Ký ức người lính trong “Những năm tháng ở rừng” ( Phần 1)

Ký ức người lính trong “Những năm tháng ở rừng” ( Phần 1)

Mời các em học sinh tham khảo thêm tài liệu:

Bi Kịch Nhân Vật Vũ Như Tô

Ra đời từ năm 2005, “Những tháng năm ở rừng” là tập hợp 55 bài thơ được sáng tác từ những ngày Nguyễn Anh Nông cùng đồng đội đóng quân ở miệt Cao Bằng. Cho đến nay (2013), Nguyễn Anh Nông đã bước vào vườn thơ đương đại Việt Nam với sự điềm tĩnh, đĩnh đạc vốn có của người lính.

Tiếp theo “Những tháng năm ở rừng” là “Trường ca Trường Sơn” (2009); “Lững thững xanh” (2010);  Trường ca “Gửi Bill Gates với trời xanh” (2011); “Hà Nội và em” (2011); “Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn” (2012); “Lập Thành” (2012). Ở những tác phẩm ấy của nhà thơ xứ Thanh, không khó để có một cảm nhận chung ở người đọc là chất thơ mang nặng niềm vui, nỗi buồn, niềm ưu tư trĩu nặng mà vẫn lạc quan, tin yêu của cuộc đời người lính. Điều đó thể hiện ở cảm xúc, hình ảnh, cấu tứ, ngôn từ. Lí giải điều này, ta cùng nhìn lại kí ức của người lính qua “Những tháng năm ở rừng” .

Ký ức người lính trong “Những năm tháng ở rừng” ( Phần 1)

Ký ức người lính trong “Những năm tháng ở rừng” ( Phần 1)

Nguồn cảm xúc chủ đạo mà Nguyển Anh Nông khơi dậy trong lòng người đọc trong “Những tháng năm ở rừng” chủ yếu là những cảm xúc về kí ức, hoài niệm. Kí ức, hoài niệm ấy gắn với cuộc đời người lính. Ta có thể nhận ra niềm tự hào sâu sắc của anh khi được đứng trong hàng ngũ những người lính cách mạng. Mang trọng trách bảo vệ miền biên cương của Tổ quốc, anh tự hứa với mình là sẽ “Cùng đồng đội làm thanh gươm sắc. Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc”. Có lẽ bởi thế, những kí ức, hoài niệm ấy trở thành nỗi nhớ da diết trong anh.
“Có những năm tháng ở rừng
Bập bùng bao kỉ niệm
Ôi, ngọn lửa giữa rừng đêm
Âm ỉ cháy trong ta da diết”
(Những tháng năm ở rừng)
          Nỗi nhớ ấy bắt đầu từ cuộc sống vất vả gian nan của đời lính. Đêm nằm gai, ngày nếm mật, giữ gìn từng tấc đất cho Tổ quốc, nhân dân.
                             “Những năm tháng ở rừng
                             Ăn trong nắng, ngủ trong sương
                             Ngày mấy bận ngóng thư
                             Đêm bầu bạn với mây trời trăng gió”
                                      (Những tháng năm ở rừng)
Nỗi nhớ ấy cụ thể hơn trong những đêm băng rừng vượt suối.
“Tôi chợt nhớ đêm tuần tra biên giới
Mưa lai rai rét mướt nổi da gà
Cơn sốt đến bạn không rời cây súng
Lũ giặc còn lẩn khuất gần xa”
          (Khúc tưởng niệm bên dòng suối)
Đoạn thơ tả thực. Trong cái âm u của rừng già, trong cái tịch mịch của miền biên viễn, văng vẳng trong đêm khuya lâm thâm mưa phùn giá rét, tiếng nai tác gọi bầy nghe thật ai oán não nùng, người chiến sỹ lên cơn sốt rét ác tính. Đây là hiện thực thường thấy trong đời sống gian khổ của người lính. Về hiện thực khắc nghiệt này, Quang Dũng trong “Tây Tiến” cũng viết:
“ Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”.
Rõ ràng, với Nguyễn Anh Nông cái khắc nghiệt của núi rừng biên cương có thể quật ngã được thân thể họ, những người trai trẻ, nhưng không thể khuất phục được ý chí  kiên cường của anh bộ đội Cụ Hồ. Cách thể hiện của Quang Dũng đậm chất lãng mạn, hào hoa của anh lính Hà Thành, còn cách thể hiện của Nguyễn Anh Nông mộc mạc, chân chất như sự thực vốn có. Ý chí kiên cường ấy, giúp anh vượt qua nỗi đau đớn thể xác bởi bệnh tật. Cũng chính trong hoàn cảnh ấy, những người lính đã kề vai sát cánh bên nhau, truyền cho nhau hơi ấm, niềm tin, truyền cho nhau sức mạnh để vượt qua khó khăn trước mắt.
“Cái đêm ấy trăng sao đào ngũ hết
Lửa bập bùng mà buốt nhói tim tôi
Đồng đội thức quây quần bên hang lạnh
Cánh dơi hoang nhập nhoạng ghê người”
(Khúc tưởng niệm bên dòng suối)
          Mặc dù vậy, cái hiện thực khắc nghiệt ấy vẫn không thể nguôi quên trong ký ức người lính. Đã qua rồi cái thời tụng ca, qua rồi cái thời nói đến người lính là phải anh hùng, là phải Đẹp, đánh giá một cách khách quan những hi sinh mất mát là điều nên làm. Với Nguyễn Anh nông, dẫu đồng đội nhường cơm sẻ áo, “viên thuốc nhường đứa ốm sau thôi”, nhưng hậu quả là thực:
“ Bạn tôi khỏe, nhưng da thịt mái mái
Đôi môi chì, thưa tóc với vàng răng
Bạn đi đứng thân hình vẹo vọ
(Như hình nhân di động đuổi xua chim)”
(Khúc tưởng niệm bên dòng suối)
Lần dở từng trang kí ức đời lính của Nguyễn Anh Nông, người đọc không thấy có gầm gào bom rơi, đạn rú, không cảm nhận được cái ngột ngạt sực lên, đặc quánh cả không gian mùi thuốc súng ở chiến trường nhưng vẫn cảm thấy có cái gì thật day dứt, xót xa.
“Những năm tháng ở rừng
Đồng đội mấy người gục ngã
Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng”
(Những tháng năm ở rừng)
Dẫu vẫn biết các anh đã hóa thân vào mây ngàn non nước, viết lên bài ca bất tử cho muôn đời sau, nhưng đồng đội của anh, những người đồng cam cộng khổ không thể tránh khỏi cảm xúc đau đớn, xót xa.
“Bàng hoàng … tiếng thét ven đồi
Mìn giặc gài khuất chìm trong cỏ
Buổi đi phép – Bạn về cưới vợ
Thành ngày tang –trời sậm sịch – mưa buồn.”
(Khúc tưởng niệm bên dòng suối)
Câu thơ ngắt quãng nghẹn ngào, rồi đột ngột bị bẻ gãy như diễn tả sự bất ngờ của chủ thể trữ tình trước hung tin bạn mình ra đi mãi mãi, để rồi òa ra trong tận cùng mất mát.
Nhưng nói mãi về những đau đớn, hi sinh không phải là sở trường của Nguyễn Anh Nông. Trong kí ức người lính, chúng ta bắt gặp những trang tươi vui, tràn đầy sức sống. Đó là những khoảng khắc, phút giây xuất thần của nhiếp ảnh gia – Thi sỹ Nguyễn Anh Nông chụp lại.
“Đường xuôi tấp nập lúc xuân sang
Ai đó nhà xa có nhỡ nhàng
Có anh lính trẻ về ăn tết
Vác cả mùa xuân kịp tới làng”
(Rừng xuân)
Không hiểu sao, đọc những câu thơ này, tôi lại liên tưởng đối lập với cái buồn ảo não, sướt mướt của một giọng ca nào đó cất lên từ thời tiền chiến, rằng “con biết xuân này mẹ chờ, em mong” và chợt nhận sự khác biệt về tư duy thẩm mỹ của hai thế hệ. Khổ thơ 4 câu, mỗi dòng 7 chữ, vạch nhịp 4/3 gằn nhanh và gấp gáp. Người đọc cảm nhận được niềm vui phấn chấn và có phần nôn nóng của anh lính trẻ về quê ăn Tết. Nhưng thú vị nhất là ở từ “Vác”. Kết lại ở dòng cuối và cũng là của toàn bài . Thông thường mang vác là công việc nặng nhọc, gợi lên nỗi vất vả của người lao động, ấy thế nhưng, anh lính trẻ nhà ta lại … “vác cả rừng xuân”. Kì diệu thay là sức liên tưởng sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ!.
Cái nhìn tươi vui, đầy sức sống trong kí ức người lính còn gắn với mối quan hệ cá nước giữa quân với dân. Người lính vừa cầm chắc cây súng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đất nước, vừa uyển chuyển đậm tô từng nét phấn trên bảng đen. Người lính đã hóa người Thầy. Gieo mầm xanh hi vọng lên đất cằn, sỏi đá nơi địa đầu Tổ quốc.
“Với cử  chỉ sáng trong
Người lính trẻ
Viết lên bảng đen
Những con chữ tươi sáng
Những tư duy ánh sáng
Những con chữ chân chạy tung tăng”
(Những nhịp điệu sáng trong)
Phải! Ở nơi đây, bát ngàn núi đá rừng xanh, con suối mát trong  rì rào hát bài ca năm tháng, người lính ngoài nhiệm vụ bảo vệ phên dậu của đất nước, họ còn truyền lửa tri thức cho những em nhỏ đồng bào ít người, trao cho các em những bài học đầu tiên. Bài học thấm đượm hồn thiêng sông núi, thấm đẫm hương sắc mây trời quê hương, giúp các em tin hơn, yêu hơn cuộc sống này, để các em trở thành người có ích cho mai sau.
Ký ức người lính trong “Những năm tháng ở rừng” ( Phần 1)

Thảo luận cho bài: Ký ức người lính trong “Những năm tháng ở rừng” ( Phần 1)