Phân tích bài thơ Lời kỹ nữ- Xuân Diệu
Mời các em học sinh tham khảo thêm tài liệu:
Cảm nhận về vẻ đẹp hình tượng nhân vật Xi – ta trong đoạn trích Ra- ma buộc tội
Đi suốt bài thơ là tiếng lòng thiết tha đến thổn thức của người kỹ nữ – nhân vật trữ tình trong thi phẩm đặc sắc và ám ảnh thân phận con người của nhà thơ lãng mạn Xuân Diệu.
Tự cổ xưa, tới tận bây giờ, người đời vẫn định kiến tới nghiệt ngã với những phụ nữ bán thân. Thế mà, trong con mắt của thi nhân lãng mạn rất đỗi ưu ái và bao dung, lại có cách nhận diện ra thế giới tâm tình của người phụ nữ mà thiên hạ vẫn rẻ rúng trong cách nhìn. Xuân Diệu đã thốt lên lời kỹ nữ, đọc thấu tiếng lòng của cô trong thiết tha níu kéo khách làng chơi trong khoảnh khắc lìa xa:
“Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa;
Vội vàng chi, trăng lạnh quá, khách ơi!”
Níu kéo để giữ lại trong giao cảm, ái ân, người kỹ nữ trong thơ Xuân Diệu viện tới miền sáng trăng rằm mà ông Giời đang mở “yến tiệc sáng trên trời”. Sự chào mời của thiên tạo cũng đồng hòa với tiếng lòng chào mời, dâng hiến hết mình của người tình thiết tha: “Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử”.
Người kỹ nữ thoắt thành công nương và khách làng chơi trở thành hoàng tử. Xuân Diệu táo bạo hết mình và cũng nhân ái thật lòng. Sao nỡ dứt tình trước sự dâng hiến của “tay em đây”; của “tóc xanh tốt”, rồi nữa “đây rượu nồng! và hồn của em đây”…
Sự hết mình thành thực của một con người với một con người cụ thể mang tất cả sự trọn vẹn vật chất có thể cùng sự tận lòng dâng hiến. Sao mà nỡ dứt cho đặng!
“Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời;
Khách không ở, lòng em cô độc quá!
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,
Tay em đây mời khách ngả đầu say;
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây,
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử”.
“Chớ để riêng em phải gặp lòng em;
Tay ái ân du khách hãy làm rèm,
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng”.
Vượt lên sự đọa lạc vật chất tầm thường, dung tục, những lời thơ đa cảm và bao dung của Xuân Diệu như đang hướng tới vẻ đẹp sáng trong, thánh thiện của thiên nhiên và tình người. Nhà thơ như đang khoan thai giãi bày lòng mình theo bước đi của
vẻ huyền diệu trăng rằm. Bởi trăng và gió như đang mơ về cõi mơ xa:
“Trăng về viễn xứ.
Đi khoan thai trên ngự đỉnh trời tròn.
Gió theo trăng từ biển thổi qua non”
Thơ tình khát khao của Xuân Diệu thường sóng hòa và đồng hành với nỗi cô đơn có thực tự hồn thi sỹ. Và, nhà thơ lãng mạn giàu yêu thương như lại đọc tiếp được tiếng nói, tiếng lòng của người kỹ nữ – “lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn”…
Bao nhiêu là thảng thốt, khi cô đơn của thân phận ập tới, dâng đầy hồn kỹ nữ. Đó là kiếp giang hồ vô định – “trôi phiêu diêu không vọng bến hay gành”; là niềm khao khát bỏng cháy mong tìm được cuộc tình yên ổn, bằng an mà vẫn không tìm nổi “giây tình vướng víu”!
“Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt”! Làm sao mà không òa vỡ thành nước mắt; không vỡ thành niềm đau trống trải và hụt hẫng. Bởi, lòng kỹ nữ không được sưởi ấm bằng ngọn lửa hồi âm. Cảm giác ớn lạnh, băng giá đang vây bủa. Thơ Xuân Diệu là sự huy động tối đa và hết mình cho mọi giác quan có thể vào thơ. Xuân Diệu diễn tả nước mắt cô đơn tới đỉnh điểm của “Lời kỹ nữ”. Lời than cùng tiếng lòng chới với như tiếng kêu cứu:
“Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi.
Du khách đi.
Du khách đã đi rồi”.
Xuân Diệu đã hóa thân, đã mượn lời kỹ nữ để phát ngôn cho cảm quan của lòng mình về con người; về những thân kiếp tưởng như tan hòa vào đọa lạc mà vẫn khát cháy sự gặp gỡ và tình yêu thương thành thực. Có lẽ vẻ đẹp và vóc dáng nhân văn của “Lời kỹ nữ” của Xuân Diệu chính là ở tiếng lòng thiết tha và khao khát ấy!
Phân tích bài thơ Lời kỹ nữ- Xuân Diệu