Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về truyền thuyết Thánh Gióng
Hướng dẫn viết cảm nghĩ về truyền thuyết Thánh Gióng
Nhà văn lớn nước Nga – Mác-xim Goóc-ki từng viết : “Người xưa rút ngay trong sự kiện thực tế phần cốt yếu của những sự kiện ấy rồi thể hiện nó ra bằng một hình tượng. Và như thế chính là hiện thực. Ngoài phần cốt yếu rút ra ngay trong thực tế, lấy trí tưởng tượng thêm vào những phần “nên có” và “có thể có” để hình tượng kia được trọn vẹn hơn, thì đó sẽ là lãng mạn”. Truyền thuyết Thánh Gióng (còn được gọi là Truyện ông Gióng, Phù Đổng Thiên Vương) của nước ta chắc chắn bắt nguồn từ những sự kiện thực tế trong buổi sơ sinh dán tộc ta dựng nước và giữ nước sáng ngời chủ nghĩa anh hùng. Có thế nói. Thánh Gióng là một hình tượng thẩm mĩ vừa đẫm chất hiện thực vừa lung linh những ánh hào quang lãng mạn tuyệt vời. Trong đó, tuyệt vời nhất có lẽ là giây phút xuất thần kì diệu: Gióng vươn vai.
1. Chuyện xưa kể rằng : “Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sất, áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt,… Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi, nhảy lên mình ngựa”. “Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội… phun lửa… rồi phi thẳng đến nơi có giặc…”. Có được cái vươn vai ấy, chú bé làng Gióng đã trải qua bao điều kì diệu khác thường trước đó : nằm trong bụng mẹ mười hai tháng (hơn những đứa trẻ khác gần ba tháng), ba năm không nói, không cười (những đứa trẻ khác chỉ một, hai năm đã bập bẹ nói).
Tiếng nói đầu tiên của Gióng là xung phong đi đánh giặc… Rồi ăn không biết no, áo quần mặc hôm trước, hôm sau đã chật… Cả làng góp gạo nuôi Gióng, cả nước góp sắt đúc vũ khí cho Gióng,… Và sau đó, tráng sĩ làng Gióng nhanh chóng đánh tan lũ giặc xâm lược. Tháng lợi rồi, chàng cởi giáp sắt để lại trên đỉnh núi quê hương và… người, ngựa cùng bay lên trời… Rõ ràng, có dược cái cử chỉ “vươn vai” thần kì, người anh hùng trẻ tuổi Việt Nam đã tích luỹ những phẩm chất tốt đẹp – yêu nước, căm thù giặc, tự nguyện tòng quân – đã nhận được sự nuôi dưỡng, hỗ trợ về vật chất, sự dạy bảo, động viên, khích lệ về tinh thần của cả quê hương, Tổ quốc. Cái cử chỉ “vươn vai” ấy là biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc trỗi dậy. Nó hội tụ tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm, khát vọng khẳng định sức mạnh vô địch của một dân tộc tuy bé nhỏ nhưng anh hùng, bất khuất. Theo các nhà nghiên cứu văn học dân gian, Thánh Gióng là người anh hùng bộ lạc được người dân nước Văn Lang, thời đại các vua Hùng sáng tạo nên bằng sự nhào nặn từ hiện thực và trí tưởng tượng bay bổng để… vừa khẳng định hiện thực vừa ước ao “những phần nên có và có thể có”, như nhận xét của Goóc-ki. Vì thế, từ hình tượng “người anh hùng bộ lạc”, Thánh Gióng đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của người anh hùng dân tộc, mở đầu cho truyền thống anh hùng của lớp lớp tuổi trẻ Việt Nam sau này.
Cái “vươn vai” của Gióng ở tuổi lên ba kia phải chăng là sự mong muốn được lớn nhanh, đốt cháy thời gian để trưởng thành, để đủ đầy sức mạnh và tài năng đánh giặc ? Vâng, đúng như vậy ! Lúc bấy giờ, giặc đã đánh vào chân núi Trâu, thế nước nguy nan, nếu cứ đợi mười năm, mười lăm năm nữa mới lên đường thì than ôi, quê hương, Tổ quốc còn gì nữa ! Do đó, phải ăn nhanh, ăn khoẻ để mau lớn và phải “vươn vai” biến hoá tất cả vật lực, tinh thần, ý chí của tuổi trẻ, của toàn dẩn thành sức mạnh, thành ngọn lửa quyết chiến, quyết thắng. Nói khác đi, cái “vươn vai” của chàng trai làng Phù Đổng mang ý nghĩa khẳng định thái độ tuổi trẻ Việt Nam trước giờ phút đất nước lâm nguy, Tổ quốc kêu gọi. Hình tượng Thánh Gióng là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm.
2. Trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, biết bao tấm gương tuổi trẻ mang khát vọng “vươn vai” của Thánh Gióng đã xuất hiện.
Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, hận vì mình chưa đến tuổi tòng quân, về nhà tập hợp gia binh, gia tướng, phất cờ đào đánh giậc. Những thanh niên thời kì chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ đã giấu gạch, giấu sắt trong người để đủ cân, khai tăng thêm tuổi để đủ tuổi ghi tên nhập ngũ.
Hai chị em Chiến và Việt (trong truyện Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi) mới chớm tuổi mười tám đã tranh nhau gia nhập quân Giải phóng để trả thù nhà, đền nợ nước. Cái “vươn vai” của em bé làng Gióng là sản phẩm của những khát vọng lãng mạn thuở dân tộc ta mới dựng nước. Những hành động “bóp nát quả cam”, “giấu gạch, giấu sắt trong người” để tăng cân, “kiễng chân”, “khai thêm tuổi” để đủ chiều cao, đủ tuổi lớn của lớp lớp con cháu sau này cũng bắt nguồn từ những khát vọng lãng mạn đó, đồng thời thể hiện những thái độ chân thành của người thật, việc thật, nối tiếp truyền thống cha ông. Ôi Việt Nam ! Từ trong biển máu
Người vươn lên, như một thiên thần ! (Tố Hữu — Việt Nam máu và hoa) Truyền thống của dân tộc ta là vậy ! Tuổi trẻ Việt Nam là vậy ! Trước giờ phút Tổ quốc lâm nguy, nghe tiếng gọi cứu nước thì từ em bé ba tuổi đến mỗi người dân dù già, dù trẻ cũng đều “vươn lên”, dồn sức trỗi dậy để đuổi giặc, giữ nước và dựng nước. Truyền thuyết Thánh Gióng thuộc nhóm những áng văn chương cổ xưa nhất trong kho tàng văn học Việt Nam, ra đời khi dân tộc ta ở buổi sơ khai. “Từ truyện anh hùng bộ lạc đến truyện anh hùng dân tộc..; Tính anh hùng và thể loại anh hùng ca, tính địa phương và tính toàn dân của tác phẩm đã hình thành truyền thống anh hùng, một biểu hiện quan trọng của truyền thống dân tộc Việt Nam…”. Trong bản anh hùng ca Thánh Gióng có nhiều yếu tố hoang đường, kì diệu, đánh thức trí tưởng tượng lãng mạn rất thú vị đối với cả người kể lẫn người nghe. Khi kể cũng như khi nghe truyện, bạn chớ có bỏ quên cái giây phút Thánh Gióng “vươn vai”, bởi vì đây vừa là lúc nhân vật thăng hoa để hoàn thiện một hình tượng thẩm mĩ vừa là sự khẳng định lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam, vừa nhắc nhở chúng ta không nguôi khát vọng “vươn tới”, khát vọng về những điều “nên có” và “có thể có” trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước ngày xưa, ngày nay và mãi mãi sau này,…