Kể về một người bạn thân của em với những kỉ niệm sâu sắc khó quên
Soạn bài văn bản báo cáo (Hướng dẫn 2)
Đề bài:
Kể về một người bạn thân của em với những kỉ niệm sâu sắc khó quên
Bài làm
Thằng Cứng là đứa học trò tối dạ, học dở nổi tiếng. Học dở lại dơ dáy. Mũi nó thò lò, quần áo lúc nào cũng vấy mực. Nước da của nó lại xám xạm, cả cái vẻ mặt của nó cũng cũ, cũ mèm. Nó học không đến nỗi đội sổ, nhưng không bao giờ vượt lên đến mức trung bình. Lớp học có bốn lăm đứa thì nó vào hạng bốn mươi. Từ bốn mươi đến bốn lăm nó cứ xục xịch như vậy cho đến ngày rời khỏi trường. Chung quanh chuyện học dở của nó lại có một chuyện thành trò cười, từ đó thành một giai thoại. Hồi đó, mỗi lần cho điểm thì cô lật sổ ra, gọi tên từng dứa. Đứa nào được cô gọi thì đứa đó phải đứng thẳng lên, vừa hô tên vừa hô điểm cho cô ghi vào sổ. Và hô điểm thì phải hô bằng tiếng Tây.
Ví như, cô kêu:
-An! Lập tức trò An phải đứng dậy và hô lớn:
– An “nóp” (9) Cô gọi:
– Bình!
– Bình “xít” (6) Lần đó cô gọi đến nó:
– Cứng! Từ dưới bàn chót, nó bật đứng phắt dậy, nó có hai điểm mà nó không biết mắc cỡ, nó dõng dạc hô lớn: Cứng “đơ” (2). Tiếng “đơ” nó lại kéo dài mới chết! Cả lớp cười rộ lên, cô thì đỏ mặt tía tai, còn nó, mặt nó cứ tỉnh bơ. Thằng Cứng “Cứng đơ” biến thành danh. Phải nói thật lòng, hồi đó, tuy là bạn cùng xóm, nhưng tôi không thích nó. Tôi không thích nó không phải vì nó học dở, dơ dáy hay lù khù. Tôi không thích vì thấy nó không ưa tôi. Lúc nào nó cũng nhìn tôi với cặp mắt lườm lườm, xa lánh và hiềm thù. Trong các trò chơi, nó tìm đủ mọi cách để đứng về phía đối lập với tôi. Nhất là đá banh, lần nào chia đội, tôi để ý thấy, không khi nào nó chịu ở một đội với tôi. Học dở, đá banh cũng dở, chỉ được cái đá giò, và trận nào nó cũng cặp theo tôi. Nhưng tôi lanh hơn nó. Nó đá giò, tôi tránh, tôi thúc cùi chỏ, nó chỉ biết “hự” lên một tiếng, lấy mắt dòm. Tại sao nó không ưa tôi, tôi không hiểu; chỉ biết nó không ưa thì tôi không thích. Được cái, tôi không ỷ thế học giỏi hay lanh lợi mà ăn hiếp nó.
Năm 1946, tôi rời trường, theo bộ đội đi kháng chiến. Nghe đâu thằng Cứng cũng theo bộ đội. Nghe là nghe vậy chớ tôi không để tâm và quên nó dễ dàng. …Tôi đến nó, buổi chiều gió mát, nó đang mở tiệc đãi bạn bè. Gặp tôi, nó mừng đến hét lên, nó sung sướng thật sự và ra mặt, nó ôm tôi, nó kéo tôi ngồi gần bên nó, nó giới thiệu với bạn bè: “Thằng bạn học tôi hồi nhỏ”
– Nó giới thiệu thân ái mà trân trọng và xúc động, nó ôm cổ tôi, kéo mặt tôi sát vào mặt nó
– “Tao nhớ mày quá Năm. Gặp ai tao cũng hỏi thăm mày!” Đúng là tôi nghe nó hỏi thăm tôi. Xúc động và vui miệng, nó vỗ vai tôi, nói với bạn bè:
– Hồi nhỏ ở nhà, tại nó mà tôi bị đòn muốn chết. Nó học giỏi còn tôi thì học dở. Tới kì xếp hạng, biết tôi đứng dưới nó là ông già tôi ổng rút roi ổng quất tôi. Rồi ổng vặn đồng hồ, bắt tôi thức từ bốn giờ để học. Ông bắt tôi phải học cho hơn nó. Mà tôi thì làm sao theo nó nổi, khổ sở hết sức.
Có một lần ổng đánh tôi, đau quá, tôi mới mếu máo “kì này tôi học hơn thằng cồ”
– ổng dừng roi ổng hỏi “thằng cồ đứng hạng mấy?”.
“Dạ thằng Cồ học hạng chót!” cái roi của ổng cũng quất tôi nghe một cái trót.
Cả bọn chúng tôi đều bật cười.
Thấy vậy nó càng vui: Lần nó thi đậu, tôi thì rớt, ổng nhốt tôi vô nhà tắm, ổng đánh tôi một trận bán sống bán chết, năm sáu ngày đít vẫn còn lằn roi.
Má tôi can: “Ông ơi! Ông! Sao ông không lựa thằng nào khác bắt con nó thi thố hoài vậy, hở ông!
” Ba tôi trừng mắt – “Bắt nó thi thố thì bắt với đứa giỏi, lựa cái đứa không ra gì thì bắt nó thi thố cái nỗi gì” tội nghiệp ông già, ổng muốn cho tôi tiến bộ! Sau trận càn Jônsơn City (1967) từ chiến trường Tháp Mười trở về R, tôi nghe tin nó hi sinh. Một nhân viên trong cơ quan nó kể lại với tôi. Nó là giám đốc xưởng. Trận càn ấy, một mũi của quân Mỹ dùi thẳng vô xưởng. Nó bị thương vì một mảnh pháo xuyên qua bụng. Sau khi băng bó cho nó xong, anh em định đưa nó đi, thì nó chồm dậy, nó lấy danh nghĩa là giám đốc, nó ra lệnh, tất cả phải mang lựu đạn lại cho nó. Một mình, nó ở lại chặn giặc, còn tất cả phải bảo vệ máy móc đưa đi.
– Lệnh! Không bàn cãi! Nó ngồi bên đông lựu đạn, một trái cầm sẵn trong tay, mắt nhìn về phía tiếng súng, nó hạ lệnh cuối cùng. Năm 1965, nó gặp lại vợ một lần. Và trước lúc hi sinh, nó chưa nhìn thấy mặt con.