Bài học về: Cống hiến và hưởng thụ

Bài học về: Cống hiến và hưởng thụ

Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu:

Bài văn tham khảo về chủ đề: Cống hiến, hưởng thụ

1. “Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý” (Anh-xtanh)

2. “Con người trở nên vĩ đại theo mức độ họ làm cho đồng loại hạnh phúc” (Găng-đi)

3. “Đời người được đo bằng tư tưởng và hành động chứ đâu phải được tính bằng thời gian” (Mô-ri-sơn)

4. “Đã làm con chim, chiếc lá

Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

(Tố Hữu – Một khúc ca)

5. “Xin tạm biệt đời yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ, một nắm tro

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất

Sống là cho mà chết cũng là cho”.

(Tố Hữu – Bài thơ vĩnh biệt cuộc đời)

6. “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.” (Pavel Corsaghin, – nhân vật chính trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga – N.Ostrovsky)

7. Hai biển hồ

“Người ta bảo ở bên Pa-le-xtin có hai biển hồ. Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loài cá nào có thể sống nổi. Ai ai cũng đều không muốn sống gần đó. Biển hồ thứ hai là Ga-li-lê. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước trong biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, người có thể uống được mà cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này.

Nhưng điều kì lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Gioóc-đăng. Nước sông Gioóc-đăng chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Ga-li-lê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Gioóc-đăng rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú, con người.

Một định lý trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình : một ánh lửa sẻ chia là một ánh lửa lan tỏa, một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng. Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình, “sự sống” trong họ rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng biển Chết” (Theo Quà tặng cuộc sống)

8. Cống hiến và hưởng thụ

Sống ở trên đời, ai mà chẳng muốn hưởng thụ ? Hưởng thụ, đó là ăn ngon, mặc đẹp, là cuộc sống đủ đầy, là nhà lầu xe hơi, là gia thất đề huề, là bạc vàng châu báu… Mỗi một con người sống trên cõi đời này, ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc, ai cũng có quyền được hưởng thụ. Nhưng những thứ ấy chẳng bao giờ tự dưng mà có. Muốn có những thứ ấy, con người phải một đời chịu khó, quanh năm chiu chắt, suốt tháng tảo tần, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt (có khi phải đổ máu) mới giành được! Muốn có những thứ ấy, con người phải lao động. Phải lao động cật lực. Phải lao động hết mình. Phải lao động với một ý thức tổ chức kỷ luật cao, với một tay nghề giỏi giang và thành thạo, phải làm ra thật nhiều của cải vật chất, của cải tinh thần với những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, có giá trị sử dụng tốt nhất và giá thành hạ nhất. Lao động trước hết là để giải quyết vấn đề lớn nhất, vấn đề thường xuyên nhất, lâu dài nhất của đời sống. Đó là vấn đề ăn cho con người. Tục ngữ có câu “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Có làm thì có hưởng. Không làm thì không được hưởng. Nhưng thật buồn khi trên đời này còn có một số người lười nhác chỉ muốn ăn mà không muốn làm, chỉ muốn hưởng thụ mà không muốn cống hiến. Thậm chí có những người tuổi còn trẻ nhưng không chịu học hành, không chịu tu dưỡng rèn luyện, không chịu làm việc gì, chỉ lang thang lông bông đua đòi ăn chơi, chỉ tìm mọi cách để lừa lọc, ăn chặn, ăn cắp (thậm chí là ăn cướp) của người khác. Lại có những người lợi dụng chức quyền, lợi dụng danh nghĩa “người đầy tớ trung thành của nhân dân” để tham ô, tham nhũng, để đục khoét hàng tỉ đồng (thậm chí hàng chục tỉ đồng) công quỹ. Những con người ấy thực chất cũng chỉ là những kẻ ăn chặn, ăn cắp, ăn cướp mà thôi.

Bài học về: Cống hiến và hưởng thụ

Bài học về: Cống hiến và hưởng thụ

Các cụ ta xưa đã có câu “Của ông bà để trên gác, của chú bác để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ”. “Của phù vân” là của do cơ may (hoặc một nguyên nhân không do sức lao động của mình làm ra) mà kiếm được. Cái của ấy chỉ là thứ để ở ngoài ngõ, có thể mất bất cứ lúc nào. Huống chi là của do ăn chặn, ăn cắp, ăn cướp mà có… Những thứ ấy sẽ bị pháp luật Nhà nước và dư luận xã hội buộc phải trả về cho chính chủ của nó. Nếu vì lý do nào đó mà pháp luật chưa hoặc không xử lý, thì những kẻ sử dụng bất chính những thứ đó sẽ một đời ăn không ngon, ngủ không yên và chết không nhắm mắt được. Chỉ có những gì do mồ hôi nước mắt (và cả máu) của mình làm ra thì mới đáng quý. Những của cải vật chất và của cải tinh thần do mình làm ra không thể mất, không bao giờ mất được. Nó còn mãi mãi, trường tồn mãi mãi với phẩm giá của những con người lao động chân chính – những CON NGƯỜI viết hoa của chúng ta.

(Tạp bút : PHẠM MINH GIANG, Báo Hậu Giang)

9. Cho và nhận

Thế giới chúng ta đang sống thật muôn màu muôn vẻ và luôn chuyển biến xoay vần – trong đó, chúng ta ví như một hạt bụi, luôn trăn trở, băn khoăn về số phận của mình. Chúng ta có thể cho đi nhiều, làm việc nhiều, mơ ước nhiều, gom góp nhiều để có được cuộc sống ấm êm. Nhưng rồi, khi tất cả lắng xuống, có bao giờ bạn tự hỏi “ta cần gì từ cuộc sống?”… Sẽ có nhiều ý kiến đưa ra. Chúng ta có thể cần cha, cần mẹ, cần bạn bè, cần vật chất, cần tình yêu thương… tuy nhiên, chúng ta thực sự cần gì từ cuộc sống này? Câu trả lời rất đơn giản, đơn giản đến mức bạn sẽ bàng hoàng khi nhận ra nó. Đó là: cuộc sống của bất cứ ai đều chỉ cần “cho” và “nhận”.

Chúng ta thường nhìn nhận vấn đề bằng hai cách. Đối với cách nhìn bằng trực cảm, ta sẽ thấy cuộc sống có hai giai đoạn: thu nhận và cống hiến. Hai giai đoạn này chuyển biến giao thoa lẫn nhau. Như là, khi tiếp nhận đến một lúc nào đó sẽ thể hiện sự cống hiến; khi cống hiến đến lúc nào đó sẽ thể hiện sự tiếp nhận trở lại. Đối với cách nhìn bằng biện chứng, chúng ta lại thấy hai cung cách “cho” và “nhận” này diễn ra song song với nhau. Nhưng cái này có thể nổi trội hơn cái kia, điều đó tuỳ thuộc vào bản thân mỗi người có dám đối diện và nhìn nhận hay không. Quả thật, từ những giây phút chào đời đầu tiên, chúng ta đã cần sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, người thân, cần một nền giáo dục sơ sinh để rồi những gì chúng ta cho đi là niềm tin yêu, hy vọng lớn lao từ mọi người xung quanh. Lớn thêm nữa, bạn bắt đầu cần thêm trang phục, cần giáo dục học đường, giáo dục giới tính, nói cách khác, bạn cần tri thức. Bạn vẫn cần tình yêu, nó bao gồm tình cảm gia đình, tình cảm cộng đồng, tình bạn, tình yêu đôi lứa.

Bạn sẽ cho đi những gì? Bạn biết lo toan nhà cửa, biết tham gia hoạt động xã hội, biết thể hiện tình cảm của mình với mọi người. Tính chất đó nếu được giáo dục tốt sẽ có thể được phát huy theo chiều hướng tích cực. Con người đó có đủ khả năng tư lực, tự cường, tự chủ. Họ luôn mong muốn được cống hiến cho đến tận giây phút cuối đời và coi đó là lý tưởng, lẽ sống của mình. Và quan trọng hơn, họ cảm thấy nhận được nhiều hơn những gì họ mong đợi. Dân gian thường bảo: “Con tằm đến thác vẫn còn nhả tơ”. Thử nghĩ xem, “cho” và “nhận” có phải là điều cần thiết nhất trong cuộc sống hay không, khi một người suốt đời chỉ muốn thu nhận thật nhiều, thật nhiều để vun đắp cho riêng mình. Có thể người ấy sẽ được như ý muốn đấy, nhưng dần dần, sự ích kỷ không chịu cống hiến sẽ đẩy họ đến chỗ cô đơn và nhàm chán. Vì sao? Quá đơn giản, không gieo nhân không thể gặt quả, không “cho đi” sẽ không thể “thu nhận”. Đến một lúc nào đó, nhận ra, họ sẽ xiết bao sợ hãi và chới với trong khoảng trống mà mình đã tự chọn.

“Cho” và “nhận” trong cuộc sống này bao hàm rất nhiều. Chúng ta nhận về chúng ta những phần vật chất, tinh thần mà chúng ta cần, hoặc chính chúng ta sẽ cho người khác điều ấy không biết chừng! Ví dụ như, những đoàn cứu trợ, tình nguyện đến vùng sâu vùng xa. Họ cho đi gạo, tiền, quần áo, sách vở, đồng nghĩa với cho đi tình thương, nụ cười, lòng nhân ái. Họ nhận lại những đoá hoa, những cái bắt tay, ôm hôn nồng nàn cũng là nhận sự cảm kích, lòng tin yêu, sự ủng hộ, và chúc phúc cho tương lai họ từ bà con đồng bào. Kinh Phật có dẫn: đức Ca-diếp trong một lần đi hành khất đã dừng chân tại một túp lền rách của bà lão ăn xin. Bà bệnh nặng sắp chết. Không có gì để bố thí trong khi đức Ca-diếp nhất định không đi chỗ khác, bà đành đổ phần nước cháo đã thiu cho ngài. Lập tức bà được siêu sinh về cõi cực lạc. Đức Ca-diếp, ông nhận bát nước cháo, và cho đi sự từ tâm và sự hồi hướng phước đức đối với bà lão nghèo. Ý nghĩa thay!

Như vậy, sự “cho” và “nhận” trong cuộc sống này luôn là sự tồn tại tất yếu của con người.Do đó, khi chúng ta tháo gỡ được vấn đề này có nghĩa là chúng ta đã có ý thức tự nhìn lại mình và đã có thể tự trang bị cho mình tư thế sẵn sàng cho một cuộc sống đầy màu sắc “thu nhận” và “cống hiến”. Suy cho cùng, “cho” và “nhận” là những yếu tố quan trọng và đặc biệt cần thiết để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, đặt nền tảng cho tất cả mọi nhu cầu và quyết định sự thành bại cho tài năng, danh tiếng, gia tộc và nhân bản.

(Cao Thái Thanh – Bạch Mai thi đàn)

Thảo luận cho bài: Bài học về: Cống hiến và hưởng thụ