Ôn tập bài thơ Mộ ( Chiều Tối)
I. GIỚI THIỆU CHUNG:
– Hồ Chí Minh là nhà văn, nhà thơ lớn. “Nhật ký trong tù” là tác phẩm tiêu biểu của Người. Tập thơ ra đời trong thời gian Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc.
– Bài thơ “Chiều tối” được viết khi Bác bị chuyển từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo.
– Qua bức tranh chiều tối nơi xóm núi, bài thơ bộc lộ tình yêu thiên nhiên, yêu con người và luôn hướng về cuộc sống của Bác.
II. NỘI DUNG CHÍNH:
1. Bức tranh cảnh chiều tối buồn vắng nơi xóm núi khi người tù bị giải đi qua: (Câu 1 + 2).
– Cảnh chiều được miêu tả bằng một vài nét chấm phá: Một cánh chim mệt mỏi bay về tổ, một chòm mây cô độc giữa lưng trời – Cảnh tượng gợi ấn tượng buồn vì chiều xuống báo hiệu ngày tàn, chi tiết đơn lẻ gợi sự cô đơn và ở nơi xóm núi gợi cảm giác lạnh khi trời tắt nắng -> Thiên nhiên đẹp, thơ mộng gợi buồn tuy vẫn vận động – Bộc lộ tâm hồn tinh tế của tác giả.
– Nghệ thuật lấy không gian tả thời gian, lấy động tả tĩnh.
2. Bức tranh sinh hoạt rực sáng hình ảnh con người: (Câu 3 + 4).
– Hình ảnh cô gái xay ngô bên bếp lửa rực hồng khiến bức tranh thơ thêm sinh động. Ý thơ có sự vận động, ghi được cảnh sinh hoạt, sự sống của con ngừơi ấm no và bình dị. Ngọn lửa hồng tỏa ấm bức tranh, xua tan cái lạnh, cái buồn, cái vắng vẻ cô đơn của cảnh vật nơi núi rừng lúc chiều tối.
=>Bài thơ mang vẻ đẹp cổ điển, chỉ bằng vài nét chấm phá mà bao quát được cả bầu trời, mặt đất, cả thiên nhiên và đời sống con người – Cảnh đơn sơ nhưng lại ghi được linh hồn của tạo vật với hình ảnh thơ khỏe khoắn và niềm vui bình dị trong cuộc sống của người lao động. Đồng thời bộc lộ tấm lòng nhân ái, bao la và niềm lạc quan tin tưởng của Bác.
3. Từ cảnh vật liên hệ đến hoàn cảnh người tù (tuy không xuất hiện).
– Bị áp giải, đi bộ suốt ngày đã mệt mỏi (giống cánh chim), cô đơn, lẻ loi nơi đất khách, đói, mệt và một nhà tù khác đang chờ đợi, lạnh lẽo và dơ bẩn.
– Vậy mà, nhìn thiên nhiên, thấy sự sống diễn ra bình thường (chim vẫn về tổ, mây vẫn trôi nhẹ) lòng cũng cảm thấy nhẹ nhàng thư thái; nhìn sinh hoạt của con người, thấy ánh lửa hồng, cũng cảm thấy ấm áp, vui tươi, phấn khởi.
=> Thể hiện bản lĩnh phi thường, một tấm lòng nhân ái bao la đến quên mình, mọi vui buồn đều gắn với dân tộc, nhân loại, hầu như không phụ thuộc vào cảnh ngộ riêng của mình. Bài thơ cho thấy cách nhìn về cuộc sống của Bác luôn có sự vận động hướng về sự sống, ánh sáng và niềm vui: từ cái tối -> cái sáng, từ tàn lụi -> sự sống, buồn -> vui, lạnh lẽo cô đơn -> ấm áp
III. KẾT LUẬN:
– “Chiều tối” tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh: miêu tả cảnh bằng bút pháp ước lệ với vài nét chấm phá; kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại: Bức tranh chiều với bút pháp thơ cổ dễ gợi buồn- nhưng ở đây lại ấm áp tình người và niềm tin vào cuộc sống.
– Bài thơ bộc lộ phẩm chất cao đẹp của Bác: một bản lĩnh phi thường, một tấm lòng nhân đạo bao la đến quên mình, một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước cảnh vật thiên nhiên. Chất thơ và chất thép hài hòa trong bài thơ.