Soạn bài Mới ra tù tập leo núi-Hồ Chí Minh
Mời các em học sinh tham khảo thêm tài liệu:
Phân tích hai trích đoạn thơ trong bài thơ Bên Kia Sông Đuống- Đất Nước
Phiên âm :
Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân,
Giang tâm như kính tịnh vô trần;
Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh;
Dao vọng Nam thiên ức cố nhân.
Dịch thơ :
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;
Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh,
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.
“ Mới ra tù tập leo núi ” ghi lại cảm hứng của Bác Hồ khi lần đầu tiên đặt chân được lên đỉnh Tây Phong Lĩnh, sau một thời gian kiên trì, vất vả tập leo núi, khi đã được ra tù sau “mười bốn trăng tê tái gông cùm”. Cảm giác cao vời vợi có thể thấy ở ngay dòng đầu của bài thơ, dựng ra trước mắt chúng ta một xứ sở mênh mông của mây và núi. Chẳng phải ngẫu nhiên nhà thơ để hai chữ “vân” và “sơn” xuất hiện đến hai lần trong một dòng thơ, chiếm quá nửa số chữ trong câu thơ đầu tiên. Hai chữ “vân” ở hai đầu và hai chữ “sơn” ở hai bên ranh giới của nhịp thơ. Tiếc là bản dịch thơ đã để sót mất chữ “trùng” khiến câu thơ dịch đã không lột tả được sự trùng điệp, bao la của một không gian đầy mây núi. Nhưng núi và mây trong dòng thơ vẫn được nhìn theo một cách rất đặc trưng cho cái nhìn thiên nhiên của Bác. Chẳng phải tình cờ mà trong câu, Bác dùng đến hai chữ “ủng” để nối giữa các chữ “sơn” và “vân”, nhằm tạo ra một sự hoà điệu, quấn quýt giữa mây và núi trên cả hai chiều, không
chỉ “núi ấp ôm mây” mà có cả “mây ôm núi”.
Nếu như ở câu thơ thứ nhất nói đến “sơn” thì ở câu thơ thứ hai ta bắt gặp hình ảnh của “thuỷ- nước”, để tác giả làm nên trọn vẹn một bức tranh sơn thuỷ, có đủ cả “nước trí” với “non nhân”. Nhưng trong cách diễn đạt của nhà thơ,hình ảnh của dòng sông được nhìn thấy từ một điểm nhìn vời vợi cao ở tận đỉnh non Tây Phong.Phải từ rất cao và xa như thế mới thấy con sông ấy như là gương phẳng. Cảm giác ấy càng tăng lên khi nhà thơ không viết “dòng sông” mà viết “lòng sông”. Bởi nếu câu thơ thứ nhất gợi ra cảm giác về chiều cao thì câu thơ thứ hai đem đến ấn tượng về một chiều sâu thăm thẳm. Và ở giữa cái rất cao và rất sâu ấy như man mác một khoảng hư không, làm nên nét thần tình nhất trong bức tranh thuỷ mặc được vẽ theo lối truyền thống của phương Đông. Nhưng dòng thơ thứ hai không chỉ có “giang tâm như kính” mà còn có thêm ba chữ “tịnh vô trần”, không phải “bụi không mờ” mà là không một chút bụi, tuyệt nhiên không có như ta có thể cảm nhận trong một bản dịch khác :
Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng
Ai đã ít nhiều quen biết với thơ cổ thì có thể hiểu chữ “trần” không chỉ hoàn toàn là bụi bặm theo nghĩa đen mà còn để ẩn dụ với những gì không cao cả, thanh khiết. Và như thế những chữ cuối cùng đã làm cho phong cảnh bỗng như thanh cao, lâng lâng thoát tục và khiến những câu thơ gợi ra một cảnh vật giống như xứ sở của những bậc tao nhân mặc khách, đạo cốt tiên phong.
Như thường thấy trong những bài thơ tứ tuyệt, từ câu thứ ba của bài thơ “Mới ra tù tập leo núi” sẽ hiện lên một cách trực tiếp hình ảnh con người- nhân vật trữ tình. Chúng ta sẽ gặp trong dòng thơ một con người đang một mình rảo bước trên đỉnh Tây Phong, dưới mây trời :
Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh
Dao vọng Nam thiên ức cố nhân.
Người đọc dễ hình dung ra phong thái của một tiên ông đang đi trong xứ sở của mình, thế giới của mình, một thế giới lâng lâng chẳng bợn chút trần ai. Người ấy đang đi trong xứ tiên của riêng mình, vì thế chữ “độc bộ” gợi ra sự cô đơn, nỗi cô đơn mà người đọc có thể thấy trong bài “Qua đèo ngang”:
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Nhưng Bà Huyện Thanh Quan khi xưa thấy cô đơn vì “trời non nước” ở ngoài mình, không phải của mình và chỉ có “ta với ta”. Còn đối với Bác Hồ, chữ “độc bộ” chỉ gợi ra một phong thái ung dung tự tại, một con người tiêu dao trong khoảng không gian rộng lớn, tự do, không bị ai cản trở, câu thúc. Bởi vậy, nếu muốn đi tìm một chất “tiên phong đạo cốt” trong thơ Bác, câu thơ vẫn thường được nghĩ đến nhiều nhất là dòng thơ thứ ba của bài “ Mới ra tù tập leo núi”
Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh
Nhưng ngay cả trong dòng thơ này, Bác Hồ cũng không chỉ là, không hoàn toàn là một tiên ông, một con người thoát tục. Bởi ngay ở đầu câu thứ ba, chúng ta đã bắt gặp hai chữ “bồi hồi”. Và như thế, nhân vật trữ tình trong câu thơ vẫn còn mang trong lòng một niềm tâm tư, và tình cảm đã làm xao xuyến trái tim con người ấy sẽ được giãi bày trong câu thơ cuối cùng của bài thơ. Trước hết đó là một nỗi nhớ nhung, một tình yêu Tổ Quốc của một con người khi vừa ra tù đã hướng cái nhìn đầu tiên của mình về phương trời có đất nước. Câu thơ gợi cho người ta nghĩ đến một tứ thơ cổ :
Ngựa Hồ hí gió Bắc
Chim Việt đậu cành Nam.
“Hồ” ý chỉ phương bắc, còn “Việt” ý chỉ phương nam. Ngựa Hồ bị bắt vào Trung Nguyên, khi gặp cơn gió Bắc thì hí lên vì nhớ quê hương. Chim Việt vì một lý do nào đó mà phải bay về Trung Quốc thì vẫn chọn một cành cây nào đó hướng về phía nam để đậu. Và như thế, đến một con vật còn khôn nguôi nỗi nhớ thương cội nguồn, thì con người há làm sao không khỏi đau đáu hướng về cố quốc ? Nhưng câu thơ không chỉ nói đến tình yêu đất nước, bởi ở cuối câu, nhà thơ còn hạ xuống ba chữ “ức cố nhân”. Tình cảm của nhà thơ còn được dành cho những con người. Ai cũng hiểu đó là những người bạn chiến đấu mà Bác đã xa cách suốt mười bốn tháng đoạ đày, mười bốn trăng tê tái. Với nỗi đau tột cùng đủ để cho khoảng thời gian ấy trở nên xa xôi, nhà thơ đã gọi những người bạn mình là những “cố nhân”. Câu thơ nói lên một nỗi niềm trung trinh của Bác và hai thứ tình cảm lớn lao nhất mà Bác Hồ đã theo đuổi trong suốt cả cuộc đời mình : tình yêu Tổ Quốc và tình yêu Cách Mạng, mà hiện thân là những người đồng chí.
Tình cảm rất hiện đại ấy lại được nhà thơ biểu hiện trong một phong cách thơ cổ điển bởi những câu thơ cứ man mác gợi ra một vẻ đẹp thật xa xăm, được làm nên từ trăm ngàn năm trước. Nhà thơ và nhà học giả Trung Quốc Quách Mạc Nhược đã rất có lý khi nhận ra trong bài thơ một tứ thơ rất đẹp chắt lọc trong những tứ thơ xưa : “đăng cao ức hữu” ( lên cao nhớ bạn ). Và cả ngôn từ của những dòng thơ, nhất là câu thơ thứ bốn, cũng không khỏi làm cho người đọc thơ gợi nhớ đến những câu thơ Đường, thơ Tống từ một thuở rất xa xưa:
Vọng mĩ nhân hề thiên
( Tô Đông Pha )
Đấy cũng là lý do mà một bài thơ ngắn nhưng gợi ra nhiều mêng mang liên tưởng, không chỉ là không gian nghệ thuật với : trùng sơn, Tây Phong lĩnh, hình ảnh bầu trời, cái nhìn xa xăm gợi lên từ cụm từ “dao vọng” mà còn từ hương vị thời gian, từ sự liên tưởng đến những vẻ đẹp đã trở thành vĩnh cửu, vĩnh hằng từ những dòng thơ tuyệt vời được tạo ra cách đó hàng thiên niên kỉ. Và như thế, bài thơ còn được nhớ mãi như là một sự kết hợp tuyệt vời giữa cổ điển và hiện đại, giữa truyền thống xa xưa và những cách tân mới mẻ.
Nhưng bài thơ sẽ đẹp hơn nhiều, ý nghĩa hơn nhiều nếu chúng ta biết liên hệ những câu thơ với hoàn cảnh mà nó được sáng
tạo ra và mục đích mà nhà thơ mong đạt tới. Như đã nói ở trên, “Mới ra tù tập leo núi” được viết ra trước hết để nhắn tin, và điều được nhắn không chỉ là Bác Hồ còn sống và đang rèn luyện sức khoẻ để trở lại hoạt động. Bài thơ còn là sự giãi bày một tấm lòng trung trinh, trong sáng không một vết gợn. Đây cũng là một lý do, một lý do chủ yếu để Bác dùng hai chữ “giang tâm”, không phải dòng sông mà là lòng sông. Nghìn năm trước đó, Vương Xương Linh cũng đã từng viết một câu thơ rất đẹp:
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ
Câu thơ làm nên hình ảnh mảnh lòng băng trong bình ngọc đẹp tuyệt vời. Nhưng trong “Mới ra tù tập leo núi”, Bác Hồ không chỉ là một “mảnh lòng băng trong bình ngọc” mà là cả một lòng sông như một gương sáng đang giãi bày sự trong trắng giữa đất trời bao la. Đó là một vẻ đẹp mà chúng ta không được phép quên lãng khi đọc bài thơ.
Cũng không nên quên rằng bài thơ chỉ có tên là “đăng sơn” như chúng ta thường gặp trong thơ Bác mà ở đây, trước hai chữ
“đăng sơn” còn là chữ “học”. Bác đang học bằng đôi chân mà cách đấy không lâu còn đang “mềm như bông” và không thể đi lại được ngay cả trong không gian chật chội nơi tù đày. Vì thế, việc có thể lên được đỉnh Tây Phong chót vót lẫn với mây trời là công việc phải đánh đổi bằng không biết bao nhiêu khó nhọc và đau đớn, cũng là công việc xứng đáng được coi là chiến công. Nhưng điều rất đáng ngạc nhiên là trong bài thơ không hề có một chữ nào kể về sự nhọc nhằn, khổ sở, đớn đau, và cũng không hề có một chữ nào bộc lộ sự tự hào, kiêu hãnh của một người chiến thắng. Và như thế, Bác Hồ đã không coi là đáng kể những cái mà nguời thường coi là vĩ đại, rộng lớn. Hoá ra những khó nhọc ghê gớm kia vẫn không là gì so với sức mạnh tinh thần lớn lao của Bác. Hiểu theo hướng ấy thì “Mới ra tù tập leo núi” chính là biểu hiện của một sức mạnh tinh thần, một chất thép vô song chỉ riêng có ở Bác Hồ, bởi được biểu hiện dưới dạng thức của cái “không” tức là đã nói lên rất nhiều cái “có”.
Soạn bài Mới ra tù tập leo núi-Hồ Chí Minh