Thời gian và không gian trong ca dao dân ca
Mời các bạn học sinh tham khảo thêm bài:
I.THỜI GIAN NGHỆ THUẬT:
Trong ca dao, tác giả với tư cách là một cá nhân- cá thể, là một cái tôi trữ tình riêng biệt, tách biệt với cộng đồng không được biểu lộ ra. Chính đó là điều tạo ra sắc điệu trữ tình độc đáo của ca dao so với thơ trữ tình bác học. Tính độc đáo ấy cũng được thể hiện cả ở cách xử lí thời gian của ca dao.
Trong những cuộc hát ca dao được cất lên.Tác giả bài ca hoàn toàn vắng mặt, trong thời điểm hiện tại của cuộc hát, ca dao được cất lên từ cửa miệng những người khác, ca dao được cả người diễn xướng lẫn người thưởng thức cùng như thể đang diễn đạt những cảm xúc- tâm lí nảy sinh từ chính trái tim mình ở vào khoảnh khắc dương thời đang tiếp diễn. Rút cục, trong ca dao, thời gian của tác giả và thời gian của người diễn xướng và cả thời gian của người thưởng thức hòa lẫn làm một. Thời gian đó luôn luôn là thời gian hiện tại (Điều này khác với thời gian trong truyện cổ tích luôn luôn là thời gian quá khứ phiếm định, khác với thời gian trong truyền thuyết luôn luôn là thời gian quá khứ xác định.)
Ca dao sử dụng hàng loạt cụm từ để chỉ thời gian: “bây giờ”, “hôm nay”, “chiều chiều”, “đêm đêm”, “hôm qua”, “ đêm qua”, “sáng ngày”, “khi xưa”…Nói chung thời gian nghệ thuật trong ca dao vừa là thời gian thực tại khách quan, lại vừa là thời gian của sự tưởng tượng, hư cấu mang tính chủ quan của nhân vật trữ tình.
Khi thời gian thuộc về đối tượng phản ánh thì đó là thời gian thực tại được ca dao tái hiện lại. Ví dụ như cách tính thời gian trong những bài ca nông lịch.:
“Tháng chạp là tháng trồng khoai,
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà…” .
Ở đây chu kìthời vụ được tính bằng tháng. Bài ca cho thấy tính chất dồn dập của công việc nhà nông hết tháng này sang tháng khác trong năm, đồng thời cũng hé lộ tính lặp lại đều đều của thứ “nông lịch” ấy từ năm này sang năm khác. Qua đó, bài ca diễn đạt, một cách nghệ thuật, tính cách kiên nhẫn, bền bỉ, sự chịu đựng không biết mệt mỏi của người làm ruộng.
Nhưng khi cần diễn đạt một sự dồn dập với tốc độ nhanh hơn, đòi hỏi một cường độ làm việc căng hơn, đơn vị thời gian sẽ không còn là tháng nữa, mà là ngày:
“Một ngày hai bận trèo non,
Lấy gì mà đẹp mà giòn hỡi anh.”
Thậm chí đơn vị thời gian còn ngắn hơn cả ngày:
“Thân anh khó nhọc trăm phần,
Sớm đi ruộng lúa, tối nằm ruộng dưa.
Vội đi quên cả ăn trưa,
Vội về quên cả trời mưa ướt đầu.”
Khi thời gian chỉ là một yếu tố góp phần tạo nên hoàn cảnh, là một phương tiện nghệ thuật được mượn đến để làm phát lộ cảm xúc- tâm lí của nhân vật trữ tình thì thời gian hoàn toàn do chủ quan của nhân vật tưởng tượng hư cấu mà nên. Về cách sử dụng thời gian nghệ thuật hư cấu như thế này, chúng ta có một ví dụ thú vị sau:
“Tìm em đã tám hôm nay,
Hôm qua là tám, hôm nay là mười”
“Những con số này rõ ràng là rất cụ thể, song đặt trong tương quan cả câu lại có thể không chính xác. Ở câu trên, tương quan giữa ba con số thời gian là một con số thiếu logic. Tại sao đã “tám hôm nay” rồi lại còn cộng thêm “hôm qua” và “hôm nay” lần nữa? Việc thiếu logic ở đây chỉ có thể giải thích bằng logic tâm trạng: sự bồn chồn của người đang yêu. Như vậy, thời gian ở đây chỉ là cái cớ, con số dù cụ thể song không nhất thiết phải chính xác.”(Trần Thị An. “Về một phương diện nghệ thuật của thơ ca tình yêu”,Tạp chí văn học,số 6-1990.)
Trong những trường hợp như thế, thời gian thường mang tính tượng trưng, ước lệ để có thể dùng chung cho nhiều người, ở nhiều địa điểm và thời điểm khác nhau. Chẳng hạn:
“Chiều chiều ra đứng bờ ao,
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ”
Với câu trên, chẳng ai lại bắt bẻ tại sao “chiều chiều” lại không thể trông thấy sao được? tất nhiên, có khi người hát mở đầu bằng “đêm qua’- nghe có vẻ hợp lí hơn. Nhưng thực ra ở đây ca dao không nhằm bảo đảm “cái lí thông thường” mà chỉ cốt biểu đạt ‘cái lí của lòng người”, “ cái logic1 của tâm trạng”. Và như vậy cũng là đảm bảo “cái lí của nghệ thuật”. Chính vì thời gian ở đây chỉ là ước lệ nên có thể thay thế “chiều chiều” bằng “đêm qua” và ngược lại, tùy người hát và thời điểm hát, cốt sao đảm bảo thể hiện được cảm xúc trữ tình trong bài hát,câu hát, tạo sự cảm thông, gần gũi giữa những người đang tham gia cuộc hát trong hiện tại.
II.KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT
Không gian trong ca dao cũng mang tính hai mặt: vừa là không gian thực tại khách quan như nó vốn tồn tại, vừa là không gian chỉ có trong hư cấu, tưởng tượng của nhân vật trữ tình.
Khi không gian là đối tượng phản ánh trực tiếp thì đó sẽ là không gian được tái hiện đúng như ngoài thực tại. Dó là những “xứ Huế”, xứ Nghệ”, xứ Quảng’, là “nước non Cao bằng”, là “núi Nùng – sông Nhị”, là “sông Hương- núi Ngự”…Trong ca dao những địa danh đó vanglên như những “m thanh của đất” gợi nhớ đến các miền quê với những đặc điểm điển hình về phong thổ, cảnh vật, sản vật, những nghề truyền thống nổi tiếng. Nói chung, trong ca dao, “những không gian vật lí” ấy “là những không gian bình dị của làng quê” với cây đa, giếng nước, sân đình, ngõ chùa, ao sen, cánh đồng, lũy tre…tất cả hợp thành những “hoàn cảnh điển hình”, những bối cảnh không gian trữ tình cho sự nảy sinh cảm xúc- tâm lí của con ngừoi lao động chân chất, cần cù, giàu tình cảm cộng đồng.
Trong ca dao cũng còn có cả “không gian xã hội” nơi diễn ra mọi hoạt động đời sống, mọi mối quan hệ giữa người với người.Trong những câu hát than thân hay những câu hát yêu thương, nghĩa tình, nhất là trong những câu hát giao duyên, không gian xã hội ấy trở thành “không gian tâm trạng”:
– “Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”
– “Gặp nhau đường vắng thì chào,
Gặp nhau giữa chợ lao xao xin đừng”
– “Đất đâu đất lạ đất lùng,
Đi làm lại có thổ công ngồi bờ.
Ngồi bờ lại chả ngồi không,
Hai tay chống gối, mắt trông người làm”…
Không gian tâm trạng ấy nhiều khi mang tính tượng trưng, hoặc không phải là tấm ảnh chụp nguyên xi không gian vật lí đúng như nó ở ngoài thực tại. Không gian ấy được chủ quan nhà nghệ sĩ dân gian sắp xếp lại sao cho “khớp” với cảm xúc- tâm lí của nhân vật trữ tình:
– “Chiều nay có kẻ thất tình,
Tựa mai-mai ngả, tựa đình- đình xiêu”
– “Ra đi anh có lời thề,
Dù đất Thổ Sơn có mất máu đỏ anh cũng trở về với em”
– “Ước gì sông rộng một gang,
Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi”
Ngay cả không gian xã hội cũng có thể sắp xếp lại được:
“Con vua thì lại làm vua,
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
Bao giờ dân nổi can qua,
Con vua thất thế lại ra quét chùa”
Phần lớn không gian trong ca dao mang tính phiếm chỉ với những “cầu”, “quán”, “cây đa”, “bến đò”…:
– “Qua cầu ngả nón trông cầu,
Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu”
– “Cây đa cũ, bến đò xưa,
Bộ hành có nghĩa nắng mưa vẫn chờ”.
Đó là những không gian mang tính cá thể hóa có thể được nhiều “nhân vật diễn xướng” sử dụng trong những bối cảnh khác, thích hợp với những gì chung nhất của cảm xúc- tâm lí của nhiều người đến mức trở thành không gian ước lệ mở ra khoảng không rộng lớn cho sự cộng cảm giữa người sáng tácvới người diễn xướng, giữa người diễn xướng với người thưởng thức. Đó là một trong những “điều bí mật” tạo nên sức hấpdẫn muôn đời của ca dao.