Nhà thơ Thâm Tâm – Thi ca và huyền thoại
Không phải cho đến khi thi sĩ Thâm Tâm vĩnh biệt cuộc đời, từ nửa thế kỷ nay, người ta mới nói về thơ ông và những huyền thoại tình yêu có một không hai trong làng thơ Việt lúc bấy giờ.
Mời các em học sinh tham khảo thêm bài:
Nét tài hoa của Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc
Ngay lúc còn sinh thời, vào những năm cuối thập niên 30 và đầu thập niên 40, giữa lúc cao trào thơ mới đang hồi rực rỡ trên thi đàn, bỗng xuất hiện một Thâm Tâm – Nguyễn Tuấn Trình lấp lánh sắc màu hoa Ty-gôn u buồn, lẻ loi một cõi thơ riêng với một tình yêu đắm say và dang dở. Đã nửa thế kỷ đi xa, nhưng bất cứ lúc nào nhắc về thi sĩ, ai cũng dễ liên tưởng đến một người con gái với cái tên T.T.KH đầy bí ẩn, đã đi vào thơ ông làm lộng lẫy một nỗi buồn, chon von một con đường thơ ca cô đơn và đầy nỗi niềm trắc ẩn.
Màu hoa Ty-gôn đã biến sắc
Tim người yêu cũ phủ màu tang
Đã không biết bao nhiêu giấy mực, sục sạo tìm kiếm cho ra cái nhan sắc của người con gái ký tên T.T.KH dưới những bài thơ đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy và những bài thơ hồi âm của Thâm Tâm. Nhưng mọi giả thuyết vẫn là những giả thuyết. Cho dù sau này, khi nhà thơ đã qua đời, cụ Nguyễn Vỹ (thi sĩ đồng thời với ông) đã chứng minh trong những dòng hồi ký của mình về cái tên bí ẩn ấy là ai. Nhưng có vẻ như người ta cứ muốn cái tên T.T.KH kia mãi hư ảo trong khói sương, đẹp nao lòng trong những câu thơ buồn của thi sỹ. Suy cho cùng, mọi cuộc tìm kiếm, cốt là để phụ hoạ cho cái nhan sắc ấy đã bí ẩn lại càng thêm bí ẩn, đã đẹp lại càng lộng lẫy hơn đến là huyễn tưởng, hoang đường.
Gĩa từ những câu thơ buồn, cũng như nhiều nhà thơ khác thuộc thế hệ của mình, nghe theo tiếng gọi sơn hà, ông đã có mặt trong lớp những văn nghệ sĩ đầu tiên bước vào cuộc trường chinh kháng chiến chống Pháp. Vào những năm tháng làm báo ở mặt trận biên giới phía Tây- Bắc cùng với nhà thơ Vũ Cao, thì một cơn bệnh đột biến quái ác đã cướp mất cuộc đời tài hoa của một thi sĩ. Sự nghiệp văn chương nửa đường dang dở. Gia tài văn học ông để lại không nhiều. Một số vở kịch và truyện dài, truyện ngắn và thơ đã đăng trên các tờ báo trước đó. Cho mãi đến năm 1988, nhà xuất bản văn học mới tập hợp xuất bản một tập thơ “Thơ Thâm Tâm” độ chừng vài chục bài. ít ỏi là vậy, nhưng với một thi tài độc đáo, tác phẩm của ông đã và sẽ sống mãi với thời gian.
Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, ông sinh vào ngày 12/5/1917 tại thị xã Hải Phương trong một gia đình nghèo, đông con. Thời niên thiếu ông ăn học ở quê nhà, bước vào tuổi thanh niên ông và gia đình lên sinh sống ở Hà Nội. Nhờ năng khiếu hội hoạ và học ở nhà trường, Thâm Tâm bắt đầu cuộc đời vẽ vời kiếm sống. Cùng thời gian này, thơ ông đăng trên các tờ báo: Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Ngày Nay, Tiểu Thuyết Thứ Năm… Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nghèo túng, đời sống lây lất eo sèo, ông đã nhìn cuộc đời với bao nỗi buồn vây bủa.
Tuy vậy, nỗi buồn đến với ông như một sự giằng xé, để rồi với một giọng điệu can trường, lúc nào cũng khao khát dấn thân với một chí cả. Cũng cốt là để giải toả bớt những u uất, vùng vẫy những mong hé mở một chân trời, những bài thơ theo thể Hành đầy khí vị cổ xa của ông ra đời đã chinh phục trái tim người đọc suốt nhiều thế hệ nửa thế kỷ nay. Một trong những đỉnh cao ấy, chắc rằng “Tống biệt hành” là đỉnh cao nhất. Chính từ đây ông đã nghiễm nhiên ngồi chung chiếu trong thi nhân Việt Nam. Cái chí cả “Tráng sĩ nhất khứ hề” như một thứ men say cho thi sĩ bay lên trong ánh mắt hoan lạc nhìn ra một chân trời rộng mở.
Đưa người, ta không đưa sang sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
….
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng
Có thể con đường dấn thân ra đi ấy cũng là con đường mong manh và bế tắc.
Chí lớn chưa về bàn tay không
Đành là vậy, nhưng thân trai tráng không thể bó tay trước số phận. Nên chí đã quyết, phải dứt áo lên đường
Người đi! ừ nhỉ người đi thật
Mẹ già coi như chiếc lá bay…
Tưởng nhớ ông, nhắc lại một ít khí vị “Tống biệt hành”. Từ những cảm xúc có thực ấy, ta hiểu ông đến với Cách mạng như một sự khai phóng được mở toang lồng ngực hít thở, hoà nhập vào thác lũ quần chúng nhân dân trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. ý thức công dân và trái tim của một thi sĩ đầy nhạy cảm giữa lúc dân tộc đang dầu sôi lửa bỏng, đã thôi thúc thi sĩ trở thành người cầm súng xông pha chiến trường. Thời gian này, ông công tác ở báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay). Một số thơ văn của ông trong giai đoạn này đã đánh dấu một quan điểm sáng tác mới gần gũi với nhân dân và công cuộc kháng chiến.
Chiều mưa đường số 5
Đất tề sông quạnh vắng
Ngồi kín dưới nhà tranh
Nghe gió lưùa ắng lặng
(Chiều mưa đường số năm)
Tiếc thay tài năng một thi sĩ đương độ ba mươi, ông ra đi để lại bao tiếc thương cho đồng đội, nhất là nền thơ ca Việt Nam mất đi một thi tài (ông mất vào ngày 18.08.1950)
Nửa thế kỷ trôi qua, nhớ đến nhà thơ, bất cứ ai cũng đều có thể cất lên: “Đưa người , ta không đưa sang sông…”. Cuộc đời và sự vọng tưởng một tài thơ chỉ ngần ấy. Nhưng trong mọi lớp học từ khắp mọi nơi, thì “Tống biệt hành” là một áng thơ đã khảm khắc vào tâm hồn tất cả học sinh. Và đâu đó, bên chuyện kể về những tình yêu, về một thời thơ ca vang bóng trước Cách mạng tháng Tám, người ta ít ai lại không nhớ đến cái sắc màu “hoa Ty-gôn” huyền thoại, một nỗi buồn khôn nguôi chuyện lứa đôi, mà chính thi sĩ là người gieo hạt giống mọc đến vô tận những mùa sau “Thôi em hãy giữ cành hoa úa. Kỷ niệm ngàn năm một cuộc đời”…
Nguyễn Nhã Tiên