Hướng dẫn soạn bài: bài viết số 2 ( Lớp 11 )

Hướng dẫn soạn bài: bài viết số 2 ( Lớp 11 )

Mời các em học sinh tham khảo thêm:

Hướng dẫn soạn bài: tiến sĩ giấy (Nguyễn Khuyến)

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

(Xem bài trước)

1. GỢI Ý DÀN BÀI

Đề 1:

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từng viết “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” (truyện Lục Vân Tiên). Anh (chị) hiểu ý thơ trên như thế nào?

Hãy viết bài văn bàn về “lẽ ghét thương” trong cuộc sống hàng ngày.

a. Mở bài

– Giới thiệu con người Nguyễn Đình Chiểu.

– Trích dẫn câu thơ thể hiện “lẽ ghét thương” của Nguyễn Đình Chiểu.

Thân bài

– Giải thích ý thơ “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”: Người hay ghét chính là người hay thương – nói cách khác: chính vì yêu thương nên mới căm giận.

– Tại sao lại như vậy?

+ Ghét cái xấu xa, thấp hèn, bợ đỡ, lừa lọc, …

+ Yêu cái đẹp đẽ, cái tốt, cái cao cả, trung thực, …

– Mối quan hệ giữa ghét và thương:

+ Có biết ghét thì mới biết yêu

+  “Phải luyện những con người Việt Nam đẹp nhất. Biết căm thù và cũng biết yêu thương” (Tố Hữu).

– Quan điểm của cá nhân:

+ Ghét và thương là hai tình cảm trái ngược nhau, thể hiện nhân cách, cá tính, phẩm chất…cá nhân. Con người phải biết ghét cái xấu, cái ác; thương cái đẹp, cái thiện, …

+ Không nên chỉ ghét mà không thương hoặc ngược lại. Song cũng không nên ba phải trong sự ghét thương.

+ Cũng cần lưu ý để tránh ghét, thương nhầm người, nhầm việc.

“Người ta khổ vì yêu không phải cách
Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người

(Xuân Diệu)

+ Để ghét thương đúng đối tượng cần tìm hiểu bản chất vấn đề, đặt vào hoàn cảnh cụ thể, đối chiếu chuẩn mực xã hội, …

Kết bài

– Sự ghét thương vô cùng quan trọng “Đánh giá sai về một con người là làm khổ con người đó suốt đời” (Nam Cao).

– Con người cần phải biết ghét thương và ghét thương đúng đối tượng, đúng thời điểm.

Hướng dẫn soạn bài: bài viết số 2 ( Lớp 11 )

Hướng dẫn soạn bài: bài viết số 2 ( Lớp 11 )

Đề 2

Anh (chị) nghĩ gì về câu nói của Tuân Tử (313-235 TCN): “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn của ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”.

Mở bài

– Tuân Tử là một nhà tư tưởng lớn của nhân loại.

– Trích dẫn câu nói thể hiện quan điểm của Tuân Tử về thầy, bạn, kẻ thù.

Thân bài

– Giải thích khái niệm:

+ Thầy: Người hơn ta, có thể dạy dỗ ta nhiều điều ta chưa biết.

+ Bạn: Người ta có thể tin tưởng; sẻ chia, giúp đỡ ta lúc phú quý, vinh hoa cũng như khi bần hàn, gian khổ “Giàu vì bạn”.

+ Kẻ thù: Kẻ luôn muốn điều xấu đến với ta, muốn hại ta.

+ Chê phải, khen phải: Chê, khen đúng việc, đúng thời điểm, đúng lúc.

+ Vuốt ve, nịnh bợ: Những lời khen chỉ cốt làm vừa ý, lấy lòng người khác.

– Chứng minh câu nói của Tuân Tử:

+ Người chê phải là người thấy được cái sai của ta, có thể sửa cho ta, giúp ta nhìn thấy cái đúng: Đó là thầy ta.

+ Người khen phải là người không ghen tị với ta, có thể động viên, giúp đỡ ta: Đó là bạn ta.

+ Người vuốt ve, nịnh bợ ta khiến ta tự cao, tự đại, mờ mắt mà lầm đường lạc lối sẽ làm những việc sai trái, có hại…: Người đó là kẻ thù của ta.

– Suy nghĩ của cá nhân về vấn đề Tuân Tử nêu lên:

+ Đó là bài học lớn về đạo lí làm người, làm được là hết sức khó khăn.

+ Cần lưu ý chỉ “Chê phải, khen phải” mới là thầy là bạn; chê sai, khen sai thì không; còn dứt khoát “vuốt ve, nịnh bợ” thì thế nào cũng là kẻ thù.

+ Muốn làm được như lời Tuân Tử phải luôn luôn khiêm nhường, tự coi mình còn nhỏ bé, biết tự nhìn lại mình, tự phê bình.

+ Câu nói của Tuân Tử còn là một bài học về cách ứng xử, cách đánh giá con người trong cuộc sống: Con người phải có lối sống chân thành, biết “Chê phải, khen phải”; tuyệt đối không “vuốt ve, nịnh bợ” người khác.

Kết bài

– Câu nói của Tuân Tử có ý nghĩa sâu sắc, thâm thuý.

– Là bài học làm người, chỉ ra cho mọi người hướng hoàn thiện bản thân.

Đề 3

“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại,
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?”

(Tố Hữu – Dậy mà đi)

Viết bài văn bàn về thắng và bại; khôn và dại trong cuộc sống.

Mở bài

– Con người luôn khao khát chiếm lĩnh chiến thắng và sự khôn ngoan

– Giới thiệu quan điểm của nhà thơ Tố Hữu, trích dẫn hai câu thơ.

Thân bài

– Giải thích:

+ Chiến thắng: Hoàn toàn đạt được mục đích mong muốn.

+ Chiến bại: Bỏ ra nhiều công sức song không đạt được mục đích.

+ Khôn: Khéo léo, nhanh nhẹn, giả quyết tốt mọi vấn đề.

+ Dại: Làm những điều sai sót, gây hại.

– Giải thích ý thơ của tố Hữu: Cuộc sống của con người là hành trình khám phá thế giới và bản thân. Như một tất yếu: chẳng có ai chỉ có chiến thắng, khôn ngoan mà không thất bại, dại dột… “Con người còn sống là còn mắc lỗi”

– Suy nghĩ và quan niệm của cá nhân:

+ Không có chiến thắng tuyệt đối vì khát vọng của con người là vô cùng, tri thức nhân loại là vô hạn; không có thất bại hoàn toàn vì đằng sau sự thất bại ta lại có được nhiều bài học quý báu.

+ Cũng như vậy, không có khôn và dại tuyệt đối.Vấn đề là nhìn sự việc ở góc độ nào.

+ Mối liên hệ giữa chiến thắng và chiến bại; khôn và dại: Thất bại là mẹ thành công, “Mỗi lần ngã (dại) là một lần bớt dại (khôn lên).

– Đánh giá: Ý thơ thể hiện quan niệm đúng đắn, biện chứng về các vấn đề chiến thắng, chiến bại, khôn ngoan, dại dột.

– Rút ra bài học: luôn biết đứng dậy sau thất bại, biết nhìn lên để sửa chữa sai lầm…Và cũng biết khoan dung, độ lượng trước sai lầm của người khác.

Kết bài

– Trong cuộc sống, luôn có thắng – bại, khôn – dại.

– Con người phải học cách tiếp nhận để “Thắng không kiêu, bại không nản”.

Đề 4.

Suy nghĩ của anh (chị) về lời phát biểu của một nhạc sĩ:

“Năm hai mươi tuổi, tôi nói: “Tôi và Mô-da”

Năm ba mươi tuổi, tôi nói: “Mô-da và tôi”

Năm bốn mươi tuổi, tôi nói: “Chỉ có Mô-da”

Mở bài

– Cuộc sống của con người là hành trình tìm hiểu về con người và tìm hiểu về chính mình.

– Trích dẫn câu nói của người nhạc sĩ.

Thân bài

– Giải thích câu nói của nhạc sĩ:

+ “Hai mươi tuổi”, “Ba mươi tuổi”, “Bốn mươi tuổi”, theo thời gian, nhạc sĩ trưởng thành hơn về tuổi tác.

+ Những biến đổi về suy nghĩ:

. “ Tôi và Mô-da” là cách nói khẳng định bản thân: mình hơn Mô-da (Nhạc sĩ thiên tài người Áo).

. “Mô-da và tôi” là cách nói khẳng định Mô-da nhưng bản thân vẫn tài năng, chỉ đứng sau Mô-da.

. “Chỉ có Mô-da” là cách nói khiêm nhường, đề cao thiên tài, tự nhận thấy mình chẳng là gì cả.

+ Con người càng trưởng thành, càng hiểu rõ về giá trị của mình và của người.

– Tại sao lại như vậy:

+ Tuổi trẻ thường sôi nổi, bồng bột, thích khẳng định mình và thích mình được khẳng định, muốn được xã hội thừa nhận và ca ngợi (Dế Mèn của Tô Hoài).

+ Càng trưởng thành con người càng hiểu biết rộng hơn “Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”, đặt mình giữa mọi người sẽ hiểu hơn về mình, về mọi người.

– Suy nghĩ của bản thân:

+ Luôn khiêm nhường, học hỏi những người xung quanh.

+ Đánh giá người, đánh giá việc luôn đặt vào hoàn cảnh.

Kết bài

– Khẳng định bài học rút ra từ câu nói của người nhạc sĩ.

– Tầm quan trọng của việc khiêm tốn học hỏi, rèn luyện cá nhân.

Đề 5

Đức Phật dạy: “Giọt nước chỉ hoà vào biển cả mới không cạn mà thôi”.

Anh (chị) nghĩ gì về lời dạy trên? Viết bài văn bàn về vai trò của cá nhân và tập thể.

Mở bài

– Triết lí nhà Phật vô cùng thâm thuý, sâu sắc.

– Trích dẫn lời dạy của Đức Phật.

Thân bài

– Giải thích lời răn dạy:

+ Nghĩa đen: Một giọt nước riêng rẽ dễ bay hơi, khó tồn tại.

Triệu triệu giọt nước hoà thành biển cả thì bền vững “không cạn”

+ Nghĩa bóng: Mỗi cá nhân là một giọt nước, đứng một mình thì khó tồn tại và phát triển.

Con người phải biết hoà mình vào tập thể mới đứng vững, mới phát huy hết khả năng, mới có điều kiện để phát triển.

– Tại sao lại như vậy?

+ Cuộc sống có nhiều khó khăn, vất vả; một cá nhân không thể làm hết mọi việc, đáp ứng mọi nhu cầu.

+ Bước vào tập thể, con người học tập sẻ chia, giúp đỡ, động viên nhau; xây dựng tập thể vững mạnh trong đó mỗi cá nhân đều được đáp ứng nhu cầu.

+ Cá nhân và tập thể có mối quan hệ khăng khít: Cá nhân xây dựng nên tập thể, tập thể tạo điều kiện cho cá nhân phát triển.

– Dẫn chứng từ thực tế: Công cuộc lao động sản xuất chống thiên tai của dân tộc ta, quá trình chống giặc ngoại xâm, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc…

– Bài học rút ra cho mỗi cá nhân:

+ Hoà mình vào tập thể, chia sẻ, học hỏi, nếu cần phải biết hi sinh cho tập thể “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”…

+ Hoà nhập vào tập thể song không có nghĩa là hoà tan; cũng không có nghĩa là bóp nghẹt cá nhân, thủ tiêu sáng tạo cá nhân.

Kết bài

– Xã hội ngày một phát triển, yêu cầu hợp tác ngày càng cao, đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết gắn bó với tập thể; cá nhân cần được hiểu rộng ra là cá nhân mỗi vùng miền, mỗi dân tộc…trong mối quan hệ với đất nước, quốc tế…

– Trong quá trình hoà nhập phải biết giữ cá tính, bảo vệ truyền thống.

Thảo luận cho bài: Hướng dẫn soạn bài: bài viết số 2 ( Lớp 11 )