Hướng dẫn soạn bài: Đề văn nghị luận
Mời các bạn học sinh tham khảo thêm:
Hướng dẫn soạn bài: Nỗi sầu oán của người cung nữ
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Yêu cầu của đề văn nghị luận
- Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để luyện tập kĩ năng nghị luận, người viết văn nghị luận cần tuân theo những yêu cầu cụ thể. Thông thường, những yêu cầu này được đưa ra dưới dạng các đề văn.
- Yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất của một đề văn nghị luận là vấn đề nghị luận (còn gọi là luận đề).
- Tuỳ thuộc vào nội dung do đề văn đặt ra mà người viết lựa chọn và vận dụng các thao tác lập luận cho phù hợp. Khi gặp những đề văn nêu rõ thao tác lập luận như hãy giải thích, hãy chứng minh, hãy bình luận, hãy phân tích,… người viết cần lưu ý: đó chỉ là yêu cầu về thao tác chính cần sử dụng chứ không phải thao tác duy nhất. Không có bài văn nghị luận nào chỉ sử dụng một thao tác lập luận.
- Yêu cầu về nội dung cần bàn luận là yêu cầu bắt buộc mà mỗi đề văn cần phải có. Căn cứ vào tính chất của nội dung ấy, người ta thường chia đề văn nghị luận thành hai loại: đề văn nghị luận chính trị – xã hội và đề văn nghị luận văn học.
2. Tìm hiểu đề văn nghị luận
a) Xác định nội dung trọng tâm cần bàn bạc và làm sáng tỏ
b) Xác định loại đề văn nghị luận và các thao tác lập luận chính sẽ vận dụng trong bài viết
c) Xác định phạm vi tư liệu cần huy động, trích dẫn cho bài viết
II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
Đọc kĩ các đề văn sau và thực hiện yêu cầu:
(1) Vẻ đẹp trong bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão
(2) Tiếng khóc của Nguyễn Du trong bài thơ Đọc “Tiểu Thanh kí”
1. Xác định nội dung trọng tâm cần bàn bạc và làm sáng tỏ của mỗi đề văn
Gợi ý:
- Đề (1): Vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão.
- Đề (2): Tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du thể hiện trong bài Đọc “Tiểu Thanh kí”.
2. Xác định thao tác lập luận chính sẽ vận dụng để giải quyết yêu cầu của mỗi đề văn
Gợi ý:
- Đề (1): Với yêu cầu của đề bài này, cần tập trung vận dụng thao tác phân tích và bình luận. Phân tích những biểu hiện đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, đồng thời kết hợp bình luận để chứng tỏ sự đánh giá, cảm thụ của mình về vẻ đẹp riêng của tác phẩm. Tuy nhiên, cũng có thể vận dụng các thao tác chứng minh hay giải thích sao cho phù hợp. Có thể đưa ra luận điểm khẳng định về vẻ đẹp của lí tưởng cao cả và khí phách anh hùng, sau đó kết hợp phân tích và chứng minh bằng những biểu hiện cụ thể trong bài thơ. Có thể sử dụng thao tác giải thích để làm rõ ý nghĩa của “nợ công danh”, từ đó bình luận về vẻ đẹp đậm chất lí tưởng cao cả và khí phách của bậc anh hùng của nhân vật trữ tình.
- Đề (2): Với yêu cầu về nội dung nghị luận ở đề bài này, cần tập trung vận dụng thao tác giải thích, chứng minh. Giải thích “tiếng khóc” để chỉ ra đó là cách nói hình ảnh về sự cảm thông, tấm lòng tri âm, nói rộng ra là lòng nhân đạo của tác giả đối với bậc tài hoa mệnh bạc. Giải thích về xuất xứ bài thơ, về mối liên hệ giữa bài thơ với Tiểu Thanh kí,… Từ việc giải thích như vậy, người viết từng bước chứng minh bằng những chi tiết, hình ảnh cụ thể của bài thơ: Từ những biểu hiện của nỗi xót thương của nhà thơ trước số phận của Tiểu Thanh ở hai câu đầu, cho đến những cảm nhận về số phận của những kẻ tài hoa bạc mệnh nói chung ở bốn câu giữa, và cuối cùng là nỗi niềm riêng tư của tác giả được giãi bày. Cần thiết phải kết hợp sử dụng thao tác bình luận, bình luận về mối đồng cảm, tri âm và thể hiện được những cảm thụ của mình đối với mối cảm thương sâu sắc của tác giả.
3. Xác định phạm vi tư liệu cần huy động, trích dẫn cho mỗi đề văn
Gợi ý:
Đối với hai đề bài này, phạm vi tư liệu nằm trong hai bài đã học: văn bản tác phẩm và hệ thống các tri thức đã nắm bắt trong quá trình đọc – hiểu. Ngoài ra, có thể huy động thêm những bài viết tham khảo để mở rộng những hiểu biết về đối tượng nghị luận.