Cuộc chia tay của những con búp bê của Khánh Hoài
Phát biểu cảm nghĩ về bài Ca dao, dân ca Những câu hát về tình cảm gia đình
Tác phẩm mang tên là Cuộc chia tay của những con búp bê, nhưng mạch chính của truyện kể về hai bạn nhỏ – hai anh em ruột trong một gia đình khá giả – phải chia tay nhau vì hạnh phúc gia đình đổ vỡ, bố mẹ li hôn. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất. Người xưng “tôi” trong truyện (Thành) là người chứng kiến các việc xảy ra, cũng là người cùng chịu nỗi đau như em gái (Thuỷ) của mình. Cách chọn ngôi kể này giúp tác giả thể hiện được sâu sắc tình cảm, tâm trạng của nhân vật, nhất là nỗi lòng người kể chuyện. Thêm nữa, kể chuyện theo cách này, tác phẩm mang tính chân thực cao và do vậy, sức thuyết phục cũng cao hơn. Đọc truyện ngắn này, người đọc – nhất là lớp trẻ chúng ta – hiểu ra và suy ngẫm được nhiều điều về nỗi đắng cay trong cuộc đời và những tình người đằm thắm, nhân hậu, nhất là tình anh em ruột thịt.
Bố cục của truyện gồm ba phần, mạch lạc và chặt chẽ :
1. Mẹ bắt hai anh em Thành – Thuỷ chia đồ chơi. Đây là cuộc chia tay thứ nhất, trong đó có câu chuyện về hai con búp bê, con Vệ Sĩ và con Em Nhỏ.
2. Thành đưa em đến lớp chào, rồi chia tay cô giáo và các bạn. Đây là cuộc chia tay thứ hai, cuộc chia li đẫm nước mắt.
3. Thành và Thuỷ thực sự phải chia tay nhau. Thành ở lại, Thuỷ theo mẹ về quê. Búp bê Vệ Sĩ ở lại. Búp bê Em Nhỏ về quê. Nhưng việc bất ngờ đã xảy ra. Thuỷ quay lại đưa cho Thành con búp bê Em Nhỏ để nó mãi mãi ở bên con Vệ Sĩ, “con Em Nhỏ quàng tay vào con Vệ Sĩ”… Như vậy là những con búp bê bé nhỏ, hồn nhiên kia không bao giờ phải chia li, cũng như tuổi thơ của Thành và Thuỷ không bao giờ muốn chia li.
Nghệ thuật bố cục của nhà văn Khánh Hoài thật tài hoa, đáng học tập. Cách bố cục ấy hài hoà với những chi tiết, những hình ảnh và ngôn ngữ kể chuyện đã thể hiện biết bao nội dung, ý nghĩa của tác phẩm.
Trước hết, chúng ta thấy tình anh em ruột thịt của Thành và Thuỷ thật đằm thắm, trong trẻo. Hai anh em họ rất mực gần gũi, thương yêu, chia sẻ cho nhau mọi buồn vui, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau trong mọi công việc. Thấy áo anh rách, Thuỷ mang kim chỉ ra tận sân vận động vá áo cho anh. Thương anh đêm hay ngủ mê gặp ma, Thuỷ đã “vẽ trang” cho con Vệ Sĩ đặt đầu giường, gác cho Thành ngủ ngon. Rồi Thuỷ nhường tất cả búp bê cho anh,… Còn Thành thì, đáp lại tấm lòng hiển thảo, vị tha của em, cũng đã làm nhiều việc tốt, vì em. Thành giúp em học tập. Chiều nào Thành cũng đón em đi học về, dắt tay nhau vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ. Khi mẹ bắt phải chia đồ chơi, Thành đã nhường hết cho em. Sau dó Thành lại cùng em đến trường để em được chào và chia tay cô giáo, chia tay bạn bè,… Trong quan hệ anh, em giữa Thành và Thuỷ xảy ra một việc thật cám động. Đó là việc chia đồ chơi, chia hai búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ. Thấy anh lấy hai con búp bê đặt sang hai phía, Thuỷ bỗng “tru tréo lên giận dữ”, nói : “Sao anh ác thế !”. Thành nói : “Anh cho em tất cả”, rồi đặt con Vệ Sĩ vào cạnh con Em Nhỏ giữa đống đồ chơi của Thuỷ. Cặp mắt Thuỷ dịu lại, như có vẻ bằng lòng. Nhưng chợt nghĩ ra điều gì, em lại kêu lên : “Nhưng… lấy ai gác đêm cho anh ?”… Như vậy, lời nói và hành động của Thuỷ trước việc này dường như đầy những mâu thuẫn. Lúc đầu, em không muốn hai con búp bê chia tay nhau. Em “tru tréo lên”, nghĩa là em kêu to lên, gắt gỏng, tỏ ý tức giận, trách Thành “ác thế”. Nhưng sau, khi thấy anh trai để hai búp bê ớ bên nhau theo ý muốn của mình thì… Thủy lại cũng “kêu lên”, nghĩa là cũng không đồng ý cách giải quyết của anh, vì như thế thì “lấy ai gác đêm cho anh”. Rõ ràng, ở đây có điều éo le, trái ngược, đối lập nhau giữa sự thật – búp bê phải chia tay, hai anh em phải chia tay, niềm vui tuổi trẻ bị chia cắt – và tình anh em gắn bó, tấm lòng vị tha của đứa em nhỏ với người anh thân yêu. Sự thật cuộc đời thật cay đắng mâu thuẫn với tình người ngọt ngào, êm dịu. Đưa ra tình huống này, tác giả thiên truyện muốn gợi lên trong lòng bạn đọc những suy nghĩ lắng sâu và đợi chờ câu trả lời của bạn đọc. Vậy, muốn giải quyết mâu thuẫn này thì làm thế nào ? Có lẽ cách tốt nhất là gia đình Thành – Thuỷ phải đoàn tụ, hai anh em không phải chia tay nhau, búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ cũng không phải chia tay nhau. Cuối truyện, nhà văn kể một chi tiết thật thoả đáng : Thuỷ quay trở lại đặt con Em Nhỏ bên cạnh con Vệ Sĩ để chúng không bao giờ xa nhau. Hành động này của Thuỷ gợi cho người đọc lòng mến trọng đối với Thuỷ, mến trọng một em bé gái giàu lòng vị tha, rất thương anh, thương những con búp bê, thà mình chịu chia lìa chứ không để búp bê phải chia tay, thà mình chịu thiệt thòi để anh luôn có con Vệ Sĩ gác cho giấc ngủ được ngon lành. Xây dựng chi tiết kết thúc truyện như thế, nhà văn muốn nhắn gửi tới mọi người rằng : cuộc chia tay của các em nhỏ là rất vô lí, là không nên có, không nên để nó xảy ra. Ý tưởng ấy nhắc nhỡ những người cha, người mẹ. Ý tưởng ấy cũng chia sẻ nỗi khao khát cháy bỏng của tuổi thơ chúng ta: tuổi thơ phải được hạnh phúc, tuổi thơ không muốn chia tay,…
Tiếp sau những chi tiết, tình huống biểu hiện tấm lòng và hành động cao đẹp của tình anh em Thành – Thuỷ, nhà văn kể vé tình thầy trò, tình bạn, cũng bằng những chi tiết, tình huống truyện thật cảm động. Khi biết Thuỷ đến chào để chia tay, cô giáo Tâm đã “ôm chặt lấy em”, như khôn” muốn chia tay. Còn bạn bè của Thuỷ thì “cả lớp sững sờ… khóc thút thít”, rồi mấy đứa bạn thân bỏ chỗ ngồi, nắm chặt lấy tay Thuỷ như chẳng muốn rời,… Nhưng điều khiến mọi người sửng sốt nhất là lúc nghe Thuỷ nói: “Nhà bà ngoại em ở xa trường lắm. Mẹ em bảo sẽ sắm cho em một thúng hoa quả để ra chợ ngồi bán”. Điều đó nghĩa là sau cuộc chia tay thầy và bạn này, cô bé đáng thương sẽ không được đi học nữa, sẽ bị ném ra cuộc đời kiếm sống, sẽ vĩnh viễn mất niềm vui của tuổi học trò… “Trời ơi !”, cô giáo đã kêu lên, tái mặt và nước mắt giàn giụa. Lũ bạn nhỏ của Thuỷ cũng khóc, mỗi lúc một to hơn. Đọc đến chi tiết này, sống mũi ai mà không cay cay, nước mắt ai mà không rơm rớm… Chúng ta vừa cảm động trước tình cảm thầy trò, bè bạn của cô giáo và các em học sinh lớp cửa Thuỷ, vừa thêm xót thương cảnh ngộ éo le của anh em, gia đình Thành – Thuỷ. Kể lại cuộc chia tay đẫm nước mắt ấy, Thành đã tâm sự : “Ra khỏi trường, tôi kinh ngạc thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”. Tại sao lại như thế ? Phải chăng, Thành thấy “kinh ngạc” vì : trong khi mọi việc đểu diễn ra bình thường, cảnh vật vẫn êm đẹp, cuộc đời vẫn bình yên, thì… hai anh em và gia đình Thành phải chịu sự mất mát, đổ vỡ quá lớn ? Nói cách khác, Thành ngạc nhiên vì : trong tâm hồn mình đang nổi dông bão vì sắp phải chia lìa đứa em thân thương, thế mà bên ngoài, mọi người và trời đất vẫn không có gì thay đổi. Đây là một tình huống trớ trêu, đối chọi giữa nội tâm và ngoại cảnh. Cũng là một diễn biến tâm lí được tác giả miêu tả rất hài hoà, tương tự như một đoạn ở phần đầu truyện : Trong khi hai anh em Thành ngồi dưới gốc cây hồng xiêm, lòng buồn rười rượi, thì “Đằng đông, trời hửng dần. Những bông hoa thược dược trong vườn đã thoáng hiện trong màn sương sớm và bắt đầu khoe bộ cánh rực rỡ của mình. Lũ chim sâu nhảy nhót trên cành và chiêm chiếp kêu…”. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, tạo vật đẹp đẽ, vô tư, bình thản trước cảnh ngộ bất hạnh của con người làm tăng thêm nỗi buồn sâu thẳm, trạng thái thất vọng, bơ vơ, lạc lõng của nhân vật trong truyện. Nghệ thuật ấy, chúng ta ít thấy trong văn thơ trung đại…
Qua câu chuyện này, tác giả Khánh Hoài muốn nhắn gửi đến mọi người điều gì ? Rõ ràng tên truyện là Cuộc chia tay của những con búp hê, nhưng đây lại là chuyện về con người, của con người. Cuộc chia tay đau đớn và đầy cảm động của hai em bé trong truyện khiến người đọc thấm thìa rằng: tình cảm gia đình, hạnh phúc gia đình vô cùng quý giá và quan trọng. Mọi người hãy cố gắng háo vệ và giữ gìn, không nên vì bất kì lí do gì để làm tổn hại đến những tình cảm tự nhiên, trong sáng ấy, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Và một mạch ngầm nữa của văn bản phải chăng là: Tuổi thơ không biết và không bao giờ mong muốn chia li?