo. Nguyễn Du là người thông hiểu Nho học, áp dụng tam cương ngũ thường, nhưng đồng thời ông cũng sùng bái đạo Phật.
Quan niệm đạo Phật của Nguyễn Du ngày trước khác hẳn quan niệm đạo Phật của Richard Gere ngày nay. Không nhất thiết cứ phải là chữ tài liền với chữ tai một vần. Nhìn quanh chúng ta, biết bao kẻ bất tài mà vẫn lắm tai ương, hoạn nạn, khổ đau. Công bằng và tỉnh táo nhận xét, người có tài, dù tài hoa hay tài trí, chắc chắn bao giờ đời cũng đỡ khốn nạn hơn người bất tài. Richard Gere là tài tử thành công, giàu sang, có vợ đẹp, đồng thời ông cũng được biết đến như là một tín đồ Phật giáo ngoan đạo thuần thành.
Một người bạn khác của tôi, qua Mỹ lúc còn trẻ, học rất giỏi, được vào trường lớn có tiếng ở Mỹ. Thay vì học luật, kinh tế hay y khoa, anh chọn ngành văn học sử Việt Nam. Anh nghiên cứu Chinh phụ ngâm, ca dao, Ai tư vãn, Lưu hương ký… và dĩ nhiên có cả Truyện Kiều của Nguyễn Du. Anh đưa bản tiếng Anh, do Huỳnh Sanh Thông dịch, cho ông thầy xem. Ông thầy là người am hiểu văn chương Tàu, đọc xong, phán ngay một câu, “Như vầy thì đâu có gì là vĩ đại! Vay mượn văn chương Trung Hoa quá nhiều.”
Ðúng vậy, người Việt mình ai cũng biết Truyện Kiều vay mượn tiểu thuyết Tàu, chẳng phải nguyên thủy của Việt Nam. Nếu ta hãnh diện một, thì Tàu phải hãnh diện mười. Thử một ngày nào đó, nhà văn Trần Thị A dịch tiểu thuyết Dr. Zhivago của Boris Pasternak. Dich giả giữ nguyên cốt truyện, chỉ đổi lại đoạn kết cho có hậu, anh chàng Zhivago ôm ngực lảo đảo cố đuổi theo, miệng gọi tên Lara, Lara… Lara đang đi, nghe người gọi tên mình, nàng quay đầu lại dáo dác, kiếm. Rồi hai người ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Như Kiều của Tàu nhảy xuống sông Tiền Ðường tự vẫn. Nhưng Kiều của Việt Nam mình lại cho tái hợp cùng Kim Trọng.
Truyện Kiều có giá trị tương đối của nó trong văn học sử của một quốc gia – trong trường hợp này là Việt Nam. Ngày nay chúng ta đọc Kiều là để hiểu sự biến chuyển của văn học Việt Nam. Dĩ nhiên, người đọc chỉ để thuần túy thưởng ngoạn cái đẹp của văn chương cũng có quyền cảm nhận giá trị thẩm mỹ của truyện Kiều theo quan điểm của riêng mình.
Tuy nhiên, từ khía cạnh lịch sử có lẽ chúng ta cần nhận thức được rằng văn chương, văn hóa là giao lưu, ảnh hưởng, học hỏi lẫn nhau. Nếu ta chối bỏ tất cả những gì đã ảnh hưởng Tàu, như ngôn ngữ, phong tục, tập quán, triết lý, ẩm thực, thậm chí đến chiếc áo dài bấm nút bên phải, thì có lẽ chúng ta chẳng còn gì, e rằng sẽ như một giống dân nào đó vẫn còn tồn tại trên mặt đất này, nhưng còn mang khố, nhuộm răng, tay cầm cung, chạy chân trần, nhai thịt sống, ở không cần nhà.
Một nước mà chỉ có văn chương là một nước nghèo, nếu không nói là bất hạnh. Chúng ta cần phải có kinh tế, khoa học, kỹ thuật, triết lý, xã hội… Mọi ngành nghề kết hợp lại, may ra chúng ta mới có thể tìm cho mình một chỗ đứng trong cộng đồng thế giới. Tôi nghĩ chúng ta không có quyền tự cho mình đứng ngoài lề lối và tiêu chuẩn của văn minh nhân loại, chỉ bởi vì nước ta đã có Truyện Kiều.
Mễ Tây Cơ có Octavio Paz, Nhật có Kenzaburo Oe, Chí Lợi có Pablo Neruda, Mỹ có Toni Morrison, Tây Ban Nha có Camilo Jose Cela… Nếu các nước này dùng tác phẩm của các tác giả này để dạy dỗ dân họ sống thế nào cho phải đạo thì chúng ta nghĩ sao? Dù các tác phẩm ấy đã được thế giới công nhận là di sản quý giá, đóng góp vào nền văn chương nhân loại. Ngày nay trong các đại học Anh quốc, Shakespeare vẫn được giảng dạy cũng như ở các đại học Ðức quốc, các trước tác của Goethe vẫn được nghiên cứu.
Dù vậy chẳng có người Anh hay người Ðức hiện đại nào phải lấy những nhân vật trong các tác phẩm của hai vị này ra để làm mẫu mực trong đời sống của họ cả. Nếu như người Việt Nam ngày nay vẫn còn tự kỉ ám thị mình với Truyện Kiều, và vẫn nhìn Kiều – ngoài giá trị văn chương, văn hóa sử của nó – như là chứa đựng những trí tuệ, triết học Phật Giáo cao siêu nhất, tấm gương liệt nữ sáng chói nhất, thì có lẽ sự kiện này chỉ nói lên được một điều: đó là sinh hoạt văn hóa của chúng ta bước đi “hơi bị” quá chậm.
Ðến đây, tôi lại thắc mắc, tại sao tất cả những vị cứu tinh, cứu khổ, cứu nạn, cứu thoát – tức những anh chàng đóng vai hoàng tử đánh thức cô bé lem luốc Việt Nam – đều là đàn ông nước ngoài. Ðâu hết rồi đàn ông, con trai Việt Nam? Giữ gìn giang san, mở mang bờ cõi, chống giặc xâm lăng, xây mộng thanh bình… cớ sao lại để ra nông nỗi này?
Và rồi, biết đến bao giờ, xong trận mây mưa, khách làng chơi bỗng tò mò muốn biết, “Vì sao em…?” Kiều Việt Nam nhìn thẳng vào mặt khách trả lời, “Làm đĩ là nghề tôi chọn. Trước là nuôi sống bản thân tôi, sau là giúp cho những người đàn ông, con trai không vợ, không bồ giải quyết sự dồn nén sinh lý.”
“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn!” Ðã đến lúc chúng ta cần phải thẩm định lại câu nói truyền kiếp này chăng?