So sánh Những người khốn khổ và Ngọn cỏ gió đùa
Mời các em học sinh tham khảo thêm tài liệu:
I. Đặt vấn đề
Văn học Việt Nam trải qua các thời đại khác nhau của lịch sử dân tộc đã thể hiện sự trưởng thành và phát triển không ngừng qua những thành tựu to lớn đã đạt được.
Tuy nhiên mỗi một nền văn học vận động và phát triển không chỉ ở những tác động của bối cảnh lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội hay sự giao thoa giữa các trào lưu văn học trong nước mà còn ở việc giao lưu, tiếp thu văn học nước ngoài. Nếu như văn học trung đại Việt Nam tiếp thu nhiều thành tựu từ văn học Trung Quốc ở nhiều thể loại thì văn học hiện đại Việt Nam lại tiếp thu nhiều thành tựu của văn học phương Tây để làm mới nền văn học dân tộc và đáp ứng nhu cầu của thời đại.
Và vấn đề giao lưu của văn học Việt Nam với văn học phương Tây là vấn đề về nhiệm vụ hiện đại hóa nền văn học nước nhà đồng thời với yêu cầu giải phóng dân tộc, giải phóng con người trong suốt thế kỉ XX. Trước yêu cầu đặt ra, nhiều văn nghệ sĩ của Việt Nam đã tiếp thu văn học phương Tây nói chung và văn học Pháp nói riêng ở cả hai diện nội dung và hình thức. Và Hồ Biểu Chánh là một trong những nhà văn đã có công lớn trong việc góp phần đổi mới và làm giàu cho văn học Việt Nam qua việc tiếp thu những thành tựu của văn học Pháp, đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết. Ông đã góp phần hình thành tiểu thuyết Việt Nam trên chặng đường phôi thai bằng cách phóng tác các tác phẩm của văn học Pháp, phương Tây để thể hiện nội dung mới về đời sống xã hội Việt Nam trên con đường vận động và biến đổi.
Trong số những sáng tác có tiếp thu văn học phương Tây của Hồ Biểu Chánh, có sự gặp gỡ về tư tưởng giữa nhà văn với thiên tài tiểu thuyết Pháp Vichto Huygo. Điều đó thể hiện qua những giao điểm chung của hai tác phẩm “Những người khốn khổ” và “ Ngọn cỏ gió đùa” đã tạo ra sự đặc trưng riêng trong cách thể hiện của mình. Ông không “ chuyển dịch” tác phẩm của Vichto Huygo như bao tác giả khác đã làm mà biến nó thành cái riêng để thể hiện cuộc sống và con người vùng đất Nam Bộ. Và cái riêng ấy của Hồ Biểu Chánh sẽ được thể hiện rõ trong thế so sánh với Vichto Huygo ở chủ đề tư tưởng của hai tác phẩm “Những người khốn khổ” và “ Ngọn cỏ gió đùa”.
II. Giải quyết vấn đề
1. Sơ lược về hai tác giả:
Là nhà văn lãng mạn tiến bộ của Pháp, Hugo (1802-1885) xuất thân trong một gia đình quý tộc. Ông sống trong thời đạivcách mạng tư sản 1789 đã thành công nhưng thế lực tàn dư của chế độ phong kiến vẫn còn đè nặng. Vì thế bản than V. Huyo thời thơ ấu phải chịu những giằng xé do mâu thuẫn trong tư tưởng giữa cha và mẹ. Cha ông là một tướng lĩnh cách mạng nhưng mẹ ông lại là một người mang nặng tư tưởng bảo hoàng. Tuy nhiên nét nổi bật trong cuộc đời của V. Huygo là sự chuyển biến tư tưởng từ “ Bóng tối đến ánh sáng”. Cùng với các phong trào cách mạng diễn ra sôi động ở Pháp cuối thế kỉ XIX, V. Huygo đã nhận thức được ánh sáng cách mạng và từ bỏ tư tưởng bảo hoàng.
Là người có trí thông minh và năng khiếu đặc biệt, Huy go là thiên tài nở sớm và soi sáng của Pháp và thế giới. Những sáng tác của ông mang khuynh hướng lãng mạn độc đáo và cảm hứng nhân văn sâu sắc. Vì thế ông được xem là “hiện thân của chủ nghĩa lãng mạn” và là “ tiếng vọng âm vang của thời đại”. Huygo đã sáng tác và thành công trên rất nhiều thể loại do đó ông là nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch và nhà tiểu thuyết nổi tiếng của Pháp và thế giới.
Nếu như V. Huygo đại diện cho thành tựu, niềm tự hào của văn học Pháp thì Hồ Biểu Chánh là hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam. Hồ Biểu Chánh (1884- 1958), tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên. Ông là nhà văn tiên phong của văn học miền Nam Việt Nam đầu thế kỉ XX, xuất thân trong một gia đình nông dân, từng học chữ Nho và chữ quốc ngữ. Là người có học thức uyên bác, từng giữ chức chủ quận ở nhiều nơi, nổi tiếng thanh liêm, yêu dân và đồng cảm với những người nghèo khổ. Sau này khi về hưu, ông được Pháp mời làm cố vấn với danh hiệu là Nghị Viện hội đồng liên bang Đông Dương và Phó đốc lí thành phó Sài Gòn, đồng thời làm giám đốc cho những tờ báo tuyên truyền chủ nghĩa Pháp- Việt… Ông đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại với số lượng hơn 100 tác phẩm bao gồm các thể loại: tiểu thuyết, nghiên cứu, phê bình văn học…
Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thuộc thời kì đầu của văn học chữ Quốc ngữ. Tiểu thuyết của ông thường có cốt truyện đơn giản, triết lí chủ đạo là cái thiện thắng cái ác, ở hiền gặp lành, giọng văn mang đậm chất Nam Bộ. Trong sáng tác của Hồ Biểu Chánh, đáng chú ý là các tiểu thuyết được phóng tác từ văn học Pháp,tiêu biểu là “ Ngọn cỏ gió đùa”. Cùng với sở trường là thể loại văn xuôi tự sự mang đề tài chủ yếu là cuộc sống Nam Bộ từ nông thôn đến thành thị đầu thế kỉ XX với sự hỗn loạn của xã hội do cuộc xung đột giữa cái mới và cái cũ. Cách diễn đạt của ông cũng rất Nam Bộ với sự bình dị, dễ hiểu và ngôn ngữ rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Vì vậy, tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đã đi sâu vào lòng người đọc không chỉ ở giá trị nội dung của nó mà còn ở giọng văn, phong cách rất đỗi bình dị của ông.
2. Sơ lược về hai tác phẩm:
“ Những người khốn khổ” ra đời trong bối cảnh xã hội đầy biến động của nước Pháp thế kỉ XIX, một thế kỉ đầy bão táp cách mạng. Tác phẩm tái hiện bức tranh đời sống đô thị thời kì đầu tư bản công nghiệp. Tệ đoan xã hội trầm trọng là tình cảm vô sản của những người nghèo mới trong xã hội công nghiệp. Không phải chỉ người lớn mới là nạn nhân của chế độ xã hội mà trẻ con,nhất là trẻ không cha không mẹ lang thang vỉa hè, đường phố. Tiểu thuyết cũng phơi bày một thời đại lịch sử của Pháp. Đó là thời đại cách mạng dân chủ dân quyền, rất nhiều xáo trộn, tranh chấp chính trị, đặc biệt giữa phái cộng hòa và phe bảo thủ, bảo hoàng… Và cao điểm của thời kì này là sợi dây liên kết cuộc đời giữa các nhân vật trong tác phẩm.
Trước tình cảnh con người bị vùi dập, xô đẩy vào bóng tối, V. Huygo đã viết nên tiểu thuyết “ Những người khốn khổ” để lên tiếng ủng hộ cho công lí và phẩm giá con người. Tác phẩm được viết 1845 và đến năm 1862 mới cho xuất bản. “ Những người khốn khổ” đã ghi lại hiện thực xã hội Pháp vào khoảng năm 1830, phản ánh xã hội tàn bạo, đen tối qua việc khắc họa những nhân vật phản diện như: Gia- ve, Tê-nac- đi- ê…Tác phẩm khắc họa đậm nét tình trạng cùng khổ của người dân lao động với hoàn cảnh thương tâm của một người khổ sai, một người mẹ mất con, một đứa trẻ ở đợ cho nhà giàu. Tuy nhiên tác phẩm không mang màu đen của lớp mây mù che phủ tất cả mà còn lại ánh sáng rạng rỡ với những con người hiện lên chói ngời lí tưởng cách mạng. Và ánh sáng đó còn là ánh sáng sống dậy của Paris trong những ngày cách mạng 1832.
Cũng mang cảm hứng nhân văn nhưng tác phẩm “Ngọn cỏ gió đùa” của Hồ Biểu Chánh lại ra đời trong một bối cảnh khác. Đó là bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XIX thời vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức. Trong bối cảnh đó, những mâu thuẫn nội bộ trong tầng lớp quan lại về lí tưởng trung quân lại nổi lên. Trong tác phẩm, cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tiêu biểu cho lí tưởng trung quân tức là chỉ trung khi vua biết trọng nghĩa của bầy tôi. Cuộc khởi nghĩa không chỉ khẳng định cái lí của người dân biết trọng chữ nghĩa mà nó còn là sợi dây liên kết cuộc đời của các nhân vật chính trong truyện. Đó là cuộc khởi nghĩa nổi dậy được Hồ Biểu Chánh ủng hộ đề cao.
Nhà văn Hồ Biểu Chánh viết “ Ngọn cỏ gió đùa” dựa trên cốt truyện “Những người khốn khổ” của V. Huygo nhưng cả câu chuyện từ khung cảnh lịch sử cho đến tâm lí nhân vật, tư tưởng của nhà văn đều mang những nét rất riêng của Việt Nam. Tác giả đã dành năm năm để dựng “ Ngọn cỏ gió đùa” để đến năm 1926 mới hoàn thành, tác phẩm được đánh giá cao và đồ sộ nhất đương thời.
Nếu như “ Những người khốn khổ” mang bức tranh đời sống thành thị thì “Ngọn cỏ gió đùa” phác họa bức tranh đời sống nông thôn của xã hội Việt Nam cũ trước thời kì Pháp thuộc. Và tiêu biểu trong bức tranh đó là Lê Văn Đó- một nông dân nghèo với không ít những thăng trầm, chông gai của cuộc đời nhưng vẫn chói ngời một nhân cách cao đẹp, trái tim chan chứa yêu thương.
III. So sánh tiểu thuyết “ Những người khốn khổ” của V. Huygo và “ Ngọn cỏ gió đùa” của Hồ Biểu Chánh về mặt chủ đề tư tưởng.
1. Về tư tưởng tôn giáo
Vùng đất phương Tây, văn hóa phương Tây ở lĩnh vực tôn giáo mang nét đặc thù về Thiên Chúa giáo. Và “ Những người khốn khổ” ra đời như là một bản anh hùng ca về đạo nhân của Thiên Chúa giáo, đặc biệt là Ki tô giáo. Tác giả thể hiện điều đó gần như trọn vẹn thông qua hình ảnh, cuộc đời của giám mục Myrien. Và nhà văn đã dành trọn cả một quyển ( quyển 1) để ca tụng đạo đức sáng ngời của vị đức giám mục này. Hình ảnh đức độ của giám mục Myrien được thể hiện tập trung nhất và rõ nhất qua cách đối xử của ông với Giăng Van- giăng. Khi Giăng Van- giăng xuất hiện với bộ dạng “xốc xếch”, tất cả mọi người nơi thành phố D đều miệt thị, xem thường không thèm tiếp đón mặc dù ông vẫn có tiền để thuê chỗ trọ, ăn ngủ của mình. Ông chủ quán trọ mang bảng hiệu Croix- de- colbas “ ngạo nghễ nhìn ông với vẻ dè chừng”, hỏi chuyện với “ giọng xấc xược”, “ gay gắt”. Rồi Giăng Van- giăng còn trở thành tâm điểm chú ý của “ tất cả những người khách trong quán và tất cả những người đi đường”,với “ những cái nhìn dè chừng và sợ sệt” như ông đã cảm nhận được. Thế nhưng giám mục Myrien lại khác. Đối lập hoàn toàn với cách đối xử lạnh nhạt của những người trong thành phố, Myrien đã đón tiếp Giăng Van- giăng với tất cả tấm lòng cảm phục và sự ân cần. Sự đức độ của đức giám mục Myrien thể hiện qua giọng nói “ dịu dàng và trầm trọng”, qua cái nhìn “ đăm đăm bằng đôi mắt lặng lẽ”. Myrien vẫn ân cần nhẹ nhàng bảo người chuẩn bị chỗ ngủ và bàn ăn chu đáo cho Giăng Van- giăng mặc cho Giăng Van- giăng luôn miệng trình bày không giấu diếm thân phận thật của mình: “ Ông hãy xem đây, những gì người ta ghi lên giấy thông hành của tôi, để tôi đọc cho ông nghe bởi tôi biết đọc mà, tôi đã học trong tù”. Thế là Giăng Van- giăng đọc: “Giăng Van- giăng, tù khổ sai, được trả tự do,, sinh trưởng tại Pon- ta- lier, đã ở trong nhà tù mười chín năm. Năm năm về tội phá hoại. Mười bốn năm về tội toan vượt ngục bốn lần. Con người này rất nguy hiểm”.
“ Bà Mag- loi- re”, vị giáo sĩ nói, vẫn giọng dịu dàng, “ Bà hãy trải những tấm ra trắng lên chiếc giường trong buồng. Đoạn quay sang người đàn ông. Mời ông ngồi và sưởi ấm trong chốc lát chúng ta sẽ ăn bữa khuya. Trong lúc đó người làm giường cho ông”. Không chỉ vậy, Myrien còn đối xử nhẹ nhàng với ông ngay cả khi Giăng Van- giăng ăn cắp “ mớ chén dĩa bằng bạc”. Vị linh mục chẳng những không bắt tội mà còn cứu thoát ông khỏi vòng pháp luật bằng cách xác minh đó là vật ông đã tặng cho Giăng Van- giăng chứ không phải là đồ ăn cắp.
Như vậy, bằng tất cả tấm lòng yêu thương con người, Myriel đã cảm hóa được Giăng Van- giăng trở thành một con người lương thiện. Từ đó ta thấy được dụng ý của nhà văn V. Huygo khi xây dựng nhân vật Myriel để khẳng định sức mạnh của tình yêu thương.
Trở lại với văn hóa Việt Nam, sự du nhập của nhiều tôn giáo khác nhau vào đất nước đã không tạo ra sự xung đột mà đã kết tinh những giá trị lớn lao trong việc tiếp thu có chọn lọc của người Việt Nam. Trong số những tôn giáo đó, Phật giáo và Nho giáo là một minh chứng. Và trong tác phẩm “Ngọn cỏ gió đùa” nhà văn Hồ Biểu Chánh đã đề cập đến tư tưởng của hai tôn giáo này để làm nổi bật lên giá trị tư tưởng của tác phẩm qua sự thể hiện của nhân vật. Nếu như “Những người khốn khổ” tư tưởng Thiên chúa giáo thể hiện qua giám mục Myriel thì “Ngọn cỏ gió đùa” tư tưởng Phật giáo được thể hiện qua hòa thượng Chánh Tâm. Chánh Tâm mang tư tưởng triết lí của nhà Phật, một bậc tu hành đó là từ bi hỷ xả. Trước thái độ “nginh ngang” của Lê Văn Đó, hòa thượng không nổi giận mà nhẹ nhàng nói với Lê văn Đó rằng: “Phật không phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ lành người dữ. Phật thì tế độ chúng sanh. Bần-đạo đã có dạy dọn cơm rồi. Vậy chú em nằm mà chờ một chút, rồi tăng chúng sẽ dọn cho mà ăn”. Hòa thượng Chánh Tâm bằng tư tưởng đó đã không ngại tiếp đón Lê Văn Đó, một tên vừa mới ra tù. Rồi cũng giống như Giăng Van- giăng, Lê Văn Đó ăn cắp bộ chén trà và bình tích mà vẫn được hòa thượng cứu thoát. Đồng thời, những hành động, nghĩa cử của hòa thượng đối với Lê Văn Đó, những lời hòa thượng dạy dỗ hai sa di Thiện thanh và Giác thế đã cho thấy được sự thể hiện rõ nét tư tưởng từ bi bác ái, độ lượng của nhà Phật: “Cửa Phật phải mở ộng cho mọi người, dầu người hung dữ đến đây cũng phải chứa, chẳng luận là kẻ đói lạnh. Ðạo chẳng nên nghi quấy cho người ta mà tổn công đức”. Và đây chính là ý đồ xây dựng của Hồ Biểu Chánh. Nhà văn mượn triết lí Phật giáo để thể hiện ước muốn cải tạo xã hội bằng con đường tinh thần, thức tỉnh con người bằng tình thương, sự độ lượng đó mới là sức mạnh to lớn.
Không dừng lại ở đó, tác phẩm còn thể hiện giá trị của tư tưởng tôn giáo qua những tư tưởng Nho giáo. Những giáo lí cơ bản của Khổng Mạnh được Hồ Biểu Chánh đưa vào thể hiện nhân vật của mình. Đó là sự thể hiện đạo hiếu trong nhân vật Ánh Nguyệt và đặc biệt là nét đẹp trong tiết hạnh của người phụ nữ phương Đông. Hay những quan điểm, tư tưởng rõ ràng của những bậc quân tử như Thể Phụng, một người trai trẻ nhưng đầy nghĩa khí, đầy lí tưởng cao đẹp. Ở chàng thể hiện chữ hiếu rất rõ. Thể Phụng phẫn nộ, uất ức vì ông ngoại đã đối xử bạc với cha mẹ chàng, chia cắt tình phụ tử khiến chàng cứ tưởng cha mình đã chết. Thế nhưng, Thể Phụng vẫn giữ được chữ “ lễ ” của một con người là phận con cháu, không giám cãi lời ông ngoại.
Như vậy, cả V. Huygo và Hồ Biểu Chánh đều mang tư tưởng tôn giáo vào tác phẩm để gửi gắm những thông điệp đến người đọc. Thế nhưng, mỗi nhà văn lại có cách thể hiện riêng theo những nét đặc thù của mỗi nền văn hóa. Từ đó, ta thấy Hồ Biểu Chánh đã xây dựng nên những hình tượng kì vĩ của con người nổi bật với tư tưởng của thời đại Việt Nam.
2. Về tư tưởng nhân văn
2.1 Ngợi ca lí tưởng của con người thời đại
Nếu như trong “ Những người khốn khổ”, V. Huygo ca ngợi những con người mang lí tưởng cao đẹp của thời đại cách mạng dân chủ nhân quyền thì trong “ Ngọn cỏ gió đùa”, Hồ Biểu Chánh cũng ca ngợi lí tưởng của con người thời đại khởi nghĩa nông dân chống phong kiến. Với “ Những người khốn khổ ”, V. Huygo đã trình bày sự đối lập giữa hai ý thức hệ quân chủ và bảo hoàng trên cơ sở những tranh luận, mâu thuẫn ngay trong nội bộ gia đình giữa ông ngoại Gileonomand, một đại trưởng giả đại diện cho tư tưởng bảo hoàng và người cháu ngoại Marius trung thành với lí tưởng cộng hòa của cha mình là đại tá Ponmercy. Marius cùng những người bạn của mình sẵn sàng ra chiến lũy, chấp nhận nguy hiểm để chiến đấu cho lí tưởng cao cả của thời đại. Marius vì theo đuổi lí tưởng đó và quan điểm tự do của mình mà bị gia đình xa lánh. Hình ảnh Marius sáng ngời trên chiến lũy cùng những người bạn cùng là sinh viên với mình. Không chỉ vậy, nổi bật lên lí tưởng cao đẹp ấy chứa đựng cả sự hi sinh vì tình yêu thương. Đó là sự hi sinh của Eponinh con giá của Tenacdie. Vì yêu thầm Marius, vì sức mạnh của tình yêu khiến cô dũng cảm đúng vào hàng ngũ khởi nghĩa trước hết là bảo vệ cho Marius và để chiến đấu cho lí tưởng mà Marius đã theo đuổi. Và cũng vì những lẽ đó, cô gái Eponine đã chết hạnh phúc trên tay Marius sau khi hứng viên đạn thay cho anh. Ta thấy nhà văn không chỉ ngợi ca, khẳng định lí tưởng của người trai trẻ Marius mà còn cho thấy được sự dũng cảm, ý chí và cả tình yêu thương sẵn sàng chết vì đồng đội, vì chính nghĩa của thế hệ sinh viên tiến bộ của xã hội Pháp thời bấy giờ.
Hồ Biểu Chánh trong “ Ngọn cỏ gió đùa” cũng ca ngợi lí tưởng của thời đại nhưng đây là lí tưởng của người tráng sĩ trong việc bảo vệ khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, trung quân theo nghĩa trọng nghĩa tôi, không ngần ngại nổi dậy chống khi vua làm mất nghĩa của bầy tôi. Vì lẽ đó, Hồ Biểu Chánh tập trung ca ngợi Thế Hùng nhiều hơn với những tranh luận về ý thức hệ chính trị xảy ra giữa ông ngoại và con rể, khác với “ Những người khốn khổ” tranh luận giữa ông và cháu. Trong “ Ngọn cỏ gió đùa” Thế Hùng cũng là một lãnh tụ chủ chốt trong cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi. Sau cùng bị thua, đành cam phận với cuộc đời ẩn dật để được trung thành với lí tưởng đã chọn, dù phải trả một cái giá rất đắt là không được sống gần con trai của mình. Bởi lẽ, ông ngoại của Thể Phụng vì không đồng tình với tư tưởng của Thế Hùng nên đã ra một điều kiện nếu như việc không thành thì Đàm Tử Chấn sẽ nuôi cháu, buộc Thế Hùng phải chấp nhận sống xa con. Vì thế lí tưởng của Thế Hùng đã khiến anh phải sống đau đớn vì có con mà không được gần con, đến khi chết vẫn không được trông thấy nó. Thế nhưng với nỗi đau mà Thế Hùng phải chịu đựng, sự cam chịu những đối xử gay gắt của bố vợ, Hồ Biểu Chánh đã khẳng định khí tiết, lòng trọng nghĩa khinh tài của nhân vật này.
Đến đây, một lần nữa ta thấy sự gặp nhau trong tư tưởng của hai nhà văn. Thế nhưng, qua cách thể hiện khác nhau, Hồ Biểu Chánh đã thể hiện được tài năng độc đáo của mình trong việc khắc họa bức tranh xã hội Việt Nam. Vẫn là việc đề cập đến chi tiết mâu thuẫn trong ý thức hệ nhưng Hồ Biểu Chánh không theo nguyên mẫu của V.Huygo nói mâu thuẫn giữa hai ông cháu mà nói nhiều về mâu thuẫn giữa bố vợ và con rể. Một điều dễ hiểu ở đây đó chính là mục đích thể hiện của Hồ Biểu Chánh, vì nhà văn muốn đề cao lí tưởng của người tráng sĩ mà Thế Hùng là nhân vật thể hiện tập trung nhất.
2.2 Ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người.
V.Huygo đã dành những trang viết của mình ca ngợi vẻ đẹp trong nhân cách của một anh thợ xén cây Giăng- van giăng nghèo khổ . Trong khi đó Hồ Biểu Chánh dùng trang văn của mình ca ngợi phẩm chất cao đẹp của Lê Văn Đó, một anh nông dân nghèo đói. Hai nhân vật tuy có số phận giống nhau đều mang số phận nghèo khổ, bị coi khinh, miệt thị vì án tù đày nhưng mỗi nhân vật lại là một điển hình cho những người khốn cùng của hai xã hội khác nhau.
Và nổi bật nhất trong nhân cách của hai nhân vật này đó là tình yêu thương đối với người khác trong cuộc sống vì người khác hơn là vì bản thân mình. Giăng Van- giăng vì thương đàn cháu đói khát mà trở thành tên tù khổ sai. Anh bị kết án khổ sai và chỉ được thả sau 19 năm năm ngồi tù nhưng phải mang giấy thông hành màu vàng của người đã từng có tiền án. Rồi khỏi nhà tù. Giăng Van- giăng mang tâm trạng hằn học, căm thù: “ Trước thì ngớ ngẩn, sau thì thành độc ác, xưa chỉ là cành củi khô, sau thì thành khúc gỗ cháy ”,“ Lúc vào tù anh run sợ, khóc lóc, đến khi ra thành người thản nhiên, trơ như đá. Lúc vào lòng anh đau khổ, tuyệt vọng, bây giờ trở ra lòng anh đen tối, hung dữ ”. Chỉ muốn trả thù cuộc đời và những bất công mà anh đã gánh chịu một cách vô lí. Sự thay đổi trong con người Giăng Van- giăng lúc ra tù chung quy chỉ vì muốn trả thù, muốn dành lại công lí cho mọi người chứ không riêng bản thân mình. Với Giăng Van- giăng, bước ngoặc quan trọng nhất đồng thời là cái duyên lớn nhất trong cuộc đời của anh đó chính là được gặp và được sự cảm hóa của đức giám mục Myriel. Giám mục đã trân trọng lấy anh và tiếp thêm sức mạnh cho anh để anh có thể chiến đấu dành lại công lí và cuộc sống tốt hơn cho những người khôn khổ. Nhờ Myriel mà anh không còn chiến đấu lòng căm thù sôi sục nữa mà chiến đấu bằng cả trái tim nhân ái và tấm lòng yêu thương bao la của mình. Khi trở thành một thị trưởng giàu có,Giăng van giăng không đè nén, không áp bức một một ai mà chỉ tìm cách cứu giúp những người khốn khổ, đem lại công việc làm cho nhà người dân trong vùng. Ông chỉ chăm lo cho đời sống của họ bằng cách quyên tiền cho nhà thương thêm giường bệnh, xây dựng trường học mới. Vì thế khắp vùng “ không còn cảnh thất nghiệp, nghèo đói nữa. Không có cái túi áo xấu xí nào là không xủng xoảng ít tiền, không có nhà tranh tồi tàn nào không có tiếng cười vui.
Không chỉ vậy, Giăng Van- giăng vượt lên trên mọi nguy hiểm không chỉ để tự cứu thoát mình mà còn để thực hiện lời hứa với người đã khuất, để cứu vớt một kẻ vô tội bị hàm oan, để mang đến hạnh phúc cho Codet. Chính vì luôn nghĩ vì người khác, Giăng Van- giăng phải luôn dằn vặt đấu tranh nội tâm giữa việc đầu thú hay không đầu thú. Và điều đó không vì an nguy của cảm nghĩ, giằng xé trong một đêm mà đầu đã bạc trắng với chân lí: “ cái lối để mặc cho số phận và người đời nhầm lẫn, không ngăn cản nó lại, yên lặng để phụ họa với nó, không làm gì cả, tức là mình đã làm tất cả đấy ! Đó là một việc gian sảo đê mạt nhất ! Đó là một tội ác khốn nạn, hèn hạ, hiểm độc, đáng khinh, đáng tởm !”
Rồi Giăng Van- giăng chấp nhận kiếp độc thân để cưu mang, nuôi nấng Codet, và vun đắp hạnh phúc cho Codet với Marius. Ông đã vượt qua sự ích kỉ của lòng mình cứu lấy Marius bị thương trên chiến lũy. Tất cả đã cho thấy, Giăng Van- giăng hiện ra như một vị cứu tinh, một đấng cứu thế với “ đạo đức phi thường, cao cao cả mà hiền từ, mênh mông mà khiêm tốn” và cả với những hi sinh “quên mình với những nổi đau khổ rất trần thế ”.
Với “ Ngọn cỏ gió đùa”, Hồ Biểu Chánh xây dựng Lê Văn Đó tương tự như Giăng Van- giăng. Con đường Lê Văn Đó hoàn thiện mình cũng giống như Giăng Van- giăng. Sau khi ra tù nhờ nghĩa cử của hòa thượng Chánh Tâm. Lê Văn Đó dùng năm nén bạc để lập thân, đổi tên mình thành Trần Chánh Tâm, phá rừng làm ruộng, thành một điền chủ giàu có có nhân nghĩa, thương xót giúp đỡ mọi người, lập nhà tế bần, dưỡng lão, viện mồ côi… Gặp khi có loạn Lê Văn Khôi, Chánh Tâm, vì có công nuôi lính nhà vua trong ba năm, để bao vây thành Gia Định. Dẹp xong loạn, Chánh Tâm tiếp tục đoạn đời sống từ bi hỷ xả lấy của giúp người. Nhưng rồi lại chỉ vì thương người, nghĩ cho người khác ông đã từ bỏ tất cả những gì mình đang có thể thú nhận mình Lê Văn Đó cứu Nguyễn Tư Vành đang bị tình nghi là mình. Lê Văn Đó một lần nữa phải mất hết của cải và lại phải lâm cảnh tù tội như xưa, lưu đài biệt xứ. Lê Văn Đó không chịu cam tâm tù tội suốt đời, ông đã tìm cách vượt ngục trở về, vì ông phải thực hiện một lời hứa danh dự và lương tâm với Lý Ánh Nguyệt. Lời hứa cứu với và nuôi dưỡng đứa con gái tội nghiệp của Ánh Nguyệt là Từ Thu Vân. Nhận Thu Vân làm cháu, ông nuôi dưỡng và yêu thương Thu Vân hết mực, nhiều lần giúp đỡ và cứu sống Thể Phụng, tha chết cho Phạm Kỳ. Sự vị tha đó, được thể hiện qua những lời nói của Lê Văn Đó với Phạm Kỳ khi ông được giao nhiệm giết hắn: Phạm-Kỳ trợn mắt ngó ngay Lê-văn-Ðó rồi mặt biến sắc, chơn thối lui hai ba bước và nói rằng: “Lê-văn-Ðó!”
Lê-văn-Ðó gặt đầu và cười và nói rằng: “Phải. Ta đây. Mi tưởng ta chết rồi há? Té ra ta không chết, mà bây giờ mi phải chết. Mi coi đó thì biết Trời Phật hại kẻ làm quấy, chớ chẳng hề khi nào giết người làm phải bao giờ.”
Phạm-Kỳ cúi mặt xuống đất, không nói chi hết. Lê-văn-Ðó bước lại mở trói cho anh ta rồi nói rằng: “Tuy ta là quân trộm cướp, song ta có nhơn, chớ không phải độc ác như các quan của mi vậy đâu. Ta tha mi đa, mi muốn đi đâu thì đi đi.”
Cuối cùng ông chết trong đi thanh thản trong vòng tay thương yêu của những con người xa lạ mà ông thương mến: Thể Phụng, Thu Vân.
Nhìn chung Giăng Van- giăng và Lê Văn Đó được khắc họa có những nét giống nhau về những phẩm chất tốt đẹp. Qua những nghĩa cử, những việc làm vì người khác của hai nhân vật, ta thấy nổi lên những nét đẹp trong nhân cách. Đó là đức hy sinh, trái tim nhân ái, lòng vị tha độ lượng, giàu nghị lực.
Nếu như Giăng Van- giăng và Lê Văn Đó là hai nhân vật để hai tác giả gửi gắm lí tưởng tình thương hướng đến con người thì Phăng- tin và Lý Ánh Nguyệt là hai nhân vật mà tác giả khắc họa để thấy được vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ, một người mẹ. Và nếu như Giăng Van- giăng và Lê Văn Đó có những điểm chung trong con đường hoàn thiện nhân cách thì Phăng tin và Lý Ánh Nguyệt lại được khắc họa với những biểu hiện khác nhau. Phăng tin là nhân vật có số phận bất hạnh nhất. Nàng là cô gái không cha mẹ, sống cô độc không nơi nương tựa, đến tên họ cũng không có”. Nàng hứng một cái tên như người ta hứng một giọt mưa từ trên trời rơi xuống”. Nàng có vẻ đẹp tuyệt vời cả về ngoại hình lẫn tâm hồn với một hàm răng trắng đều và một mái tóc vàng “ óng ả như ánh mặt trời ”. Và V.Huygo đã miêu tả vẻ đẹp thánh thiện trong tâm hồn của nàng: “ tâm hồn còn thoang thoảng mùi hương trinh thục, đẹp như một bông hoa mọc lên từ trong quần chúng ”. Tuy không được ai nuôi dạy, nhưng Phăngtin lại biết sống rất đúng mực, không lả lơi ong bướm. Trong bốn cô gái chơi với nhau, chỉ mình Phăngtin là “gái ngoan” còn ba cô kia là “gái khôn”. Một vẻ đẹp đáng quý trong tâm hồn của Phăngtin là chị biết yêu hết mình và yêu chung thủy, nhưng đó cũng là bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời chị. Với yêu chân thật, chị đã trao tất cả những gì mình có cho Tôlômiét và có con với hắn. Nhưng tên sở khanh chỉ coi Phăng tin như một “thói quen phong nguyệt”, hắn ruồng bỏ chị, để mặc cho người mẹ trẻ phải đơn độc xoay sở với cuộc sống khắc nghiệt. Nỗi bất hạnh bị người yêu ruồng bỏ là mở màn cho một chuỗi đau khổ khác đến với số phận của Phăng tin.
Tuy số phận cay đắng và bị đày đọa, nhưng Phăngtin lại có một tinh thần chịu đựng, hi sinh và ban phát vô cùng cao cả giống như Đức Mẹ. Bao nhiêu tình yêu trong cuộc đời, Phăng tin dồn cả vào Cô dét, chị sẵn sàng hi sinh tất cả cho con mình. Để có tiền lo cho Cô dét, chị đã phải chấp nhận từ bỏ mọi thú vui khác, sống một cuộc sống kham khổ “Mùa đông Phăng tin tập bỏ hẳn lò sưởi. Phăng tin dứt được với con chim nuôi chơi… chị học cách lấy váy làm chăn và lấy chăn làm váy, cách ghé cửa sổ để ăn cơm dưới ánh đèn hàng xóm cho đỡ tốn nến nhà mình”. Chị phải làm việc cật lực, vắt kiệt sức lao động của mình, “cứ ngày ngủ năm giờ, còn thì ngồi mà khâu may” với cái giá mười hai xu một ngày chẳng thể đủ mà mua cơm ăn. Phăngtin chẳng hề nghĩ đến bản thân mà chỉ lo lắng cho con, mỗi lần vợ chồng Tênácđiê viện cớ đòi tiền nuôi Cô dét chị lại phải tất tả kiếm tiền bằng mọi cách gửi cho chúng. Vì con, chị chấp nhận bán răng, bán tóc là hai tài sản quý giá của mình, không có việc gì chị không dám làm để cho con được sung sướng. Cái quý giá nhất của người phụ nữ là nhân phẩm và danh dự thì Phăng tin cũng không ngần ngại bán đi, chấp nhận làm “gái điếm” để có tiền nuôi con. Khi còn hạnh phúc, sung sướng, nàng rất xinh đẹp với “vàng xếp trên mái tóc, ngọc giắt ở sau môi” nhưng một khi lâm vào bước đường cùng thì vẻ đẹp ấy không còn nữa. Lúc đó, nàng chỉ còn là một cô gái điếm đầu trọc lóc với “tiếng chửi rủa khàn khàn vì rượu văng ra từ một cái mồm đen ngòm thiếu hai cái răng”. Và một kết thúc tất yếu là Fantine phải chết, nàng đã quá kiệt sức vì nỗi đau khổ đè nặng cuộc đời mình, thêm vào đó là sự vất vả kiếm sống, bệnh tật liên miên. Cuộc đời đầy đau khổ của chị tạo nên một ám ảnh xoáy sâu trên từng trang giấy, những câu văn viết về chị như có máu chảy ở đầu ngọn bút khiến người đọc không khỏi rơi lệ. Trong con người Phăng tin mang hai vẻ đẹp lớn nhất là tình yêu thủy chung và tình mẫu tử thì đi liền với nó là hai nỗi bất hạnh: bị người tình phụ bạc và phải xa con, yêu con tha thiết nhưng cho đến chết cũng không được nhìn thấy mặt con.
Nhưng với Ánh Nguyệt thì lại khác, nàng xuất thân trong một gia đình Nho học, được dạy dỗ đàng hoàng, biết lễ nghi phép tắc. Đặc biệt là chữ “ trinh tiết” của người phụ nữ, Ánh Nguyệt là một người con rất hiếu thảo, lo tiền cho cha đi thi, rồi hay tin cha bệnh thì lập tức đi tìm, nhưng khi đến nơi thì cha đã qua đời lại bị vợ chồng Đỗ Cẩm đòi tiền, không tiền trả nàng bị giải lên quan. Tại đây quan Huyện chỉ lo tìm cách dụ dỗ con gái nhà lành, mưu toan chiếm đoạt Ánh Nguyệt, giữa lúc nàng đang rơi vào tình cảnh bế tắc.Nnhưng Ánh Nguyệt thì quyết giữ gìn tiết hạnh của mình. Để rồi cuối cùng nàng bị xử phải đi ở cố công cho vợ chồng Đỗ Cẩm để trả nợ. Thời gian ở nhà Đỗ Cẩm nàng gặp Từ Hải Yến- một kẻ đạo đức giả, nhiều lần gấp tâm muốn chiếm đoạt nàng. Và lại vì chữ Hiếu, đạo làm con nàng trì hoãn hôn nhân với Hải Yến khi chưa hết tang cha.
Cứ ngỡ là hạnh phúc đã đến với Ánh Nguyệt khi làm vợ Hải Yến. Chỉ sống được một năm khi Hải Yến thi đỗ cử nhân thì hắn quay lưng với Ánh Nguyệt, nói là về quê “vinh quy bái tổ” rồi trở lên rước nàng, nhưng thật chất hắn không có ý định như thế. Hắn đi để lại cho Ánh Nguyệt năm nén bạc, trong khi đó nàng đang mang thai ba tháng. Mòn mỏi chờ đợi, cuối cùng thì nàng biết được tin Hải Yến phụ bạc, thấy phận mình sao trớ trêu quá, muốn chết cho rồi, nhưng vì thương con mà cố gắng sống và nuôi dưỡng Thu Vân. Rồi lại vì hoàn cảnh mà phải gửi con cho vợ chồng Đỗ Cẩm. Hay Vì muốn có tiền chuột Thu Vân về, Ánh Nguyệt đi đờn cho Cậu Trinh-Tường nghe. “Cậu Trinh-Tường là bực giàu sang, con tuởng cậu biết lễ, chẳng dè con xuống ghe mà đờn cho cậu nghe, cậu cứ theo nắm áo con. Con khóc mà năn-nỉ hết lời, xin cậu đừng có làm nhơ danh tiết của con. Cậu đã chẳng nghe, mà cậu lại còn làm ngang quá nữa, cậu ôm con mà hun. Con hổ thẹn tức giận cùn trí, nên con chụp cây đờn mà đánh cậu. Cậu nổi giận cậu đánh đạp con rồi xô con xuống sông cái, may con biết lội, nên con lần lần thả trôi vô mé được, bằng không thì con đã chết rồi”. Ta thấy rằng dù trong cảnh nào Ánh Nguyệt cũng bảo vệ mình, không để tấm thân nhơ nhuốt. Vậy mà đến lúc cuối đời Ánh nguyệt cũng không gặp được đứa con mà nàng ngày đêm mong nhớ. Nổi bật trong con người Ánh Nguyệt là đạo Nho giáo, nó chi phối cả con người nàng từ việc làm đến suy nghĩ. Đây cũng là sự khác biệt giữa Ánh Nguyệt và Phăng tin hay giữa Huygo và Hồ Biểu Chánh.
Huy go xây dựng Mariuýt cũng là biểu tượng của cái đẹp. Đây là nhân vật duy nhất xuất thân từ tầng lớp quý tộc. Lớn lên trong sự giáo dục của ông ngoại Gilơlormăng vốn là người theo phe bảo hoàng và thù ghét Napôlêông, Mariuýt ban đầu không hề có cảm tình với cách mạng, anh thậm chí còn ghét bỏ cha mình. Nhưng sau khi chứng kiến sự ra đi của cha, nghe được những lời trăn trối của ông, Mariuýt dằn vặt nội tâm rất nhiều và chuyển hướng tư tưởng. Anh tìm đọc những sách báo viết vể cách mạng 1789, về Napôlêông và ngày càng trở nên đối lập với tư tưởng bảo hoàng của ông mình. Anh quyết định bỏ nhà ra đi tự kiếm sống, cương quyết không nhận một đồng từ ông ngoại. Việc Mariuýt bỏ đi không phải vì anh giận ông mà với phẩm chất tiến bộ, luôn vận động theo cái mới, anh không thể chấp nhận được những cái cũ kĩ, bảo thủ. Số phận định cho Mariuýt một cuộc sống sung túc nhưng nếu chấp nhận cuộc sống đó nghĩa là anh đã chết về tâm hồn và lí tưởng. Mariuýt đã sớm thức tỉnh và từ bỏ cuộc sống giàu sang, gắn số phận của mình với những người lao động. Biết chịu đựng gian khổ để thử thách, rèn luyện bản thân, vươn đến tầm cao mới, đó là phẩm chất tiến bộ của người thanh niên thế hệ mới. Mặc dù phải đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt “ngày không có cái ăn, đêm không nhắm mắt, tối không đèn không lò lửa, hàng tuần không có việc làm, tương lai không hi vọng”, phải hứng chịu “những hổ thẹn bất công, những tủi nhục thấm thía của nghèo khổ” nhưng Mariuýt không hề nhụt chí. Trái lại, anh biết lấy những khó khăn đó để tôi luyện cho mình, biến cảnh bần cùng từ ‘mẹ ghẻ” thành “mẹ thật”, lấy đau khổ để nuôi dưỡng tâm hồn. Đói khổ chính là chiến trường sản sinh người anh hùng Mariuýt. Nghị lực giúp anh không chùn bước, thà đói chứ anh nhất quyết không quay về sống với người ông bảo thủ. Mariuýt là người rất coi trọng nhân phẩm. Dù đói, dù nghèo anh vẫn cố giữ gìn nhân phẩm cho mình, “thà anh nhịn đói chứ không vay nợ”. Anh cho rằng “mang nợ là bắt đầu làm nô lệ”. Mariuýt lại hoàn toàn giữ được mình, “chân anh bước trong đau khổ, khó khăn; trên gạch đá, trên chông gai. Có khi trong bùn thối nhưng đầu anh vươn lên trong ánh sáng”.
Đại diện cho một thế hệ trẻ tiến bộ, Mariuýt là con người sống đầy nhiệt huyết, đam mê, cống hiến hết mình cho lí tưởng tuy có những lúc lí tưởng của anh còn rất mơ hồ, chưa rõ ràng. Những năm tháng sống ở Paris, Mariuýt thường xuyên gặp gỡ hội những người bạn trong nhóm ABC, nghe họ trò chuyện, thuyết trình để mở mang đầu óc. Anh biết đón nhận cái mới một cách nhanh nhạy để tự thay đổi bản thân. Ban đầu, anh cho rằng khởi nghĩa là một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn nên không muốn tham gia. Sau này, khi nghĩ về nhân loại, nghĩ đến những người bạn của mình, anh lại thấy đó là việc vẻ vang và tham gia nhiệt tình. Chính vì thế mà sau này, Mariuýt sẽ trở thành người bảo vệ cho luật pháp tư sản khi nó còn tiến bộ. và cũng chính là người mang lại hạnh phúc cho Codet.
Nhân vật Thể Phụng trong “Ngọn cỏ gió đùa” cũng mang dáng dấp như Mariut, là một thanh niên tiến bộ có lí tưởng. Tuy sống với ông ngoại Đàm Tự Chấn mang tư tưởng phong kiến, trung quân một cách cứng nhắc và phản đối việc nghĩa sĩ làm cách mạng trong cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi nhưng anh không hề tiêm nhiễm tư tưởng đó mà có nhận thức đúng dắn lí tưởng của thời đại. Ban đầu anh chưa biết việc làm vì nghĩa của cha, nhưng sau rành rõ mọi việc anh thương cha vô cùng. “Thể-Phụng biết được tâm chí của cha, hiểu được tâm sự của cha, thì kính phục hết sức, quyết ở luôn nơi đây mà nuôi dưỡng cha, không chịu trở về nhà ông ngoại nữa. Thể-Hùng khuyên giải con, biểu trở về, bởi vì nếu bạc ông ngoại, ông giận ông từ, thì ngày sau mất ăn gia tài. Thể-Phụng đáp rằng: “Cha tưởng gia tài đó quí cho bằng cha hay sao. Con không màng đâu. Thử đem 10 cái gia tài như vậy mà đổi cha, coi con có thèm hay không mà!”
… “ Thưa, cháu có lòng dạ nào mà hưởng gia tài đó. Cháu nghĩ cháu oán cái gia tài đó lắm, vì nó mà cha cháu phải chịu thương thầm thăm trộm cháu mười mấy năm nay, vì nó mà cháu chịu thất hiếu với cha, vì nó mà cha cháu chết không thấy mặt cháu được. Gia tài như vậy mà cháu hưởng sao đành!”
Thể phụng hiếu thảo như vậy mà khi cha chết anh không được gặp mặt cha lần cuối, anh đau khổ rất nhiều và xung đột với ông ngoại. Ông Đàm Tự Chấn tức giận đuổi Thể Phụng đi. “Ông Ðàm-tự-Chấn đã giận, mà thấy cháu vô lễ và nghịch ý, thì ông càng giận thêm nữa, nên ông giựt cây chổi để trên ván rồi rượt mà đập lên đầu Thể-Phụng và mắng rằng: “Ðồ phản nghịch, đồ ngụy Khôi đầu thai, mầy phải ra khỏi nhà tao cho mau. Tao đố mầy làm sao mà khỏi chết đâm chết chém như thằng cha mầy đó.”
Thể Phụng là người hiểu đạo lí, biết phân biệt đúng sai, phải quấy. “Thưa thầy, ví như cháu ăn ở đời mà cháu có làm đều chi quấy, hoặc cháu có ở vô lễ hay là bất nghĩa với ông ngoại cháu thì ông ngoại cháu đánh chưởi mà sửa trị cháu, dường ây cháu càng cảm ơn đức, cháu đâu dám phiền hà. Ngặc vì cháu không làm đều chi quấy, cháu chỉ muốn báo hiếu cho cha mà thôi, mà ông ngoại cháu không thương, lại sỉ nhục vong hồn của cha cháu, thì cháu còn ở đó nữa mà làm chi. Xin thầy xét đó mà coi, tình cha con mà ông ngoại cháu đành dứt, ngày trước lấy thế lực tiền tài mà ép cho cha cháu phải lìa cháu đi, sau nầy còn nhẫn tâm giấu thơ đặng cho cha cháu nhắm mắt đừng thấy mặt cháu được, bao nhiêu đó thì đã đủ cho cháu phiền rồi. Nhưng mà cháu nghĩ công ơn ông ngoại cháu nuôi cháu từ nhỏ chí lớn, nên cháu ép mình ở mà đền đáp ơn nghĩa cho tròn. Sự nghiệp của cha cháu để lại cho cháu chỉ có mấy hàng chữ là dấu tích mà thôi, mà ông ngoại cháu lại lấy xé mà chùi đít, rồi người đã chết rồi mà còn kêu tên mà mắng chưởi, thế thì thà cháu mang tiếng bạc ơn, chớ cháu không để mang tiếng bất hiếu được”.
Hồ Biểu Chánh không ngửng ở việc ca ngợi Thể Phụng là người trọng nghĩa khinh tài, mà còn là một người có tình có nghĩa, không biết hận thù. Khi được tin Hải Yến bị giết chết và chặt đầu thì chàng nghĩ mà thương, dù hắn có làm ác thế nào thì cũng là cha ruột của Thu Vân, nghĩ vậy mà chàng không thể bỏ mặc Hải Yến chết không được chôn cất .“Bây giờ tôi phải đi liền ra đại trại mà xin cái đầu của quan Bố đặng chôn cất cho tử-tế, vì tuy người ở quấy với vợ con, song người là cha của Thu-Vân, nên không lẽ tôi để vậy được”.
Nhìn chung Mariut và Thể Phụng là những con người của thời đại mới, có tư tưởng tiến bộ, không tham lam tiền tài địa vị. Đồng thời là những con người đại cho chính nghĩa, tiêu biểu cho lớp trí thức trẻ, có nhiệt huyết và tinh thần đấu tranh bảo vệ lí tưởng cao đẹp.
2.3 Chống bất công trong xã hội và pháp lí khắc khe
“Những người khốn khổ” của Victo Huygo và “Ngọn cỏ gió đùa” của Hồ Biểu Chánh điều là những tác phẩm mang giá trị hiện thưc xã hội sâu sắc. Ngoài việc dề cao những phẩm chất cao đẹp của con người, hai tác phẩm còn phơi bày hiện thực xã hội với những bản chất xấu xa, tàn bạo của giai cấp thống trị lúc bấy giờ. Nhưng mỗi tác phẩm lại mang giá trị xã hội riêng, phản ánh những khía cạnh khác nhau.
Cả hai tác phẩm cùng lên tiếng chống lại những bất công trong xã hội thế kỉ XIX . Và nhận ra nỗi đau khổ của người dân nghèo khi sống trong một xã hội khắc khe với hệ thống pháp luật tàn nhẫn chỉ phục vụ cho bọn thống trị. Thế nhưng khi phản ánh các vấn đề mỗi tác giả có cách nhìn riêng vì ở hai môi trường xã hội khác nhau.
“Những người khốn khổ” là bức tranh rộng lớn về cuộc sống của những người lao động nghèo khổ ở Pháp thế kỉ XIX. Đồng thời, tác phẩm là bản cáo trạng xã hội tư sản với cả một mạng lưới pháp luật, tòa án, nhà trẻ, quân lính cảnh sát, những kẻ giàu sang, những tên lưu manh. Chính XHTS là nguyên nhân gây ra bao cảnh khổ cho nhân dân. Xã hội ấy hiện hình tập trung nhất trong bộ mặt gớm ghếc và tâm hồn chai cứng của Gia ve.
“Những người khốn khổ” là lời tố cáo, tố khổ, tác giả V.Huy-gô đã vạch ra nguyên nhân làm cho con người đau khổ, sự bất công trong xã hội. Trong xã hội tình trạng bần cùng hóa đã xuất hiện “ bên dưới nhiều kẻ khốn cùng, bên trên thì thiếu lòng bác ái”. Trong xã hội luật pháp đặt ra không nhằm bảo vệ công lí mà chỉ bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, gia cấp tư sản đã bảo vệ quyền lợi của mình bằng nhà tù và những hình thức khắc khe khác.
Sự bất công trong xã hội còn thể hiện qua vấn đề: kẻ giàu, kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu và kẻ nghèo khó, lẽ phải luôn thuộc về kẻ có sức mạnh. Hiện thân cho sức mạnh của xã hội đó là Gia ve , nhân vật đại diện cho quyền lực, cho cái xấu, cái ác. Theo Phùng Văn Tửu nhận xét “ Gia ve là hiện thân của xã hội tư sản vô nhân đạo, là pháp luật tư sản bất nhân, đúc nguyên khối”. Có thể nói, cuộc đời nghèo khổ là một sự khốn khổ của những con người dưới đáy xã hội. Họ còn phải chịu đau thương, mất mát, áp bức, bất công mặc dù họ cố gắng làm việc và sống tốt. Chính xã hội tư sản đã bóp nghẹt đời họ mà Giave chính là hiện thân cho xã hội đó. Nếu Giăng Van – giăng là hiện thân của sự cao cả thì Giave là hiện thân của cái tầm thường. Ở bất kì nẻo đường nào của lòng bác ái, Giăng Van Giăng đều chạm trán với Giave trong mối tương phản sáng – tối.
Diện mạo của hắn được miêu tả bằng một ngòi bút hết sức độc đáo: “Mũi tẹt, có hai lỗ sâu hoắm .khi hắn cười, hoạ hoằn lắm và cũng dễ sợ lắm, thì đôi môi mỏng dính dang ra, phơi bày nào răng nào lợi. Lúc ấy chung quanh cái mũi là cả một vết nhăn nhúm man rợ, trông như mõm ác thú .” hoặc khái quát hơn: ” Giave mà nghiêm nét mặt lại thì là một con chó dữ. Khi cười thì lại là con cọp”, và ” . cả người hắn toát ra một vẻ oai nghiêm tàn ác”. Thủ pháp thú vật hoá khiến bức chân dung của Giave hiện lên khá cụ thể trước mắt người đọc, là hiện thân của những gì tối tăm, lạnh lùng, tàn nhẫn độc ác mà một thanh tra mật thám cần phải có.
Thực ra, hắn cũng không phải là kẻ xấu xa, hèn hạ. Hắn sống rất khổ hạnh, cô độc, quên mình, trong sạch, không bao giờ vui đùa. Hắn là hiện thân của nhiệm vụ tuyệt đối .là sự rình mò không hở một phút .là công lí dưới mặt mũi một hung thần. Ở hắn có 2 ý thức rất đơn giản : tuyệt đối phục tùng cấp trên và thù hằn, khinh bỉ, ghê tởm tất cả những ai trót có lần phạm vào pháp luật. cả đời hắn thu gọn trong hai chữ: tỉnh táo và canh phòng, hắn làm mật thám kính cẩn như người ta làm mục sư. Tên thanh tra mật thám – chó săn này rất cực đoan, hắn không khoan thứ một biệt lệ nào. “Vô phúc cho kẻ nào rơi vào tay hắn. Cha hắn vượt ngục, hắn cũng cứ bắt. Mẹ hắn phạm pháp, hắn cũng cứ tố giác. Hắn làm việc ấy một cách đắc ý như người ta làm điều thiện “. Hắn phủ nhận bản chất tốt đẹp của con người, phủ nhận khả năng hướng thiện của con người. Lòng độ lượng của Giăng Van Giăng khiến hắn hoang mang, đau khổ.” Hắn buộc phải thừa nhận là trên đời này quả có lòng nhân đức”, và “bỗng nhiên thấy ở trong bộ ngực đồng đúc của mình một cái gì phi lý, na ná như một trái tim” Giave là tay sai trung thành của xã hội tư sản. Suốt trong cả cuộc đời, Giave trước sau chỉ là một con người công cụ. Hắn không thể hiểu được những gì đang xảy ra trong xã hội, không thể hiểu nổi Giăng Van Giăng. Thậm chí đến lúc chót, hắn cũng không hiểu nổi chính mình. Mười lần chạm trán với Giăng Van Giăng cũng chính là quá trình tan rã của một tính cách. Chi tiết bất ngờ cuối tác phẩm là kết quả sự đột biến mãnh liệt trong tâm hồn Giave. Tha cho Giăng Van Giăng, Giave tự cảm thấy mình cũng là một kẻ phạm pháp. Cái con người nhà nước tuyệt đối trước đây trong hắn đã chết. Mà con người nhà nước lại là toàn bộ con người Giave, toàn bộ ý nghĩa cuộc sống của Giave. Vì vậy, hắn không còn lý do gì để tồn tại nữa. Cái chết tự nguyện bất ngờ của Giave tuy có vẻ không hiện thực nhưng lại mang dấu hiệu thật đẹp về niềm tin ở con người : dẫu con người có sa đoạ, mất nhân tính đến đâu cũng còn giữ lại một chút gì đó được gọi là “tính bản thiện” của con người.
Từ quan điểm nhân dân, Huygô đã lên án thế lực đen tối đang thống trị toàn xã hội thông qua hệ thống cai trị khủng khiếp của nó: pháp luật tàn nhẫn, cực kỳ hà khắc : một ổ bánh mì bằng mười chín năm tù khổ sai khủng khiếp; chế độ nhà tù tàn nhẫn, hủy hoại mọi khả năng sống của con người, chẳng những không giáo hoá được mà còn khiến cho họ trở thành những kẻ tâm hồn bị thui chột, chỉ chứa đầy thù hận; cảnh sát, quan toà thì bảo vệ quyền lợi những kẻ quý tộc có tiền tài, thế lực. Chân lý của những kẻ điều hành bộ máy nhà nước được biểu hiện qua suy nghĩ của Javert : “Người viên chức nhà nước không thể lầm, ông quan toà không bao giờ xử vô lý” còn “Đứa phạm tội thì trọn đời mãn kiếp là đồ bỏ đi. Không mong gì ở chúng được”. Đáng sợ hơn, là cái xã hội tư sản ghẻ lạnh, đầy định kiến nghiệt ngã, không có lối thoát nào cho những kẻ khốn cùng gục ngã đứng dậy. Chi tiết hiện thực tấm thẻ thông hành màu vàng như một dấu khắc suốt đời thật ấn tượng. Mọi cánh cửa trở về cuộc đời lương thiện đều bị đóng chặt. Ai cũng sợ hãi, xa lánh, khinh miệt, dè chừng. Cái “nhà tù thành kiến xã hội” này chính là bản án chung thân khủng khiếp hơn cả đối với những kẻ lầm lỡ muốn trở về với cuộc đời lương thiện.
Ngoài ra, tác giả cũng tố cáo những kẻ xấu xa – con đẻ của cái xã hội bất nhân ấy: gã sở khanh Tolimiette, tên vô công rỗi nghề đểu cáng Bamataboa, và đậm nét hơn cả, đáng khinh ghét hơn cả là tên lưu manh, trộm cắp, lừa đảo độc ác Tênacđiê, vì tiền, đến cả con mình hắn cũng ruồng bỏ. Nếu Giave là cửa ngục, xích sắt thì Tênacđiê là lưỡi lê nung đỏ để giết người cướp của. Hắn đại diện cho cái ác, cho lòng tham. Mục đích sống là để làm giàu và làm giàu bằng mọi thủ đoạn. Tênacđiê luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc bi thảm của con người để kiếm ăn đục khoét. Cái bóng đen của Tênacđiê rình mò trên xác chết của chiến trường để lùn sụt hôi của, gỡ đồng hồ trên cánh tay những người chết, gỡ răng vàng, móc túi người chết. Hắn là biểu tượng rung rợn nhất của những xã hội đã suy tồn tính người. Đồng thời là một điển hình sâu thẳm về cái tâm địa tham lam dù hắn khoát dưới bất cứ hình dáng nào.
Đến với “ Ngọn cỏ gió đùa” Hồ Biểu Chánh đã phơi bày hiện thực xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn với những biểu hiện tiêu cực. Sự bất công trong xã hội, đặc biệt là sự đối lập giữa giàu và nghèo thể hiện qua một số nhân vật. Đầu tiên là nhân vật Lê Văn Đó vì cảnh nghèo đói phải lấy cắp nồi cháo heo, bị bắt, bị đánh 100 trượng và phải đi tù 5 năm. Đối lập với cảnh giàu sang, ăn uống sung sướng của bọn nhà giàu, điển hình là nhà điền chủ là cành đói thảm thương của nhà Lê Văn Đó và của cả huyện Tân Hòa. Năm mất mùa, cả nhà phải nhịn đói, phải ăn rau luộc, khi bị bắt, người nông dân nghèo khổ này bị đánh đập, dù biện minh nhưng vẫn bị kết án. Bọn quan lại sống trên mồ hôi và nước mắt của người dân nghèo, không quan tâm đến mạng sống của con người.
Sự bất công đó còn thể hiện qua bi kịch của nhân vật Lý Ánh Nguyệt và nhân vật Thiệt: Thiệt là một người đày tớ bị bóc lọt sức lao động nhưng phải đi tù vì lí do là vu oan giết điền chủ Lãnh. Ánh Nguyệt vì phải trả nợ cho cha nên ở đợ nhà Đỗ Cẩm, bị hành hạ và rơi vào bi kịch cuộc đời. Khi về quê để có tiền chuột con, chấp nhận đi đờn cho cậu Trinh Tường nghe. Sau đó bị giải lên quan vì không nghe lời của hắn. Bọn quan lại không cần chứng cớ đã định tội nàng.
Cái nghèo đói đã đẩy con người vào bi kịch: Lê Văn Đó đi tù, mẹ mất, chị và các cháu lưu lạc, khi vào tù bị hành hạ, đánh đập trở thành một con người khác. Ánh Nguyệt vì nợ phải làm thân tôi tớ, bị gạt lừa, cuối cùng đã chết khi chưa gặp lại đứa con.
Sự bất công trong xã hội còn thể hiện qua sự thắng thế của kẻ giàu, kẻ có tiền, có quyền lực, ức hiếp kẻ nghèo hèn. Điển hình là vợ chồng Đỗ Cẩm, bản chất xấu xa, độc ác, cho vay lãi nặng và ép buộc Ánh Nguyệt phải trả nợ cho cha 30 quan (tiền trọ + đám tang). Tên quan dâm ô tìm cách dụ dỗ nàng. Quan Huyện đã không làm tròn bổn phận của kẻ “cầm cân nẩy mực” mà chỉ lo tìm cách dụ dỗ con gái nhà lành, mưu toan chiếm đoạt Lý Ánh Nguyệt, giữa lúc nàng đang rơi vào tình cảnh bế tắc. Lý Ánh Nguyệt thì quyết giữ gìn tiết hạnh. Trong khi đó, thói dâm dục đã biến lão quan Huyện thành một tên ác quỷ, không muốn buông tha cho cô gái trẻ trung, trong trắng như nàng: “Ta thấy nàng nghèo hèn mà có sắc ta thương, nên ta muốn làm phước cứu nàng. Vậy nàng ở đây hầu ta. Nàng khỏi trả nợ, khỏi ở đợ cực khổ, biết hôn? Đi xê lại đây ta biểu một chút…” . Đối với quan lại thiếu đạo đức, mất nhân cách, đến cuối tác phẩm, tác giả thường để cho những con người ấy phải chịu sự trừng phạt. Nhưng đó là sự trừng phạt theo quan niệm nhân quả, mà nhà văn rất tin tưởng, chứ không phải là công bằng, công lí có được trong xã hội đương thời. Bên cạnh đó Từ Hải Yến – tên công tử nhà giàu đã lừa gạt và bỏ rơi Ánh Nguyệt trong khi nàng đang mang thai. Đây cũng là một minh chứng cho kẻ giàu có nhưng gian dối, độc ác và tàn nhẫn trước cái chết của Ánh Nguyệt.
Cùng với “ Những người khốn khổ” thì “Ngọn cỏ gió đùa” là lời tố cáo xã hội vộ nhân đạo, xã hội vì tiền không có tình người. Chúng ta thấy, Đỗ Cẩm vì tiền thờ ơ trước số phận bất hạnh của Ánh Nguyệt bị đòi nợ và bị giải lên quan; khi Lê Văn Đó ra tù vì không có tiền nên bị chủ quán đuổi đi, ngất xỉu giữa đường.
Qua “Ngọn cỏ gió đùa”, Hồ Biểu Chánh còn phản ánh hệ thống pháp luật của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Đó là một hệ thống pháp luật khắc khe, không chỉ tập trung qua nhân vật Phạm Kỳ mà ở đó cả một hệ thống quan lại. Nhân vật Phạm Kỳ như nhân vật Gia ve trong “Những người khốn khổ” đã nghi ngờ Thiên Hộ Chánh Tâm là Lê Văn Đó, cố tìm cách truy bắt để được thưởng công. Hồ Biểu Chánh không miêu tả chi tiết nhân vật này mà đề cập đến tất cả các tên tham quan, mỗi người mang một bản chất: kẻ tham lam, người dâm ô, kẻ nịnh hót, người hung bạo. Chúng ta thấy pháp luật đặt ra để bảo vệ lợi ích cho bọn nhà giàu, địa chủ. Luật pháp khắc khe nhưng không công bằng, không tuân theo lẽ phải. Ví như trường hợp của Lê Văn Đó chỉ lấy cắp nồi cháo heo mà đi tù, mỗi lần vượt ngục là tăng thêm 5 năm tù. Cuối cùng chịu án 20 năm tù khổ sai, bị hành hạ giam giữ. Quan lại xử án sơ xài, tin theo kẻ có tiền, trường hợp Ánh Nguyệt – Đỗ Cẩm; Ánh Nguyệt – Trinh Tường.
“ Ông Thiên-Hộ đưa tay ra cản và nói rằng: “Khoan! Nó tội gì mà ông đóng gông nó? Ông phải tra hỏi coi nó có phạm tội hay không đã chớ”.
Phạm-Kỳ trề môi đáp rằng:
– Nó làm đĩ, thì nó phạm luật triều đình rồi, còn hỏi chi nữa.
– Sao ông biết nó làm đĩ?
– Người ta đến thưa với tôi đây.
– Người ta thưa nó như vậy, thì ông phải hỏi nó coi người ta thưa ngay hay là thưa gian rồi sẽ định tội, chớ ông nghe người ta thưa rồi ông bỏ tù nó liền, không hỏi đi hỏi lại, thì sao cho công bình được.
– Người ta giàu có, lời người ta không chắc hay sao? Còn con nầy là đồ khốn nạn, cần gì mà phải hỏi nó.
– Ông nói như vậy té ra nhà giàu thì phải, còn nhà nghèo thì quấy hết thảy hay sao? Tôi đây cũng là nhà giàu, nhưng mà tôi nói cho ông biết, có nhiều nhà giàu họ gian giảo đê tiện hơn nhà nghèo lắm, ông đừng có tưởng nhà giàu là phải hết thảy. Ông phải hỏi coi con nầy tại sao mà phải đem thân đi làm đĩ, rồi tại sao làm đĩ mà đến nỗi người ta thưa kiện”
Tác giả đã vạch trần bộ mặt gian ác của bọn quan lại địa phương, ăn uống sướng mặt cho người dân đói khát, chết đói…Lê Văn Đó đi vay lúa thì bị xua đuổi, đánh đập. Hồ Biểu Chánh đã dành nhiều trang viết sắc sảo để nói về cảnh khổ của người nghèo. Thể hiện nỗi cay đắng và khổ ải của những kiếp người phải vật lộn với việc mưu sinh. Họ bị đẩy vào cái thế: con người như muốn trở lại bản năng sinh vật, níu lấy sự sống bằng bất cứ giá nào. Hành động bưng trộm nồi cháo heo của nhà địa chủ, giựt cơm của hai vợ chồng người ăn mày, Lê Văn Đó tỏ ra liều lĩnh. Anh ta buộc phải liều để sinh tồn. Thật xót xa cho một kiếp con người! Với trường hợp của anh, đúng là “bần cùng sinh đạo tặc”. Điều chua chát ở đây không chỉ là phải làm đạo tặc, mà còn là làm đạo tặc để được cái gì? Thân phận con người bỗng trở nên thấp hèn, rẻ rúng tột cùng! Đánh đổi cả danh dự, tính mạng để có được thức ăn mà nhà giàu dành cho súc vật. Thế nhưng, nào có được!
Bản chất xấu xa đó còn được phản ánh qua nhân vật Hải Yến. Một công tử giàu có, học vấn tài giỏi, say mê nhan sắc Ánh Nguyệt và tìm mọi cách cưới nàng làm vợ. Bản chất sở khanh của nhận vật này bộc lộ ngay từ khi gặp Ánh Nguyệt. Hải Yến đã bày mưu lừa gạt niềm tin của Ánh Nguyệt trong kế “anh hung cứu mĩ nhân”. Đến khi hắn đỗ cử nhân thì thay lòng, bội nghĩa bỏ Ánh Nguyệt và đứa con chưa chào đời về nhà và xem như nàng chưa hề chung sống với hắn.
Hồ Biểu Chánh là nhà văn phản ánh hiện thực một cách trung thực. Ngòi bút của ông không hề bị bẻ cong khi viết về những gì đang diễn ra trong xã hội. Tuy nhiên, ở điểm này, cho thấy thế sự được ông cảm nhận còn chủ quan. Cái xấu ở giai cấp thống trị đương thời được ông quan niệm như những hiện tượng tiêu cực, mang tính đơn lẻ, chưa làm nên bản chất của giai cấp. Nó thể hiện phần nào sự bại hoại về đạo đức của người đời. Do đó, ông mạnh dạn phê phán những quan lại bất nhân, thất nghĩa. Đồng thời mong muốn dùng đạo đức để cảm hoá, dẫn dắt những kẻ sâu dân mọt nước trở lại con đường chính nghĩa.
IV. Kết thúc vấn đề
Như vậy, những điểm giống nhau và khác nhau về chủ đề tư tưởng của “ Những người khốn khổ” và “ Ngọn cỏ gió đùa” đã cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa Phương Tây, đặc biệt là văn hóa Pháp đối với văn học Việt Nam. V.Huygo viết “ Những người khốn khổ” để mang yêu thương cứu khổ, phò nguy và xoa dịu nỗi đau, sự nghèo đói của những người khốn cùng trong xã hội tư sản bất công vô nhân đạo. Và sứ mệnh ấy, không chỉ là sứ mệnh của riêng V.Huygo những nhà văn Pháp đương thời mà còn là sứ mệnh chung cho những người cầm bút. Chính vì thê, Hồ Biểu Chánh mượn cốt truyện của “ Những người khốn khổ”, mượn lí tưởng tình thương của V.Huygo để phản ánh xã hội Việt Nam.
Việc so sánh hai tác phẩm không phải để đề cao hay đánh giá thấp tác phẩm nào mà là để khẳng định giá trị riêng của nó trong bối cảnh xã hội khác nhau của hai nền văn hoa khác nhau. Hồ Biểu Chánh đã thực hiện “Ngọn cỏ gió đùa” như sự giao lưu văn hóa Pháp Việt sâu sắc nhưng đồng thời tác phẩm của ông cũng lại chia biệt hai nẻo khác nhau giữa tâm hồn văn hóa phương Đông và phương Tây. Dù cùng mục đích là thể hiên lòng bát ái tương thân giữa người và người nhưng sự đề cập hai tư tưởng tôn giáo khác nhau, Phật giáo và Thiên chúa giáo đã thể hiện sự khác nhau giữa hai nền văn hóa qua những triết lí sống trong đó. “Ngọn cỏ gió đùa” cho ta thấy sự khác biệt sâu xa giữa sự đấu tranh dân chủ và nhân quyền trong xã hội Pháp thế kỉ XIX và khuynh hướng đấu tranh cho lòng trọng nghĩa khinh tài, cho lí tưởng ái quốc nơi những người cấp tiến trong xã hội miền Nam Việt Nam dưới triều đình nhà Nguyễn.
Một lần nữa ta khẳng định, Hồ Biểu Chánh đã phóng tác “ Những người khốn khổ” thành “Ngọn cỏ gió đùa” nhưng thể hiện được những nét rất riêng và để lại những giá trị rất riêng trong việc phản ánh xã hội Việt Nam. Đồng thời Hồ Biểu Chánh đã đóng góp to lớn cho việc mở đường và phát triển tiểu thuyết Việt Nam, Hồ Biểu Chánh đã tạo ra Lê Văn Đó và nhào nặn hình tượng ấy thành hình mẫu cho những tác phẩm sau này.
So sánh Những người khốn khổ và Ngọn cỏ gió đùa