Đã sáu mươi lăm năm trôi qua nhưng lời Bác đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình dường như vẫn còn vọng mãi. Chất giọng trầm ấm, chậm rãi vang vang trong buổi sáng mùa thu rực nắng trước hàng triệu quốc dân đồng bào có sức thu hút một cách kì lạ. Bởi trong giờ phút trọng đại đó, Bác đã tuyên bố chấm dứt chế độ thuộc địa phong kiến ở nước ta và mở ra kỉ nguyên độc lập tự do của dân tộc. Tuyên ngôn độc lập không chỉ có giá trị lịch sử, giá trị pháp lý mà còn có giá trị văn chương. Với kết cấu mạch lạc, văn phong, khúc chiết, tác phẩm đã thể hiện sự kế thừa và sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc so với các văn bản tuyên bố độc lập dân tộc trong văn học trung đại.
Văn kiện lịch sử này không phải chỉ được đọc trước quốc dân đồng bào mà còn trước thế giới, đặc biệt là trước bọn đế quốc thực dân đang chuẩn bị tái chiếm nước ta. Mặt khác, tại thời điểm này thực dân Pháp tuyên bố: Đông Dương là đất bảo hộcủa người Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đã đầu hàng, vậy Đông Dương đương nhiên phải trở lại với người Pháp. Bản tuyên ngôn đã dứt khoát bác bỏ những luận điểm đó. Vì vậy đối tượng hướng tới của văn bản này, không chỉ là hai mươi triệu đồng bào Việt Nam để khẳng định quyền độc lập dân tộc, nhân dân tiến bộ thế giới để tranh thủ sự ủng hộ mà còn hướng đến bọn đế quốc: Anh, Pháp, Mỹ nhằm ngăn chặn mọi âm mưu xâm lược của chúng.
Tuyên ngôn độc lập là bản hùng ca của thời đại mới bởi nó đã kế thừa và phát triển bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Mặc dù hai tác phẩm trên được ví như những bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của quân dân Đại Việt song văn bản của Hồ Chí Minh mới là một Tuyên ngôn độc lập đúng nghĩa. Bởi tác phẩm có lối viết ngắn gọn, hàm súc đầy sức thuyết phục, lập luận chặt chẽ, lời văn hùng hồn. Tiếp cận Tuyên ngôn độc lậptrên cơ sở so sánh nét tiếp thu và sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc so với các văn bản trên nhằm thấy được những đặc sắc trong phong cách văn chính luận của Bác.
Nét kế thừa và phát triển trong Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch HCM
Như thông thường, tác phẩm cũng gồm ba phần; phần mở đầu tác giả đã tạo được cơ sở pháp lý và chính nghĩa cho Tuyên ngôn độc lập. Nếu ở Nam quốc sơn hà, Lý Thường Kiệt vào đầu bằng một lời tuyên ngôn đanh thép: Nam quốc sơn hà Nam đế cư (sông núi nước Nam vua Nam ở); trong Bình ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã khẳng định một chân lý lịch sử: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo thì Tuyên ngôn độc lập mở đầu bằng cách trích dẫn hai câu nói nổi tiếng trong hai bản tuyên ngôn của thế giới. Câu thứ nhất được trích từ Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Câu thứ hai được rút ra từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền Cách mạng Pháp năm 1791: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đây là một dụng ý chiến lược và chiến thuật của Bác. Người muốn dùng lời của ông cha người Pháp và người Mỹ để đập vào lưng của con cháu họ, dùng cây gậy độc lập tự do đánh vào lưng những kẻ thù của độc lập tự do. Nếu câu mở đầu của Nam quốc sơn hà là lời khẳng định chủ quyền dân tộc, mở đầu của Bình Ngô đại cáo là một triết lí nhân nghĩa gắn với an dân thì mở đầu của Tuyên ngôn độc lập là một lời tranh luận ngầm nhằm lột tẩy những mưu mô thủ đoạn của bọn thực dân. Cách trích dẫn ấy vừa tạo được cơ sở vững chắc cho Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, vừa sảng khoái niềm tự hào dân tộc. Như ngày xưa Nguyễn Trãi đã từng viết: Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập – Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương nhằm đặt ngang hàng các triều đại nước Việt với các triều đại Trung Hoa cổ. Lý Thường Kiệt đã từng cho quân sĩ nấp vào đền Trương Hống, Trương Hán bên sông Như Nguyệt để đọc lên lời sấm:
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận, ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Nguyễn Ái Quốc muốn đặt ba cuộc Cách mạng tư sản ở Mỹ năm 1776, Cách mạng tư sản năm 1791 và Cách mạng tháng tám năm 1945 của dân tộc Việt Nam trong vị thế ngang bằng nhau. Đây cũng chính là một nét kế thừa sáng tạo cách làm của các vị tiền bối.
Trong phần mở đầu, ngoài việc trích dẫn lời lẽ của hai bản Tuyên ngôn độc lập trên, Bác còn thể hiện một tư duy đầy biến hóa và sáng tạo qua luận điểm suy rộng ra: Tất cả các dân tộc đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Ở đây, Bác đã nâng từ quyền con người lên thành quyền dân tộc, từ vấn đề nhân quyền, vấn đề quyền cá nhân lên thành quyền của mọi dân tộc bị áp bức trên thế giới. Một nhà văn hóa nước ngoài đã viết: Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của dân tộc. Như vậy, tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình.
Phần giữa của Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã thiết lập cơ sở thực tế cho văn bản bằng việc đưa dẫn chứng cụ thể để tố cáo tội ác giặc Pháp và nêu cao cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta. Ở phần này, Hồ Chí Minh đã thể hiện nét tương đồng với Cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi. Ức Trai tiên sinh đã từng vạch tội giặc Minh mượn gió bẻ măng, lợi dung thời cơ phù Trần diệt Hồ để thôn tính nước ta: Nhân họ Hồ chính sự phiền hà – Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa. Trong tác phẩm của mình, Bác đã dùng lập luận bác bỏ để vạch trần năm tội ác về chính trị, bốn tội ác về kinh tế của thực dân Pháp. Nếu nước mẹ Pháp đưa ra chiêu bài bảo hộ thì Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ: Trong năm năm, chúng bán nước ta cho Nhật… Năm xưa, Nguyễn Trãi đã khái quát lại tội ác tày trời và chủ trương cai trị phản nhân đạo của giặc Ngô qua hai câu thơ: Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn- Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Ở Tuyên ngôn độc lập, với văn phong đĩnh đạc, giàu tính luận chiến, Bác đã viết: Chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Với cách lặp kết cấu cú pháp, điệp ngữ “chúng”, kết cấu song hành, tăng tiến,Tuyên ngôn độc lập là bản tuyên cáo chi tiết những hành động tham tàn bạo ngược của giặc Tây trên đất nước Việt Nam. Đặc biệt, ở Tuyên ngôn độc lập, với những dẫn chứng, số liệu cụ thể, bằng ngòi bút giàu sức chiến đấu, Nguyễn Ái Quốc còn vạch rõ thủ đoạn thâm độc của chính sách ngu dân, cai trị dân tộc Việt Nam bằng rượu và thuốc phiện, lập nhà tù nhiều hơn trường học. Nước Pháp ở thời điểm này đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế; thay vì đổ xuống biển hàng tấn rượu thì bọn thực dân đã mở rộng khai thác thuộc địa sang các nước Đông Dương và biến các nước này trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa ế thừa của chúng. Vì vậy chúng cấm người dân Việt Nam không được nấu rượu bằng các sản vật địa phương như gạo, mía, sắn mà phải dùng rượu Pháp. Trở lại những năm ba mươi của thế kỷ hai mươi, ta mới thấy hết được không khí ngột ngạt, đau khổ của thôn xóm Việt Nam. Khắp nơi , bọn tay sai phong kiến và thực dân Pháp truy tìm, bắt bớ bỏ tù hàng ngàn người dân vì tội nấu “rượu lậu”. Bên cạnh đó, bọn chúng cho phép các tiệm hút được mở công khai ở Hà Nội, Hải Phòng nhằm làm suy nhược sức khỏe và băng hoại ý chí đấu tranh của tầng lớp thanh niên ta. Lên án âm mưu thâm độc này, trong Tuyên ngôn độc lập, Bác viết: Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Ở truyện ngắn Vi hành, qua lời thư gửi người em họ, tác giả đã trực tiếp lên án tội lỗi của vua Khải Định thừa lệnh quan thầy Pháp đầu độc nhân dân ta bằng rượu và thuốc phiện đưa họ vào vòng đói khổ: Tôi không được rõ ý đồ nhà vi hành của chúng ta ra sao? Phải chăng là ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là A-lêch-xăng Đệ nhất có được sung sướng, có được uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài hay không? Bên cạnh việc sử dụng lập luận bác bỏ và những dẫn chứng xác thực để tố cáo tội ác kẻ thù, Nguyễn Ái Quốc còn đưa ra những số liệu cụ thể, thời gian chính xác về các cuộc đấu tranh giành hòa bình của dân ta. Đây là những cơ sở thực tế vững chắc, chứng cứ hùng hồn để đập tan lời lẽ của bọn thực dân là nhờ phe Đồng minh chiến thắng phe Phát xít nên Nhật đầu hàng, dân ta mới giành độc lập: Sự thật là mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải tay Pháp. Để có được thắng lợi vĩ đại đó, ta phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt thậm chí xương máu của hàng triệu liệt sĩ. Điệp ngữ “ sự thật là” vang lên một cách sảng khoái khiến trái tim của hàng triệu dân náo nức, mê say. Trong Nam quốc sơn hà, nhà thơ vị tướng đời Lý đã hùng hồn lên tiếng: Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm – Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Trong Tuyên ngôn độc lập, Bác đã ngợi ca thái độ khoan hồng và nhân đạo của người dân đất Việt: Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ. Tinh thần nhân nghĩa đó vốn xuất hiện từ lâu trong đạo lý dân tộc: Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại. Trong truyện cổ dân gian, khi nghe Thạch Sanh đàn, quân giặc rụng rời chân tay và xin hàng. Trước khi chúng về nước, Thạch Sanh không chỉ tha bổng mà còn cấp cho chúng niêu cơm “ăn mãi không hết”… Truyền thống ấy đặc biệt được kết tinh trong trang viết của Nguyễn Trãi: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn – Lấy chí nhân mà thay cường bạo. Tư tưởng nhân nghĩa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong Bình Ngô đại cáo và cuộc đấu tranh chống quân Minh của quân dân Đại Việt. Sau khi giặc đầu hàng, lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn đã có những hành động hết sức cao thượng: Mã Kì, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể mà hồn bay phách lạc – Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà tim đập chân run. Sự thảm hại của kẻ thù vừa làm tôn lên khí thế hào hùng của nghĩa quân đồng thời càng làm nổi bật tính chất chính nghĩa, nhân đạo sáng ngời của cuộc kháng chiến chống quân Ngô thuở nào.
Như vậy ở phần hai, Bác đã xác lập một nền tảng vững chắc cho Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam. Độc lập tự do mãi mãi là khát vọng cháy bỏng của mỗi một con người trên dải đất cong cong hình chữ S này: Tự do đã nở hoa hồng – Trong dòng máu đỏ, trên đồng Việt Nam. Lời kết thúc Bình Ngô đại cáo với sự hòa quyện giữa cảm hứng độc lập và cảm hứng vũ trụ, Ức Trai tiên sinh trịnh trọng tuyên bố nền độc lập tự do: Xã tắc từ nay vững bền – Giang san từ đây đổi mới – Càn khôn bỉ mà lại thái – Nhật nguyệt hối mà lại minh – Muôn thuở nền thái bình vững chắc – Ngàn năm, vết nhục nhã sạch làu. Ở Tuyên ngôn độc lập, trước khi công bố quyền được hưởng tự do độc lập một cách xứng đáng của dân tộc ta, Hồ Chí Minh đã tuyên bố thoát lí mọi quan hệ với thực dân, xóa bỏ mọi hiệp ước, mọi quyền lợi của Pháp trên đất nước Việt Nam. Đây là một việc làm vô cùng có ý nghĩa. Để thiết lập một đất nước Việt Nam mới và mở ra một kỉ nguyên độc lập tự do của đất nước, ta phải xóa bỏ mọi ràng buộc, mọi mối quan hệ với thực dân Pháp, phải đập tan mọi luận điệu của Đờ Gôn (tướng Pháp) và bọn thực dân phản động Pháp đang âm mưu tái chiếm Đông Dương: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Đoạn văn gồm ba ý, xây dựng theo lối tăng cấp: quyền hưởng tự do độc lập của dân tộc, hưởng tự do độc lập là sự thực, quyết tâm giữ vững độc lập tự do bằng mọi giá của con người Việt Nam. Đây là lời tuyên bố hào hùng, là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu dân(Trần Dân Tiên). Chính Hồ Chí Minh đã tự đánh giá tác phẩm là một thành công khiến Người cảm thấy sung sướng trong cả cuộc đời viết văn, làm báo đầy kinh nghiệm của mình.
Về tổng thể, Tuyên ngôn độc lập có điểm tương đồng giữa các phần như Bình Ngô đại cáo song bố cục ngắn gọn và chặt chẽ hơn. Nếu hai tác phẩm trên sáng tác theo các thể thơ văn cổ Trung đại thì Tuyên ngôn độc lập viết theo phong cách văn chính luận hiện đại với lập luận sắc sảo, bằng chứng rõ ràng, hình ảnh gợi cảm, ngôn từ chính xác, kết hợp sâu sắc giữa văn học và chính trị, kế thừa và phát triển. Tính đến hôm nay tác phẩm sắp bước vào tuổi thất thập cổ lai hy song nó vẫn còn giá trị bền vững với chúng ta. Mọi vật đều sợ thời gian bởi thời gian sẽ phủ mờ lên tất cả, song thời gian lại sợ các vĩ nhân bởi sự tồn tại của các vĩ nhân là trường cửu. Đó là trường hợp của Bác và sự nghiệp văn chính luận của Người, trong đó có Tuyên ngôn độc lập. Tìm hiểu tác phẩm của Bác ta hiểu hơn tầm văn hóa, chiến lược của một vị lãnh tụ trong việc phát huy quan điểm dùng văn chương làm vũ khí phục vụ Cách mạng.
Mỗi lần nghe lại tiếng Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, chúng ta lại bồi hồi xúc động. Lời Bác như vẫn còn đâu đây nhắc nhở cháu con đất Việt không ngừng phấn đấu bảo vệ chủ quyền dân tộc, xây dựng đất nước sánh vai cùng các cường quốc năm châu.