Soạn bài Thuật Ngữ
Mời các em học sinh tham khảo thêm:
Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. THUẬT NGỮ LÀ GÌ?
a) Trong hai cách giải thích nghĩa của từ nước và muối dưới đây, cách giải thích nào là cách giải thích thông thường, cách giải thích nào là của chuyên môn sâu:
(1) Nước là chất lỏng không màu, không mùi, có trong sông, hồ, biển,…
Muối là tinh thể trắng, vị mặn, thường tách từ nước biển, dùng để ăn.
(2) Nước là hợp chất của các nguyên tố hiđrô và ôxi, có công thức là H2O.
Muối là hợp chất mà phân tử gồm có một hay nhiều nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều gốc axít.
Gợi ý: Có nhiều cách giải thích khác nhau trước mỗi đối tượng. Có cách giải thích thông thường và cách giải thích của những lĩnh vực chuyên môn sâu. Trong hai cách giải thích trên, cách giải thích thứ hai là cách giải thích thuật ngữ chuyên môn, đòi hỏi phải có tri thức nhất định về lĩnh vực hoá học mới hiểu được thấu đáo.
b) Đọc các định nghĩa sau và cho biết chúng thuộc bộ môn nào?
– Thạch nhũ là sản phẩm hình thành trong các hang động do sự nhỏ giọt của dung dịch đá vôi hoà tan trong nước có chứa axít cácbôníc.
– Bazơ là hợp chất mà phân tử gồm có một nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều nhóm hiđrôxít.
– Ẩn dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó.
– Phân số thập phân là phân số mà mẫu số là luỹ thừa của 10.
Gợi ý: Các định nghĩa trên của những bộ môn khoa học khác nhau: thạch nhũ – địa lí; bazơ – hoá học; ẩn dụ – ngữ văn; phân số thập phân – toán học. Mỗi chuyên môn khoa học, công nghệ thường có những từ ngữ biểu thị những khái niệm riêng và chúng chủ yếu được sử dụng trong những văn bản khoa học, công nghệ. Đó chính các thuật ngữ.
2. ĐẶC ĐIỂM CỦA THUẬT NGỮ
a) Trong mỗi lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, công nghệ mỗi thuật ngữ chỉ biểu thị bằng một khái niệm và ngược lại, mỗi khái niệm chỉ được biểu thị bằng một thuật ngữ. Đặc điểm này phù hợp với yêu cầu về tính chính xác, thống nhất, tính quốc tế của khoa học, kĩ thuật, công nghệ.
b) So sánh từ muối trong hai trường hợp sau và cho biết ở trường hợp nào từ này mang sắc thái biểu cảm?
(1) Muối là tinh thể trắng, vị mặn, thường tách từ nước biển, dùng để ăn.
(2) Ai ơi chua ngọt đã từng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.
Gợi ý: Muối ở trường hợp (2) được dùng theo phong cách văn bản nghệ thuật, mang sắc thái biểu cảm. Muối ở trường hợp (1) là thuật ngữ, được dùng theo ngôn ngữ khoa học, không mang sắc thái biểu cảm.
c) Như vậy, thuật ngữ có tính biểu cảm không?
II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Hãy điền những từ ngữ thích hợp vào chỗ trống – (…):
a) (…) là tác dụng đẩy, kéo của vật này lên vật khác.
b) (…) là làm huỷ hoại dần dần lớp đất đá phủ trên bề mặt đất do các tác nhân: gió, băng hà, nước chảy,…
c) (…) là hiện tượng trong đó có sinh ra chất mới.
d) (…) là tập hợp tất cả các từ có nét chung về nghĩa.
e) (…) là nơi có dấu vết cư trú và sinh sống của người xưa.
f) (…) là hiện tượng hạt phấn tiếp xúc với đầu nhuỵ.
Gợi ý: lực, xâm thực, hiện tượng hoá học, trường từ vựng, di chỉ, thụ phấn.
2. Bằng những kiến thức đã học trong các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Toán học, Vật lí, Hoá học, Sinh học, hãy định nghĩa các thuật ngữ cho trước dưới đây:
– Lưu lượng….
– Trong lực…
– Khí áp…
– Đơn chất…
– Thị tộc phụ hệ…
– Đường trung trực…
– Tự sự…
Gợi ý: Định nghĩa phải đảm bảo tính chính xác, không biểu cảm. Trước hết phải xác định lĩnh vực chuyên môn của các thuật ngữ sau đó mới tìm hiểu, nhớ lại những kiến thức đã học liên quan đến các thuật ngữ để có cơ sở định nghĩa.
3. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa!
(Tố Hữu, Chào xuân 67)
– Ở đây, từ điểm tựa có được dùng như một thuật ngữ Vật lí hay không?
– Thử phân tích ý nghĩa của từ điểm tựa trong đoạn thơ trên và so sánh với ý nghĩa của thuật ngữ điểm tựa trong bộ môn Vật lí.
Gợi ý: Mặc dù có nét nghĩa nào đó giống với thuật ngữ điểm tựa trong Vật lí (trong vật lí, điểm tựa là điểm cố định của một đòn bẩy, thông qua đó lực tác động được truyền tới lực cản; ở đoạn thơ này, điểm tựa có nghĩa một chỗ dựa tin tưởng, gánh trọng trách) nhưng từ điểm tựa ở đây không được dùng với tư cách là một thuật ngữ Vật lí mà nó được dùng với tư cách là ngôn ngữ nghệ thuật.
4. Cho hai câu sau:
a) Nước tự nhiên ở sông, hồ, ao, biển,… là một hỗn hợp.
b) Đó là một chương trình biểu diễn hỗn hợp nhiều tiết mục.
Từ hỗn hợp trong câu nào được dùng với ý nghĩa thuật ngữ? Biết rằng hỗn hợp hiểu theo môn Hoá học là “nhiều chất trộn lẫn vào nhau mà không hoá hợp thành một chất khác”, còn theo định nghĩa thông thường thì hỗn hợp là “gồm có nhiều thành phần trong đó mỗi thành phần vẫn không mất đi tính chất riêng của mình”.
Gợi ý: hỗn hợp trong câu (a) được dùng với tư cách thuật ngữ hoá học.
5. “Trong Sinh học, cá voi, cá heo được xếp vào lớp thú, vì tuy những động vật này có xương sống, ở dưới nước, bơi bằng vây, nhưng không thở bằng mang mà thở bằng phổi”. Dựa vào nhận định này, hãy định nghĩa thuật ngữ cá.
Gợi ý: Cá là động vật có xương sống, ở dưới nước, bơi bằng vây, thở bằng mang. Như vậy, trong ngôn ngữ thông thường của chúng ta thì từ cá (cá voi, cá heo) không mang ý nghĩa chặt chẽ như định nghĩa của sinh học.
6. Một trong những ý nghĩa cơ bản của thuật ngữ thị trường của Kinh tế học (thị: chợ – yếu tố Hán Việt) là chỉ nơi thường xuyên tiêu thụ hàng hoá; nhưng thuật ngữ thị trường(thị: thấy – yếu tố Hán Việt) của Vật lí lại khác hẳn: chỉ phần không gian mà mắt có thể quan sát được. Điều này có vi phạm nguyên tắc một thuật ngữ – một khái niệm không? Vì sao?
Gợi ý: Hiện tượng trên là hiện tượng đồng âm khác nghĩa vẫn thấy trong ngôn ngữ; nó chỉ vi phạm nguyên tắc một thuật ngữ – một khái niệm khi thuộc cùng một lĩnh vực chuyên môn. Trong những lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, công nghệ khác nhau, có thể có những từ ngữ giống nhau về âm nhưng lại là những thuật ngữ với nội hàm khác nhau hoàn toàn.