Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắc chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Hằng Nga bình luận:
” Mẹ của anh” – bài thơ có đề tài chạm đến một vấn đề rất quen thuộc trong đời sống của phụ nữ chúng ta. Đề tài viết về mẹ, nhưng là mẹ của một nửa kia. Bài thơ thật ấm áp và chan chứa nghĩa tình.
Ngay từ khổ thơ đầu tiên nhà thơ đã tâm tình với chúng ta những điều vô cùng có ý nghĩa:
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Mẹ không phải của riêng anh đâu, mẹ là của chung chúng mình đấy. Mẹ tuy không đẻ không nuôi em nhưng em ơn mẹ suốt đời vì nhờ có mẹ em mới có anh. Mà sự hàm ơn ấy suốt cả cuộc đời em trả mẹ cũng chưa xong. Lí lẽ của Xuân Quỳnh thật giản dị và đúng như chân lí.
Những câu thơ tiếp theo Xuân Quỳnh điểm lại những nỗi vất vả truân chuyên trong cuộc đời của mẹ bằng một sự cảm thông rất sâu sắc:
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Ngày xưa mẹ cũng từng nhan sắc như bao người con gái khác, nhưng vì thức bên anh qua từng cơn đau nên giờ đây tóc mẹ đã bạc trắng. Cách viết rất hay với biện pháp đối lập Xuân Quỳnh đã tôn vinh công ơn của mẹ, và người đọc sẽ thấu hiểu sâu sắc vô cùng một điều mà ai cũng biết nhưng đôi lúc lại lãng quên:
Để cho mái tóc trên đầu anh đen”.
Cuộc sống nhiều vất vả của mẹ cũng được tái hiện qua những hình ảnh quen thuộc: con đường dốc nắng, chợ xa gánh nặng. Mẹ tảo tần sớm khuya để anh khôn lớn, để bây giờ em có anh chính vì lẽ đó mà:” Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao”.
Xuân Quỳnh thật đằm thắm và tình nghĩa khi viết những câu thơ trên. Em thương anh em cũng thương từng bước chân của mẹ đã từng lặn lội năm xưa.
Thời gian trôi qua, anh đã thành nhà thơ, bóng dáng của mẹ có trong thơ anh, trong sự trưởng thành của anh:
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Ở đây ta bắt gặp những lí thuyết khoa học rất quen thuộc: Di truyền học và Môi trường học. Mẹ di truyền cho anh nguồn gen của mình để anh có cái tinh tế, thông minh của một nhà thơ. Mẹ tạo ra môi trường để anh phát triển được tài năng của mình. Vì thế:
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Đừng dối mẹ nhé anh. Dù là dối mẹ để yêu em. Lời khuyên là sự hi sinh của người con gái nhưng sự hi sinh ấy thể hiện nhân cách rất đẹp của người con gái ấy. Xuân Quỳnh không chỉ là nhà thơ viết bằng cảm xúc mà chị còn viết bằng trí tuệ và hiểu biết, điều này lí giải tại sao thơ Xuân Quỳnh có sức sống lâu bền đến thế.
Xuân Quỳnh bằng tình cảm và trí tuệ đã chỉ rõ tình cảm của mẹ đối với mình- nàng dâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Mẹ không ghét bỏ em, em biết rõ điều đó. Em yêu anh nên em đã làm dâu của mẹ. ” Dâu là con” và em đã là con của mẹ. Thật chí lí và sâu sắc.
Từ tình cảm với mẹ Xuân Quỳnh nghĩ về tình yêu của mình:
Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Em xin được hát tiếp lời ca của mẹ để ru anh sau bao nỗi lo âu nhọc nhằn của cuộc đời. Tình yêu của chúng mình thật nhỏ nhoi giữa không gian mênh mông và cuộc đời rộng lớn, giữa biếc xanh của hoa cỏ , núi sông và đặc biệt cũng thật nhỏ bé so với lòng thương yêu vô bờ bến của mẹ.
Hai câu kết của bài thơ thật giản dị mà sâu lắng:
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Từ những nhọc nhằn, từ những chắt chiu của ngày xa xưa mẹ đã sinh anh cho em, chính vì vậy mẹ là ân nhân vĩ đại nhất của cuộc đời em. Anh yêu em bao nhiêu, anh tuyệt vời bao nhiêu, em càng ơn mẹ bấy nhiêu. Tình yêu của em giành cho anh tỉ lệ thuận với tình cảm em giành cho mẹ.
Có còn gì xúc động hơn tấm lòng của con dâu giành cho mẹ ở những câu thơ này.
Trong ” truyền kỳ mạn lục”, Nguyễn Dữ cũng đã viết về một người con dâu hiếu thảo là nàng Vũ Nương. Nàng đã thay chồng chăm mẹ trong những năn tháng chồng đi chinh chiến vô cùng chu đáo. Chính mẹ chồng nàng đã nói với nàng rằng : trời xanh kia không bao giờ phụ lòng tốt của con. Rồi nàng Cúc Hoa trong vở chèo ” Tống Trân – Cúc Hoa” đã láy thịt của mình cho mẹ chồng ăn qua cơn đói khi bị lạc trong rừng. Từ những câu chuyện cảm động đó ta thấy bài thơ ” Mẹ của anh” của Xuân Quỳnh không phải chỉ thể hiện tấm lòng của nhà thơ mà còn là bài học đạo đức, là lời khuyên về cách sống cách cư xử đối với bạn đọc.
” Mẹ của anh” là bài thơ viết về tình cảm của con giành cho mẹ, nhưng không chỉ như thế bài thơ còn là tình đời, tình người sâu sắc. Vượt qua mọi giới hạn của thời gian, bài thơ mãi mãi thiêng liêng, mãi mãi có dư âm vang vọng trong lòng bạn đọc chính vì giá trị nhân văn đẹp đẽ của nó.