Soạn bài ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình
I. Đọc – hiểu văn bản
Câu 1. Muốn xác định chủ đề của từng loại bài ca dao ta phải căn cứ vào:
- Nội dung tình cảm của từng bài.
- Những từ ngữ cụ thể: cách xưng hô, cách gọi.
Bài một:
- Lời của mẹ nói với con qua lời hát ru.
- Dấu hiệu ngôn ngữ: “con ơi”.
Bài hai:
- Lời người con gái lấy chồng xa gợi niềm thương nhớ tới mẹ và quê nhà.
- Dấu hiệu ngôn ngữ: “trông về quê mẹ”.
Bài ba:
- Lời của cháu nhớ tới ông bà đã qua đời.
- Dấu hiệu ngôn ngữ: “Nhớ ông bà bấy nhiêu”.
Bài bốn:
- Lời của anh em ruột thị tâm sự bảo ban nhau, hoặc cũng có thể lời của ông bà, cha mẹ… răn dạy con cháu.
- Dấu hiệu ngôn ngữ: anh, em.
= > Người mẹ, người con gái, người cháu, người anh còn được gọi là nhân vật trữ tình của bài ca dao.
Câu 2.
a. Nội dung tình cảm mà bài ca dao muốn diễn đạt.
- Có lẽ đây là bài ca dao đã gảy đúng sợi dây tình cảm thiêng liêng nhất, tha thiết nhất trong trái tim mỗi người, tình cảm đối với cha mẹ.
- Nội dung của bài ca dao là lời nhắc nhở con cái về công lao trời biển của cha mẹ.
Là sự nhắn nhủ bổn phận và trách nhiệm làm con không bao giờ được quên công lao ấy.
b. Cái hay của bài thơ.
– Dùng biện pháp nghệ thuật so sánh ví von.
– Công cha được so sánh với núi “ngất trời”. Nghĩa mẹ được so sánh với nước “biển Đông”. Đây là lối ví von quen thuộc ta thường gặp trong ca dao.
- Núi và biển là những cái to lớn, mênh mông cao rộng, vĩnh hằng của thiên nhiên được đưa ra làm đối tượng để so sánh. Điều đó muốn nói rằng công cha nghĩa mẹ là vô cùng to lớn không thể nào kể hết được.
- Cha uy nghiêm, vững chãi được so sánh với núi. Mẹ dịu dàng, bao dung được so sánh với biển. Cách so sánh đầy thú vị phù hợp với tính cách của mỗi người.
– Biện pháp đối xứng: làm khắc sâu thêm ấn tượng công cha đối xứng với nghĩa mẹ, núi đối xứng với biển.
– Từ “công” là nghĩa trừu tượng, tác giả đã cụ thể hóa thành “cù lao chín chữ” để bất kì ai cũng có thể nhìn thấy được một cách rõ ràng.
– Thể thơ lục bát mền mại và sự ngọt ngào của điệu hát ru đã làm cho bài ca dao giống như lời thủ thỉ tâm tình sâu lắng:
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn.
c. Những câu ca dao nói đến công cha nghĩa mẹ.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày, thức đủ năm canh…”
Câu 3. Đây là bài ca dao thể hiện nỗi buồn da diết và một cảnh tình đầy thương cảm của người con gái đi lấy chồng xa quê. Tâm trạng đó được biểu hiện qua những hình thức nghệ thuật sau:
– Thời gian: mỗi chiều, lúc mà công việc cơm nước xong xuôi, người phữ mới có những giây phút suy tư của riêng mình.
+ Chiều chiều: từ láy vừa gợi buồn vừa diễn tả sự lặp đi lặp lại của thời gian có nghĩa là chiều nào cũng như thế.
+ Đây là thời gian nghệ thuật quen thuộc phổ biến trong ca dao xưa: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều”, “Chiều chiều xách giỏ hái rau”…
– Không gian: Nơi ngõ sau chứ không phải ngõ trước người vào kẻ ra. Ngõ sau vắng lặng, đồng ruộng mênh mông quê mẹ khuất bóng ở chân trời xa, gợi lên sự cô đơn về thân phận.
– Hành động: “Đứng” chứ không phải ngồi, hay đang làm việc. “Đứng như tạc tượng vào không gian”, đứng biểu hiện sự hướng vọng khắc khoải.
– Nỗi niềm: “Ruột rau chín chiều” chất chứa bao nỗi niềm tâm sự không chỉ là nhớ mẹ, nhớ quê nỗi nhớ đó còn chen cả niềm cay đắng: cay đắng về cuộc đời cực nhọc, cay đắng về thân phận làm dâu côi cút ở nhà chồng, cay đắng vì cha mẹ già nua đau yếu có ai chăm sóc?
– Trong ca dao xưa có rất nhiều câu tương tự như thế.
Câu 4. Nỗi niềm nhớ thương và tôn kính với ông bà được thể hiện:
– Hành động: “Ngó lên” thể hiện sự thành kính tôn trọng.
– Sự vật so sánh: “nuột lạt mái nhà” – hình ảnh rất đỗi bình thường gắn bó thân thương.
Gợi nhắc đến công lao của ông bà ngày xưa đã xây dựng lên ngôi nhà, bàn tay ông bà đã buộc từng nuột lạt ấy. Nuột lạt ấy dường như còn hơi ấm của tay, của tình thương ông bà để lại.
– Lối so sánh: “Bao nhiêu… bấy nhiêu”.
- Cụ thể hóa nỗi nhớ.
- Nỗi nhớ trùng điệp nhiều vô kể, không thể nào kể xiết. Đây là lối so sánh mức độ, tương tự như câu ca dao:
“Qua cầu ngả nón trong cầu
Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấu nhiêu”.
Câu 5.
– Cách diễn tả:
- “Nào phải người xa”, sự nhắc nhở nhẹ nhàng, để người nghe giật mình suy ngẫm.
- Điệp từ cùng:
Cùng chung – bác mẹ
Cùng thân – một nhà
= > những cái thiêng liêng, quan trọng nhất của đời người.
– Cách so sánh: An hem như chân với tay – > so sánh cụ thể, gần gũi.
– > Chân, tay là những bộ phận của cơ thể con người gắn bó từng đường gân mạch máu, kết hợp với nhau trong mọi hành động không thể có cái này mà không có cái kia.
– Ý nghĩa bài ca dao: Nhắc nhở anh em đoàn phải kết yêu thương nhau, nương tựa nhau, để cha mẹ vui lòng. Và đây cũng là lẽ sống còn tay chân không thể thiếu nhau.
Câu 6. Bốn bài ca dao đều sử dụng những biện pháp nghệ thuật:
– Đều được làm bằng thể thơ lục bát.
– Sử dụng từ ngữ, hình ảnh quen thuộc như: núi, biển, nuột lạt, chân, tay.
– Âm điệu tâm tình ngọt ngào, tựa như lời nhắn nhủ.
II. Luyện tập
Câu 1. Tình cảm được diễn tả trong bốn bài ca dao là tình cảm gì? Em có nhận xét gì về những tình cảm đó?
- Bốn bài ca dao đều nói về tình cảm gia đình: đó là tình cha con, mẹ con, con cháu đối với ông bà, tình an hem một nhà gắn bó.
- Đó là những tình cảm ruột thịt thiêng liêng mà bất cứ con người nào cũng có và cũng cần phải bảo vệ.
= > Điều này có trong ghi nhớ, em hãy học thuộc.
Câu 2. Tham khảo các câu, bài ca dao:
“Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”
“Chiều chiều xách giỏ hái rau
Nhìn lên mả mẹ ruột đau như dần”
“Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mje, mẹ già yếu răng”
“Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”
“Bà con vì tổ vì tiên
Không phải vì tiền vì gạo”.