Soạn bài những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (Hướng dẫn 2)
I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
Bố cục: Chia làm bốn đoạn:
Đoạn 1 (Từ “Do sức ép của công luận…” đến “… Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù”): Va-ren chuẩn bị sang nhậm chức Toàn quyền ở Đông Dương với lời tuyên bố sẽ quan tâm tới vụ Phan Bội Châu.
Đoạn 2 (Từ “Đến Sài Gòn thì ông Va-ren…” đến “… thì Phan Bội Châu vẫn nằm tù”): Va-ren đến Sài Gòn và cảnh tượng người dân Sài Gòn đổ ra đường xem mặt Va-ren.
Đoạn 4 (Phần còn lại): Va-ren ra Hà Nội và cuộc gặp gỡ giữa Va-ren với Phan Bội Châu
1. (Câu 1, Sgk tr 94)
Những trò lố hay là Ve-ren và Phan Bội Châu ra đời từ một hiện tượng lịch sử: nhà đại cách mạng Phan Bội Châu sau hai chục năm bôn ba hải ngoại để tìm đường cứu nước, đến năm 1925 bị thực dân Pháp bố trí bắt cóc từ Trung Quốc giải về nước, xử tù chung thân, nhưng sau đó, trước phong trào nhân dân cả nước đấu“tranh đòi thả, đã phải ra lệnh ân xá. Va ren vốn là một đảng viên Đảng xã hội Pháp, phản bội đảng, được cử làm Toàn quyền Đông Dương thay Méc-lanh trước đó bị nhà cách mạng Phạm Hồng Thái giết hụt phải về nước. Va-ren trước ngày chuẩn bị sang Đông Dương nhậm chức có tuyên bố sẽ quan tâm tới vụ Phan Bội Châu, và ngay lập tức Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu để phơi bày thực chất của Va-ren.
Tác phẩm ghi chép một câu chuyện hư cấu, được Nguyễn Ái Quốc viết ngay sau khi Phan Bội Châu bị bắt ở Trung Quốc 18-6-1925 và bị giải về giam tại Hà Nội. Còn Va-ren được cử làm toàn quyền Đông Dương cuối năm 1925, và thực tế sau khi Va-ren sang Đông Dương cũng không có chuyện gặp Phan Bội Châu ở Hỏa Lò, Hà Nội. Cho nên, đây là một câu chuyện hư cấu.
2. (Câu 2, Sgk tr 94 tập 2)
a) Va-ren hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu… khi nào yên vị thật xong xuôi ở Đông Dương. Nhưng phải còn lâu, vì ông ta mới xuống tàu, mà hành trình từ Mác-xây đến Sài Gòn kéo dài chừng bốn tuần lễ. Có nghĩa là trong bốn tuần lễ đó, Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù.
b) Đây là lời hứa dối trá, để ve vuốt, để trấn an công luận ở Pháp và ở Đông Dương đang đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu.
Lời hứa này thực chất là một trò lố.
Cụm từ nửa chính thức hứa và câu hỏi của tác giả giả thử cứ cho rằng… sẽ “chăm sóc” vụ ấy vào lúc nào và ra làm sao cho thấy sự ngờ vực pha lẫn phủ định lời hứa của Va-ren. Vì Va-ren là một tên thực dân đứng đầu trong việc cai trị Đông Dương, còn Phan Bội Châu vẫn là nhà cách mạng.
3. (Câu 3, Sgk tr 94 tập 2)
Sự tương phản, đối lập nhau cực độ giữa hai nhân vật:
Trong tác phẩm có hai nhân vật: Va-ren và Phan Bội Châu, đã được xây dựng theo quan hệ tương phản, đối lập như thế nào? Khối lượng từ và hình thức ngôn ngữ mà tác giả đã sử dụng trong việc khắc họa tính cách của từng nhân vật là thế nào?
Tương phản giữa hai cuộc sống của hai nhân vật đối kháng nhau: Va- ren làm gì thì vẫn là trong tư thế, trong hoàn cảnh một viên Toàn quyền, một kẻ thống trị được nghênh tiếp, trọng vọng. Còn Phan Bội Châu chỉ là thân phận người ở tù. Ở đây sự tương phản, đối lập của hai nhân vật là sự tương phản, đối lập giữa một bên là kẻ bất lương, nhưng thống trị, một bên là người cách mạng vĩ đại, nhưng thất bại, bị đàn áp. Tác giả đã dành một khối lượng từ ngữ lớn, hình thức ngôn ngữ trần thuật để khắc họa tính cách của Va-ren. Còn với Phan Bội Châu, thì lấy sự im lặng làm phương pháp đối lập. Do đó khối lượng từ hầu như không có gì. Đây là một bút pháp, một lối viết vừa tả vừa gợi, một lối viết thâm thúy, độc đáo, lí thú.
4. (Câu 4, Sgk tr 94)
Ý nghĩa của các chi tiết trong đoạn kết
- Hiện tượng ngôn ngữ được bộc lộ tính cách của nhân vật là thế nào? (Gợi ý: Va-ren đối thoại luyên thuyên, trong khi Phan Bội Châu trước sau không nói gì).
- Qua ngôn ngữ độc thoại của Va-ren, động cơ, tính cách của Va-ren được bộc lộ như thế nào? (Gợi ý: vuốt ve, dụ dỗ, bịp bợm một cách rất liến thoắng và trắng trợn).
- Phan Bội Châu đã có cách ứng xử với Va-ren như thế nào? Qua hình thức ứng xử đó, thái độ, tính cách của Phan Bội Châu được bộc lộ ra sao? (Gợi ý: dùng hình thức im lặng, phớt lờ, coi như không có Va-ren trước mặt. Qua đó bộc lộ thái độ khinh bỉ và bản lĩnh kiên cường trước kẻ thù).
- Riêng lời bình của tác giả trước hiện tượng im lặng, dửng dưng của Phan Bội Châu thể hiện giọng điệu như thế nào và có ý nghĩa gì? (Gợi ý: giọng điệu hóm hỉnh, mỉa mai, góp phần làm rõ thêm thái độ, tính cách của Phan Bội Châu).
- Phân tích ý nghĩa của đoạn kết bằng cách nêu câu hỏi: Ví thử tác phẩm chấm dứt ở câu “… chỉ là vì (Phan) Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu” thì có được không? Nhưng ở đây, đã có thêm đoạn kết, trong đó có lời quả quyết của anh lính dõng An Nam và lời đoán thêm của tác giả thì giá trị câu chuyện có gì khác?
Gợi ý: Cần tìm ý nghĩa của các chi tiết: “sự thay đổi nhẹ trên nét mặt người tù lừng tiếng”, “đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay và cái đó chỉ diễn ra có một lần thôi… (Phan) Bội Châu có mỉm cười… như cánh ruồi lướt qua vậy”. Đó là sự tiếp tục nâng cấp tính cách, thái độ của Phan Bội Châu trước kẻ thù.
5. (Câu 5, Sgk tr 95 tập 2)
- Câu T.B (tái bút), với lời quả quyết của nhân chứng thứ hai, có giá trị đặc biệt. Nếu trong đoạn kết, thái độ khinh bỉ kẻ thù của Phan Bội Châu thể hiện bằng hình thức ứng xử là im lặng dửng dưng thì trong phần tái bút này lại là một hành động đối phó mạnh mẽ: nhổ vào mặt Va-ren.
- Đối phó với kẻ thù có thể có nhiều cách thế: chỉ im lặng dửng dưng thôi thì chưa đủ, có khi còn phải nhổ vào mặt nó. Sự phối hợp giữa lời kết và câu T.B thật bất ngờ, thú vị, tăng thêm ý nghĩa nội dung của tác phẩm.
6. (Câu 6, Sgk tr 95 tập 2)
Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu đã khắc họa được hai nhân vật có tính cách đại diện cho hai lực lượng xã hội hoàn toàn đối lập nhau ở nước ta thời Pháp thuộc. Va-ren gian trá, lố bịch, đại diện cho thực dân Pháp phản động ở Đông Dương. Phan Bội Châu kiên cường, bất khuất, xứng đáng là vị anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, tiêu biểu cho khí phách dân tộc Việt Nam.
LUYỆN TẬP
1. Thái độ của tác giả đối với Phan Bội Châu
- Qua bài văn, tác giả đã bày tỏ lòng kính phục và ca ngợi sự kiên định bất khuất, lòng yêu nước vĩ đại của nhà cách mạng Phan Bội Châu.
- Câu văn chứng minh thái độ trên của tác giả:… bậc anh hùng vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng…
2. Giải thích cụm từ “những trò lố” trong nhan đề tác phẩm
Những trò lố trong nhan đề tác phẩm bao gồm những trò lố lăng của Va-ren trong đoạn trích này: trò lố thứ nhất là Va-ren hứa “chăm sóc” cụ Phan Bội Châu, trò lố cuối cùng là Va-ren “chăm sóc” Phan Bội Châu tại nhà giam. Cụm từ những trò lố xuất phát từ mục đích muốn trực tiếp vạch trần những hành động lố lăng, bản chất xấu xa, thái độ đáng khinh bỉ, ngôn ngữ “thuyết hàng” lố bịch của Va-ren.