Những đặc trưng cơ bản của thi pháp ca dao Việt Nam (phần 1)
Những đặc trưng cơ bản của thi pháp ca dao Việt Nam (phần 3)
I. Khái niệm thi pháp văn chương
– Khái niệm thi pháp văn chương nói chung
Thi pháp là cơ chế vận hành ngôn ngữ, tạo nên vẻ đẹp của tác phẩm văn học . Khoa học này được áp dụng trong cả văn học viết và văn học dân gian
– Khái niệm thi pháp của một thể loại nói riêng:
Thi pháp VHDG là toàn bộ ngững đặc điểm về hình thức nghệ thuật, về phương thức và thủ thuật mieu tả, biểu hiện, về cách cấu tạo đề tài, cốt truyện về phương pháp xây dựng hình tượng con người hay sự vật
II. Những đặc trưng cơ bản của thi pháp ca dao Việt Nam.
1. Đặc trưng cái tôi trữ tình trong ca dao, tính tập thể trong sáng tác và tính truyền miệng trong lưu hành, giao tiếp khiến cái tôi trữ tình của ca dao không có dấu vết cá nhân,cá thể. Cái tôi trữ tình là gì? Trong ca dao dân ca Việt Nam, cái tôi trữ tình thường là những cảm xúc chủ đạo được thể hiện tinh tế, đa dạng.
Đặc trưng cái tôi trữ tình trong ca dao là: thông thường nội dung tác phẩm trữ tình được thể hiện gắn liền với hình tượng nhân vật trữ tình, đó là hình tượng người trực tiếp thổ lộ suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng trong tác phẩm. Nhân vật trữ tình không có diện mạo, hành động, lời nói, quan hệ cụ thể như nhân vật tự sự và kịch nhưng nhân vật trữ tình cụ thể trong giọng điệu, cảm xúc, trong cách cảm, cách nghĩ thể hiện được tâm hồn người, tấm lòng người.
Tập thể là một biểu hiện khác của những phương thức sáng tác và lưu truyền văn học dân gian. Có những tác phẩm văn học dân gian ngay từ nguồn gốc đã là sáng tác cá nhân nhưng lưu truyền bằng con đường của trí nhớ. Dùng trí nhớ không thể giữ nguyên vẹn được cả nội dung và hình thức của tác phẩm, vì thế mà sáng tác ấy mỗi người có thể thay đổi tùy ý ít nhiều. Hơn nữa khi hát hoặc kể lại theo sở thích, mục đích của mình và của người nghe, thế là dù cho lúc đầu có thể là do một cá nhân sáng tác, nhưng trong khi lưu truyền qua những người khác nhau, tác phẩm văn học luôn luôn có khả năng tiếp nhận những yếu tố sáng tác mới và trở thành sở hữu tập thể.
Truyền miệng là phương thức sáng tác và lưu hành của văn học dân gian. Văn học truyền miệng ra đời từ khi dân tộc chưa có chữ viết. Tuy nhiên khi dân tộc đã có chữ viết thì văn học truyền miệng vẫn tiếp tục phát triển. Một mặt do đại đa số nhân dân không có điều kiện học hành để hưởng thụ thành tựu văn học viết, mặt khác do văn học viết không thể hiện đầy đủ tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng, thị hiếu và tập quán sinh hoạt nghệ thuật của nhân dân. Vì thế nhiều người có học mà chịu ảnh hưởng tư tưởng nhân dân cũng tham gia sáng tác và lưu truyền văn học dân gian.
Ca dao là loại thơ trữ tình dân gian, là tiếng nói của tư tưởng, tình cảm và mơ ước, khát vọng của người bình dân. Vì lẽ đó, khi những câu ca dao được ra đời và truyền đi trong cộng đồng, nó đã bị phai dần cái tôi trữ tình… sáng tác của một cá nhân mà được sửa đổi đôi chút và trở thành của cả cộng đồng, của cả những con người có cùng tình thế, ước mơ, tình cảm như câu ca dao. Và có lẽ vậy mà qua ca dao ta cảm nhận được sâu sắc nhịp trái tim yêu thương của người bình dân với tất cả sự ấm áp, ngọt ngào cùng tình yêu thương, lòng lạc quan, nghị lực ý chí phi thường vượt lên mọi khổ cực của cuộc sống.Vì thế nhân vật trữ tình trong ca dao là người bình dân, người thi sĩ, những người sáng tác, người diễn xướng,… thống nhất với nhau.
– Chủ thể trữ tình thường được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với đối tượng trữ tình, biểu hiện qua hai loại nhân vật:
+ Nhân vật hiển ngôn: hình tượng con người được trực tiếp thể hiện tình cảm, bộc lộ tâm tư, suy nghĩ, cảm xúc trong lời ca.
+ Nhân vật biểu tượng: thông qua biểu tượng, con người bộc lộ tâm tư cảm xúc với nhau, đó là những biểu tượng gần gũi với con người Việt Nam: con cò, con thuyền, cây đa, bến nước, sân đình….
-“Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.”
– “Thuyền về có nhớ bến chăng?/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.”
– Các nhân vật trữ tình được đặt trong nhiều mối quan hệ:
+ Quan hệ gia đình: mẹ-con, cha-con, mẹ chồng-nàng dâu, vợ-chồng, anh-em,…
-“Ơn cha nặng lắm ai ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.”
– “Anh em như thể chân tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”
+ Quan hệ lứa đôi: chàng trai-cô gái, bạn bè,…
– “Thương ai rồi lại nhớ ai/ Mặt buồn rười rượi như khoai mới trồng”.
+ Quan hệ xã hội: người nông dân-quan lại, chủ-tớ…
– “Con ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.”
– “Con vua thì lại làm vua/ Con vải ở chùa lại quét lá đa.”
– Nhân vật trữ tình hiện lên trong sinh hoạt hằng ngày, cuộc sống lao động, trong mối quan hệ với thiên nhiên, gia đình, làng xóm…có lúc đối thoại, có lúc độc thoại…
VD: Đối thoại:
“Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà.“
Hoặc:
“Đôi ta như lửa mới nhen/ Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu”
Độc thoại:
“Nhớ ai con mắt lim dim/ Chân đi thất thiểu như chim tha mồi.
Nhớ ai hết đứng lại ngồi/ Ngày đêm tưởng nhớ một người tình nhân.”
+ Cảm xúc, tâm tư của nhân vật trữ tình được bộc lộ bằng nhiều giọng điệu: tâm tình sâu lắng, trách móc, giận hờn, đau buồn, xót xa, nói bóng gió, hồn nhiên vui tươi:
“Hoa cúc vàng nở hoa cúc tím/ Em có chồng rồi trả yếm cho anh.”
Nếu ở đây chủ thể là chàng trai đòi lại kỉ vật thì đó là người coi trọng vật chất, so bì thiệt hơn, nhỏ nhen, xử sự không mấy đẹp đẽ. Và khi đáp lại thì lời của cô giá sẵn giọng, ăn miếng trả miếng:
“Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh/ Yếm em, em mặc, yếm gì anh, anh đòi!”
Nhưng nếu chủ thể là cô gái thì (qua hai dòng đầu) thì cả cô gái và chàng trai đều là những người xử xự đẹp. Yêu nhau không lấy được nhau, người con gái chủ động trả lại kỉ vật đã thuộc về cô gái, anh ta không có quyền nhận lại. Qua đó thấy được nghịch cảnh đáng buồn, sự nuối tiếc về mối tình dang dở của chàng trai và cô gái.
Đây là ví dụ điển hình về nhân vật trữ tình trong ca dao. Do có sự lưu truyền nên ca dao như có phần khái quát hơn, nó không còn đề cập đến cá nhân cụ thể là chàng trai hay cô gái mà đã được xem như câu hát chung cho mọi đối tượng: cá nhân, cá thể trong ca dao đã phai nhạt mà thay vào đó tính cộng đồng đã được hiện hóa.
…còn nữa…